Thông báo
“Chờ tin mẹ đến hơi thở cuối cùng”
Ngày đăng: 23/04/2015 | Lượt xem: 1696
Kính gởi ban biên tập Chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…”
Tên tôi là Nguyễn Ngọc Thương, sinh năm 1953, thường trú tại Thanh Hóa. Vì tôi mắt kém, sức khỏe không tốt (bị dị tật từ nhỏ) nên tôi nhờ con gái tôi viết thư theo lời kể của tôi, gởi tới chương trình.
Lời đầu tiên, tôi xin gởi tới tất cả anh chị em trong Ban biên tập chương Chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…” lời chúc sức khỏe và lời cảm ơn sâu sắc, chân thành. Vì tất cả những việc làm của chương trình đã, đang và sẽ mang lại những phép màu, những hi vọng và niềm hạnh phúc lớn lao cho những mảnh đời không may li biệt được trở về bên vòng tay những người thân yêu. Nước mắt những con người bất hạnh đó tưởng đã cạn khô theo năm tháng chờ đợi trong mỏi mòn nhớ thương và tuyệt vọng bỗng ào tuôn rơi khi những người yêu thương đã trở về. Có nhiều trường hợp tôi cảm thấy hi vọng quá, mong manh vậy mà chương trình vẫn tìm thấy. Có lẽ, tất cả những vất vả, gian nan và tâm huyết, tình cảm của những người làm chương trình đã cảm động trời xanh hay là các anh chị là những bà tiên, ông bụt của thời hiện đại.
Hôm nay, tôi viết thư này nhờ Chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…” tìm giúp tôi bố mẹ và các anh chị em họ hàng của tôi. Vẫn biết hơn 50 năm là khoảng thời gian quá dài và lúc đó tôi lại còn quá nhỏ nên không nhớ được gì nhiều nhưng tôi cũng đã từng nghe một câu rằng “Con người không thể sống nếu không có hi vọng”, nên tôi vẫn hi vọng dù rất mong manh. Tôi xin kể lại câu chuyện chia ly của mình mong anh chị giúp.
Vào khoảng năm 1957, lúc đó tôi khoảng 4 hoặc 5 tuổi, tôi bị mọc rất nhiều mụn, mủ lớn ở mông bên phải nên tôi được một người phụ nữ, có thể là mẹ vì tôi chỉ nhớ người đó rất chăm lo cho tôi. Tôi bị tật gù lưng và nổi nhiều mụn to, đau nhức nên không thể ngồi xuống ghế. Người phụ nữ ngồi trên xe còn tôi đứng đối diện với người đó, có lúc tôi ôm cổ, còn bà ấy ôm tôi để tôi ngủ. Trên người tôi khoác chiếc chăn chiên nhỏ. Vì nhớ hình ảnh đó nên sau này tôi luôn nghĩ đó là mẹ tôi. Chúng tôi đi trên chiếc xe ô tô, loại xe nhà binh ngày xưa, để đến nhà thương tỉnh Thanh Hóa. Sau đó, tôi phải ở lại nhà thương để chữa bệnh, khoảng gần một năm. Thời gian đầu mới vào nhà thương thì hàng ngày có rất nhiều người mang đồ ăn và bánh kẹo đến thăm tôi. Sau đó, người đến thăm cứ thưa dần rồi không ai đến thăm tôi nữa. Tôi khỏi bệnh rồi cũng không thấy bố mẹ hay ai đến đón tôi về. Vậy là tôi cũng dần cảm nhận thấy hình như không ai cần mình nữa, có lẽ tôi tật nguyền xấu xí nên bố mẹ không cần tôi, không đón tôi về nhà nữa.
khóc chán rồi nín, tôi đi tìm, đi lang thang ra khỏi bệnh viện để tìm bố mẹ, tìm hoài không thấy, tôi quay lại bệnh viện, để chờ bố mẹ. Lúc đó, tôi còn quá nhỏ nên không biết phải làm gì, tôi cứ ở trong phòng không dám ra ngoài nữa vì sợ bố mẹ quay lại sẽ không tìm thấy mình. Tôi ở đó dường như rất lâu, không có gì ăn nên tôi xin những người vào viện để ăn chứ nhất định không ra ngoài. Có người rủ tôi về sẽ cho ăn no nhưng tôi vẫn không đi, tôi vẫn hi vọng bố mẹ sẽ quay lại đón mình về nhà. Có lẽ, đứa trẻ nào cũng nghĩ bố mẹ là người yêu thương mình nhất nên sẽ không bao giờ bỏ mình. Rồi đến một ngày, có người đàn ông đến đón tôi, bảo sẽ đưa tôi về với bố mẹ, nhưng người đó cõng tôi đi rất xa, cách nhà thương khoảng 25km và cho tôi làm con nuôi một gia đình hiếm con, là gia đình mẹ nuôi tôi bây giờ. Mẹ nuôi tôi phải trả cho người đàn ông đó một số tiền vì ông ấy nói là chi phí khi xin tôi ở nhà thương ra.
Tôi ở với gia đình bố mẹ nuôi thường bị đánh đập, khổ cực nhưng tôi không dám bỏ đi vì sợ lúc bố mẹ tìm tới lại không gặp mình. Tôi cứ thế sống và lớn lên trong tủi nhục, nhớ thương và hi vọng. Mẹ nuôi tôi đặt tên cho tôi là Thương vì xin tôi từ nhà thương, nhưng tôi vẫn còn nhớ tên tôi là Ưng, còn tên bố mẹ và họ hàng quê quán thì tôi không nhớ gì cả. Nhưng đặc điểm cơ thể tôi rất dễ nhận ra, nếu bố mẹ và người thân của tôi nhìn thấy nhất định sẽ nhận ra tôi. Người đàn ông xin tôi ở nhà thương về vẫn còn sống gần nhà tôi, có lẽ ông ấy biết được gì đó về tôi hoặc quê quán nhưng ông ấy không chịu nói với tôi, tôi vẫn giận ông ấy vì đã cõng tôi về nên tôi không nói chuyện với ông ấy.
Thật sự, sau mấy chục năm mòn mỏi tìm kiếm nay tôi đã hết hi vọng vì tuổi già sức yếu. Lúc trước, tôi luôn hi vọng và tưởng tượng ngày được gặp lại cha mẹ nhưng đến giờ mẹ tôi nếu còn sống cũng đã hơn 80 tuổi rồi, liệu bà có còn nhớ và tìm tôi không. Tôi tin rằng nếu mẹ đi tìm tôi thì sẽ dễ tìm thấy hơn là tôi đi tìm mẹ nhưng mẹ già rồi làm sao đi tìm được nữa.
Nay tôi nhờ các anh chị trong Ban biên tập chương trình tìm mẹ giúp tôi, tìm bố hay họ hàng cũng được để tôi một lần được về bên mẹ hay chỉ là thắp nén nhang lên quê mẹ thân thương. Gởi tất cả niềm tin và chút hi vọng cuối cùng đến các anh chị làm chương trình. Xin hãy giúp tôi – người đàn ông suốt đời gian nan, giành cả cuộc đời mình để tìm về với mẹ. Nhưng tuổi già sắp tới đích mà con đường tìm mẹ, tìm quê hương vẫn xa vời vợi, mịt mù.
Gởi mẹ yêu thương!
“Sáu mươi tuổi vẫn thấy mình nhỏ bé
Thèm một lần, vòng tay mẹ chở che”
Suốt cuộc đời, có khi nào mẹ có nhớ đến đứa con trai tật nguyền của mẹ đang lưu lạc hay không? Mẹ có từng nghĩ đến cảnh một đứa trẻ tật nguyền lang thang xin ăn nơi nhà thương, quần áo không mặc, chỉ quấn cái chăn mỏng của mẹ để lại. Con vẫn sống vất vưởng với niềm tin tuyệt đối là mẹ sẽ quay lại đón con. Nhưng gần sáu mươi năm đã trôi qua, niềm tin trong con dường như đã cạn dần, mái đầu con giờ tóc đã bạc nhưng mỗi nhớ mẹ trong lòng con chưa bao giờ nguôi ngoai. Con vẫn mơ được một ngày được trở về bên mẹ, bên gia đình để con được sống trong vòng tay mẹ dù chỉ một khoảnh khắc ngắn ngủi con cũng hạnh phúc lắm.
Nhiều lúc con giận bản thân vì sao không hình dung được khuôn mặt mẹ thế nào, con đau lòng lắm mẹ ơi! Gần sáu mươi năm, có phải là khoảng thời gian quá dài đối với sự chờ đợi của một con người không mẹ? Hãy về với con đi mẹ ơi, hãy cho con một lần nhìn thấy mẹ, được ôm cổ mẹ một lần như ngày thơ bé. Hãy ôm con vào lòng để cảm nhận được tình yêu thương của mẹ, vì với mẹ con vẫn mãi chỉ là đứa con bé bỏng mà thôi, phải không mẹ?
Chờ tin mẹ đến hơi thở cuối cùng. Con mãi yêu mẹ. Con trai lưu lạc của mẹ – Ưng.
“Đêm đông giá rét không quần áo
Đứa trẻ lang thang vẫn thét gào
Chân trần rướm máu trên sỏi đá
Biết ngã đường nào có mẹ yêu?”
Nguyễn Ngọc Thương, tức Ưng
Thanh Hóa
mong chú sớm tìm được mẹ