Thông báo

CỘI RỄ ĐƯỢC TRẢ LẠI

Ngày đăng: 10/05/2014 | Lượt xem: 1117

Câu chuyện trở về của một người phụ nữ Việt Nam đang sống cùng các con tại Mỹ, mất liên lạc với gia đình sau 39 năm với không ít lần quay về tìm kiếm trong vô vọng. Cho đến khi xem được thông báo tìm mình của người em gái mà bà yêu thương trên website http://haylentieng.vn của chương trình NCHCCCL. Để rồi 43 năm mưu sinh nơi đất khách quê người bà và các con đã có một nơi để đi về là quê hương, là gia đình bên ngoại của mình.

thông báo tìm kiếm bà Lê Thị Lập trên webite haylentieng.vn

Thông báo tìm kiếm bà Lê Thị Lập trên webite haylentieng.vn

Ra đi

Trước năm 1970, bà Lê Thị Lập khi đó còn là một phụ nữ trẻ kết hôn với một lính Mỹ đóng quân tại Việt Nam rồi sinh được một bé gái đặt tên là Annie tức Hiền Anh. Vợ chồng bà Lập sống cùng bố mẹ và 9 người em của mình tại khu gia binh Lê Văn Duyệt. Năm 1971, bà Lập cùng con gái theo chồng sang Mỹ sinh sống. Bà đâu ngờ được rằng chuyến đi này đã mở đầu cho một cuộc chia ly không thể tưởng tượng được.

Chị em vẫn thường xuyên liên lạc, lần cuối cùng bà được nói chuyện với em gái mình là vào tháng 4/1975. Khi đó, bà lập có ý định về Việt Nam đón mẹ và các em sang Mỹ nhưng bà đang mang bầu 8 tháng nên đành phải ở lại. Người chồng của bà, ông Boklack đi thay bà, nhưng chỉ đi được đến đảo Guam lại đành quay về. Đến sau ngày giải phóng, những người bạn của bà Lập tại Việt Nam cũng lần lượt theo chồng sang Mỹ định cư nên bà Lập cũng mất liên lạc với em gái và người thân của mình từ ngày đó. Bà may mắn vì có người chồng thương yêu mình, cuộc sống gia đình đầy đủ, sung túc, nhưng gia đình của bà thì không thể nào bà có thể quên được. Lúc nào bà cũng nghĩ về họ trong sự tiếc nuối và đau đớn khi không biết bao giờ được gặp lại.

Bà Lập và hai con tại Mỹ

Bà Lập và hai con tại Mỹ

Nỗi đau đớn cứ thúc giục để những chuyến trở về của bà luôn mang theo niềm hi vọng sẽ được gặp đại gia đình của mình tại quê nhà. Lần cuối cùng bà về Việt Nam là vào năm 1996, hành lý vỏn vẹn có 2 bộ quần áo suốt 1 tháng trời. Về đến sân bay, nhìn xung quanh có người thân đưa đón mà bà gạt nước mắt bước đi. Những đêm cô đơn trên chính quê hương của bà, nhưng những nơi có thể đi, gặp những người quen có thể biết được gia đình của bà đang ở đâu bà Lập đều đã làm nhưng tin tức về người thân của bà vẫn mịt mờ.

Cô đơn nơi xứ người

Chuyến đi này làm bà mất tất cả hi vọng và suy sụp rất nhiều. Cũng từ ngày đó, bà không còn nghĩ đến chuyện trở về Việt Nam, cũng không còn nghe nhạc Việt Nam để có thể tạm quên đi cha mẹ và các em của mình.

Nhưng làm sao có thể quên được, khi hằng ngày bà vẫn nấu những món ăn Việt Nam cho các con, hay những bức hình trắng đen của em gái được bà cất giữ cẩn thận. Thỉnh thoảng, bà lại mang ra xem rồi rơi nước vì những lo toan rất đời thường của một người con gái lấy chồng xa khi không biết  được cuộc sống của cha mẹ thế nào. Những lo lắng yêu thương đó, bà truyền cả cho hai người con gái của mình Annie và Tammy.

bà Nga và em trai chụp cùng Annie năm 1971

Bà Nga và em trai chụp cùng Annie năm 1971

Annie rời Việt Nam khi hơn 1 tuổi, qua những câu chuyện và hình ảnh của mẹ, cô ít nhiều hình dung được những người bà con của mình nơi quê nhà. Còn Tammy được sinh tại Mỹ được bà Lập đặt tên là Tammy Nga Boklack. Bà lấy tên em gái để đặt cho cháu như một sự nhắc nhở về cội nguồn của bà Lập dành cho các con của mình.

Hai người con gái lớn lên chỉ biết họ hàng bên ngoại qua lời kể của mẹ, hay qua những món ăn Việt Nam mà bà Lập vẫn nấu hằng ngày. Thế nhưng họ chưa bao giờ quên cội nguồn của mình. Họ luôn hỏi về những người bà con của mình khi có thể, học nấu những món ăn Việt Nam, và họ nghĩ về tương lai họ được trở về Việt Nam nếu tìm được dì Nga và họ hàng bên ngoại của mình.

Có thể chính sự nhắc nhở này mà hai con gái của bà đã nhận ra hình ảnh bà Nga, bà Lập trên website của chương trình. Để rồi họ chờ đợi từng ngày để được trở về với cội nguồn của mình.

Bà Lập cùng con gái và bạn trước khi đoàn tụ

Bà Lập cùng con gái và bạn trước khi đoàn tụ

Cội rễ được trả lại

Cách đó nửa vòng trái đất, bà Lê Thị Nga cũng đang đi tìm chị gái là Lê Thị Lập cùng hai người cháu gái của mình là Annie và Tammy. Mất liên lạc với chị gái từ sau ngày giải phóng. Bà luôn nhớ đến lời nhắn cuối cùng của chị gái mà mình nhận được: “Let’s call me” để rồi hơn 40 năm không một tin tức. Trong suy nghĩ của mình, bà vẫn không dám tin mình sẽ có cơ hội gặp được chị gái và các cháu khi những biến cố xảy đến buộc gia đình phải di chuyển nhiều nơi. Từ khu gia binh Lê Văn Duyệt, họ chuyển đến gần nhà ngoại ở Tân Phú, rồi đi kinh tế tự túc ở Trảng Bom, Đồng Nai. Đến năm 1980, sau khi cha mất, cả gia đình lại lần nữa chuyển hẳn về quê ngoại tại Cam Ranh cho đến nay. Về phần mình, bà Nga lập gia đình rồi cũng theo chồng đi làm ăn ở nhiều nơi, mãi đến năm 2010 mới trở lại Tp.HCM.

Trong suốt thời gian qua, bà Nga vẫn thường quay lại những nơi ngày xưa, tìm gặp những người quen cũ chỉ hi vọng biết được chút ít tin tức của chị gái và các cháu. Thế nhưng tin tức của gia đình chị gái vẫn bặt tăm. Cũng từng ấy thời gian, bà Nga luôn nghĩ về đứa cháu gái Annie mà bà từng chăm sóc ẵm bồng. Bà đếm từng năm và tự ước chừng cháu mình đã lớn như thế nào. Biết rằng cháu gái được mẹ chăm sóc, nhưng bà Nga vẫn có những lo lắng cho đứa cháu gái yêu thương của mình. Nhất là khi con cháu trong nhà lập gia đình, sinh con, bà không biết chị mình sẽ chăm sóc cho các cháu thế nào…. Mỗi lần nghĩ đến bà Nga và mẹ lại rơi nước mắt trong sự bất lực của bản thân.

Gia đình bà Nga đến trường quay để chia sẻ câu chuyện chia ly của gia đình

Gia đình bà Nga đến trường quay để chia sẻ câu chuyện chia ly của gia đình

Bà Nga quyết định đăng ký tìm chị gái với chương trình NCHCCCL và may mắn đã mỉm cười với bà. Chị gái, và hai người cháu đã trở về ngay khi được chương trình liên hệ. Lần đầu tiên Annie quay lại Việt Nam và lần đầu tiên Tammy gặp được dì cùng những người họ hàng ruột thịt của mình. Họ vẫn luôn nghĩ để nhau, tìm nhau để rồi thời khắc này đây họ đã được ở bên cạnh nhau. Cũng từ ngày hôm nay, bà Lập và các con đã có một nơi gọi là quê hương để đi về.

Mấy chị em bà Lê Thị Nga xúc động khi nhìn thấy hình ảnh của chị gái

Mấy chị em bà Lê Thị Nga xúc động khi nhìn thấy hình ảnh của chị gái

baiviet7

_MG_3019-002

baiviet8
Một số hình ảnh đoàn tụ của gia đình bà Lê Thị Nga tại trường quay

Bài: Thái Quỳnh

Ảnh: Hoàng Mai – Thành Sơn

one response

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *