Báo chí Thông báo

BTV Thu Uyên: ‘Như chưa hề có cuộc chia ly dừng sóng, trách nhiệm thuộc về tôi’

Ngày đăng: 15/07/2020 | Lượt xem: 1012

Nhà báo Thu Uyên cho biết, chị hiểu những khó khăn của VTV, và trong việc “Như chưa hề có cuộc chia ly” bị đứt quãng, chị cảm thấy trách nhiệm thuộc về mình.

Sau khi “kêu cứu” để “Như chưa hề có cuộc chia ly” có thể được phát sóng trở lại sau thời gian ngừng vì hết tiền, nhà báo Thu Uyên cho biết chương trình nhận được sự ủng hộ tài chính từ cộng đồng trong những ngày qua.

– Khi “Như chưa hề có cuộc chia ly” tuyên bố dừng phát sóng, nhiều người nổi tiếng, khán giả lên tiếng kêu gọi giữ lấy chương trình. Là người gắn bó với chương trình 13 năm, cảm xúc của chị thế nào?

Đội ngũ chúng tôi nhiều người gắn bó với Như chưa hề có cuộc chia ly (NCHCCCL) cũng 10-13 năm. Hai đại tá trước khi làm việc tại Bộ Công A từng nghiên cứu và tra cứu hồ sơ do NCHCCCL gửi sang với tinh thần tình nguyện. Khi về hưu, các anh lại tình nguyện về với NCHCCCL, làm công tác tìm kiếm.

Mấy bạn biên tập và hành chính cũng vậy. Chúng tôi gắn bó với nhau như một nhà, vì đều yêu tha thiết công việc thiện nguyện NCHCCCL. Chúng tôi có những khán giả, người theo dõi, người ủng hộ rất gắn bó, cũng vì tinh thần nhân văn của NCHCCCL. Nhưng khi cùng một lúc được nhận nhiều lời nói và hành động ủng hộ như vậy, chúng tôi vẫn bất ngờ và rất biết ơn.

– Khi chia sẻ thông tin dừng phát sóng NCHCCCL, chị có nghĩ sẽ nhận được nhiều tình cảm của khán giả như bây giờ?

NCHCCCL là hoạt động cường độ rất cao, diễn ra ngày này qua ngày khác, không kể lễ tết, ngày nghỉ. Thực lòng chúng tôi không có thời gian để kể về NCHCCCL với mọi người; cũng không coi công việc tìm kiếm, đoàn tụ và kể những câu chuyện nhân nghĩa của mình là cái gì đặc biệt. Thậm chí, nhiều lúc đọc comment, thư của khán giả gửi về, hay đi phỏng vấn các nhân sĩ, người nổi tiếng, thấy họ nói về ý nghĩa của NCHCCCL, chúng tôi mới thấy, à hóa ra công việc của tụi mình có giá trị vượt ra ngoài chuyện đoàn tụ đơn thuần như vậy đấy!

– Nhiều người nổi tiếng, khán giả, ngay cả chị cũng ủng hộ tài chính cho chương trình. Chị có cho rằng đây là giải pháp lâu dài để duy trì NCHCCCL?

Những khoản tiền đóng góp cũng như các khoản hỗ trợ hào hiệp, nghĩa khí từ các anh chị nghệ sĩ đã giúp NCHCCCL “phục sinh” lúc này. Chúng tôi rất trân trọng và biết rằng không có gì trả ơn được. Chúng tôi chỉ biết cố hết sức để nâng cao hiệu quả của việc tìm kiếm – đoàn tụ và lan tỏa hiệu ứng của các câu chuyện nhân nghĩa này.

Điều mà chúng tôi trông đợi là NCHCCCL một khi được đỡ dậy, công đồng hãy chung tay nuôi nấng nó. Vì NCHCCCL không phải là show diễn hàng tháng mà trước hết nó là hoạt động xử lý thông tin, tìm kiếm và hoạt động thực địa hàng ngày, hàng giờ. Vì vậy, NCHCCCL cần có sự ổn định, cần có giải pháp lâu dài như thành lập quỹ, vận động sự chung tay vì trách nhiệm xã hội (CSR) của các doanh nghiệp.

– 13 năm duy trì NCHCCCL là nỗ lực không nhỏ của chị và ê-kíp. Nếu chương trình phải dừng lại, điều gì khiến chị tiếc nuối nhất?

Không còn chúng tôi, sẽ có những người khác bắt tay vào công việc tìm kiếm – đoàn tụ, chỉ là không biết nó có hoàn toàn miễn phí hay không, có kỹ năng tốt hay không, có quên mình vì những người bị ly tán hay không.

30.000 hồ sơ đang trong quá trình tìm kiếm sẽ phải đóng lại. 80.000 hồ sơ đã lập sẽ phủ bụi, chẳng có ích cho những người còn thất lạc thân nhân. Và, đội ngũ tuyệt vời 12 anh chị em của chúng tôi sẽ không còn được làm công việc say mê, hợp sở trường này nữa.

Ở đâu có nhu cầu, ở đó sẽ có đáp ứng. Không còn chúng tôi, sẽ có những người khác bắt tay vào công việc tìm kiếm – đoàn tụ. Chỉ là không biết nó có hoàn toàn miễn phí hay không, có kỹ năng tốt hay không, có quên mình vì những người bị ly tán hay không.

– Trên mạng có những người nói chị “ăn tiền” khi làm chương trình, cảm xúc của chị khi đọc những dòng đó? Chị có tính tới những biện pháp bảo vệ mình?

Những lời vu khống xấu xa này xuất phát từ 5 năm trước, khi ê-kíp Trở về từ ký ức và tôi “đánh” những kẻ đội danh ngoại cảm để lừa đảo các thân nhân liệt sĩ. Từ khi đó, tôi biết rằng để làm được việc mình cần phải làm là giúp các thân nhân liệt sĩ có chỗ dựa khác – phương pháp thực chứng – trong việc tìm hài cốt liệt sĩ, đồng thời đưa những kẻ lừa đảo ra trước pháp luật, tôi phải đừng bận tâm và tốn thời gian giải thích về động cơ trong sáng của mình.

Khi làm được việc cần làm, tôi tuyên bố làm xong vi bằng để khởi kiện kẻ vu khống, họ lập tức tuyên bố đầu hàng trên trang cá nhân của họ.

Nay cũng vậy, tôi biết là đứng mũi chịu sào thì phải vượt qua trước tiên là những lời vu khống. Nhưng ngay lúc này, tôi cần vận dụng mọi sức lực của mình để cùng đội ngũ vượt qua khó khăn, tạo nền tảng ổn định để NCHCCCL đủ sức phục vụ lâu dài trước khi tôi cạn sức. Xong rồi, tôi sẽ quay trở lại giải quyết việc này. Đến độ tuổi như tôi, chẳng có gì quan trọng bằng nhân cách của chính mình.

– Ở Nga cũng có chương trình tìm kiếm người thân mang tên Жди меня với sự tài trợ của một cơ quan của chính phủ. Trong khi đó, NCHCCCL lại được thực hiện dưới hình thức xã hội hóa. Chị có thấy chạnh lòng vì điều này?

Tôi nghĩ thật là một cách làm tuyệt đẹp khi nhà nước đặt hàng nhân dân làm những việc có ích cho xã hội. Đây là một hình thức hiệu quả trong việc quản lý nhà nước ở khắp nơi trên thế giới.

– Nhà Biên kịch Trịnh Thanh Nhã, người từng thực hiện các chương trình “Lục lạc vàng”, “Vượt lên chính mình” nói rằng, hiện tại không nhà sản xuất nào có thể kiếm lợi nhuận khi thực hiện các chương trình truyền hình, những chương trình thiện nguyện, có ý nghĩa xã hội, nhân văn. Chị nghĩ sao về điều này?

Khi thực hiện NCHCCCL, chúng tôi không nghĩ tới lợi nhuận. Tuy nhiên, từ những khó khăn mà NCHCCCL phải đối mặt, chúng tôi có thể hình dung được những khó khăn của các chương trình truyền hình khác.

Truyền hình là cuộc chơi rất lớn, nó tác động đến hàng triệu người xem cùng lúc, ngay lập tức và chính thống. Chúng tôi vẫn ước duy trì được sóng truyền hình cho NCHCCCL.

Giám đốc Kênh Truyền hình Việt Nam tại Khu vực Nam Bộ VTV9, ông Lâm Tư, luôn tạo điều kiện cho chúng tôi có sóng. NCHCCCL vốn là chương trình có rating cao trên VTV9 nhưng vẫn chỉ gọi quảng cáo, không xin được tài trợ. Tôi hiểu thị trường quảng cáo trên truyền hình không mặn mà với những chương trình mang tính từ thiện, nhân đạo; hoặc là chính chúng tôi đã chậm thay đổi để vẫn có chân trong thị trường đó.

– Chị nghĩ sao về quan điểm cho rằng cơ quan chính phủ, VTV có nhiệm vụ hỗ trợ những chương trình kiểu NCHCCCL? Chị từng nghĩ tới phương án nhờ các cơ quan này hỗ trợ chưa?

Tôi thầm mong được hậu thuẫn nhiều hơn, nhưng tôi là người trưởng thành trong chiếc nôi VTV nên rất hiểu những việc to lớn mà VTV đã làm cho ngành Truyền hình Việt Nam, hiểu những thách thức và khó khăn của Đài. Nếu không phải VTV năm 2003 có chủ trương xã hội hóa thì không thể có hoạt động đoàn tụ và tìm kiếm người thân NCHCCCL này.

Áp dụng chủ trương xã hội hóa mà lại đi theo con đường chông gai, khi không hoàn thành nhiệm vụ vừa sản xuất vừa kêu gọi tài trợ và quảng cáo, tôi cảm thấy trách nhiệm thuộc về mình trong sự đứt quãng chương trình truyền hình có ích cho xã hội này.

Nguồn: VTC NEWS

(https://vtc.vn/btv-thu-uyen-nhu-chua-he-co-cuoc-chia-ly-dung-song-trach-nhiem-thuoc-ve-toi-ar557271.html)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *