Khán giả

“MONG MỘT LẦN LẠI ĐƯỢC MẸ ÔM VÀO LÒNG”

Ngày đăng: 26/10/2013 | Lượt xem: 1487

post

Bà Từ Thị Ngọc Hân

Mẹ ở đâu? Con đang tìm mẹ? Có ai hiểu thấu cho lòng tôi, một người con tóc giờ điểm bạc vẫn còn đau đáu nỗi lòng xót thương phận mình, xót thương phận mẹ…

Nào đâu biết bà còn hay mất…

Câu chuyện của tôi xin đi ngược lại với thời gian của hơn 60 năm về trước. Vào mùa đông năm 1949, tiếng khóc chào đời cất lên từ gian nhà ngói đơn sơ gần chợ Mơ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Một người mẹ trẻ đau đáu nhìn đôi mắt thơ ngây của con mà ruột rối tơ vò. Bà sinh tôi ra trong sự ngang trái của cuộc đời. Bà trót yêu bố tôi – người đã có vợ, có con, một tình yêu giấu diếm vụng trộm. Bố tôi phải che dấu cho mẹ tôi bằng những lời nói không đúng sự thật nhưng trong lòng mang đầy sự dày vò đau khổ. Sự thật đó mãi sau này tôi mới hiểu, lại càng thương mẹ hơn, mẹ chịu đựng điều tiếng thị phi của dân làng. Mẹ tôi chấp nhận điều đó, vậy là tôi trở thành con mà không được nhận dòng máu của bố. Bắt buộc bố phải nói dối như vậy cho vợ cả của bố tôi hài lòng, tất cả đều tin là sự thật… tôi không phải con bố.

Rồi một ngày tháng 10/1950, bố bàn với mẹ trốn đi Nam, mẹ chờ bố ở cảng Hải Phòng. Sau nhiều đêm đắn đo suy nghĩ, bố quay trở về với gia đình cha mẹ, vợ con của bố, một mình mẹ tôi trên con tàu lênh đênh trong vô vọng. Tiếng gào thét của sóng dữ hòa trong tiếng gọi thất thanh của mẹ tôi khi nhìn thấy bố đứng trân trân trên bờ, mặc cho hai dòng nước mắt cứ rơi và con tàu lao sóng ra phía trước. Cuộc ra đi đã không thành và bố mẹ tôi đã chia tay như thế.

Ngày đó tôi còn quá nhỏ làm sao hiểu được, mãi sau này khi khôn lớn tôi mới hiểu rõ sự việc ngọn ngành. Tôi tìm về Dương Liệt, Hưng Yên quê tôi, người đầu tiên tôi gặp là chị Kẹo – người chị họ xa của tôi (kém mẹ tôi 5 tuổi). Chị kể: “Ngày mẹ em ra đi chị hiểu và rõ hơn ai hết, em khi đó mới được 7 tháng tuổi, mẹ em đến nhà chị pha một bình sữa và nói: “Chị đi, chị pha sẵn cho cháu khi nào cháu đói em cho cháu ăn giúp chị, chị đi chợ đến trưa mới về ”. Nói rồi mẹ đặt bình sữa ở bàn, trưa hôm đó sau khi tu hết bình sữa lần thứ 3 thì đã quá trưa mà không thấy mẹ tôi về. Chị Kẹo vội ẵm tôi đi khắp hàng xóm để xin bú cho tôi, tôi vẫn khóc, ngậm vào rồi lại nhả ra, tôi chỉ quen hơi sữa mẹ tôi thôi. Bà Kẹo ôm chặt tôi vào lòng mà xót thương em quá, nước mắt bà nhỏ xuống má tôi từng giọt, tôi khóc càng dữ dội.

Tôi xa mẹ từ đó… năm 1951, 2 tuổi rồi tôi đã biết đi nhanh thì bất chợt mẹ lần trở về sau chuyến đi không thành, mẹ về đến làng mà không dám thăm con, mẹ dò hỏi biết tôi đang chơi nhà bà Miên (chị họ với bố tôi), đó là một buổi trưa nắng gắt, mẹ nhìn trước, nhìn sau rồi chạy thẳng vào nhà bác, bác nhìn thấy bảo: “Trời ơi! Sao đi đâu, bỏ con mà giờ mới về?”. Mẹ tôi vội gục xuống váy bác: “Chị ơi! Em khổ lắm, thương cháu lắm, chị cho em ôm cháu một tí”. Nói rồi bà ôm chặt tôi vào lòng. Tôi ngơ ngác, khóc thét không cho mẹ bế, bác dỗ tôi: “Nín đi con, mẹ con đấy!” Rồi như linh tính mách bảo, tự nhiên tôi lại ngơ ngác nhìn mẹ, mẹ ôm chặt tôi hơn. Bà lôi từ chiếc túi vải 1 con thỏ gõ trống, 1 con chuột máy bé xíu. Mẹ nhìn tôi bảo: “Con ở nhà ngoan nhé! Nghe lời bác, mẹ đi chợ lấy tiền nhiều để mua quà cho con”, nói rồi mẹ lại khóc. Tôi ôm tất cả đồ chơi và nép vào lòng mẹ, sau đó mẹ xách túi nhìn trước, nhìn sau rồi vừa đi vừa chạy. Mẹ phó mặc tất cả, đem theo nỗi đau khôn cùng…

Ngày ấy tôi gầy lắm, người ngẳng ra như dải khoai nước. Bác kéo vào lòng an ủi: “Cháu ngoan nhé! Mẹ cháu đi rồi lại về mua quà cho cháu”. Rồi 2 năm sau mẹ trở lại quê nhà. Chiều 30 tết năm 1953, tôi đang tha thẩn chơi nhà bà Miên, linh tính như mách bảo, tôi ngước nhìn ra sân có tiếng dép lẹp xẹp, mẹ lại gần ôm tôi vào lòng. Khi đó, bác tôi vừa sinh chị thứ 4, nhìn thấy bóng mẹ tôi thấp thoáng sau cánh liếp khép hờ, bác gọi: “Có phải thím Là không?” Mẹ rón rén: “Chị ơi! Em vào với cháu nhé.” Bác trách sao đi lâu thế không về thăm con, giờ nó đã 4 tuổi rồi. Mẹ luống cuống chạy tọt vào trong nhà và nói: “Chị ơi! Chị nói bé thôi em tranh thủ về thăm cháu không được lâu đâu, cho em gửi ít tiền, chị cầm giúp em đưa bà nội cháu, còn đây là tiền em mừng tuổi cho 4 cháu con chị”. Nói rồi mẹ lấy ví ra đưa bác, mẹ ôm bác thổn thức: “Em biết em có lỗi với con nhiều, làm thế nào hả chị – đời em bây giờ là đời bỏ đi rồi, chỉ thương cháu”. Mẹ sụt sùi rồi vội vã bước đi giữa chiều 30 mưa phùn lất phất, cái lạnh như hòa tan trong nỗi lòng của mẹ, mẹ đi rồi chắc lòng mẹ đau lắm…Bác nói: “Mẹ cháu hứa lần sau về sẽ mua cho cháu 1 cái vòng bạc để kỵ gió cháu ạ”. Vậy mà mẹ tôi từ bấy đến nay sống ra sao, còn hay mất? Tôi đâu cần vòng bạc, tôi chỉ cần mẹ thôi.

Viết đến đây mà lòng tôi thắt lại. Thương phận mẹ, thương phận tôi, năm tháng cứ trôi theo thời gian, mẹ tôi vẫn chưa xa rời tôi, khi ẩn, khi hiện. Năm tôi lên 5, thím Đông – người trong họ nhà nội tôi đi bán hàng ở chợ Mơ, đang bán chợt có người nói: “Chị ơi! Cho em mua nải chuối này, bao nhiêu hả chị? Năm hào thôi cô ạ”. Thím ngước lên trả lời thì thấy người phụ nữ ấy rất quen.  Từ dáng đi, cái miệng và nhất là cái ve bên trái. Cái ve của chị ấy không lẫn vào đâu được, nhưng ăn mặc đẹp rất đẹp. Áo dài trắng, nhẫn vàng lấp lánh ở tay, không sai. Đúng là chị Là. Thím lắp bắp… mẹ đang cầm nải chuối trên tay vội rời ra, rơi thịch xuống đất. Thím bảo: “Này chị ơi! Con chị lớn lắm rồi, về nhà với nó đi”. Mẹ không nói gì, chỉ kịp đặt tờ 5 hào xuống gánh hàng của thím, chẳng kịp lấy nải chuối rồi lẩn vào đám đông.

Trời ơi! Là mẹ của tôi đấy ư? Nghe thím kể mà lòng tôi đau thắt, mẹ tôi bằng xương bằng thịt vẫn quanh quẩn bên tôi, vậy mà sao không về với tôi, 1 đứa con mới 5 tuổi đầu, có nổi đau nào khi mẹ bỏ tôi như vậy. Tôi đã bao lần tìm kiếm mẹ bằng thông tin trên báo, bằng mọi cách, tìm về Duy Tiên, Hà Nam quê mẹ. Tôi phải làm thế nào? Đã hơn 60 năm rồi, cô dì chú  bác của tôi, họ hàng của tôi, tôi vẫn luôn đi tìm bà. “Mẹ ơi! Hãy về với con! Mẹ còn hay mất? hãy cho con một tin dù chỉ là ngọn lửa mong manh, con vẫn thắp sáng để cho con được thấy mẹ, cho dù đầu con giờ đã 2 thứ tóc, con vẫn nhớ mẹ. Vẫn muốn được ôm mẹ, muốn tìm chút hơi ấm của mẹ… như bao người con khác”.

Các bạn ơi!

Những ai còn mẹ, đừng làm mẹ buồn, không có mẹ làm sao có chúng ta.

Những ai đang làm mẹ, hãy thương nhiều đến con

Và những ai không còn mẹ, hãy luôn hướng về mẹ.

Câu chuyện tìm mẹ của tôi xin được chia sẻ cùng bạn đọc và biết đâu ở phương trời nào mẹ của tôi còn sống! Tôi mong gia đình, cô dì chú bác, biết được thông tin này. Tôi luôn đau đáu một niềm tin về mẹ. Ai biết được thông tin mẹ tôi “Nguyễn Thị Là, khoảng 83 tuổi, có 1 ve mắt bên trái, người Duy Tiên, Hà Nam”. Xin các bạn thông tin về chương trình “ Như chưa hề có cuộc chia ly”.

Tôi xin chân thành cảm ơn. Hãy giúp tôi tìm lại mẹ!

Một người con khát khao tìm mẹ!

                                                                                                Từ Thị Ngọc Hân

 Hoàng Mai, Hà Nội

}

2 responses

  • Le Huyen Nguyen says:

    chào cô! tâm trạng cháu cũng như cô, nhà cháu cũng ở gần chợ mơ, mẹ cháu sinh ra cháu ở Nhà hộ sinh B và bà đã bỏ đi đến nay không có tin tức gì, đôi khi tự hỏi không biết bà có bao giờ nhớ tới mình, muốn tìm mình hay không, mẹ của cô đã quay lại tìm cô, vậy là hạnh phúc rồi, cháu cũng chỉ mong một lần như thế, cháu sẽ chia sẻ bài của cô cho mọi người đọc để họ đưa thông tin này đi, biết đâu điều kỳ diệu đó sẽ đến với cô.
    hằng ngày cháu vẫn lên internet xem có bà mẹ nào đăng tin tìm lại con gái không? mà thiết nghĩ những bà mẹ đó đã có gia đình, họ không muốn đánh đổi điều đó, cháu chỉ mong bà đứng từ xa nhìn cháu, như mẹ cô đã nhìn cô, vậy cũng là hạnh phúc rồi, con hãy tìm mẹ, và mẹ hãy tìm con, thời gian không chờ đợi chúng ta…
    chúc cô tìm được người mẹ thân yêu của mình!

  • Mui A Hong says:

    Hồ sơ tìm mẹ của cô thật cảm động. Ba của con cũng đang tìm bà nội ruột và ba cũng giống như hoàn cảnh của cô vậy, ông mới có vài tháng tuổi vào khoảng năm 1967/ 1968 đã bị mẹ cho làm con nuôi tại gần ga xe lửa Song Mao- Bình Thuận. Vì thế con biết được nổi lòng của cô bây giờ. Mong cô và mẹ sớm ngày gặp lại nhau và tất cả những gia đình như chúng ta cũng sẽ được đoàn tụ cùng gia đình, chúc cô mọi sự đều gặp may mắn…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *