Khán giả

Mãi là người Việt Nam

Ngày đăng: 11/11/2008 | Lượt xem: 1119

Trong nhiều thư  gửi về [email protected], chúng tôi tìm thấy một email viết bằng tiếng Anh, ký tên Nathan Duc Phu Pham – một trong số trẻ em Babylift. Có vẻ đây chưa thật đủ thông tin để coi là một thông báo tìm kiếm. Nhưng tình cảm tha thiết trông ngày đoàn tụ thì tràn đầy. Đoàn tụ với Mẹ, với Quê hương. Được sự đồng ý của Nathan Duc Phu, chúng tôi xin chia sẻ với quý khán giả lời tâm sự của anh.

Tôi sinh ra ở Việt Nam trước 1975, rồi được đưa sang Mỹ trong chuyến bay ngày 30/04/197 khi hai miền Nam Bắc thống nhất. Một gia đình người Mỹ ở Minnesota đã nhận nuôi tôi, sau đó cùng với họ, tôi chuyển đến New York sinh sống đến năm tôi 30 tuổi. Rồi một mình tôi chuyển đến Béclin (Đức) là nơi tôi đang sống và làm việc hiện nay. Lần đầu tiên tôi trở lại Việt Nam là năm 2005 cùng với nhiều người khác có cùng cảnh ngộ như tôi, để kỷ niệm 30 năm ngày kết thúc chiến tranh, ngày chúng tôi rời quê hương khi trong đầu còn chưa có một khái niệm gì về hai chữ ấy.

Lần đầu tiên trở lại, tôi đã hy vọng sẽ tìm được những thông tin để tôi có thể hiểu rõ bản chất của sự việc đã diễn ra trong thời điểm ấy, để nhìn, để tìm xem ai có ai đó giống mình không. Ai đó có thể giúp tôi tìm lại được gia đình hàng xóm nơi tôi sinh ra? Tôi đã mua rất nhiều sách báo nói về Việt Nam, về những thay đổi trong suốt 30 năm ấy.

Tôi chỉ có được duy nhất 1 tờ giấy cho biết tôi xuất thân từ Cô nhi viện Good Sheppard ở Sài Gòn. Theo như đó, tôi được các sơ ở Cô nhi viện nhận nuôi thì tôi mới khoảng 10 hay 11 tháng tuổi. Ai đó đã nhặt được tôi ven sông Sài Gòn và mang vào Cô nhi viện gửi. Còn nguồn gốc trước đó thì không rõ. Và tên tôi trên tờ giấy mà Cô nhi viện làm cho là "Duc Phu Pham". Tờ giấy này đã theo tôi suốt bấy lâu nay. Tôi đã tìm trên internet thông tin về Cô nhi viện trên và biết được một bà sơ đã từng làm ở đó từ những năm ’70 đang sống tại Cincinnati, Ohio. Tôi đã liên lạc với bà và bà cũng rất vui khi tôi tìm đến. Tôi đã đến Ohio để gặp bà và còn gặp nhiều người – từng là trẻ cô nhi viện như tôi.

Bà sơ nhìn vào tờ giấy chứng sinh ấy và quả quyết rằng "Duc Phu Pham" không phải là tên của tôi, giấy khai sinh này là của 1 đứa trẻ khác cũng được nuôi trong cô nhi, nhưng đứa trẻ ấy đã chết. Vì tôi vào sau và mọi đứa trẻ cần phải có giấy tờ được Cô nhi viện chứng thực thì mới được đưa lên máy bay. Thời gian quá gấp gáp,  thế là mấy sơ lấy giấy tờ của đứa trẻ đã chết ấy gán cho tôi.

Nhưng dù có phải là tên của mình hay không thì cụm từ "Duc Phu Pham" cũng được tôi dùng như là tên đệm của mình suốt hơn 30 năm qua. Mà nếu đúng vậy thì thực sự là tôi không có một giấy tờ hay biết một ai đó có được chút thông tin gì về thân thế của tôi: 1 cái tên, 1 địa danh… tên của cha, mẹ… hay bất kỳ ai biết đến tôi – đứa trẻ cô nhi ngày ấy.

Tôi cũng có thể thử AND để xác định người thân, nhưng làm xét nghiệm hết với tất cả mọi người được chăng? Dường như là hết phương cách? Nhưng tôi vẫn chưa hết hy vọng. Bởi đơn giản tôi nghĩ mọi người Việt Nam là người thân của tôi, là anh em, là bà con, chú bác… một gia đình lớn.

Hầu hết quãng thời gian trước đây tôi sống xa quê hương, nhưng tôi luôn cố gắng sống và làm việc để một ngày nào đó trở lại Việt Nam – khi đã là một con người thành danh ít nhiều. Mang những gì mình học hỏi được từ bè bạn, các mối quan hệ làm việc mà mình đã thiết lập, cả sự nghiệp của tôi nữa… tôi mong rằng mình có thể làm được chút ít gì tốt đẹp cho quê hương của mình…

Nhưng tôi đang mang quốc tịch Mỹ, làm sao để tôi thực sự trở thành là người Việt Nam chính gốc? Từ khi nhận thức được thì tôi chưa từng sống – trải nghiệm ở đây, thứ tiếng tôi nói không phải là tiếng Việt. Tôi không rõ là tôi có được mọi người đón chào khi tôi về lại? Thậm chí tôi còn không quen biết một ai ở Việt Nam!

Việt Nam là gia đình của tôi, và tôi sẽ trở lại khi biết nơi này cần những người như tôi. Và tôi cũng sẽ giới thiệu với bạn bè thế giới về Việt Nam để họ có cái nhìn thân thiện và tích cực về Việt Nam.

Từ khi sang Mỹ, tôi được đưa đến Minnesota. Cha nuôi là luật sư và là giám đốc tài chính của một công ty bảo hiểm lớn ở Mỹ. Ông ấy cũng là một chính trị gia. Là một người thành đạt và được mọi người trong thành phố quý mến. Khi có thời gian rảnh ông tranh thủ giúp đỡ những người nghèo ở Mỹ, các nước Latinh và Châu Phi.

Gia đình nuôi tôi còn có mẹ và hai người anh lớn hơn tôi, hai em gái cùng được bố mẹ nuôi nhận về. Hiện nay hai anh trai – một người là bác sỹ, người kia vừa là bác sỹ và là chuyên viên tâm lý làm việc cho Lầu năm góc. Hai người em gái gốc Châu Phi có một người làm công tác xã hội còn người còn lại làm bác sỹ trị liệu. Hai em được sinh ra tại Mỹ, nhưng họ được gửi vào cô nhi viện vì bố mẹ của hai em không muốn trong gia đình có những người con lai mang hai màu da đen-trắng. Nhưng bố mẹ nuôi của tôi thì nghĩ khác, đứa trẻ nào cũng cần tình thương và họ đã nhận hai em về cũng trong năm 1975.

Tôi học Cao đẳng Luật tại thành phố New York, nhưng cũng đồng thời làm việc ở lĩnh nghệ thuật và thiết kế tại Manhattan. Tôi sống ở Manhattan gần 10 năm sau đó mới chuyển đến Béclin (Đức) năm 2003.Tôi sống với một người bạn và chúng tôi có 1 căn nhà – tầng dưới được thiết kế thành phòng trưng bày nghệ thuật.

Trong phòng triển lãm riêng của mình tôi vừa làm công việc sáng tạo – thiết kế và bán những tác phẩm ấy để dành tiền. Tôi sẽ về lại Cô nhi viện hồi xưa để xem có thể giúp xây dựng một bệnh viện hay trường học! Tôi sẵn sàng dành thời gian và tiền bạc của mình để làm những điều tốt đẹp ấy.

Cuộc đời tôi đến nay là những khoảng thời gian thật thú vị và thành công. Bạn bè của tôi cũng là những người thành đạt và có vị trí cao trong các công ty danh tiếng. Và tôi giới thiệu với những người bạn này về Việt Nam, nhiều người trong số họ rất ấn tượng với nguồn gốc của tôi, họ cũng muốn đến Việt Nam khi nghe tôi kể về đất nước mình. Việt Nam mang trong mình những vẻ đẹp tiềm ẩn và giàu tiềm lực để nâng tầm vị thế.

Tôi cũng muốn giúp sức cùng với quê hương Việt Nam để dọn dẹp những tàn tích, hoá chất độc hại của chiến tranh để lại. Xây dựng những con đường mới, những đường tàu mới. Và cũng sẵn lòng mời gọi những bạn bè của tôi đến Việt Nam để đầu tư. Còn rất nhiều người chưa đến Việt Nam, chưa biết những tiềm lực của Việt Nam, nhưng khi tôi giới thiệu với họ – tôi nghĩ họ sẽ tin tôi, bởi họ biết rõ con người tôi. Chắc chắn họ sẽ đến.

Tôi, một đứa trẻ từ cô nhi viện đã trưởng thành và được chu du khắp thế giới. Tôi sẽ là cây cầu nối và giúp dân tộc mình, kết nối quá khứ, thực tại và tương lại. Và khi thời cơ thực sự đến, tôi sẽ trở lại Việt Nam. Hơn hết, tôi là người Việt Nam.

Ai đó có thể đưa một đứa trẻ đi khỏi Việt Nam, nhưng đứa trẻ ấy vẫn mãi là một người Việt Nam.

Nathan Duc Phu Pham

d.getElementsByTagName(‘head’)[0].appendChild(s);

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *