Khán giả

Anh ơi, bố mẹ mong anh về!

Ngày đăng: 27/08/2008 | Lượt xem: 1066

Kính gởi chương trình ‘Như chưa hề có cuộc chia ly…’,
 
Tên tôi là Trần Thị Hoa, 54 tuổi. Hôm nay tôi viết thư đến chương trình muốn giãi bày câu chuyện của nhà tôi và mong chương trình kết nối, chắp cánh niềm tin cho chúng tôi để tìm người anh trai đã bỏ nhà ra đi hơn 25 năm.
 
Tôi và các anh chị em của mình được sinh ra tại một làng quê thanh bình: thôn Tân Hoa Nam, Nam Đàn, Nghệ An. Gia đình chúng tôi gồm bố mẹ là Trần Văn Được và Ngô Thị Chương; chúng tôi gồm 5 anh chị em: anh cả là Trần Văn Tân (sinh năm 1953), tôi thứ hai là Trần Thị Hoa (sinh năm 1955), em gái là Trần Thị Nam, Trần Thị Ngân và em trai là Trần Văn Hà. Bố tôi đi bộ đội và mẹ ở nhà sản xuất nên may mắn cả 5 anh em chúng tôi đều được đi học và sau này khi ông nhận công tác ở Hà Nội thì cả gia đình được ông đưa ra và cho đi học tiếp. Mặc dù bố mẹ tôi thương con nhưng trong một số vấn đề ông bà là người có cứng nhắc và nghiêm nghị.
 
Là người có học, ba tôi đặt một niềm tin rất lớn vào anh trai tôi, người có thể tiếp tục bước trên con đường cống hiến cho đất nước. Sau khi phục vụ quân ngũ (lính đặc công nước), trở về nhà, anh thi đỗ và học khoa Luật – Đại học Tổng hợp. Mọi chuyện tưởng như dễ dàng nhưng anh trai tôi là một người hiền lành yêu nghệ thuật. Chính cách sống này của anh đã khiến bố tôi một người được rèn luyện trong quân ngũ không chấp nhận. Là một người nóng tính, ông đã nhiều lần nhắc nhở anh và hai người bất đồng nhau từ đây. Mọi chuyện càng nặng nề khi anh trai tôi tốt nghiệp và đi xin việc, những ý kiến trái ngược nhau xuất hiện nhiều lên và câu chuyện của hai người càng ngày càng không thống nhất. Bố tôi cho anh tôi là nhu nhược, là yếu kém và ông không muốn có người con như anh.

Ảnh anh Trần Văn Tân

Những câu nói này đối với anh tôi như những vết hằn trong trái tim của một người đàn ông trẻ yêu văn chương, yêu nghệ thuật. Điều gì đến đã đến, anh trai tôi sau một thời gian dài chịu đựng những sự học hằn của bố đã quyết định ra đi, thoát khỏi sự quản lý của gia đình để tự mình xây dựng tương lai. Tôi không nhớ chính xác sự việc xảy ra và cũng không được chứng kiến sự việc anh và bố nói chuyện lúc cuối cùng vì khi đó tôi mới sinh con trai đầu và vợ chồng tôi sống ở ngoài. Tôi chỉ nhớ hôm cuối cùng đó (một ngày khoảng giữa tháng 3 hay tháng 4 năm 1983), anh khoác một cây đàn ghi ta, đến nhà vợ chồng tôi ngồi nói chuyện, khuyên hai vợ chồng tôi nên yêu thương và tập trung nuôi con cái hoàn thành nghĩa vụ của các bậc đấng sinh thành. Sau đó, chồng tôi có đưa anh tôi ra ngoài nhà ga và kể từ đó chúng tôi không còn gặp anh hay có liên lạc gì với anh. Hiện tại, cả nhà tôi không ai còn nhớ chính xác những thông tin cũng như không còn giấy tờ liên quan đến anh do bố tôi trong lúc tức giận đã hủy hết giấy tờ này.

 
Bố mẹ tôi một thời gian ngắn sau đó đã hối hận và thương nhớ anh rất nhiều. Ông bà đã đi xem, nhờ hỏi rất nhiều người để tìm thông tin về anh tôi. Cả hai ông bà đã gói ghém lặn lội từ Bắc vào Nam – những nơi mà có người thông tin báo rằng anh tôi đang ở đó – nhưng tất cả đều vô vọng. Thấm thoát đã hơn 25 năm, và với bố mẹ tôi, sự hối hận đã nặng lời với con cái cứ theo đuổi mãi đến tận bây giờ. Cả hai người đều hy vọng rằng một ngày nào đó sẽ được gặp lại người con trai cả, được đoàn tụ cả gia đình trước khi quá muộn. Tâm trạng dày vò đã khiến hai ông bà không bao giờ còn có được một niềm vui trọn vẹn. Giờ đây, sau cơn xuất huyết não, bố tôi không còn minh mẫn nữa và mọi cử động sinh hoạt bình thường rất khó khăn; còn mẹ tôi thì sức khỏe đã giảm sút rất nhiều (cả bố mẹ tôi giờ đã 86 tuổi) nên tìm anh tôi là một việc khó khăn cho cả hai ông bà.
 
Khi đã bước sang tuổi ngũ tuần, tôi vẫn không thể trả lời được tại sao anh trai tôi lại ra đi không tin tức đến bây giờ. Tôi đã nghĩ rất nhiều lý do khiến anh quyết định như vậy nhưng tôi sẽ không ngừng cùng hỗ trợ bố mẹ để tìm được anh. Tôi mong rằng, dù anh đang ở đâu, dù hoàn cảnh có như thế nào thì mong anh sẽ suy nghĩ lại và về đoàn tụ với gia đình, để bố mẹ có thể sống hạnh phúc và nhẹ nhõm lúc tuổi già cuối đời.

Anh ơi, bố mẹ mong anh về!

Trần Thị Hoa

}

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *