Hoạt động

Trùng phùng

Ngày đăng: 26/09/2009 | Lượt xem: 1039

Đi tìm gia đình cho những đứa trẻ, hay tìm con cho những gia đình 34 năm trước bị thất lạc trên con Đường 7 là công việc được quan tâm nhất của những người thực hiện Chương trình NCHCCCL trong thời gian gần đây. Chúng tôi đã có một chuyến đi dọc con Đường 7 năm xưa. Kết quả đạt được là 8 cuộc đoàn tụ. Một chuyến đi đó thôi của chúng tôi đã kết thúc 8 x 34 = 272 năm côi cút của những đứa trẻ lạc nhà, 272 năm mà 8 gia đình phải chịu cảm giác của mất mát, xô lệch. Hai trong số 8 cuộc đoàn tụ ấy là một chuỗi những câu chuyện kỳ diệu.

Câu chuyện của Ms935 – Nguyễn Hữu Thái tìm gia đình

Chúng tôi tìm đến vùng đất Tuy Hòa vào những ngày cuối tháng 4. 34 năm sau thời điểm tháng 4/1975, cái thời điểm ly tán của biết bao gia đình. Một trong những câu chuyện ly tán mà chúng tôi hỏi chuyện là trường hợp của anh Nguyễn Hữu Thái tại huyện Phú Hòa.

Gia đình nhỏ của anh Thái

Anh kể: “Tôi nhớ nhà mình lợp bằng tôn, trước nhà hay có 1 ông già mù đi qua, gần nhà có 1 thợ sửa chữa loa và âm li. Ba tôi tên Tài, đi đâu lâu lâu về phép thăm gia đình một lần. Mẹ tên Tú, chị tên Hạnh. Năm 1975, khi đó tôi chừng 7 tuổi, cùng gia đình đi trên một chiếc xe đi chạy loạn. Lúc xe ngừng lại, bà ngoại bảo tôi ngồi đợi ở trên xe để bà đi múc nước nấu cơm, nhưng rồi chiếc xe nổ máy chạy. Được 1 đoạn xe dừng lại, tôi leo xuống xe và đi lang thang 1 mình tìm bà. Một lúc sau, có một chiếc xe Jeep đi ngang qua, mấy chú trên xe cho đi nhờ rồi gửi tôi lại cho một người phụ nữ cũng đang đi trên đường Phú Bổn.”

Sau ngày đó, người phụ nữ kia dẫn đứa bé trai bị lạc đó về cho bà Nguyễn Thị Bay, khi đó bà Bay đã 56 tuổi nhưng không có con. Nhận đứa nhỏ về bà Bay đặt lại tên là Nguyễn Hữu Thái. Bà quý con nuôi hơn tất cả mọi thứ trên đời.

Nhà báo Thu Uyên thăm nhà mẹ nuôi của anh Thái

Anh Thái cũng đắn đo việc đi tìm lại gia đình mình vì sợ mẹ nuôi buồn. Nhưng anh nghĩ nếu không tìm thì có thể quá trễ vì nếu ba mẹ còn sống thì cũng trên dưới 70.

Câu chuyện kế tiếp… Ms954

Con Đường 7 năm xưa nay đã là Đường 25 nối từ Thị xã Ayunpa của Gia Lai đến Tp. Tuy Hòa của tỉnh Phú Yên. Xuôi 50km nữa từ địa bàn huyện Phú Hòa chúng tôi tìm đến huyện Sơn Hòa. Nơi đây cũng có một người đàn ông cũng trạc tuổi anh Thái, anh này cũng lạc gia đình cũng trong thời gian chạy loạn trên đường 7. Anh tên Nguyễn Thái Hùng, cũng chưa tìm được gia đình ruột thịt của mình nhưng anh cũng không dám đi tìm lại gia đình bởi một phần anh đã thất vọng nhiều sau những chuyến đi trước đây, phần khác là bởi anh không muốn làm buồn lòng người mẹ nuôi của mình.

Anh nhớ: Nhà trước ở trong một thị trấn nhỏ, có lẽ là Phú Bổn. Có 4 anh em, anh Hai, anh Tèo, Hùng và 1 em trai không nhớ tên. Nhà cách trường học không xa, gần chùa, gần con đường nhựa. Nhà ván có gác lửng, ở trong khu gia binh. Ba thường chở đi chơi bằng xe jeep.

Ngày đi lạc, xuất phát là ngày 21/3/1975 trên chiếc GMC, trên xe còn chở thêm 2-3 gia đình khác nữa. Khi đến một bãi trống, rất đông người, má lấy cơm trong bì bóng cho ăn, ăn xong khát quá, má xách ấm trắng đi lấy nước rồi lạc luôn. Đến 11-12h trưa, ba quay lại từ chỗ tập trung lính thì biết mẹ đã thất lạc, ba vội đi tìm mẹ.

Đến 3h chiều, hai anh lớn nói” Đi về”. Hùng nhõng nhẽo không đi. Anh hai bảo: “Mày không đi tao bỏ”, rồi bỏ đi. Mặt trời lặn dần. Người tản ra thưa thớt. Hùng được 2 người lính dẫn đi. Đến chỗ có khoang thép, Hùng chui vào ngủ. Sáng dậy, 2 người lính kia đã đi mất tự lúc nào. Một người lính áo rằn cõng Hùng đi, khoảng 8h thì tới Củng Sơn. Tới đó, người lính bỏ Hùng tại bờ sông. Hùng chạy vô xóm, kêu khóc. Được 1 gia dình nhận làm con nuôi.

Năm 1994, Hùng lên Phú Bổn, tìm lại nơi ở cũ nhưng hình như chỉ còn dấu vết của ngôi trường.

Câu chuyện của mẹ Tú thất lạc con

Chúng tôi tiến hành chuyến công tác trên đường 7 này với mục đích ghi lại càng nhiều những câu chuyện thất lạc càng tốt và so sánh với những hồ sơ đăng ký tìm thân nhân thất lạc trên Đường 7 mà chúng tôi đã lập xem có trường hợp nào trùng khớp hay không. Những điều anh Thái và Hùng nhớ chỉ bấy nhiêu. Trong tập hồ sơ đường 7 của chúng tôi chưa có gia đình nào có nhưng thông tin khớp với hai người đàn ông này. Nhưng…!

Đoàn công tác dừng chân trên cây cầu vắt qua con sông Ba nằm trên Đường 7

Nhưng khi chúng tôi hỏi đến câu: “Đã có gia đình nào đến nhận Hùng hay chưa? ” thì… anh kể: “Mẹ nuôi tôi là Nguyễn Thị Tú….”

Bà Nguyễn Thị Tú quê gốc ở Quảng Ngãi, rồi theo mẹ lên Pleiku làm ăn buôn bán. Sau bà lấy chồng là ông Bạch Ngọc Tài rồi sinh được 4 người con, con út là Bạch Ngọc Kiểm. Ông Tài đi lính mấy tháng mới về thăm gia đình một lần. Hằng ngày, bà Tú gánh rau ra chợ bán. Cuộc sống gia đình đấm ấm, dưới sự dạy bảo của bà nội và bà ngoại. 4 đứa nhỏ dần dần khôn lớn, những đứa lớn biết thay mẹ bảo ban chăm sóc cho đứa nhỏ.

Rồi chiến sự nổ ra, như bao gia đình khác, gia đình bà Tú cũng lên đường đi chạy loạn. Anh Kiểm hằng ngày rất quyến luyến bà ngoại, nên hôm đó đã cùng với bà ngoại và mấy cậu, dì lên xe đi trước. Bà Tú vì còn phải thu dọn một số đồ đạc nên đi chuyến xe sau. Bốn đứa con được mẹ Tú lo xa khi may tờ giấy khai sinh của các con vào áo để nếu thất lạc thì còn biết đường mà tìm về. Dường như đó là linh tính một điều gì đó bất ổn mà mẹ Tú đã cảm nhận được trước chuyến đi.

Chặng đường chạy loạn khó khăn và vất vả, sợ Kiểm không chịu nổi, nên lúc nghỉ ngơi khi gần đến Phú Bổn, bà ngoại đã tranh thủ đi lấy nước cho cháu. Đứa bé trai 7 tuổi thấy một bên là dòng người hỗn loạn, một bên thì ngoại bỏ đi, sợ bị bỏ lại nên Kiểm liền chạy theo ngoại. Mấy dì cản không kịp, nên Kiểm đã lạc vào dòng người hỗn loạn trên đường.

 
Mẹ và dì nuôi của anh Hùng

Không lâu sau, gia đình được đưa về sum họp tại Pleiku, duy chỉ  còn thiếu Kiểm, đứa bé trai không may của chuyến  đi năm đó. Khi chạy lạc, Kiểm mặc bộ đồ nền trắng sọc xanh, dưới chân đeo chiếc còng.

Sau năm 1975, ông Tài và bà Tú không ngừng đi tìm lại con. Những ngôi làng ở Phú Bổn, rồi từ Phú Yên ra Tuy Hòa,… ông bà đều tìm đến, nhưng tin tức của Kiểm vẫn cứ xa vời vợi. Buồn phiền và chán nản khi không tìm thấy con, ông Tài đã qua đời sau 2 năm tìm kiếm vất vả. Còn lại một mình, bà Tú hằng ngày chạy chợ để chăm sóc cho các con, vừa có tiền để đi tìm Kiểm, những vất vả lo toan của cuộc sống đặt trên đôi vai của người mẹ. Mệt mỏi và tuyệt vọng, Mẹ Tú đưa 3 người con còn lại trở về Quảng Ngãi sinh sống. Thỉnh thoảng bà lại đi hỏi thăm tung tích của đứa con trai, nhưng đều thất vọng quay về.

Năm 2007, một người quen ở Sơn Hòa biết được trường hợp của anh Nguyễn Thái Hùng, cũng thất lạc gia đình vào thời điểm đó. Ngoài địa điểm và thời gia thất lạc thì anh Hùng không có đặc điểm gì giống Kiểm con của mẹ Tú cả. Nhưng dường như đó là mối nhân duyên của những người có cùng nỗi đau mẹ mất con và con thiếu tình thương của gia đình. Dù biết rằng đó chưa phải là người thân của mình, mẹ Tú đã nhận Hùng làm con nuôi để vơi đi nỗi nhớ về Kiểm.

Mẹ Tú coi Hùng như con ruột của mình. Và bà ngoại cũng thế, cũng yêu thương anh Hùng như cháu ruột. Tình cảm gia đình thiêng liêng, những dịp đặc biệt của gia đình mẹ Tú, anh Hùng đều đến chung vui cùng mọi người. Và cũng chính tình cảm thương yêu của bà ngoại dành cho mình mà anh Hùng không dám đi tìm gia đình. Anh sợ mẹ Tú và bà ngoại sẽ buồn.

NCHCCCL 20: Trở về với mẹ

Sau câu chuyện của Thái, lời kể của Hùng về người mẹ nuôi, chúng tôi hiểu đã có thêm một hồ sơ nữa được khép lại.

NCHCCCL số 20, bà Nguyễn Thị Tú cùng người con nuôi là anh Nguyễn Thái Hùng được mời đến để thông báo tìm người thân.

Bà Nguyễn Thị Tú cùng người con nuôi là anh Nguyễn Thái Hùng được mời đến để thông báo tìm người thân.

Bên ngoài trường quay, một khán giả cũng đang chăm chú theo dõi chương trình trực tiếp, không phải vì trường quay S8 quá chật mà chúng tôi không thể sắp xếp một chỗ nhỏ cho anh mà bởi vì anh được chúng tôi gọi là “nhân vật bí mật”. Anh đã thấy nao nao lòng khi nghe đến câu chuyện của mẹ Tú… Nhưng dừng lại giây lát, cần thêm thời gian để cho mẹ Tú hiểu đứa con trai mình đã đi đâu sau ngày thất lạc. Câu chuyện của anh Nguyễn Hữu Thái ở trên được kể lại bằng phóng sự: trong phóng sự an Thái có nói thêm, hồi nhỏ mình có tên là Kiểm, người mà Kiểm nhớ nhất trong ngày thất lạc là bà ngoại. Kiểm nói: “Mỗi khi nghe câu hát nào đó có từ Ngoại là tôi lại hát để nhớ về Ngoại.” Rồi anh bật lên câu vọng cổ: “Ngoại ơi, dù ở nơi đâu, nơi chân trời góc biển, con vẫn thầm mong ngày trở lại quê nhà…”

Cuộc đoàn tụ của mẹ Tú sau 34 năm

Câu hát ấy như vang lên đâu đó trong trường quay, làm mẹ Tú giật mình và đảo mắt tìm con. Rồi bà đã bật dậy ôm chầm lấy Kiểm khi nhà báo Thu Uyên dẫn anh vào.

Cuộc đoàn tụ ấy diễn ra vào những phút cuối cùng của NCHCCCL 20, và Hùng hiểu điều kỳ diệu chưa đến với mình. Nhưng anh lại mừng cho mẹ Tú đã tìm lại được con, và rồi anh sẽ không phải áy náy để đi tìm lại gia đình của mình.

NCHCCCL 22: Những chuyến đi

Tưởng nỗi buồn sẽ tiếp tục đeo theo số phận của mình, anh Hùng trở về sau đó trên cùng chuyến xe có mẹ Tú, có anh Kiểm. Anh Kiểm sẽ theo mẹ Tú về nhà. Còn anh Hùng lại trở về ngôi nhà nhỏ của mình cách nhà mẹ Tú không xa, nơi đó có có người vợ và 2 đứa con nhỏ. Anh sẽ lo làm ăn và dành dụm tiền để khi có cơ hội sẽ lại lên đường đi tìm gia đình.

Anh Hùng vui cho mẹ Tú đã tìm lại được con ruột, nhưng còn anh…!

Cũng trong lúc anh Hùng lên truyền hình thông báo thì ở Gia Lai có gia đình bà Nguyễn Thị Lợi, bà Lợi cùng các con là Trần Kim Anh, Kim Dũng, Kim Mạnh đã nhận ra khuôn mặt quen quen của Hùng. Hùng giống hệt 3 người con của bà Lợi. Nếu đúng thì Hùng sẽ là người em kế Kim Dũng mà gia đình thất lạc năm xưa. Khi thất lạc Dũng mới hơn 5 tuổi, Hùng thì lên 4, còn Mạnh thì còn được bế. Gia đình đã tưởng em Hùng không còn sống, 33 năm nay trong gia đình cứ đến rằm tháng tư và rằm tháng bảy lại tưởng nhớ em. Ngay sáng hôm sau anh Dũng đã cùng người em út là Kim Mạnh đi từ Gia Lai lên Sơn Hòa. Họ đến đây để tìm Hùng.

Anh Kim Dũng cho biết: “ Em chạy xe cùng em Mạnh từ Gia Lai tới Sơn Hòa. Vừa mới ghé trạm xăng ở xã Sơn Hội, mấy anh ở đó đã bảo: Cậu là cậu Hùng hôm trước vừa lên TV có phải không? Một người quen dẫn chúng em tới nhà Hùng. Tới nới, em dẫn xe máy gửi vào nhà đối diện, vừa vào, đứa con nhà đó đã bảo: Chú Hùng đi đâu đó?”

Rồi anh Dũng và Mạnh cũng đã gặp Hùng. 3 người cùng đem quá khứ ra để so xem có khớp với nhau không. Tuy thất lạc khi mới lên 4, nhưng trí nhớ của Hùng thật đáng nể, anh vẫn nhớ hồi nhỏ anh được anh Dũng dẫn vào sân trường gần nhà chơi, rồi vào chùa có 2 con ngựa phía trước… Họ đã về lại nơi ở cũ. Sân trường vẫn còn, hai con ngựa bên chùa vẫn còn, chỉ có bức tượng Phật bà Quan âm rất lớn mà Hùng còn nhớ, thì nay không còn nữa.

Bốn anh em Hùng, Anh, Dũng, Mạnh cùng hai con của anh Hùng chụp hình lưu niệm cùng nhà báo Thu Uyên.

NCHCCCL 22, bốn anh em Anh, Dũng, Hùng, Mạnh đến trường quay để chia vui với mọi người. Vì đã thất vọng quá nhiều lần, dù lần này đã nhận anh em vì nét mặt quá giống nhau, ký ức cũng nhiểu điểm trùng nhưng để cẩn thận anh Hùng đã thử AND. Kết quả trả về từ Trung tâm phân tích AND và Công nghệ Di truyền đã khẳng định 4 người là anh em của nhau.

Thái Quỳnh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *