Hoạt động

Tiếng gọi của mẹ

Ngày đăng: 19/07/2010 | Lượt xem: 1129

Hồ sơ Đà Nẵng được bắt đầu với cuộc đoàn tụ của một đại gia đình ba thế hệ. Người con gái lưu lạc gần 40 năm đã trở về với bố mẹ và các anh chị em ruột thịt của mình. Những giọt nước mắt buồn tủi, nhớ thương của ngày hôm qua đã nhường chỗ cho nước mắt hạnh phúc của ngày hôm nay- một thời khắc quan trọng đối với những người trong cuộc.

Chuyện kể từ một gia đình ở làng chài

Vợ chồng ông Lê Văn Sếp và bà Nguyễn Thị Đỗ đang ở cái tuổi gần đất xa trời, nhưng vẫn mang nặng tâm nguyện cuối cùng của cuộc đời – tìm lại người con gái bị thất lạc do chiến tranh. Chấm dứt một nỗi đau day dứt hơn nửa cuộc đời.

Gia đình ông Lê Văn Sếp

Quay lại câu chuyện chia ly của gia đình cách đây 35 năm 4 tháng, vì chiến tranh loạn lạc mà ông Sếp đã để vợ đưa 7 người con là Hòa, Trung, Trinh, Trang, Tuyết, Thành và Cung về quê ngoại tại Nha Trang lánh nạn trước, còn mình thì sắp sếp công việc đi sau. Từ căn cứ Chu Lai, bà Đỗ chuẩn bị quần áo và ít đồ ăn rồi đưa các con ra bến tàu ở Đà Nẵng quay về Nha Trang. Trên đường đi, bà đã dặn các con rất kỹ nếu có bị lạc cũng không được đi đâu, mẹ sẽ quay lại đón, nếu đói thì lấy ăn cơm khô mà bà đã may vào trong áo của các con

Ngồi đợi ở bến tàu Đà Nẵng mấy hôm liền mới có tàu vào. Nhưng những chiếc tàu lớn đưa người đi sơ tán chỉ neo ngoài xa. Một nách bảy con, phần sợ lạc, phần sợ chen lấn nhau các con sẽ không lên tàu được nên bà Đỗ đành thuê riêng một chiếc ghe nhỏ tại An Hải để đưa gia đình đến gần chiếc tàu lớn.

Sau một lúc lênh đênh trên biển, chiếc ghe nhỏ cũng đưa được bà Đỗ và các con lại gần chiếc tàu lớn. Bà Đỗ nhờ được một người lính chế độ cũ bồng giúp các con lên tàu. Còn mỗi mình bà và người con gái tên Trang chuẩn bị lên tàu thì có tiếng súng nổ rất lớn. Sau đó là hàng loạt những tiếng khóc, tiếng la hét,… tạo nên một không khí hỗn loạn, mọi người đứng trên tàu chỉ mong sao chiếc tàu mau nhổ neo, nhưng vẫn còn rất nhiều gia đình vẫn chưa lên được thuyền. Bên cạnh chiếc tàu to đó, một chiếc ghe nhỏ cũng bắt đầu chồng chềnh trên mặt nước, chị Trang hoảng sợ không dám leo lên tàu nên bà Đỗ đành leo lên trước để kéo con gái lên sau.

Cuộc đời, có ai đoán trước được chữ ngờ. Bà vừa trèo lên được thì tiếng súng bắt đầu dồn dập hơn. Người chủ ghe hoảng sợ vội vàng lùi chiếc ghe ra xa chiếc tàu lớn, để rồi xa mãi….

Người mẹ càng kêu thì chiếc ghe càng trôi xa, mang theo tất cả tài sản, giấy tờ, hình ảnh và đứa con gái nhỏ.

Đứng trên tàu, bà Đỗ ngậm ngùi bất lực nhìn đứa con gái đang dần xa rời vòng tay của mình. Cái hình ảnh đứa con gái đứng khóc vẫy tay gọi mẹ trước biển cả mênh mông cứ bấu vào trái tim của người mẹ. Bà chỉ kịp kêu con ngồi xuống, vì sợ con bị té xuống biển thì sau này sẽ không còn hi vọng tìm lại con.

Cà Mau – 1975

Năm 1975, một bé gái khoảng 11, 12 tuổi tên Trang được ông Lê Thành Long nhận làm con nuôi khi ông đi trên một chiếc chiến hạm chạy từ cửa biển Đà Nẵng. Chiếc chiến hạm cập bến Sài Gòn, ông Long nuôi đứa bé được vài tháng thì đưa về Cà Mau sống chung với vợ và các con của mình, đứa bé nhớ nhà, đêm nào cũng khóc vì nhớ mẹ nên ba nuôi đã đặt lại tên là Lê Thị Hồng Thủy để chị quên đi nỗi nhớ nhà. Sống với bố mẹ nuôi không bao lâu thì bố nuôi bị bắt đi cải tạo, mẹ nuôi cũng phải lo cho các con nên cuộc sống cũng vất vả.

Chị Lê Thị Trang nay là chị Lê Thị Hồng Thủy

Thấy chị Thủy khi đó đã biết viết, biết đọc nhưng lại không có tên trong hộ khẩu, hỏi ra mới biết hoàn cảnh thất lạc gia đình của đứa bé nên cán bộ ở xã Hòa Thành đã xin về cơ quan chăm sóc, cho ăn học rồi cho ra huyện làm việc. Không có cha mẹ bên cạnh, nhưng chị Thủy đã được các chú cán bộ chăm sóc rất chu đáo. Ngay cả khi chị kết hôn thì các chú cũng đứng ra lo liệu tất cả để chị bớt đi nỗi tủi thân côi cút của mình.

Thời gian trôi đi, nỗi nhớ nhà chưa bao giờ nguôi ngoai trong lòng chị. Có lần, khi chị mổ ruột thừa, trong lúc mê man chị vẫn gọi “mẹ ơi, mẹ ơi!”, hình ảnh người mẹ hiền mặc chiếc áo len màu hột gà cứ nhìn chị mỉm cười, để rồi khi tỉnh lại chị chỉ biết lặng lẽ khóc thầm. Nhớ ba mẹ lắm chứ, nhớ anh Trung, chị Trinh, em Tuyết, em Thành và em Cung nữa. Lâu lâu, chị lại nhớ một ít về gia đình của mình, nhưng nhà của ngoại ở đâu của Nha Trang thì chị không thể nhớ nỗi nữa…

Đó là câu chuyện của chị Lê Thị Hồng Thủy, một người bị thất lạc trong cuộc chạy loạn tại Đà Nẵng vào năm 1975. Thế nhưng những người thực hiện Chương trình cũng không thể kể được nếu như không có sự lên tiếng của khán giả Trương Hoàng Vũ, ở Cà Mau: “Kính thưa chương trình NCHCCCL, em đã đọc bàn trên haylentieng.vn của cô Lê Thị Tuyết tìm chị Lê Thị Trang, mã số hồ sơ 7722. Gần nơi em ở cũng có 1 cô hồi xưa tên là Trang, địa chỉ quê cô cũng như vậy. Cô Trang hiện sống ở Cà Mau, em đọc cho cô nghe bài báo, và cô đã khóc rất nhiều!”  Và nhờ vào thông tin mà anh Vũ cung cấp, mà chị Trang đã có thể trở về với gia đình ruột thịt của mình.

Không bao giờ quên!

Không chỉ có chị Trang khóc hết nước mắt vì lưu lạc gia đình. Mà những người thân yêu của chị họ vẫn luôn tìm kiếm và sống với những ký ức về chị. Ngay sau ngày chị Trang bị lạc, ông Sếp đã bắt xe đi bộ suốt một tuần lễ ở Đà Nẵng với một tấm bảng đeo trên mình với hi vọng đón được con gái về đoàn tụ cùng gia đình. Sau đó là 3 chuyến đi của bà Đỗ về vùng An Hải, mỗi lần bà lại tìm đến công an để thông báo giùm bà nếu ai đang giữ con gái của bà thì cho bà đón về nhưng cũng không có kết quả gì cả. Để rồi sau đó, một thời gian dài, bà như điên lên vì nhớ con. Cứ đi ngoài đường nhìn đứa bé gái mặc váy xanh, cột tóc hai bên bà lại kiềm lòng không đặng. Nhớ con da diết!

Hình ảnh ông Sếp, bà Đỗ với đôi mắt nhòe nước khi nghe câu chuyện của chị Lê Thị Hồng Thủy. Ông bà cố nhón người để nhìn rõ hơn vẫn gương mặt ấy, đôi mắt ấy… đã mang nhiều dấu vết thời gian nhưng ông bà và các anh chị em đều đã nhận ra ngay người thân mà mình đang tìm kiếm suốt thời gian qua.

Hình ảnh đoàn tụ của gia đình ông Lê Văn Sếp tại trường quay S8 vào ngày 3/7/2010

Câu chuyện đan xen giữ quá khứ và hiện tại, tình yêu thương luôn tồn tại cho dù thời gian có trôi đi. Chị Trang rất may mắn khi chị vẫn còn đầy đủ những người thân yêu của mình. Và hơn thế nữa, ba mẹ chị dù tuổi cao sức yếu, nhưng ông bà đã đi hơn 400km tưởng chừng như chỉ để thông báo tìm con. Thế nhưng, trong những thời khắc cuối cùng của Chương trình, họ lại được gặp lại đứa con gái lưu lạc của mình.

Bất ngờ và mãn nguyện!

Thái Quỳnh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *