Hoạt động

NHƯ CHƯA HỀ CÓ CUỘC CHIA LY SỐ 123: “CÁI CHỚP MẮT CỦA SỐ PHẬN”

Ngày đăng: 20/05/2019 | Lượt xem: 1623

Trong cuộc sống này, vô vàn thứ có thể lành lại được nhưng nỗi đau chia ly thì gần như không thể. Có lẽ, cuộc đời đã sắp đặt số phận con người, đã bắt họ nếm trải nỗi đau dằng dặc của sự chia ly và rồi cũng đã trả lại cho họ niềm vui vô hạn của sự đoàn tụ.

68 năm – hành trình đi qua hơn nửa đời người

Từ khi nhận được thông tin chị gái đang đi tìm mình, dường như chưa có đêm nào ông Thụ yên giấc. Chia sẻ với chúng tôi – những người làm chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, ông bồi hồi nhớ lại những ngày tháng chông chênh, lưu lạc của mình. Ông luôn giữ trong lòng một nỗi day dứt, vì một phút nông nổi ham vui mà đánh mất đi điều vô giá nhất. Cứ thế, những lần khao khát tình thân, ông lại một mình đi tìm gia đình trong vô định. Năm tháng qua đi, cảnh vật thay đổi, người quen không có, ông dò hỏi khắp các huyện ở Nam Định như mò kim đáy bể nhưng lần nào cũng trở về trong vô vọng. Ở cái tuổi thập cổ lai hy, ông Thụ vẫn đặt niềm tin, một nơi nào đó trên đất nước này, gia đình cũng đang nhớ về mình.

Ông là Vũ Vĩnh Thanh, sinh năm 1946, lúc nhỏ có tên là Lê Văn Thụ. Năm 1954, ông sống cùng mẹ và các anh chị tại Nam Định. Năm lên 8 tuổi, ông xin mẹ theo một gia đình người bạn lên Hải Phòng chơi. Trước khi đi, mẹ có đưa cho ông một tấm ảnh gia đình, phía sau tấm ảnh có ghi tên các anh chị là Kim, Ngân và Thoa, với lời dặn lên Hải Phòng sẽ có chị Kim đứng đón.

Bà Kim năm đó 16 tuổi, bà lên Hải Phòng làm nghề may gối. Năm đó, bà nhận được tin em lên thì đã quá muộn, bà đứng ở Đồn Pháp đợi ba ngày liền nhưng không thấy em ra, từ đó mà biệt ly.

Bà Lê Thị Kim và em trai Lê Văn Thụ trong ngày gặp lại. Ảnh: Đức Thắng

 Nếu cuộc gặp giữa ông Thụ và bà Kim đã diễn ra đúng như hẹn vào 68 năm về trước, thì đâu đến nỗi phải có cuộc đoàn viên đầy nước mắt như hôm nay. Cũng đã đôi lần, cơ hội tìm về với gia đình như gần ngay trước mắt, ông Thụ thậm chí đã ra Nam Định, đã đến gần nhà họ hàng chỉ cách một, hai con phố – thế mà đoàn viên vẫn không thành.

Thôi day dứt, còn yêu thương, nhất định sẽ quay về

Trở về Việt Nam lần này, chị Đỗ Thu Trang, mang theo một tâm nguyện lớn lao là được gặp lại người cô ruột của mình. Hơn thế nữa là biết được quê hương, nơi mà bố chị Trang là ông Đỗ Văn Đượm đã không còn cơ hội để trở về một lần nào nữa.

Năm 1948, ông Đượm rời quê hương Hà Nam, chia tay mẹ và người em gái Đỗ Bích Thảo để theo chân gia đình người bác họ vào Nam, tiếp tục việc học. Hoàn thành xong sứ mệnh học tập, ông lập gia đình và sinh được năm người con. Mãi đến năm 1983, ông Đượm quyết định dẫn vợ và các con sang định cư tại Australia, tạo mọi điều kiện tốt nhất để các con ăn học thành tài.

71 năm trôi qua, nỗi ám ảnh chiến tranh chưa thể nguôi ngoa nên ông không một lần dám trở về quê nhà. Trong lòng ông luôn có một khoảng trống, ông luôn day dứt mỗi khi nghĩ đến gia đình. Mãi cho đến khi nhận ra không có mảnh đất nào êm dịu bằng quê cha đất tổ thì thời gian không đã không còn đợi ông được nữa. Ông Đượm đã mất vào năm 2018, tại Australia. Tâm nguyện của ông trước khi mất đã trở thành tâm nguyện của các con, là tìm lại người cô Đỗ Bích Thảo, người thân duy nhất còn lại của ông Đượm ở Việt Nam.

         Chị Đỗ Thu Trang gặp lại cô ruột Đỗ Bích Thảo. Ảnh: Đức Thắng

Hơn ai hết, chị Trang là người hiểu được ý nghĩa của sự ra đi, đi là để học hỏi, trải nghiệm, từ đó, biết trân trọng hơn những giá trị của tình thân và ý nghĩa đặc biệt của gia đình.

Người xưa nói “lá rụng về cội”, tình thân ly biệt nhưng sợi dây máu mủ thì không thể đứt. Dù bạn đang tuyệt vọng trong hành trình tìm kiếm người thân, nhưng xin hãy bước tiếp. Phía cuối con đường là ánh sáng – nơi đó có những người thân yêu – cũng đang ngày đêm mong ngóng bạn.

 

  Lê Trang

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *