Một gia đình với số phận hai người con nuôi
Ngày đăng: 18/04/2008 | Lượt xem: 1236
|
Chị Thiên Thị Mai (bìa trái) chia vui cùng gia đình anh Nguyễn Hữu Phước
|
Cuộc đoàn tụ của gia đình anh Nguyễn Hữu Phước khiến rất nhiều bạn xem đài xúc động, nhưng với thời lượng 60 phút một chương trình trong một tháng những người thực hiện không thể nói nhiều hơn về những người đã cưu mang anh Phước – gia đình bà Si. Chính chị Mai – con gái lớn của bà Si – khi biết Chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…” đã vội bảo Phước viết thư và sao hình của bố, ngay hôm sau chị từ Thủ Đức đi xe máy lên đăng ký hồ sơ. Chị nói: “Công việc của tôi đòi hỏi phải làm việc lúc 2 giờ khuya, buổi sáng là thời gian để nghỉ ngơi, nhưng Phước bị bệnh không tự đi đăng ký được, tôi nôn nóng nên đi luôn, lúc lái xe người tôi cứ vật vờ như đi trên mây”.
Trở thành mồ côi
Chồng bà Si và ông Tài là anh em kết nghĩa, chính ông Tài là người đứng ra tổ chức đám cưới cho vợ chồng bà Si. Năm 1966, chồng qua đời, năm sau bà Si mang các con vào Thủ Đức sinh sống, bà Si đi buôn bán các loại máy móc từ Sài Gòn ra Bồng Sơn – Tam Quan, mỗi tháng một lần lại ra thăm nhà của anh Phước.
Năm 1975, đột nhiên ông Tài dẫn con đi địa chỉ trên giấy tìm đến nhà bà Si ở Thủ Đức xin tá túc. Ông Tài là người ít nói và khó tính nên ai hỏi gì về chuyện gia đình ông cũng không hé lộ bất kỳ thông tin gì. Nên gia đình chị Mai cũng không biết vợ ông – bà Nghi – và các con ông đang ở đâu.
Tá túc một thời gian, ông Tài ngại hàng xóm dị nghị nên chuyển ra trại gia binh bỏ trống dành cho những người vô gia cư. Sau, nhà nước cổ động những người vô gia cư đi kinh tế mới, ông Tài cùng con trai về Long Thành phát hoang làm rẫy. Anh Phước kể: “Dưới Long Thành hồi đó còn hoang lắm, xa thật xa mới có một cái nhà, hai cha con trồng khoai mì khoai lang, ba tôi hồi đó khỏe lắm nhưng sau dạo ông bị té xuống giếng thì sức khỏe sa sút hẳn. Một ngày ông nằm ngủ và ngủ luôn không dậy”. Phước hoảng hốt chạy về Thủ Đức gọi thiếm Si xuống lo tang sự cho cha, sau đó bà đưa anh về nhà nuôi.
Niềm vui bất ngờ
|
Anh Nguyễn Hữu Phước xúc động khi gặp lại anh trai
|
Năm 1985 chị Thiên Thị Mai (con gái lớn của bà Si) lập gia đình về nhà chồng sống và năm sau anh Phước cũng sang ở với chị, gia đình chồng chị Mai thấy Phước côi cút, tính tình lại hiền lành nên họ rất thương và coi Phước như con trong nhà. Chị Mai kể: “Gia đình rất ý tứ, quà cáp trong nhà thì ai cũng như nhau để tránh cho Phước khỏi tủi thân. Tuy nhiên, những ngày Tết, không nói ra nhưng ai cũng biết em buồn, đêm giao thừa sum họp gia đình thì Phước vui vẻ nhưng sáng mùng Một, năm nào Phước cũng giấu mình trong phòng trên lầu, gọi thế nào Phước không chịu xuống. Chờ cho mọi người đi chúc Tết hết rồi, trưa em mới xuống nhà…”.
Nhưng có lẽ Phước cũng khá may mắn khi được gia đình bà Si nuôi dưỡng, yêu thương. Hôm chương trình gọi điện thoại mời Phước lên trường quay lần thứ 2, cả nhà cứ thắc thỏm đón già đón non có lẽ đã có thông tin về gia đình anh rồi. Bà Si nhớ lại vẫn còn chảy nước mắt. Cơn sốt đã đi qua một tháng nhưng khi nói về ngày hôm ấy anh Phước trở nên sôi động hẳn lên: “Hôm đó tôi cũng nghi nghi nhưng hỏi gì, anh em trong chương trình cũng trả lời không biết, đến khi nhà báo Thu Uyên bảo đã tìm ra anh Phan Đại Hoàng Công, tui mừng kinh khủng nhưng anh ấy lại không biết thông tin gì về gia đình, tôi thất vọng nghĩ: thôi rồi! chắc cả đời này không tìm ra gia đình, nhưng ngay sau đó khi gặp lại các anh chị em, không thể ngờ được, trong đời chưa bao giờ có cảm giác sung sướng như vậy”.
Suýt không lấy được vợ
Bây giờ thì anh đã có họ hàng, không còn tủi thân như ngày xưa, chị Mai kể cũng vì không có cha mẹ, anh em nên anh Phước suýt nữa thì không lấy được vợ. Lúc anh 41 tuổi, qua một người em làm mai mối, anh và chị Thắm quen nhau và khi quyết định đi đến hôn nhân thì gặp trở ngại vì Phước không có Chứng minh Nhân dân, lại thân cô thế cô, bố vợ tương lai không biết Phước “có tiền án tiền sự gì không, hay là có vợ con ở đâu rồi…”. Ông nhất quyết không cho cưới, bà Si và bố chồng của chị Mai phải đến nhà trình bày câu chuyện về Phước và đảm bảo với ông thì mới yên tâm. Sau khi biết chuyện, hiện nay bố vợ rất quí Phước, anh hào hứng “Bây giờ, ông ngoại thương tôi và cưng cháu gái lắm, vợ chồng đi làm, ông dành phần chăm cháu chứ nhất định không cho gởi nhà trẻ”.
Sau đêm sum họp với các chị em tại Chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…”, ngay ngày hôm sau, ông Ngoại bé Thư (tên con gái anh Phước) có tổ chức một buổi tiệc nhỏ để anh chị em kỉ niệm ngày gặp lại. Anh Phước đã đi thăm anh Chính và em Hùng ở Đồng Nai, anh hứa hẹn: “Đợi con gái cứng cáp hơn, tôi sẽ đưa vợ và con về Huế và Đà Nẵng ra mắt họ hàng, thăm chị Lý và em Yến”.
|
Anh Dũng (áo trắng hàng đầu tiên), em nuôi của của chị Mai, đang hồi hộp cùng anh Phước tại trường quay |
Vẫn còn một số phận muốn tìm người thân
Không khí gia đình chị Mai cả tháng nay lúc nào cũng rộn ràng, duy chỉ có Dũng tuy chia sẻ niềm vui với anh Phước nhưng thẳm sâu trong lòng vẫn đọng lại một nỗi buồn. Anh Dũng cũng là con nuôi trong gia đình. Mẹ anh bán trong căn-tin sân bay Đà Nẵng, bà có chồng làm phi công nhưng bị giam giữ làm tù binh. Trong thời gian đó, bà ở nhà đi lại với một người phi công đã có gia đình tại Tp.HCM, 1974 bà có thai và ông thì đã trở về Sài Gòn nên không hề biết mình có thêm một đứa con.
Năm 1975, có thông tin chồng được trả về nên bà mang con trai chưa đầy một tuổi vào Gò Vấp – Sài Gòn – trả cho người yêu thì lúc đó ông đã di cư ra nước ngoài, chỉ gặp được cha mẹ và vợ ông. Cha mẹ ông vừa giận vừa khó xử vì họ cũng đang sống với con dâu nên họ không nhận đứa cháu này. Mẹ anh Dũng mới gởi con đi mua đồ, rồi bà đi luôn. Sau, ông bà nội anh Dũng cho anh làm con nuôi của bà Si, bà kể: “Tôi nuôi nó từ lúc mới một tuổi, người nó bé tí, lúc nào cũng mang bình sữa bên cạnh, ông bà nội cũng không biết cháu tên gì nên tôi đặt tên là Dũng,”.
Bà Si xem Dũng như con ruột của mình, từ nhỏ cũng không hề dấu diếm chuyện anh là con nuôi. một lần Dũng về nhà nói với mẹ, có chú kia là Việt kiều Mỹ thuê con làm việc cho chú nhưng không hiểu sao chú rất giống con. Sau bà và anh Dũng mới biết đó là ba của Dũng, ông cũng không biết sự hiện diện của anh trên cõi đời. Một lần về Việt Nam chơi, bạn ông cho hay và ông đến nhìn con: “Ông có ý muốn cháu đổi họ, về ở với ông, nhưng Dũng không đồng ý và bảo khi nào mẹ chết thì nó mới về với bố ruột…”.
Gia đình bà Si có hai cô con gái và hai người con trai, nhưng cả hai con trai đã qua đời từ khi còn bé, chồng bà mất sớm, bà ở vậy nuôi hai người con gái và nhận thêm Phước và Dũng làm con nuôi. Các con bà đều hiền lành, hiếu thảo nên bây giờ khi đã về già bà rất yên tâm và hạnh phúc với con cháu. Để đỡ buồn, bà Si vẫn buôn bán nhỏ ở chợ. Bà thường xuyên đi làm từ thiện khắp nơi mong mang lại niềm vui hạnh phúc cho những trẻ em nghèo vùng sâu vùng xa.
Bài Nguyệt Phạm
Ảnh Đào Ngọc Thạch
} else {