Hoạt động

Khoảnh khắc đoàn tụ

Ngày đăng: 11/03/2008 | Lượt xem: 1035

Kí ức nhạt nhòa về một mái ấm

 Anh Nguyễn Hữu Phước gặp lại anh trai sau 35 năm chia ly

Những thông tin trong hồ sơ mã số 54, anh Nguyễn Hữu Phước sinh năm 1966, con ông Nguyễn Văn Tài, nguyên là lính văn phòng chế độ cũ. Trước năm 1975, nhà ở Đức Phổ, gần sân bay và chợ Đức Phổ. Ngày nhỏ anh rất thường vào sân bay chơi. Theo trí nhớ của anh, một lần vào sân bay thì xảy ra trận đánh ác liệt, anh theo cha lên máy bay vào Sài Gòn, còn mẹ và các anh chị em khác bị kẹt lại và từ đó không còn tin tức gì của họ. Anh nhớ mẹ nấu ăn rất ngon, tên là Đoàn Thị Nghi và gốc người Huế, gia đình còn có chị Lý, anh Chính và hai người em. Nay, anh mong muốn thông qua chương trình tìm lại những người thân yêu nhất của mình. Sau những lần tiếp xúc gợi mở, anh Phước cho biết thêm ngày nhỏ gia đình có thời gian sống ở Bồng Sơn, Tam Quan sau chuyển vào Phù Cát. Kế bên nhà có bác Ngọc, nhà bác có anh con trai lớn tên Phan Đại Hoàng Công.

Vào Sài Gòn lúc 9 tuổi nên anh Phước không nhớ gì nhiều về gia đình. Khi mới đến Sài Gòn, hai cha con tá túc tại nhà mẹ con chị Thiên Thị Mai, cha của chị Mai là bạn ông Tài nhưng đã qua đời, ông ngại hàng xóm đàm tiếu vể mối quan hệ của ông và mẹ chị Mai nên hai cha con chuyển về Long Thành, Đồng Nai sinh sống, một thời gian ngắn sau thì ông Tài qua đời. Mẹ con chị Mai xuống lo an táng ông và đưa anh Phước về Tp.HCM nuôi nấng. Ông Tài là người ít nói nên không khi nào anh nghe ba kể về gia đình, cho đến khi ông qua đời anh chẳng biết gì về mẹ và các anh chị em ngoài những kí ức nhạt nhòa của một đứa trẻ lên chín.

35 năm chia ly là ngần ấy thời gian anh Phước đau đáu trong lòng việc đi tìm gia đình nhưng không có thông tin gì rõ ràng nên việc tìm kiếm ngày càng trở nên vô vọng. Anh nhớ ngày xưa nhà mình có một người em gái nhỏ xíu, mẹ cho người dì bán nước mắn tại chợ Phú Tài. Phước có nhờ người quen ở Qui Nhơn về chợ  Phú Tài tìm người dì này nhưng không tìm thấy.

Hy vọng duy nhất

Trong thời gian hai cha con sống ở Đồng Nai, anh Phan Đại Hoàng Công con của bác Ngọc đến thăm nhà chị Mai và có để lại địa chỉ nhưng sau bị lạc mất. Anh Phước dò tìm vì nghĩ anh Công biết tin tức của mẹ mình. Không tìm được, nhưng trong đầu anh luôn có ý nghĩ anh Phan Đại Hoàng Công sống ở đâu đó như là đường Cách Mạng Tháng Tám, Tp.HCM.

Một lần, chị Thiên Thị Mai xem truyền hình, biết đến chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly…", chị kể với anh Phước, anh mừng quá, đang lúc sức khỏe yếu nhưng anh cũng cố gắng viết thư nhờ chị Mai mang đến văn phòng của đội tìm kiếm đăng kí hồ sơ tìm người thân giúp anh. Khi thông báo trên truyền hình trong Chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…” phát sóng ngày 5/1/2008, anh Phước có nhắc đến tên Phan Đại Hoàng Công. Anh hy vọng người này sẽ giữ ít nhiều thông tin về gia đình mình.

Anh Nguyễn Hữu Phước và anh Phan Đại Hoàng Công trong Chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly…" số 4

Ngay trong chương trình trực tiếp, có một khán giả đã gọi điện đến tổng đài mách bảo rằng có một người tên Phan Đại Hoàng Công đang làm việc ở Cục thuế Đồng Nai. Song song với đó, đội tìm kiếm bằng những phương pháp riêng cũng đã tìm ra anh Phan Đại Hoàng Công. Manh mối duy nhất đã tìm ra, những người tìm kiếm tràn trề hy vọng rằng sẽ có câu trả lời chính xác gia đình anh Phước ở đâu và chuyện gì đã xảy ra với những người thân của anh. Nhưng mọi việc không như mong muốn. Anh Phan Đại Hoàng Công cũng không biết tin tức gì về mẹ cùng các anh chị em của Phước.

 
Sự mách bảo thiêng liêng

Còn nhớ trong chương trình phát sóng ngày 5/1/2008 anh Phước mong muốn tìm “Mẹ tên Đoàn Thị Nghi người Huế, tên thường gọi là bác Tài gái – theo tên gọi của ba tôi – còn có người chị tên Lý, anh Chính và hai đứa em không biết tên…” bằng giọng xúc động gần như muốn khóc. Ngay lúc đó ở tận Gia Lai, một người họ hàng xa của mẹ anh Phước cũng đang theo dõi chương trình và bà hết sức bàng hoàng vì những thông tin anh nêu ra đều trùng khớp với trường hợp em gái bà. Và thêm một điều nữa, gương mặt anh Phước giống cháu Chính của bà như hai giọt nước. Bà khẳng định đây chính là cháu của mình. Vì điều kiện liên lạc khó khăn nên mãi đến ngày 28 tháng Chạp tin vui này mới ra đến Huế, sau đó bay vào tận Đồng Nai là nơi mà anh Chính và Hùng – em út của anh Phước – đang sinh sống.

Khi hay tin, ngay giữa ngày mùng một Tết, gia đình vội vàng gọi điện thoại vào tổng đài số (08) 264 7777, rồi anh Chính và anh Hùng đang ở Đồng Nai tức tốc tìm đến văn phòng Sài Gòn Buổi Sáng… Những ngày Tết năm Mậu Tý là những ngày vui mừng, chờ đợi, thắc thỏm, đứng ngồi không yên. Cả nhà ai cũng mong cho ngày mau qua nhưng dường như càng đợi mong thì thời gian càng trôi qua chậm lại.

 
Đoàn tụ trọn vẹn sau 35 năm chia ly

Gia đình bên nhau sau 35 năm thất lạc

Khi chương trình tiếp xúc với chị Lý và anh Chính, câu chuyện chia ly của gia đình đã sống lại qua hồi ức của các anh chị. Năm 1972, sống tại Phù Cát và câu chuyện bắt đầu từ những xung đột không thể hòa giải giữa cha và mẹ. Mẹ buồn và giận nên đã lặng lẽ bồng người con út tên Hùng lúc đó mới hai tuổi về quê ngoại ở huyện Quảng Điền, Huế.

Chị Lý, anh Chính và Phước ở lại cùng với cha, mấy chị em đi học rồi về tự ăn uống và chăm sóc lẫn nhau. Cha ít khi ở nhà, tính tình lại hơi cọc cằn ít nói nên không khí trong nhà rất lặng lẽ. Thế rồi, chị Lý đến nhà người cô của mẹ than thở nên bà dẫn chị ra quê với mẹ. Chị Lý nói: “Hồi đó năm 1973, tôi mới mười mấy tuổi, còn trẻ con và khờ lắm, vả lại trốn cha ra đi nên cũng không dám nhắn nhủ, dặn dò gì với hai em”. Chị Lý bỏ đi vài tháng thì anh Chính cũng tự tìm đường về quê ngoại sống với mẹ, chỉ còn một mình Nguyễn Hữu Phước ở lại với ba, lúc đó anh mới học lớp 1.

Bốn mẹ con sống ở quê thời gian khá lâu mà không thấy cha ra đón về, đến năm 1975 tình hình chiến sự hỗn loạn không đi tìm Phước được. Cả nhà cứ đinh ninh rằng chiến tranh dữ dội như vậy chắc ba và Phước đã qua đời, vì nếu còn sống sao không thấy tìm vợ tìm con. Cả nhà muốn đi tìm cũng không biết chốn nào, hành trình như mò kim đáy bể. Những năm sau đó, bà mẹ vì nhớ thương con mà buồn phiền, hao mòn, sức khỏe yếu dần, gia đình đưa đi bệnh viện nhưng bác sĩ bảo không có bệnh gì, và bà đã qua đời ở tuổi 60.

Trước ngày đoàn tụ, chị Lý cũng tâm sự: “Phước hồi đó khờ và hiền lắm, tôi không ngờ là em biết mẹ tên là Nghi, vì ngày xưa hàng xóm thường kêu mẹ tôi là bác Tài gái. Cả nhà nghe nói tìm được em rồi ai cũng vui mừng, nôn nao, tôi ở tận ngoài Huế cũng vội vàng vào Đồng Nai ngay, chỉ mong sao cho mau đến ngày gặp em”.

Đêm 1/3/2008, anh Nguyễn Hữu Phước lại một lần nữa được mời vào trường quay, chương trình dành cho anh một sự bất ngờ khi người ngồi bên cạnh anh Phước chính là anh Phan Đại Hoàng Công. Và còn bất ngờ hơn khi chương trình cho anh xem hình của ba anh hồi trẻ và gợi cho anh những kí ức về gia đình, về những trò chơi, về người em trai và em gái… Anh Phước vừa kịp đoán ra “Có thể chương trình đã tìm ra người thân của tôi” thì anh Chính lao đến bên em trong sự xúc động tột cùng. Hai anh em giống nhau như đúc, rồi chị Lý, em Hùng, chị Kim Yến (con dì của anh Phước) các anh chị em ôm nhau khóc như trẻ thơ. Sau những giọt nước mắt là những câu chuyện, những kỉ niệm thời ấu thơ như sống lại tươi mới rộn ràng. Và, chắc chắn niềm vui đoàn tụ sau 35 năm sẽ ngân mãi trong mỗi người như một khoảnh khắc tuyệt đẹp trong đời.

Bài NGUYỆT PHẠM

Ảnh Đào Ngọc Thạch