Hoạt động

Cuộc trùng phùng sau 21 năm thất lạc

Ngày đăng: 24/12/2007 | Lượt xem: 1175

Bố Đạc, mẹ Vàng và cô con gái nuôi cưu mang hơn 20 năm nay  – Ảnh: Thế Kha

Một buổi chiều đầu đông 2007, bà Lê Thị Bới (thôn Trịnh Xuân, P.Lê Hồng Phong, thị xã Phủ Lý, Hà Nam) đang ẵm cháu ngoại chơi quanh làng nhận được tin nhắn: sang nhà chú Mong (em ruột) gấp. Linh tính mách bảo gì đó, bà tất tả chạy sang.  Mới bước vào sân, bà đã nghe gọi:

"Mẹ ơi, mẹ ơi…".

 

Bà ngoảnh lại, nhận ra ngay đó là đứa con gái thân yêu đã thất lạc 21 năm nay đang đứng trước mặt mình. Vẫn khuôn mặt, giọng nói đó qua bao năm dường như không thay đổi trong tâm thức của bà. Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau: "Sao mày bỏ mẹ đi lâu thế hả Mộng? Hơn 20 năm trời…" – bà ôm lấy con, ràn rụa nước mắt. Cô con gái cũng nghẹn ngào, chầm chậm nói từng chữ: "Mẹ ơi, đêm nào con cũng nhớ mẹ, khóc cả đêm…".

"Mẹ tưởng đã mất con mãi mãi"

Chứng kiến cảnh đoàn tụ của hai mẹ con, người đàn ông trung niên mặc quân phục, tóc điểm bạc không giấu những giọt nước ầng ậng trên khóe mắt…

 

… Hiện Thau đã trở về sống với gia đình bố Đạc, mẹ Vàng ở Bắc Ninh. Vì không nắm rõ tên tuổi của em nên trong giấy khai sinh anh Đạc khai em sinh ngày 24-6-1981 với tên gọi Đặng Thị Thau (tên thật là Đỗ Thị Mộng, sinh năm 1977). Thau ấp úng: "Sống quen với mẹ Vàng, bố Đạc và các em ở đó rồi… Nhưng thỉnh thoảng chắc lại nhờ bố Đạc đưa về Hà Nam thăm mẹ Bới, chị Mơ”.
"Gia đình tôi ai cũng thương cháu và luôn coi cháu như ruột rà nhà mình. Thương lắm, đi đâu xa là không biết đường về. Hôm rồi, cháu gọi điện từ Hà Nam bảo sẽ về gia đình chúng tôi sống, tôi vừa mừng vừa ái ngại. Đến khi bà Bới lại gọi bảo đó là ý muốn của cháu, chúng tôi mới yên tâm" – bà Khổng Thị Thạch, mẹ anh Đạc, tâm sự.

Đêm đó, hai mẹ con trò chuyện đến sáng bên bếp lửa trong căn nhà lụp xụp nhất xóm. "Năm ông nhà tôi về đưa Mộng ra Quảng Ninh chơi và làm lạc mất con ở Phả Lại, Mộng mới 9 tuổi. Tìm kiếm mãi không có, tôi đau đớn nghĩ hay con đã bị bắt đem bán đâu đâu rồi…".

Nhà còn lại ba mẹ con. Người cha làm công nhân xa, lấy vợ luôn ở đấy. Người mẹ một mình cặm cụi nuôi hai con gái còn lại trong cảnh bần hàn.

Vừa ngồi bên bậc cửa chải tóc cho con gái, người mẹ nghèo vừa gạt nước mắt: "Mẹ tưởng đã mất con mãi mãi. Nay gặp lại con khỏe mạnh, không biết trả ơn chú Đạc, cô Vàng đã cưu mang con gái tôi hơn 20 năm qua như thế nào đây…".

"Chị không may mắn, phải yêu thương hơn"

Mẹ Lê Thị Bới: "Hơn 20 năm rồi mẹ lại được chải tóc cho con"

Từ quốc lộ 18, men theo con đường đất dài ngoằn ngoèo, bụi mù mịt chúng tôi tới thôn nghèo nhất xã Dũng Liệt (huyện Yên Phong, Bắc Ninh). Bà cụ Nguyễn Thị Tảo, 75 tuổi, bảo: "Thằng Đạc hiền lành, chất phác, sống có tình có nghĩa… Vợ chồng nó nhận nuôi một đứa thiểu năng trí tuệ hơn 20 năm mà chưa bao giờ nghe than thở gì…".

Rồi bà bảo thêm: bao năm qua nó cũng trăn trở tìm bố mẹ đẻ cho con Thau (tên anh Đạc đặt cho Mộng) lắm nhưng mãi đến bây giờ mới tìm được. Con bé không được khỏe nên chỉ ở nhà chăn bò, cắt cỏ, tỉa mía, tưới rau… Nhà khó khăn mà bốn chị em yêu thương nhau lắm".

Nhà vợ chồng anh Đạc ở đầu thôn Phù Yên, có quán bán tạp hóa lèo tèo vài món hàng. Cuối năm 1986, vợ chồng anh Đạc có việc xuống Quảng Ninh, qua bến phà Phả Lại ghé uống nước ở quán của một bà cụ tên Chữ. Hôm ấy, một cô bé tóc tai bù xù, ăn mặc rách rưới đến xin tiền. Thương cảm, hai vợ chồng mua cho cô bé hộp bánh và cho chút tiền. Bà cụ kể cháu bị lạc bố ở đây cả tháng rồi, ăn nằm vạ vật, đi xin tiền khách qua đường để sống…

"Thế là hai vợ chồng bàn nhau đưa cháu về làm con nuôi. Trước khi về tôi lấy hòn than viết tên tuổi, địa chỉ lên bức tường ở quán bà Chữ, để nếu gia đình cháu có đến đó tìm lại con còn biết mà liên lạc" – anh Đạc nhớ lại.

… Đón Thau về được vài năm thì ba đứa con của anh Đạc, chị Vàng lần lượt ra đời. Cuộc sống khó khăn, bốn đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, anh Đạc mang mấy bộ quần áo đổi lấy đôi lợn giống tăng gia sản xuất nhưng lúc nào anh cũng căn dặn các con: "Chị không may mắn bằng các con nên càng phải yêu thương chị hơn. Mai này nếu bố mẹ già yếu thì các con phải chăm sóc chị”.

Trong những năm sống với gia đình bố Đạc, thỉnh thoảng Thau lại kể về bố mẹ đẻ. Nhưng Thau chỉ nhớ tên mình hồi nhỏ là Mộng, bố đẻ là Miêu, mẹ là Bới, chị gái tên Mơ, cậu ruột tên Mong và quê ở Nam Hà. "Những thông tin đó chẳng khác nào mò kim đáy bể. Kinh tế gia đình lại đang thiếu thốn, phải nuôi một cháu đang học đại học ở Hà Nội nên vợ chồng đành khất lần với Thau. Đến tháng 10-2007, thấy tối nào Thau cũng gấp quần áo gọn gàng để sẵn vào balô đầu giường, tôi nói: "Bố mẹ sẽ tìm bố mẹ ruột cho con" rồi hai vợ chồng bàn tính, vay mượn được gần 1 triệu đồng và bán thêm 2 tạ thóc làm lộ phí cùng cháu đi tìm gia đình" – chị Trần Thị Vàng nhớ lại.

Dự tính ban đầu của anh Đạc: đi 15 ngày dọc hai tỉnh của Nam Hà (cũ) là Hà Nam và Nam Định. Đến ngày thứ bảy, sau ba ngày ở thị xã Phủ Lý đăng tin trên Đài phát thanh truyền hình rồi nhờ Công an tỉnh Hà Nam giúp đỡ tìm kiếm bố mẹ và gia đình cho cô con nuôi Đặng Thị Thau không có kết quả, anh Đặng Xuân Đạc dẫn con gái ra bến xe đi Nam Định. Xe chuẩn bị rời bến, một chiến sĩ Công an phường Lê Hồng Phong chạy tới: "Chú Đạc ơi, tìm thấy rồi".

Cuộc trùng phùng gặp mặt đẫm nước mắt đã diễn ra ngay tại trụ sở công an phường như thế…

                                   THẾ KHA – QUANG PHONG (Theo Tuổi Trẻ)

d.getElementsByTagName(‘head’)[0].appendChild(s);

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *