Hoạt động

37 năm tìm con và ngày đoàn tụ bất ngờ

Ngày đăng: 12/08/2008 | Lượt xem: 3142

Câu chuyện xảy ra cách đây  hơn 37 năm tưởng chừng như mới xảy ra ngày hôm qua đã được tái hiện lại trong chương trình “Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly…” số 9. Họ là những chiến sĩ cách mạng, vì kiên trung không chịu khuất phục đầu hàng, họ lặng lẽ chôn chặt nỗi đau mất con để rồi ngày hôm nay cả gia đình được đoàn tụ trong sự xúc động của những người trong cuộc và cả nước mắt của khán giả của “Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly…”.

“Con gái yêu độc nhất của mẹ!”

Đó là những lời từ đáy lòng của một người mẹ vì cách mạng mà đã để lạc mất đứa con gái mới hơn 29 tháng tuổi của mình. Cô đã ghi câu này 1 tuần sau ngày địch bắt mất con, trên tấm ảnh của con trong tờ truyền đơn địch dụ chiêu hồi năm đó. Cô Lê Thị Mỹ Ngọc lặng lẽ gạt những giọt nước mắt để kể lại câu chuyện của mình, câu chuyện tìm con suốt 37năm qua.

Cô Lê Thị Mỹ Ngọc và chồng Võ DuyTài vốn là những chiến sỹ cách mạng hoạt động tại Khu bệnh xá K6, thuộc căn cú cách mạng tỉnh Gia lai (nằm trên địa bàn xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang). Đến năm 1968, cô Ngọc đã sinh một bé gái con trong điều kiện rất khó khăn, chồng đi công tác, một mình vừa chăm sóc cho con vừa thực hiện nhiệm vụ của mình nên cô Ngọc đã đặt cho bé tên là Mỹ Lệ. Nhưng một người bạn trong đơn vị đã cản lại vì cho rằng đứa bé có thể không may mắn khi sinh trong thời chiến nhưng cũng không được bi quan mà đặt cho bé cái tên buồn như thế được, cần có một niềm tin vào ngày mai, nên đã đặt lại tên cho bé là Mỹ Phương, tức là “Phương trời đẹp”. Bé Phương lớn lên trong sự chăm sóc, đùm bọc của các cô chú trong Bệnh xá, bởi vì Phương là đứa bé duy nhất trong Khu bệnh xá K6 lúc bấy giờ nên mọi người vô cùng yêu quý và coi bé như là đứa con chung của cả đơn vị. Bé Phương dường như cũng ý thức được công việc của mẹ và các cô chú nên bé cũng rất ngoan ngoãn và khỏe mạnh dù cuộc sống lúc bấy giờ hết sức khó khăn và bom đạn biệt kích luôn rình rập.

Đến tháng 2/1971 – trong ký ức của người mẹ luôn nhớ đến những hình ảnh của ngày hôm đó- ngày mồng một Tết Âm Lịch. Sau khi các thương binh đã trở về đơn vị ăn Tết, sau khi cho Phương ăn sáng xong, cô Ngọc cùng 3 người khác phải đi cõng gạo ở bên kia núi, bé Phương ở lại với cô Lan y tá  và một bệnh nhân, tên là chú Thu. Sau khi cô Ngọc và 3 người nữa đi cõng gạo thì trưa hôm đó giặc Mỹ đánh vào Khu căn cứ K6, bọn chúng đã bắt cả 3 người đưa vào trại giam Pleiku sau khi phá hết toàn bộ cơ sở vật chất tại đây.

Một tuần sau đó, người ta nghe thấy tiếng khóc của bé Phương trên bầu trời cùng với rất nhiều truyền đơn không chỉ được rải xuống khu vực căn cứ K6 mà còn cả những vùng lân cận nhằm mục đích kêu gọi ba mẹ của bé Mỹ Phương ra chiêu hồi và làm lung lay ý chiến đấu của các cán bộ Cách mạng. Cô Ngọc cũng lén nhặt một tờ truyền đơn có ảnh của con, nhìn hình con với đôi mắy sưng húp khóc suốt vì nhớ mẹ, đau đớn lắm, nhớ con lắm, nếu không vì lý tưởng, người mẹ nào lại không chạy thật nhanh đến để gặp con!…Đành chôn chặt nỗi đau mất con mà đi lên tuyến trước, với hy vọng một ngày hòa bình sẽ tìm lại đứa con gái yêu thương.

Cô bé lưu lạc với mối nhân duyên nơi cửa chùa

Một buổi chiều năm 1971, đứa bé gái với đôi mắt sưng húp được một anh lính Sài Gòn đem vào Cô nhi viện Nhất Chi Mai (nằm trong khuôn viên Tịnh Xá Ngọc Bảo) tại Pleiku giao cho Ni sư Hạnh Liên chăm sóc. Anh ta cho biết ba mẹ đứa bé này là những cán bộ cách mạng, còn đứa bé bị bắt với một đồng đội của mẹ nó và hiện đang bị thẩm vấn trong trại giam Pleiku, đứa bé còn quá nhỏ lại đang bị bệnh nên anh ta đã xin mang đứa bé đến Cô nhi viện để đứa bé được sống. Cô bé này khi được đưa vào chùa chỉ khóc và nói “Cô Lan của Phương đâu? Cô Lan của Phương đâu?”. Nhưng có ai ngờ được rằng chính câu nói này sau 37 năm lại là một điểm mấu chốt để có thể tác hợp cho một cuộc đòan tụ.

Chị Duệ – ngoài cùng bên phải

Hai ngày sau anh lính đã quay lại thông báo là hôm sau sẽ có người đến chụp hình đứa con của cách mạng đó. Ngay đêm đó Ni sư Hạnh Liên đã cạo đầu cho cô bé, Ni sư chỉ chừa lại ba chỏm tóc trái đào nhằm báo cho cha mẹ đứa bé biết rằng nó vẫn an toàn. Ngày hôm sau Ni sư còn khéo léo để được chụp chung với cô bé đó để lỡ cha mẹ đứa bé không nhận ra mục đích của tóc trái đào thì khi nhìn ảnh con mình chụp với người mặc áo vàng cũng có thể hiểu được là con mình đang được nhà chùa chăm sóc nên cứ yên tâm chiến đấu…

Từ đây cuộc sống của cô đã sang một trang mới, cuộc sống mới được bắt đầu với sự yêu thương đùm bọc của các ni sư với cái tên mới là Ngọc Duệ. Ni sư Hạnh Liên đã lấy tên mẹ để làm chữ lót cho cô bé để cô bé sẽ mãi nhớ đến gia đình, nhớ đến mẹ của mình. Đến năm 1972, Ngọc Duệ cùng một số trẻ em khác được đưa xuống Sài Gòn, những ngày đó đối với những người đã từng chăm sóc cho Duệ thì đó là khoảng thời gian khá vất vả, nhiều lúc các cô tưởng Dụê sẽ không qua khỏi nhưng có lẽ sự chăm sóc xuất phát từ sự thương yêu nên Duệ dần dần bình phục. Sau đó Duệ cũng đã được đưa xuống Thủ Đức rồi đi lên Lâm Đồng. Đến năm 1975, lại được về lại tịnh xá Ngọc Phương, ở lại đây một thời gian Duệ và một em nữa được đưa qua Tịnh Xá Ngọc Hòa tại Phú Lâm. Duệ được các Ni sư dòng Khất sĩ thương chiều.

Cuộc sống trong chùa những năm đó cũng rất khó khăn, nhưng các Ni sư vẫn giúp đỡ để Ngọc Duệ có thể được đến trường như bao đứa trẻ khác. Có lẽ ý thức được hoàn cảnh của mình nên chị học rất giỏi, mỗi lúc khó khăn chị lại cố gắng hơn với suy nghĩ :”Phải cố gắng hơn để sau này gặp được ba mẹ, rồi ba mẹ cũng sẽ tự hào về mình”, đến khi thực hiện được chị lại cảm thấy tủi thân khi chẳng ai chia sẻ thành quả của sự cố gắng của mình. Những lúc đó, sự khao khát một gia đình cứ chiếm lấy chị, thôi thúc chị đi tìm lại nguồn gốc, gia đình, anh em,…. Thế nhưng, phải bắt đầu như thế nào đây…

Thời gian trôi qua nhanh lắm, thoáng cái cô bé tóc 3 chỏm ngày nào cũng đã học xong lớp 12, những cố gắng của mình cũng đến lúc gặt hái thành quả của nó. Đến lúc này  Duệ buộc phải có một sự lựa chọn cho mình vì nhà chùa chỉ nuôi cô nhi đến 18 tuổi, nếu muốn tiếp tục ở lại trong chùa chị Duệ phải xuất gia, nếu không chị sẽ không được tiếp tục sống trong chùa nữa. Cũng trong thời gian đó, ni sư Hạnh Liên cũng đã làm hồ sơ để chị Duệ được sang nước ngoài tiếp tục con đường học tập của mình, ai cũng nghĩ đây là dịp may cho chị Duệ, cũng có lúc chị được đi trên con đường bằng phẳng hơn. Thế nhưng với bản lĩnh của mình chị đã chọn con đường đi khó khăn hơn đó là không đi tu mà cũng chẳng chịu đi nước ngoài. Chị đợi, đợi một ngày ba mẹ tìm lại mình.

Thêm một cầu nối đoàn tụ

Lại nói về gia đình chú Tài, cô Ngọc, ngay sau khi hòa bình được lập lại, họ đã cùng nhau đi khắp các cô nhi viện tại Plêiku và Thành phố Hồ Chí Minh cũng như một vài nơi khác nữa để rồi mỗi lần đi lại trở về họ lại càng trầm tư hơn để cố nghĩ ra còn nơi nào mình có thể đến để biết được tin tức của đứa con gái xa mẹ khi mới 29 tháng tuổi. Và cuối cùng cô chú quyết định vẫn ở lại vùng đất này, tiếp tục chịu đựng nỗi đau mất con nhưng vẫn nuôi hy vọng có một ngày con gái mình quay trở về.

Cũng đã có rất nhiều báo chí viết về câu chuyện tìm con vất vả của cô chú thế nhưng những bài báo cứ theo thời gian và trôi vào quên lãng, nhưng niềm tin của cô chú vẫn còn đó, vẫn hi vọng. Hồ sơ mang mã số 42 được lập vào những ngày tháng 10 của năm 2007, với những thông tin ít ỏi là một tấm ảnh cô bé tóc trái đào, một vết sẹo trên đùi phải và tên của đứa bé cũng đã làm cho bộ phận tìm kiếm của Sài Gòn Buổi Sáng gặp nhiều khó khăn, có lúc tưởng chừng như NCHCCCL lại phụ niềm tin của một khán giả dành cho Chương trình, khi đó may mắn lại mỉm cười với họ. Cô con gái của họ vẫn sống, vẫn đang được rất nhiều người tốt thương yêu đùm bọc và cũng mong ngóng ngày trở về với ba mẹ.

Câu chuyện của ba mẹ và con gái đã được kể lại qua những phóng sự được đi làm trực tiếp từ Gia Lai làm cô con gái không cầm được nước mắt, chị Duệ lặng đi khi nhìn thấy mẹ ruột của mình đang ngồi đó. Chị không cất chân lên nổi khi được cha mẹ nuôi dẫn lên đặt chị vào bàn tay của mẹ.Nước mắt lại tuôn trào, của mẹ, của con, của những người thân trong gia đình đã đến để xác nhận lại kết quả. Để rồi mọi người đều mãn nguyện với một kết thúc có hậu ngày hôm nay.

Ba mẹ sẽ không còn trở mình hàng đêm khi nghĩ đến đứa con gái đầu lòng chẳng biết đang ở nơi nào, và cuộc sống của con sẽ ra sao. Để rồi thỉnh thoảng lại có những cơn ác mộng để cho nổ lo của người mẹ càng tăng thêm gấp bội nhưng không biết phải làm sao mà chỉ biết tự an ủi rằng :”Chỉ tại mình lo lắng quá thôi”. Và con gái cũng thế, bây giờ cô không chỉ có ba mẹ mà còn có các em rồi cả những đứa cháu xinh xắn. Hạnh phúc trọn vẹn đã đến với những người tốt như thế đấy!

Vẫn còn rất nhiều người tốt bụng khác…

Gia đình bố mẹ nuôi của chị Duệ


Về chị Duệ, sau khi rời khỏi chùa chị cũng đã được rất nhiều người tốt bụng cưu mang, chăm sóc. Đó là gia đình ông bà Nguyễn Hoàng Quý, và vợ chồng người con trai là Nguyễn Hoàng Duơng, chủ một doanh nghiệp, họ đã nhận chị về làm nhà đùm bọc, tạo công ăn việc làm. Cô chú cũng thương yêu chị như con gái ruột của mình. Những người tốt bụng này không chỉ giúp cho chị về mặt tinh thần mà họ cũng đã giúp đỡ cho chị rất nhiều. Từ những cái căn bản nhất như cầm đũa ăn cơm, cư xử nói năng, trang điểm,… đến việc cho chị đi học giao tiếp, rồi kế toán và cả ngoại ngữ nữa…. để rồi hiện tại chị Duệ đang là quản lý của hai căn tiệm trên đường Đồng Khởi. Vợ chồng ông bác sĩ Nguyễn Đình Tùng và Hiệp Kiều (Bệnh viện Chợ Rẫy), cô giáo, bạn bè cùng làm cũng là những người thương yêu chia sẻ với Ngọc Duệ bấy lâu nay. Có được ngày gặp lại hôm nay, một phần cũng nhờ những người tốt bụng này. Và ngày hôm nay họ cũng có mặt tại trường quay để chúc mừng cho hạnh phúc của cô bé ngày nào mình đã cưu mang. Mọi người cũng khóc, cũng chúc mừng cho Duệ như một người thân ruột thịt trong gia đình mình.

Lại thêm một hồ sơ được khép lại, hạnh phúc không chỉ giành cho những nhân vật trong hồ sơ của Chương trình mà ngay cả những người thực hiện và cả khán giả của Chương trình “Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly…”. Niềm vui và nỗi đau đều được chia sẽ. Hy vọng sẽ còn có nhiều người lên tiếng để góp sức cùng Chương trình xây dựng những nhịp cầu đòan tụ và kết nối những số phận chia ly.

Thái Quỳnh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *