Báo chí
Vụ Babylift (Bốc trẻ em)
Ngày đăng: 02/07/2008 | Lượt xem: 1797
“Ông Dân Biểu” Nguyễn Văn Hàm |
Trong lúc tìm hiểu đề tài Babylift, liên quan đến “MS 118 – Tiffany Goldson tìm mẹ ở Việt Nam”, chúng tôi được tiếp cận với một “nhân chứng lịch sử”, một người nổi tiếng trên chính trường trước 75 với cái tên ngắn “Ông Dân biểu”. Ông là Nguyễn Văn Hàm, giáo sư, Nghị sĩ Hạ viện Sài Gòn. Ngay sau ngày giải phóng, ông từng là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Sài Gòn. Trong cuộc đời ông, thời điểm nào cũng có những câu chuyện đấu tranh vì hòa bình, hoạt động nhân đạo, từ thiện đáng nể trọng. Ông từng là người đứng ra tổ chức các đoàn hội Phật giáo tương thân, đồng thời chính các đoàn thể này đã trở thành lực lượng chiến đấu vì hòa bình không mệt mỏi, từ năm 1967 đến ngày thống nhất đất nước. Vì lý do đó, ông đã từng bị chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ám sát hụt.
Do đứng giữa chính trường Sài Gòn, có quan hệ tốt với các bên, ông hiện nắm giữ nhiều tư liệu quý, một phần được ông ghi chép lại trong hơn 1.000 trang hồi ký, tựa đề “Ông Dân biểu”. Trong số đó, có tư liệu về chiến dịch Babylift, mà chúng tôi xin trích giới thiệu dưới đây.
Tôi không biết gì hơn, nhưng việc mất Đà Nẵng làm tôi nghĩ, có lẽ Albert Francis, nhân vật quang trọng của CIA kiêm Tổng Lãnh sự ngoài đó thế nào cũng di tản vào đây. Chống gậy tới đường Tú Xương nhà Leymann, quả nhiên gặp hai vợ chồng Francis. Họ tiếp đãi rất tử tế.
Tôi mời họ chớ chê nhà tôi tồi tàn chật hẹp, hãy đến dùng cơm. Họ vui vẻ nhận lời. Nhưng chỉ có mỗi anh chồng tới.
Qua ly bia, tôi được biết Kiến, tức Earl Martin vẫn còn ở Quảng Ngãi. Vợ Martin thì đã cùng con trai Minh Martin về Mỹ. Tôi tỏ ra quan ngại cho Kiến. Francis cười khẩy bảo:
“Ông đừng lo, ông Na, người cùng quê với tướng Trà, dạy Anh văn cho công tác thiện nguyện của Menonite ở Quảng Ngãi và thầy Huỳnh Ngọc Hiến, cả hai đều là học trò của ông Dân biểu. Năm ngoái hai người này đã tổ chức đưa Earl lên thăm vùng chiến khu Việt Cộng ở Nghĩa Hành, trước khi ông ấy tích cực giúp các ông phát động các cuộc biểu tình chống chánh phủ. Martin đã chụp hình đủ và đã gởi về Mỹ cho báo chí”
Tôi cảm thấy nổi gai hết mình mẩy. Ra mạng lưới thu thập tin tức của Tổng Lãnh sự Đà Nẵng bủa khắp nơi, nắm từng chi tiết những hoạt động của bọn tôi, vậy mà gặp nhau chẳng bao giờ xì chút tin tức gì, lại vẫn đãi món Spaghetti ngon lành.
Con người đó, đối lập với Tổ Quốc của tôi, ngồi ngay trước mặt, thân ái trong căn nhà nhỏ nầy, còn khá trẻ, học thức và nhã nhặn, rất lịch duyệt về ngoại giao. Đầu tháng tư, trời nóng hầm hập, chu vi căn phòng lại chỉ có 3m x 6m tương phản với cái khổ người to lớn của anh, cả cái quyền lực mênh mông mà anh mới tiếp thu nơi ngài Eims, Giám đốc cơ quan Tình báo Mỹ ở Việt Nam vừa nghỉ hưu. Anh ngồi đó, mồ hôi lấm tấm, Chàng nghĩ là anh thừa biết tỏng mọi công việc của mình, mà vẫn thản nhiên. Tại sao? Tôi hỏi:
“Tình hình VNCH xem chừng quá tuyệt vọng. Liệu chính phủ Mỹ có tái can thiệp không?”
Anh ta nhìn trừng trừng vào mắt tôi. Tôi cũng đáp trả, trân tráo nhìn lại.
Cuối cùng anh nhoẻn cười, chậm rãi từng tiếng:
“Ông thuộc lực lượng thứ Ba. Tất cả chúng ta đều biết, với Hiệp Định Paris, chúng tôi chấm dứt việc dính líu vào chiến tranh Việt Nam.
Ngừng tiếng súng. Ai đâu ở đó. Cử Hội Đồng Hòa Giải Hòa Hợp Dân Tộc. Bầu cử.
Bốn việc đó, hai năm rồi, hai bên đều không làm”.
Rồi anh ta thò tay vào túi, lấy ra một mảnh giấy, đưa cho tôi và nói:
“Tôi tặng ông Dân biểu cái nầy”.
Tôi nghiêng người chìa ra ánh đèn và đọc.
Đây là bức thư của Phó Thủ tướng, bác sĩ Phan Quang Đán, Quốc vụ khanh đặc trách Xã hội – gởi Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa, để xin đưa bốn ngàn trẻ em Việt mồ côi sang Mỹ với mục đích:
… “Sẽ gây thêm xúc động trên khắp thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ, rất có lợi cho Việt Nam Cộng Hòa … Đại sứ Hoa Kỳ cũng can thiệp trực tiếp với tôi để số cô nhi trên được xuất ngoại tập thể …
“Việc xuất ngoại tập thể này, thêm vào việc hàng triệu đồng bào nạn nhân chiến cuộc lìa bỏ những vùng Cộng sản chiếm đóng, sẽ giúp xoay chuyển dư luận dân chúng Hoa Kỳ, sẽ được các hãng Truyền thanh và Truyền hình cùng báo chí Hoa Kỳ mục kích, tường thuật, do đó có ảnh hưởng rất lớn lao …”
Công văn nầy có ấn ký của Bác sĩ Đán, số 1388 đề ngày 2.4.1975.
Dò theo đôi mắt tôi, đợi đến dòng cuối cùng, Francis nói, thong thả:
“Đấy là việc riêng của người Việt Nam. Tôi đã phải từ Đà Nẵng tháo chạy theo họ vào đây. Việc của tôi bây giờ là phụ với ông Laymann tổ chức cho công chức, binh lính cuối cùng người Mỹ rời Việt Nam
Nóng quá và trời cũng đã khuya, tôi xin về kẻo nhà tôi trông.
Chúc anh mạnh khỏe. Mong rằng anh sẽ sống được với những người Cộng sản mà anh mong ước”.
Anh nói thật nhanh, cùng lúc nhổm đít đứng dậy, không để cho tôi đáp lời.
Vì còn phải chống tó (sau khi bị người của Nguyễn Văn Thiệu ám sát – BTV), tôi khó nhọc đứng dậy tiễn anh. Mãi sau khi tiếng máy xe xa dần tôi mới kịp để ý đến từ “anh” thân mật mà Francis gọi mình. Từ đó, tôi không gặp anh nữa.
Bốn ngày sau, một bức thư “Làm tại Miền Nam Việt Nam ngày 6-4-1975”, ký tên Thay Mặt Toàn Thể Cô Nhi Viện Toàn Quốc, mang con dấu của cô nhi viện Ngọc Ninh (Phan Rang), hai cô nhi viện Nhất Chi Mai ở Lâm Đồng và Biên Hòa gởi Quốc hội và Nhân dân Hoa Kỳ, Hội đồng Thập tự Quốc Tế, Cơ quan Bảo trợ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, toàn thể các Hội đoàn, các Tổ chức Từ thiện Quốc tế, tố giác rằng:
… “Lịch sử chiến tranh thế giới xưa nay dù người ta có sử dụng vô số các âm mưu thủ đoạn nào để đạt mục tiêu đi chăng nữa, nhưng chưa bao giờ sử dụng phương thức xuất cảng cô nhi như Chính phủ mới đây.
Chúng tôi đau đớn mà tố giác rằng trong khi đời sống của bốn ngàn cô nhi đang bình lặng tại các cơ sở nghĩa dưỡng toàn quốc, thì Chính Phủ Sài Gòn do sự khuyến khích của Tòa Đại sứ Mỹ đã bất ngờ đưa hết số cô nhi trên về Sài Gòn để chờ lên máy bay rời bỏ quê hương.
Chúng tôi cũng gay gắt lên án các Hội Nghĩa Dưỡng quốc tế tại Việt Nam đã cấu kết chặt chẽ với âm mưu trên nhằm ý đồ chính trị, bội phản lại chủ trương nhân đạo nhân chánh một cách bỉ ổi.
“Chúng cực lực phản đối nhà cầm quyền Sài Gòn đã bất chấp tình đồng bào ruột thịt khi tuân hanh mệnh lệnh quái ác: Xuất cảng cô nhi”
Chúng tôi long trọng xác nhận:
– Quyết tâm bảo vệ cô nhi Việt Nam đến cùng.
– Không bao giờ chấp nhận xuất cảng cô nhi cho mưu đồ chính trị tàn nhẫn.
– Số cô nhi còn lại tại các cô nhi viện, chúng tôi thà chết chứ không để chính quyền bắt mang đi.
Chúng tôi kêu gọi ông Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc và các tổ chức từ thiện cùng nhân dân thế giới hãy:
– Áp lực bắt buộc chính phủ Mỹ ngưng ngay chương trình “Xuất cảng cô nhi”.
– Kêu gọi nhân dân tiến bộ các nước Tây Phương đừng tiếp tay, đồng lõa với chính phủ Mỹ mà bắt buộc các trẻ em Việt Nam phải rời bỏ bản xứ.
Sau cùng, chúng tôi nghiêm khắc cảnh giác rằng:
Lịch sử đạo đức nhân loại sẽ vô cùng lâm nguy nếu ngày nào ý nghĩa “Nhân đạo” còn bị các thế lực hiếu chiến sử dụng vào mục tiêu chính trị thấp hèn”.
Tài liệu này được phát tán nhanh chóng đi khắp nơi, nhất là những chỗ người ta đưa trẻ mồ côi tới, gây xôn xao lớn trong chính giới. Đặc biệt là tại Úc, ba chục năm sau, một đoàn làm phim đã đến Tp.HCM năm 2005 tìm đến nhà tôi.
Tôi đã giới thiệu hai nhà Đạo diễn người Úc, cô Trang Đài (gốc Việt) và cô Lake đến nhà anh Mai Chí Thọ cùng một số tri thức cũ thời đó để hỏi và tái hiện Babylift. Phim Babylift đã được trình chiếu ở Úc vào dịp kỷ niệm 30 năm kết thúc Chiến tranh Việt Nam và được chiếu lại trong dịp 30/4 năm 2007.
Tôi nghĩ thế nào Francis cũng có bản văn này, nhưng không lo lắng mấy, vì biết rằng dưới trướng của Bác sĩ Phan Quang Đán ở 308 Hai Bà Trưng, Quận 1, cũng có mấy sinh viên gốc Quảng Nam, đang tham mưu cho ông, nhưng là nội tuyến cho Cách mạng.
Bấy giờ Sài Gòn đã có chuyến bay chở cô nhi sang Phi Luật Tân, từ đó trung chuyển đi Úc và Mỹ, mãi tới lúc một chuyến rơi ở Hòa Bình, giết hại hàng trăm trẻ em mồ côi.
Để đủ túc số mà tuyên truyền, chẳng gì đáng ngạc nhiên khi, trong chuyến đầu tiên, người ta bốc cả những trẻ con ở ngoài các trại cô nhi.
Một người bạn cùng quê, cùng tuổi với tôi, bấy giờ gia đình đang ở Qui Nhơn, có đứa con gái mười tuổi, đi học bán trú một trường Đạo, một hôm không thấy về nhà. Đăng báo, nhờ đài tìm trẻ thất lạc vô hiệu, coi như mất tích luôn.
Mười bảy năm sau, một thiếu phụ xinh đẹp về thăm quê, lẵng nhẵng theo chân là một thanh niên Mỹ, đẹp trai, mang kính cận thị và một bé trai rặt Việt Nam, con với người chồng trước. Đó là Quỳnh Ngọc, cô bé mất tích năm xưa, ý cẩm hồi hương.
Đến thăm tôi, Ngọc kể:
“Hồi đó, cháu đang ở trường dòng. Buổi sáng, xơ Mai gọi ra bảo có chuyến phi cơ đi Mỹ cho các con mồ côi, Ngọc có đi theo không?
Bấy giờ, cháu với con bạn Bạch Ngọc thương nhau như chị em ruột. Cha mẹ nó chết cả, tất nhiên nó lên máy bay, thế là cháu đi theo. Ở ngoại ô Manila mấy tháng, chúng cháu được đưa sang Mỹ. Rồi lớn lên ở xứ người, sách vở, ăn uống đầy đủ, nhưng không có tình yêu gia đình, cháu cặp với người cùng cảnh ngộ.
Cho nên, chồng trước của cháu cũng trong đám mồ côi. Có chung với nhau thằng bé này thì bắt đầu cãi nhau, đánh lộn suốt.
Ra tòa ly dị ít lâu, cháu gặp Tony đây”. Vừa nói Ngọc vừa nhếch đôi môi mọng đỏ cười tình với chồng, vừa trỏ chàng giới thiệu:
“Bác H., bạn thân của Cha”.
Người thanh niên ngơ ngác, gục gặt đầu chào tôi. Ngọc tiếp:
“Ảnh hiền lành lắm, nghe cháu một bề, giỏi nghề địa ốc. Bác biết ở Sài Gòn có chỗ nào chính phủ cho thuê đất, chúng cháu mướn làm những biệt thự, ở vùng ngoại ô một tí cũng được, bán cho những người di tản đã có tuổi, nay muốn về quê yên nghĩ”.
Ngọc đãi tôi tô hủ tíu, làm dấu thánh giá trước khi ăn. Tôi không ngớt nghĩ về tính bí nhiệm của đời sống. Nếu không có “Thiêng liêng”, một cô bé mười tuổi lạc loài, tứ cố vô thân như Ngọc sao còn tồn tại đến giờ, rồi cũng lớn lên, chồng con đàng hoàng, lại một anh chàng Mẽo trẻ măng, thua vài tuổi, đẹp trai ra phết.