Báo chí
Trở về nguồn cội
Ngày đăng: 05/04/2010 | Lượt xem: 1069
35 năm sau ngày đất nước thống nhất, những đứa trẻ thất lạc ngày xưa đã trở về với người thân ở Việt Nam
Trong chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly trực tiếp trên VTV1 tối 4-4, đã có những cuộc trùng phùng đầy nước mắt và có những niềm tin chờ đợi thiết tha của những người đi tìm lại gia đình mình sau bao nhiêu năm đằng đẵng lưu lạc xứ người.
Chia ly…
Ngày 4-4-1975, chuyến bay quân sự đầu tiên trong chiến dịch vận chuyển trẻ em Việt Nam sang Mỹ cất cánh. Hơn 3.300 đứa trẻ đã lưu lạc trên đất khách được nhận làm con nuôi ở nhiều nước hoặc lớn lên trong các cô nhi viện, trại tế bần. Những đứa trẻ ngày xưa nay đã trở về để mong tìm lại chính mình.
Sơ Susan kể về những ngày tháng chăm sóc trẻ em Việt Nam, 1975 – Ảnh: TAD |
Như cô Tiffany Goosdon đã về VN nhiều lần trong hơn 10 năm qua không mong gì hơn là được một lần nhìn thấy mẹ để nói với bà rằng “cảm ơn mẹ đã cho con cuộc đời này”.
Như chị Safi Thị Kim lưu lạc 35 năm cũng là chừng ấy thời gian ôm ước vọng một ngày nào đó sẽ có người gõ cửa nhà mình để nói rằng họ đã tìm thấy cha mẹ chị.
Biên tập viên Thu Uyên nói rằng chương trình đã nhận được 31 đề nghị tìm người thân của những người trong “đoàn Babylift” của ngày xưa và hiện đang trên đường tìm kiếm người thân cho họ, dù biết rằng sẽ vô cùng khó khăn, vì không ai biết chút thông tin gì về gia đình, ngoài cái tên Việt Nam còn lại trong giấy tờ.
Cuộc chạy loạn của hàng ngàn người dân cao nguyên vào những ngày cuối tháng 3-1975 cũng đã khiến hàng ngàn đứa trẻ bị thất lạc gia đình. 154 hồ sơ được gửi đến chương trình đều có chung thời điểm thất lạc là từ ngày 16 đến 28-3-1975, trên đoạn đường gần 200 cây số từ Gia Lai đến Phú Yên…
Suốt bao năm qua, những đứa trẻ ngày xưa vẫn thao thức với mong muốn tìm về nguồn cội. Có người cứ đi dọc đường 7, Quốc lộ 25 để tìm dấu vết xưa; có người cứ thảng thốt giật mình khi nghe tiếng xe chạy trong đêm…
…Và hội ngộ
Lúc thất lạc chỉ mới là một cô bé 10 tuổi, khi trở về với vòng tay của gia đình, chị Huỳnh Thị Trơn đã là một phụ nữ ở tuổi 45. Chị vẫn âm thầm đi tìm người thân suốt 35 năm qua, dọc theo đường 7, từ Gia Lai đến Phú Yên.
Gia đình chị Huỳnh Thị Trơn – Ảnh: TAD |
Ký ức còn lại trong chị chỉ là một khu gia binh, có hầm chui xuống, có vườn nhỏ, trước nhà có một bệnh viện… Từ những chi tiết rất nhỏ ấy, đội tìm kiếm của chương trình đã lần tìm ra họ hàng của chị Trơn – những người cũng đã đi tìm chị suốt bao năm qua.
Còn câu chuyện của anh Trương Công Toàn – cũng là đứa trẻ thất lạc trên đường 7 năm xưa – giống như một cổ tích xót xa. Một mình chạy trốn trong những ngày chiến sự khốc liệt, anh lạc mất gia đình và được nhận làm con nuôi với một cái tên khác là Hùng.
Gia đình anh Trương Công Toàn – Ảnh: TAD
|
Chính vì vậy mà hành trình tìm kiếm lại càng khó khăn gấp bội. Mẹ anh một mình lặn lội vừa đi bán dạo vừa tìm con trên các cung đường của cao nguyên nhưng vẫn không thể nào tìm thấy. Khi hy vọng gần như sắp tắt thì chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly đã mang đến cho gia đình họ những điều kỳ diệu…
Trường quay S8 đêm 4-4 đã vỡ òa trong nước mắt vì những cuộc trở về. Thời gian hằn nếp nhăn trên những khuôn mặt nhưng không thể xóa nhòa sức mạnh của tình thâm…
if (document.currentScript) {