Báo chí

Tôi là người biết cho…

Ngày đăng: 01/09/2008 | Lượt xem: 1072

“Chưa có gì mình làm, từ trước đến giờ, mà mình không mê say”, Thu Uyên nói. Và chị rất mê say khi kể về công việc, cuộc sống của mình.

Không biết vì sao tôi có một sự tò mò, háo hức rất lớn khi hẹn phỏng vấn, trò chuyện với những phụ nữ trên 40 tuổi. Tôi tò mò cách họ ăn mặc, uống nước thế nào, ngồi ra sao, hai bàn tay như thế nào.

Cảm giác ấy không giống như hẹn gặp các cô gái tuổi còn trẻ. Tôi ít quan tâm đến những chi tiết ấy, bởi tôi biết, với họ, vẻ bên ngoài thay đổi như mùa mưa nắng. Còn với phụ nữ đã qua tuổi 40, mọi chi tiết nhỏ đều hình thành từ cuộc sống, tính cách, tâm trạng…, tất cả những gì làm nên một con người chín muồi, tỏa hương như trái chín.

Và tôi đợi Thu uyên với sự tò mò, háo hức như thế, trong một quán cà phê yên tĩnh. Thu Uyên báo cho tôi sẽ đến trễ một chút. Chị đang bận họp. Tôi cũng không sốt ruột tí nào (viết thế này cho chị yên tâm, không phải xin lỗi hai, ba lần như chị đã làm). Tôi thích thư giãn một chút trước khi bước vào cuộc phỏng vấn người phụ nữ có đôi mắt sâu và rất đen, giọng nói lúc nào cũng trẻ nhỏ và nụ cười trong veo.

Ấn tượng về một Thu Uyên

Tôi đã nhiều lần thấy Thu uyên trong các chương trình truyền hình. Đầu tiên là chương trình thời sự quốc tế. Ấn tượng khó quên là cô gái này không có vẻ đẹp chuẩn, giọng nói chuẩn của một người dẫn chương trình. Mặt mũi bầu bĩnh, giọng nói lại cao vá sắc. Tất cả đều cho ấn tượng như…con nít. Mãi bao năm vẫn thế, cô gái ấy chẳng già đi chút nào.

Rồi tôi được biết cô là cựu sinh viên trường MGIMO, một trường được xem là danh giá và sang bậc nhất Liên Xô (cũ) ngày trước. Học sinh trường đó bây giờ khối người làm lớn, tạo nên sự nghiệp. Thu Uyên bước ra từ ngôi trường ấy và thành công cũng không có gì ngạc nhiên.

Bẵng đi mội thời gian, không thấy cô đâu nữa. Cũng có đủ tin đồn này nọ xung quanh cô. Rồi nghe cô đi Mỹ học. Tôi có đọc một bài báo về cô, với căn nhà nhỏ mới thuê cho hai mẹ con giữa đất Sài gòn… đôi khi, tôi thoáng bâng khuâng: lại một người phụ nữ có tài, có sắc mà cuộc đời gian truân, lận đận. Nhưng tôi vẫn tin khuôn mặt ấy, cá tính ấy sẽ “chẳng lẫn vào cỏ”. Và Thu Uyên đã xuất hiện trở lại trong chương trình thật đặc biệt, ấn tượng: Như chưa hề có cuộc chia ly…

Tôi và Thu Uyên hẹn gặp nhau lúc 10 giờ trưa. Cô ngồi xuống chừng 10 phút, có cuộc điện thoại của một người bạn cũ, hẹn lúc 11 giờ 30. Giữa cuộc trò chuyện, cô còn nhận vài cuộc điện thoại nữa. Vậy là chúng tôi chỉ có với nhau hơn một giờ đồng hồ.

Một giờ để tìm hiểu và kể về một con người, hình như là quá ít. Nhưng tôi không có cảm giác bối rối, bởi trong bộ đồ rất trẻ: quần lửng ngang gối, áo thun đen và chiếc ba lô nhỏ đặt trên đùi, Thu Uyên đã sẵn sàng cho cuộc trò chuyện.

Người phụ nữ không còn trẻ mà lại rất trẻ ấy dường như sẵn sàng dàn trải mọi điều về tính cách, tâm hồn mình. Không có góc nọ, góc kia trong tính cách, che chắn tầm mắt người đối diện, nếu người ấy biết cách đẩy cánh cửa và bước vào.

Không lặp lại chính mình

Chị Nguyễn Phạm Thu Uyên tốt nghiệp đại học quan hệ quốc tế Moscow năm 1987, tốt nghiệp thạc sĩ theo học bổng Fulbring ở Mỹ năm 2003.

Hiện đang phụ trách bản tin thế giới cập nhận của VTV9 và biên tập viên của trung tâm truyền hình Việt Nam tại TP.HCM.

Điều làm nên thành công của Thu Uyên là không bao giỡ lặp lại người khác và chính mình, không bao giờ hài lòng với những gì đã đạt được.

Thu Uyên rất cởi mở. Đó là con đường dẫn dắt mọi người đến với chị, chia sẻ những gì chị cảm nhận và dốc sức làm.

Người kết nối những niềm vui

Hơn 15 phút đầu, chúng tôi nói lòng vòng đủ thứ chuyện, như hai người bạn lâu ngày gặp lại để xem “dạo này bạn thế nào kể từ khi xa nhau”. Câu chuyện cứ tiếp những lần trò chuyện bỏ dở từ lúc nào. Chợt Thu Uyên thả người nhẹ trong tiếng cười: “thật hay là bạn không hỏi những câu như: vì sao bạn làm chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly…? Vì sao thế này, vì sao thế kia… như nhiều cuộc phỏng vấn gần đây”.

“Vậy là Thu Uyên ghét bị phỏng vấn lắm?”, tôi hỏi. “Ghét lắm, ghét nhất là những câu hỏi giống y như nhau. Nhưng mình vẫn nhận lời hẹn gặp, vẫn trả lời, vì được mọi người viết về chương trình là quá tốt rồi”, Thu Uyên cười – nụ cười của một người biết chịu đựng một cách… chuyện nghiệp vì công việc mình làm.

Uyên giở cho tôi xem một chồng hồ sơ và kể: “Đây chỉ là một phần nhỏ, những gì mình luôn mang theo, để tiện đâu là ngồi đó làm việc, cô gái này bị bán sang Trung Quốc từ năm 15 tuổi. Bây giờ cô ấy không còn nhớ tiếng Việt. Cô sắp được gặp mẹ rồi. Đây là….”.

Có khoảng năm bộ hồ sơ như thế, Uyên luôn mang theo trong chiếc ba-lô nhỏ. Về mọi người, Uyên có thể kể rất say sưa, như về một người thân. “Mà với tôi, họ thật sự trở thành những người thân. Bởi tôi phải biết về họ tường tận, từng chi tiết trong quá khứ mới có thể móc nối, ráp những mảnh vụn ấy thành một mạch sống toàn vẹn, nối với những cuộc đời khác. Rồi sau đó, tôi trở thành một phần của đời họ. Họ luôn gọi điện, báo tin cho tôi khi có điều gì xảy ra trong cuộc sống…”. Nói đến đây, ánh mắt Uyên dường như sâu hơn nhưng lấp lánh niềm vui.

Trái tim thổn thức trước những chia cắt, chị tự đặt lên vai mình trách nhiệm của người kết nối những cuộc đời, kết nối niềm vui đoàn tụ

Từ lúc chương trình đầu tiên phát sóng đến nay mới hơn nửa năm. Chương trình phát vào thứ Bảy tuần đầu tiên của tháng. Hơn 25 cuộc đời, 25 số phận, 25 niềm vui, nỗi buồn đã đè nặng lên vai người phụ nữ này. Tôi cảm nhận điều ấy trong giọng nói, cách kể chuyện của chị. Đó không còn là công việc đơn thuần nữa.  Không ai có thể làm công việc ấy với ý thức nghề nghiệp hay công dân đơn thuần mà phải bằng trái tim.

Thu Uyên trò chuyện cùng một người mẹ đi tìm con gái thất lạc 37 năm trong chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…”

Trái tim cô gái tên Thu Uyên cách đây gần 20 năm đã biết thổn thức khi nhìn những người đàn ông, đàn bà Nga đứng trong công viên Văn Hóa, ngày lễ mừng chiến thắng. 40 năm sau chiến tranh, họ đeo trên ngực tấm bảng “Tôi đã lạc mất anh/chị/em/ban…. Trong chiến tranh, tại đâu, tại đâu…”. Trái tim ấy đã rung lên với nỗi niềm: “Đấy nước mình sau hàng chục năm chiến tranh, qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, sẽ còn biết bao cụôc chia ly cắt da, cắt thịt như thế”. Và chị bước vào con đường mới, tự đặt lên vai mình trách nhiệm nặng nề của người kết nối những cuộc đời, kết nối niềm vui đoàn tụ.

Sống hồn nhiên và hết mình

Suốt cuộc trò chuyện với tôi, Thu Uyên không hề đặt chiếc ba-lô của mình xuống ghế – như tôi mong đợi. Tôi mong thế để người nói chuyện được thoải mái cho tôi hỏi. Nhưng Uyên không đặt xuống. Chị ôm nó trên đùi, như luôn sẵn sàng đứng dậy và đi tiếp công việc của mình. Đó chính là một phần tính cách của Uyên, luôn hướng về phía trước. Tìm một con đường riêng cho mình.

Trước đây, Uyên đã từng làm chương trình “Tại sao không?”. Chương trình ra mắt trong một thời gian ngắn ngủi, mang đến bao háo hức, mong chờ cho nhiều người, nhưng rồi lặng lẽ tắt ngúm. Thế nhưng nói về nó, Uyên vẫn đầy vẻ tự hào và yêu thương: “Nó không chết. Ý tưởng không bao giờ chết. Biết đâu, nó vẫn nảy sinh trong những chương trình khác, của người khác… chỉ tiếc là mình đã thất hứa với khán giả vì chưa được chuẩn bị kỹ, chưa đầu tư công phu. Một mình Uyên không thể làm nên điều đó”.

Nói rồi, Uyên múc một thìa sinh tố mãng cầu, cho vào miệng một cách ngọt ngào và say sưa. Thỉnh thoảng, tôi cứ bị xao lãng vì nhìn Thu Uyên uống ly mãng cầu ấy – từng thìa nhỏ, ngọt ngào và say sưa, rất chăm chú, rất kiên nhẫn. Hình như trong cách uống đó, tôi nhìn thấy một tính cách sống hồn nhiên, hết mình. Uyên nói: “ Chưa có gì mình làm, từ trước đến giờ, mà mình  không mê say”. Tôi biết điều đó không dễ.

Uyên rất say mê khi nói về những gì liên quan đến mình, không chỉ về công việc mà còn về Hạnh Duyên, cô gái 17 tuổi. “Khi sinh nó ra, người ta bồng nó tới cho mình. Mình nhìn vào khuôn mặt xinh đẹp của nó với sống mũi cao thẳng tắp và chợt một ý nghĩ nảy sinh trong đầu: Trời ơi! Con bé này thống trị mình đây”. Uyên kể về con như một cô bạn gái tuyệt vời, mạnh mẽ, cứng cáp, tràn đầy sức sống.

Cũng với cách mê say ấy, Uyên kể rất ngắn về chồng: “Anh ấy như ông tiên vậy”. Và chị kể về ngôi nhà mới cùng niềm hạnh phúc mới: lần đầu tiên được tự trang trí cho căn nhà mình. Uyên thích căn nhà ấy, ở một vị trí rất cao để nhìn xuống thành phố, nhìn ra sông…

Thu Uyên không quan tâm đến sự chính xác của logic khi tả con gái như một người thống trị mình, chồng như một ông tiên và ngôi nhà treo lơ lửng giữa trời. Điều quan trọng trong chị là miêu tả cảm giác choáng ngợp bởi những phút giây hạnh phúc, thứ hạnh phúc Uyên cảm nhận rõ nhất trong những khó khăn. Những điều ấy chắc chắn không thiếu trong cuộc đời một người phụ nữ như Uyên – cuộc đời mà Uyên nói: “Từ giờ trở đi sẽ không chỉ là khám phá nữa mà là chia sẻ. Giờ là lúc Uyên không làm gì cho mình nữa, mà lam cho đời”.

Thu Uyên của cho và nhận từ cuộc đời

Câu tôi lấy làm tựa đề bài viết: “Tôi là người biết cho…” chính là cách Uyên kể về mình. Chị luôn ngại ngần khi làm phiền người khác, luôn ăn năn khi làm người khác buồn, khi nhận ra – mình “khó chịu và cực đoan”, thậm chí “ nóng tính vô lý”…

Thế nhưng, trong một thoáng, tôi nhớ đến sân khấu, trong chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, khi ống kính hướng vào những người đang ôm nhau, những giọt nước mắt, những nụ cười và hoa, Thu Uyên lui lại phía sau, ánh mắt ngất ngây. Khi ấy, chị đang chiêm ngưỡng hạnh phúc của người  khác. Tôi hiểu một điều: Có nhiều cách nhận từ cuộc đời nà và Uyên có cách của riêng mình. Đó không phải là nhận sự biết ơn, nhận những điều đong đếm được mà là nhận ý nghĩa của cuộc sống.

Điều ấy cho Thu Uyên sức lực để bắt đầu “làm gì đó, trả lại cho đời” và những hạnh phúc “ không bao giờ là muộn”, trong cả cuộc đời riêng lẫn công việc mà ngày luôn luôn mới.

Báo Nhịp Sống Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *