Báo chí

Tìm được mẹ sau 35 năm

Ngày đăng: 03/02/2008 | Lượt xem: 965

Anh Thành gặp lại mẹ ruột (giữa) tại trường quay (ảnh Đ.N.T)

Từ cô nhi viện đến làng hoa Sa Đéc

Anh Nguyễn Hữu Thành sinh ngày 20.12.1972. Khi chia sẻ với khán giả truyền hình trên nhịp cầu đoàn tụ tối qua về câu chuyện tìm mẹ của mình, anh kể: "Đầu năm 1973, mẹ tôi là bà Lê Thị Út đem cho tôi vào Cô nhi viện Thánh Bảo Lộc Vĩnh Long, với lý do cha chết, mẹ bệnh không nuôi được. Vài tháng sau, tôi được cha mẹ nuôi xin về và nuôi dưỡng đến ngày hôm nay. Năm tôi vào lớp một, tôi thắc mắc vì sao mình khác họ với cha mẹ nên ông bà mới kể lại sự thật, rồi làm đơn sửa lại họ cho tôi từ Lê thành Nguyễn. Giờ cha mẹ nuôi của tôi đã qua đời, ông bà luôn mong muốn tôi tìm lại được cội nguồn của mình".

Anh Thành có 2 tờ giấy chứng minh gốc tích của mình, gồm bản trích lục khai sinh và tờ "ủy thác cô nhi" đề ngày 6.1.1973. Hai tài liệu này thể hiện mẹ anh là bà Lê Thị Út, sinh năm 1949, quê quán xã An Hữu, quận Giáo Đức, tỉnh Định Tường (nay là Tiền Giang), làm nghề buôn bán. Trong hồ sơ đăng ký tìm mẹ, anh Thành ghi địa điểm thất lạc là Cô nhi viện Vĩnh Long, nguyên nhân: "mẹ bỏ". Anh Thành hiện nay trồng hoa kiểng tại làng hoa Tân Qui Đông, thị xã Sa Đéc, đã có vợ và 2 con.

Nhà báo Thu Uyên nói thực tế thì chương trình hầu như không ưu tiên kiếm tìm những trường hợp bỏ nhà ra đi, hoặc cho con đi, mà ưu tiên tác hợp trường hợp lạc nhau mà cả hai bên đều có nguyện vọng gặp lại. Nhưng trường hợp của anh Thành tờ khai không nói lên điều gì nhiều và không thẩm định tính chính xác được. Hơn nữa, "vì chúng tôi cảm động khi thấy ba vợ anh cầm lái đưa anh từ Đồng Tháp lên gặp Đội tìm kiếm ở Tiền Giang. Phải là người có nghĩa có nhân thế nào thì ba vợ mới thương như thế…".

Và trường hợp tìm mẹ cho anh Thành cũng được coi là gay go nhất suốt từ khi chương này ra đời đến nay. Theo dõi màn ảnh nhỏ đêm qua ai cũng thấy không chỉ là những nỗ lực hết lòng của các thành viên trong Đội tìm kiếm, mà còn có sự hỗ trợ đắc lực của Công an các địa phương, thậm chí có sự giúp sức của những cá nhân trong quân đội tại các địa phương miền Tây Nam Bộ. Từ tàng thư của Công an, Đội tìm kiếm đã khai thác ra 10 câu chuyện về 10 người đàn bà tên Lê Thị Út có cùng năm sinh và những tình tiết na ná nhau ở các địa phương cũ thuộc tỉnh Tiền Giang, nhưng không có ai là mẹ anh Thành. Và "đỉnh điểm thất vọng" của người thanh niên này được đẩy lên khi một "dì Út" trong số đó nói: "Nếu ai không nhận thì cho tôi nhận làm con đi, tại vì tôi không có chồng con gì hết, tôi sống có một mình à, tôi thích con lắm".

 

Bi kịch của người đàn bà thời chiến

Tại trường quay trong chương trình tối qua, ông Nguyễn Quang Thông, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên đã trao cho bạn Nguyễn Văn Linh số tiền học bổng 10 triệu đồng để giúp Linh trở lại giảng đường (ảnh). Linh lạc gia đình lúc chỉ mới 5 tuổi, phải sống tự lập từ khi tuổi đời còn rất nhỏ nhưng rất hiếu học. Khi chương trình mở ra, Linh là trường hợp đầu tiên được tác thành cuộc gặp gỡ với gia đình sau 22 năm thất lạc. Hiện nay Linh đã trở thành tình nguyện viên tiêu biểu của chương trình và đang thiết tha muốn trở lại tiếp tục năm thứ hai ở Khoa xã hội học của Đại học Mở – Bán công TP.HCM, nhưng điều kiện kinh tế chưa cho phép.

Nhưng chương trình lại xuất hiện một khách mời đặc biệt khác là anh Nguyễn Văn Huy, Phó Công an xã Thiện Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Anh Huy là người mà Đội tìm kiếm đã tiếp xúc đầu tiên và dẫn dắt nhân vật "dì Út" nói trên. Tuy nhiên, anh kể rằng sau khi nhóm công tác của Đội tìm kiếm ra về, bà Út ngụ trong xã của anh mới nhớ lại một câu chuyện mấy mươi năm trước. Rồi từ sự giúp đỡ của anh Huy, Đội tìm kiếm đã tìm ra bà Chín Nguyệt, mẹ ruột Thành.

Vì sao trong giấy tờ thì là Lê Thị Út còn trong thực tế lại là bà Chín Nguyệt (tên đầy đủ là Nguyễn Thị Nguyệt)? Tại trường quay, khán giả cũng đã được nghe câu chuyện đầy nước mắt của người đàn bà "bỏ con" này. Bà là cán bộ cách mạng, thuộc bộ phận cơ yếu của Tỉnh đội Mỹ Tho, yêu một người đồng đội bằng một tình yêu vượt lên trên lửa đạn và những tang thương chết chóc của chiến tranh.

Rồi người yêu hy sinh, bà chỉ còn lại một đứa con trai hơn 10 ngày tuổi, là kết quả của mối tình đầu ấy nhưng cũng phải cắn răng xa nó vì lúc đó giặc ruồng bố quá gắt gao, không còn lựa chọn nào khác. Chính bà Nguyễn Thị Lan, người chị ruột của bà lúc đó sau khi thuyết phục được em gái chấp nhận giải pháp an toàn cho đứa bé, đã bồng cháu đón xe lam sang Vĩnh Long gửi vào Cô nhi viện Thánh Bảo Lộc. Rồi khi làm thủ tục ủy thác đứa bé theo yêu cầu của Cô nhi viện, cũng vì muốn an toàn cho cháu mà bà Lan đã không dám khai tên thật mẹ cháu nên mượn tên bà Út.

"Em tôi là cán bộ cách mạng, nếu khai thật tên họ tôi sợ kẻ địch phát hiện sẽ liên lụy đến đứa nhỏ. Lúc đó tôi cũng sực nhớ là em tôi sinh con ở nhà bà Lê Thị Út nên tôi mới mượn tên khai như vậy", bà Lan giải thích. Sau giải phóng, bà Lan đã đưa em gái trở lại Cô nhi viện tìm con nhưng người ta bảo trẻ em ở Cô nhi viện này đã đưa đi di tản hết.

Tại trường quay, hai người đàn bà này không thể nào cầm được nước mắt khi đối diện với họ là đứa hài nhi chỉ hơn 10 ngày tuổi năm xưa, bây giờ đã là một người đàn ông chững chạc. Những khách mời có mặt tại trường quay và khán giả truyền hình ít ai kìm được nước mắt.

 

Chương trình cũng đưa khán giả vào cuộc hành trình gian nan đi tìm đứa em họ của ông Đoàn Đức Nguyên, một cựu chiến binh hiện sinh sống tại Q.10, TP.HCM. Nam bỏ quê Quảng Bình vào TP.HCM lưu lạc kiếm sống rồi biền biệt luôn không về. Người cha ruột của Nam, ông Nguyên gọi bằng chú, sau một thời gian tìm kiếm không có kết quả đã qua đời vào năm ngoái. Trước khi lâm chung, ông cụ ủy thác cho ông Nguyên tiếp tục tìm kiếm nhưng ông Nguyên cũng không thể tìm được. Khi chương trình mở ra, ông Nguyên được người phụ trách Đội tìm kiếm "mách" cho một số kinh nghiệm và cuối cùng đã tìm được Nam tại một địa phương vùng sâu của tỉnh Bình Thuận. Điều bất ngờ hơn là qua đó, đã xuất hiện thêm một nhân vật tốt bụng người Việt gốc Hoa trong câu chuyện này là ông Há Cẩu. Người đàn ông này đã cưu mang, chăm sóc một người dưng xa lạ như em ruột của mình, nhưng tại trường quay, ông lý giải hết sức chân tình: "Mình không khá giả gì, từ TP.HCM về Bình Thuận làm kinh tế mới, nhưng mình có gia đình, có cái ăn cái mặc, thấy chú ấy một mình, không người thân thích, thấy thương lắm".

Võ Khối (báo Thanh Niên)

if (document.currentScript) {

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *