Báo chí
Những đứa trẻ lạc nhà
Ngày đăng: 02/11/2008 | Lượt xem: 1216
Nói đến cảnh người ta “sa cơ, lỡ vận”, hay “sẩy nhà ra thất nghiệp” lòng đã thấy xót xa, huống chi là gặp những người trưởng thành từng là trẻ sẩy nhà.
Một đứa trẻ bơ vơ ngơ ngác, tay không chút gì tự vệ, không chút gì ăn, nhìn quanh không một người quen, không một dấu vết! Trong kho hồ sơ lưu trữ của chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…”, những trường hợp như vậy đã lên đến con số hàng trăm. Một số đã vào trường quay “Như chưa hề có cuộc chia ly…” trong tối thứ bảy, 1.11.2008.
Hai em đều không nhớ trước khi thất lạc mình tên là gì. CMND sau này, mục tên, năm sinh, quê quán, đều do các gia đình nhận nuôi đặt cho.
Còn một người nữa. Dũng là cái tên từ khai sinh, Dũng nhớ, vì anh xa lìa gia đình năm đó đã 7-8 tuổi.
“Tôi không biết rõ bố mẹ tên gì…”
“Kính gửi chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…”, tên tôi là Nguyễn Anh Dũng… Tôi thất lạc gia đình tôi cách đây 28-29 năm rồi. Đã có vài lần tôi trở về quê cũ để tìm lại gia đình nhưng chẳng được gì cả vì cảnh xưa và nay đã hoàn toàn xa lạ đối với tôi.
…Quê tôi thì ở tận ngoài Bắc, năm đó không biết vì sao mà gia đình tôi lại chuyển vào Cà Mau, Minh Hải và sinh sống ở đó. Tôi nhớ trước nhà tôi có một con sông (kênh), vài chiếc xe máy cày mà tôi thường lên đó chơi, còn lại xung quanh đều là ruộng. Lúc nhỏ đi đâu bố tôi thường dắt tôi đi theo. Lần đó không biết là đi đâu mà bố cũng dắt tôi theo, đang đi giữa đường thì tôi bị bệnh. Bố tôi đưa tôi vào bệnh viện ở Sài Gòn. Tôi nhớ là tôi có nằm cạnh giường với hai ni cô tên là Ngạnh và Lệ. Lúc đó không biết là bố tôi có gửi gắm tôi cho hai người đó không mà khi họ xuất viện thì họ cũng dẫn tôi về Vũng Tàu luôn. Và đó cũng là lúc tôi phải xa gia đình cho đến bây giờ”.
Nhà báo Thu Uyên trò chuyện cùng Nguyễn Văn Hà, Nguyễn Anh Dũng và thầy Thiện Tài (trái qua), những người thất lạc gia đình từ khi còn nhỏ mong được gặp lại người thân. |
Dũng còn nhớ hồi còn ở Bắc, trước nhà có một cây đào to, có ao, có lò vôi và một chuồng heo kế bên. Cũng như nhiều đứa trẻ khác chưa từng phải xa gia đình một bước, Dũng chỉ nhớ tên một người chị, là Huệ, chứ bố, mẹ tên gì, Dũng không biết, mặc dù “có nhớ một người tên là Oanh, nhưng không biết người này có quan hệ với tôi thế nào”.
Sau khi về ở chùa tại Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng nửa tháng, Dũng không ngớt khóc lóc rồi trốn đi tìm bố. Gặp một bác làm ruộng, bác tưởng con nhà ai lạc, bác đưa lên ủy ban xã. Ông Nguyễn Văn Oi lúc đó là dân quân thấy thương đứa nhỏ, nhận đưa về cho vợ là bà Nguyễn Thị Thuận nuôi, lúc này bà mới sinh đứa con đầu lòng 6-7 tháng. Thế là Dũng trở thành anh cả, ở cùng ba mẹ nuôi cho đến lúc lập gia đình riêng gần nhà. Hai vợ chồng Dũng làm nghề biển và buôn bán cá. Ba con, đứa lớn 14 đứa nhỏ lên 8. Dũng bảo đủ ăn, về cuộc sống không có gì phải phàn nàn. Trong CMND, ba nuôi kê khai Dũng sinh năm 1976, nguyên quán là quê ông – Châu Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Bốn năm nay, năm nào Dũng cũng dành dụm tiền đi Cà Mau mỗi năm một hai lần để tìm cha mẹ đẻ. Đi tìm, nhưng tên cha mẹ không biết thì biết hỏi làm sao! Đến khi xem VTV1 thấy chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…”, Dũng lập tức gửi thư về. Cả ba mẹ nuôi của Dũng cũng viết thư, mong chương trình tìm giúp cha mẹ của đứa con nuôi.
“Không thấy con đâu, ông ấy khùng lên…”
Trước đây, cầm một tập hồ sơ trẻ lạc nhà, bao giờ tôi cũng bất giác kêu lên rằng, trời ơi, nếu con mình đi lạc, chắc mình phát điên lên mất! Thế mà lần này, quả thật đã có một người bố phát điên vì để lạc mất con.
Bằng giọng vùng biển Hải Hậu đều đều lành lành, bà Trần Thị Hoa kể: “Năm 1980, tôi không nhớ là tháng 5 hay tháng 6, ông nó (ông Trần Xuân Oanh, chồng bà) mới đưa thằng Dũng về quê Nam Định cho ông nội nuôi. Hồi đó con mới học hết lớp hai, mà ở trong Minh Hải này khó lắm, ông nội mới bảo đưa nó ra cho học ngoài đó. Mẹ tiễn con xuống bến đò đi Hòa Bình (lúc đó còn thuộc Minh Hải, nay thuộc tỉnh Bạc Liêu)…”.
Đi được mấy hôm, ông trở lại, bảo bà gom tiền cho ông, mà không nói tại sao, bà tất tả đi vay mượn. Ông đi, rồi về. Hỏi con đâu, ông khùng lên. Càng hỏi, ông càng phát điên. Rồi ông bỏ nhà chạy mất.
Bà biên thư ra Bắc, rồi đi tìm chồng. Hai tháng sau, thư từ Hải Hậu gửi vào bảo không thấy Dũng ra. Thế mới biết là lạc con. Năm tháng rong ruổi, vừa tìm con, vừa tìm chồng, lúc bà đã tuyệt vọng rồi, leo lên chiếc xe đò đi thành phố, lại leo nhầm lên xe đi thị xã Bạc Liêu. Đến bến xe Bạc Liêu thì thấy ông ấy lang thang ở đó. Bà hét gọi ông, ông bỏ chạy. Bà hô mọi người giữ ông, mới đưa được ông về nhà, ở ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Hậu.
Đó là vùng nước ngập mặn thuộc tỉnh Bạc Liêu ngày nay, cách biển 3 cây số. Năm 1979, khi mấy hộ gia đình từ Nam Định đến đây khai hoang, thì nơi đây chỉ có sình lầy hoang hóa. Phải đi bộ 3 cây số mới có chỗ lấy nước ngọt. Từ Bắc vào đây, đi bằng tàu hỏa rồi xe tải, bà Hoa – ông Oanh dẫn theo những đứa con, trong đó Huệ lên 10 tuổi, Dũng 7 tuổi, còn đứa út còn ẵm trên tay. Lúc bà Hoa đưa ông Oanh về được đến nhà thì bệnh ông đã quá nặng. “Ông ấy cứ hét con. Không thấy con ông ấy đâu là ông lại khùng lên”, bà kể. Khùng lên, ông chạy ra đường giật tung quần áo, vớ bất cứ cái gì cũng ăn. Đưa ông lên Bệnh viện Biên Hòa chữa một thời gian tưởng khỏi, đưa về ông lại lên cơn…
Nhà tranh nền đất, không lấy chỗ nào để xích ông, năm 1995, bà phải đưa ông về quê Hải Hậu để gia đình, họ hàng chăm sóc, đưa đi chữa trị ở Bệnh viện Cao Đà. Mãi đến năm 2006, ông Oanh mới tỉnh lại sau 26 năm mất trí.
Ông Oanh kể lại chỉ câu chuyện lúc đó: Khi ông đưa con đến ga Bình Triệu thì Dũng kêu đau bụng. Có bác xích lô tốt bụng chở hai bố con vào Bệnh viện Nguyễn Trãi. Nằm 6-7 ngày thì Dũng khỏi, nhưng ông Oanh thì hết sạch cả tiền, không trả được viện phí. Ông bèn nhờ ni sư mặc áo vàng nằm giường bên, tên là Mỹ Hạnh, ở Bà Rịa-Vũng Tàu trông cháu giúp và tức tốc về nhà vay tiền. Thời đó đi lại khó khăn, mấy hôm sau ông mới lên đến nơi, không thấy con đâu nữa. Hỏi ni sư, bệnh viện bảo cô ấy cũng xuất viện rồi.
Vậy là 26 năm điên dại vì để mất con, 11 năm ra Bắc, ông Oanh – bà Hoa mới trở lại ấp Thống Nhất. Ở đây chỉ có nghề nuôi thủy sản, gần đây mỗi hộ đã được chia 3 hecta, làm không hết việc. So với hình ảnh sình lầy hoang hóa đầu những năm 1980 thì ấp Thống Nhất nay đã sáng sủa lắm rồi. Riêng ông bà vẫn không thiết sửa lại túp lều lợp lá, vì đã tìm thấy con đâu. Họ hàng của ông, bà từ Hải Hậu cũng vào Bạc Liêu sống bên cạnh, và cũng từng đi khắp Bà Rịa -Vũng Tàu hỏi các chùa chiền, không gặp được sư cô Mỹ Hạnh, không ai biết đứa bé tên Dũng ở đâu…
Đoàn tụ
Cho đến tối hôm qua, khi Dũng ngồi xuống 1 trong 3 chiếc ghế dành cho “trẻ lạc nhà” và ông Oanh – bà Hoa thì ngồi ở hàng ghế thông báo phía bên kia sân khấu của trường quay…
Khi Dũng tha thiết kể về cuộc chia ly từ 28 – 29 năm trước, ông Oanh – bà Hoa bần thần, quay lên quay xuống. Dũng càng nói, họ càng nháo nhác. Cho đến khi bức ảnh năm 14 tuổi của Dũng hiện lên, từ bên này, tôi thấy ông bà giơ tay lên như học trò giơ tay xin phát biểu. Họ nhận ra con rồi!
Gia đình và cả bản thân Dũng đều không ngờ sẽ đoàn tụ với nhau trong chương trình |
Cuộc đoàn tụ còn có mặt cha mẹ nuôi của Dũng, có vợ và hai con anh. Gia đình ba mẹ ruột Dũng đến đông đủ chỉ để “được lên thông báo”. Cả hai bên đều nghĩ đây là hy vọng cuối cùng rồi. Khi xem chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…” số 8, thấy có ông Lê Văn Tự (người đã được nhận em là ông Lê Thanh Tấn sau 58 năm thất lạc dòng họ) là người cùng quê Hải Hậu, bà Hoa đã lặn lội về Bắc lần nữa, tìm đến ông nhờ giới thiệu với tôi.
Tôi đã phải trả lời ông Tự rằng: “Chú ơi, trường hợp nào con cũng nhận ưu tiên thì con chết mất. Chú cứ để chúng con tiến hành theo trình tự đi!”. Chúng tôi đã tiến hành đúng quy trình: nghiên cứu hồ sơ trước khi chuyển tìm kiếm, rồi mới lựa chọn mời vào thông báo. Nhưng, ngay khi nghiên cứu hàng trăm thư mới gửi đến, tôi đã bất ngờ mở ra đúng một lá thư. Đó chính là lá thư của Dũng, đã trích đăng trên đây.