Báo chí
Những câu chuyện mất con
Ngày đăng: 06/04/2009 | Lượt xem: 1410
Nhịp cầu đoàn tụ Như chưa hề có cuộc chia ly… số 17 diễn ra trực tiếp trên VTV1 tối thứ bảy vừa rồi đã viết tiếp câu chuyện những đứa trẻ lạc nhà và nỗi đau mất con của những người mẹ, người cha…
Sau gần cả đời người lặn lội ngược xuôi không có kết quả, tối hôm ấy ông bà Nguyễn Đức Cửu và Bùi Châu Dung đã bay từ Mỹ về để kịp có mặt tại trường quay nhờ tìm giúp đứa con gái tên Ngọc Hân. Hân sinh tháng 4.1975 và mới 3 ngày tuổi bố mẹ đã ra đi, để bé lại tại nhà bảo sanh, rồi được chuyển cho ông bà ngoại.
Vợ chồng ông Nguyễn Đức Cửu – bà Bùi Châu Dung và các con (ảnh chụp 1975) |
Tháng 7 hay 8.1975, bên ngoại đưa cháu vào Bệnh viện Nhi đồng 1, từ đó không ai biết cháu đâu nữa. Khi hay tin, ông Cửu đã nhờ bệnh viện kiểm tra, biết được từ tháng 4 đến tháng 8 năm đó 19 cháu gái tử vong tại bệnh viện này đều có tên cha mẹ và đã loại trừ được khả năng con gái ông chết bệnh ở đây. Và những người làm chương trình đang hy vọng có thể một y tá hay bác sĩ nào đó từng biết chuyện, hoặc gia đình nào nhận một bé gái từ bệnh viện này vào thời gian ấy lên tiếng báo tin.
Sau câu chuyện của vợ chồng ông Cửu, còn có 2 người mẹ khác trực tiếp đến trường quay để lên tiếng tìm con trai bị thất lạc. Đó là bà Huyền ở quận 5 (TP.HCM) và bà Diễm ở Đồng Nai. Năm 1972, gia đình mâu thuẫn, bà Diễm bị chồng đuổi đi phải mang theo 4 đứa con nheo nhóc về tá túc nhà ngoại. Lúc ấy bà mang bầu được mấy tháng và đầu năm 1973 sinh thêm một con trai. Lúc sinh bà rất yếu, tưởng không qua khỏi nên đứa con trai được ngoại gửi vào bệnh viện nuôi, chờ cứng cáp đón về nhưng sau đó thì lạc luôn. Còn con trai của bà Huyền thì tên Phong, bị bắt cóc vào năm 1979, lúc đó hơn 4 tuổi.
Ảnh anh Hiếu lúc được bố mẹ nuôi đưa về và ảnh hiện tại |
Với anh Bình, anh không có lưu giữ được tấm ảnh nào còn nhỏ mà chỉ có ảnh khi lớn |
Những người làm chương trình đã đưa đến trường quay hai chàng trai, một người tên Bình, một người tên Hiếu. Bình trưởng thành từ các cô nhi viện rồi các trung tâm dành cho người khuyết tật, không có thông tin gì gốc gác của mình. Còn Hiếu thì mang đến câu chuyện gần như trùng khớp với thông tin của bà Huyền. 30 năm trước, anh là một đứa trẻ chừng 3, 4 tuổi, bị một người đàn bà đem rao bán ở chợ Cà Mau giá 100 đồng. Khi công an phát hiện ập đến bắt, người đàn bà này trốn thoát, anh được một phụ nữ tốt bụng ở Cà Mau nhận về nuôi. Người phụ nữ ấy khi đó mới 29 tuổi, đã cam kết với công an bằng văn tự: "Bao giờ cha mẹ đứa bé xuống nhận, tôi xin giao trả đứa bé về cho gia đình".
Ảnh ông Trần Văn Thỉnh – chồng bà Diễm, là căn cứ để bà Diễm Khẳng định anh Bình là con mình mà không cần xét nghiệm ADN |
Bà Huyền quả quyết "80% đến 90% Hiếu chính là Phong", những người làm chương trình đề nghị xét nghiệm AND, "để vài phần trăm nghĩ ngợi cuối cùng được giải tỏa". Nghiệt ngã thay, kết quả xét nghiệm đã khẳng định 100% Hiếu không phải con bà Huyền! Khi những dồn nén mấy mươi năm đã được đẩy lên đỉnh cao, khi không chỉ có hai bên, mà dường như tất cả trường quay đều chờ đợi một giây phút đoàn tụ vỡ òa diễn ra, thì cuộc đoàn tụ đã không thành. Bà Huyền cùng các thành viên trong gia đình lầm lũi bước đi, Hiếu cùng cậu nuôi của mình cũng không hiểu chuyện gì xảy ra… trong giây phút ấy mọi thứ đều chao đảo.
Anh Hiếu và bà Huyền trò chuyện, an ủi nhau sau khi biết mình không có cùng huyết thống |
Nhưng may mắn hơn Hiếu, Bình đã tìm được mẹ. Bình giống cha như đúc. Giống đến mức bức ảnh thời trẻ của ông Thỉnh (chồng bà Diễm) và gương mặt của Bình bây giờ không dễ tìm được chi tiết khác biệt. Và vượt lên trên hết là linh cảm của người mẹ. "Tôi khẳng định cháu Bình là con tôi, máu mủ nhà
mình tôi biết", bà Diễm nói. Và trước gợi ý thêm về việc xét nghiệm AND, cả hai phía đều lắc đầu "đâu có cần phải vậy".
Anh Bình gặp lại mẹ |
Câu chuyện về anh Chi, một người đàn ông gà trống nuôi con xuất hiện ở những phút cuối không ngờ lại đưa khán giả một lần nữa lên cao trào trong chương trình tối thứ bảy vừa qua. Khi con trai mới 8 tháng tuổi, con gái đầu 5 tuổi thì một căn bệnh hiểm nghèo đã cướp mất người vợ thương yêu của anh. Rồi chỉ 3 ngày sau đó thì hỏa hoạn xảy ra, thiêu rụi hết nhà cửa đồ đạc. Từ Hải Phòng, anh đùm túm 2 con thơ dại vào Đồng Nai lập nghiệp. Dành dụm mua được xích lô, rồi bán xích lô mua xe ga gác, anh "cày" đêm "cày" ngày để mong có được chỗ trú thân cho gia đình. Nhưng giữa lúc ấy, bức chân dung duy nhất còn lại của người vợ nằm trên CMND, anh đem ra cho thợ nhờ phóng to làm ảnh thờ thì người thợ ảnh này, do ly dị vợ cũng trả mặt bằng dọn tiệm ảnh đi biệt tăm. Đến ảnh vợ cũng không còn, tưởng không còn gì tuyệt vọng hơn thế vậy mà một năm sau, đứa con gái mà anh thương quý cũng đi lạc biệt tăm…
Người bà nội ôm chầm lấy đứa cháu gái |
Cho đến một ngày, trong cơn mưa tầm tã anh đã tình cờ nhặt được giấy CMND của vợ trong một bịch rác ven đường. Và rồi, như một sự bù đắp mà số phận không thể bất công mãi, anh đã tìm được con gái. Chính những người tốt bụng đã bảo bọc cháu và thông qua chương trình này đã giao lại cho anh.
d.getElementsByTagName(‘head’)[0].appendChild(s);