Báo chí
Như không hề có cuộc chia ly…
Ngày đăng: 03/12/2010 | Lượt xem: 6481
Đó là câu cuối bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ” của nhà thơ liệt sĩ Nguyễn Mỹ – một trong 100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX sống mãi cùng năm tháng trong lòng bạn đọc yêu thơ nhiều thế hệ. Câu thơ ấy được Đài Truyền hình Việt Nam chọn làm tiêu đề cho một chương trình đoàn tụ đầy cảm động làm rung động trái tim hàng triệu người xem.
Người con ưu tú đất Phú Yên – nhà thơ tài hoa Nguyễn Mỹ là cựu học sinh Lương Văn Chánh, sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo, ở xã An Nghiệp huyện Tuy An, có người anh là nhạc sĩ Nhật Lai nổi tiếng trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1952, chàng trai Nguyễn Mỹ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”, xung phong vào quân đội khi vừa 16 tuổi. Những năm tháng tập kết ra Bắc, Nguyễn Mỹ đóng quân ở Nghệ An và từ năm 1957 đã có thơ đăng rải rác ở các tờ báo danh tiếng của Thủ đô. Năm 1960, Nguyễn Mỹ chuyển ngành học Đại học Văn, công tác ở Nhà Xuất bản phổ thông, tiếp tục làm thơ và
thành danh với kiệt tác “Cuộc chia ly màu đỏ” in lần đầu trên Báo Văn Nghệ năm 1964 và được tập hợp trong tập Sức Mới 1 (1965) và in chung thành tập với “Sắc cầu vồng” của Nguyễn Trọng Định.
Thời ấy, cả miền Bắc nôn nao những cuộc chia ly bi tráng tiễn người ra trận. Chứng kiến những giây phút thiêng liêng cảm động của người chị dâu tiễn anh trai – nhạc sĩ Nhật Lai vào chiến trường năm 1962 – và các đôi lứa yêu nhau phải tạm xa nhau không hẹn ngày về một thời lửa đạn, Nguyễn Mỹ đã tạc vào thơ những cuộc chia ly thời chống Mỹ với những vẻ đẹp tâm hồn lung linh của kẻ ở người đi bằng bút pháp trữ tình lãng mạn cách mạng làm lay động lòng người. Bởi chính tác giả cũng trở thành nhân vật. Năm 1968 anh trở về Nam chiến đấu, có điều cuộc chia ly ấy thiếu một màu áo đỏ, anh chưa có một mối tình đúng nghĩa mà chỉ phảng phất trong thơ như khói như sương ở dạng đơn phương. Mãi mãi nằm xuống bên bờ sông Đăkta (Trà My – Quảng Nam) ngày 16/5/1971 ở tuổi 35 khi tài năng đang chín rộ, Nguyễn Mỹ vẫn chưa có một bóng áo đỏ của riêng mình bởi chiến trường khắc nghiệt không có chỗ để tìm hiểu, mơ mộng, yêu đương.
Nhiều bài thơ về đề tài tiễn người ra trận của những tác giả cùng thời đã chìm vào lãng quên sau khi hoàn thành nhiệm vụ cổ động vinh quang. Còn “Cuộc chia ly màu đỏ” thì “Như không hề có cuộc chia ly…” vẫn “Trên dốc cao vẫy gọi đoàn người” bởi những giá trị thơ ca đích thực. Hình tượng cuộc chia ly trong thơ đan xen giữa chi tiết thực và siêu thực. Nước mắt chảy là thực, “Chảy trên bình minh đang hé giữa làn môi” là siêu thực, là khát vọng làm ấm lòng người ra đi, chia ly mà không nhuốm chất bi, vẫn khát khao ngày đoàn tụ khi nghiệp lớn giải phóng dân tộc hoàn thành. Những giọt nước mắt “long lanh nóng bỏng, sáng ngời” lung linh trong tia nắng “rạng đông bừng trên nét mặt” như bừng lên sinh khí quanh “Cây si xanh gọi họ đến ngồi. Trong bóng rợp của mình, nói tới ngày mai”.
“Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau” chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chủ đề tư tưởng của tác phẩm và “Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy” mãi mãi đi theo bước chân người lính cho đến ngày toàn thắng.
Cuộc chia ly màu đỏ
Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy 9/1964
|
}