Báo chí
Như chưa hề có cuộc chia ly – Sự kết nối diệu kỳ
Ngày đăng: 28/07/2008 | Lượt xem: 1327
Hiện nay, trên màn ảnh nhỏ bên cạnh những chương trình mang hình thức giải trí như game show đố vui, giới thiệu sản phẩm, game show ca nhạc, talk show thời trang… còn có những chương trình đậm tính xã hội, nhân văn như Người xây tổ ấm, Vượt lên chính mình, Ngôi nhà mơ ước, Thắp sáng niềm tin, Kết nối ước mơ… Trong số này, chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly phát sóng đầu tháng vào 20 giờ trên kênh VTV1 thực sự tỏa sáng với tính nhân văn làm rung động hàng triệu con tim khán giả trong, ngoài nước.
Những câu chuyện của nửa thế kỷ trước
Bà Đoàn Thị Ái đang tìm kiếm người con trai bị thất lạc 33 năm trong chương trình.
Phát sóng số đầu tiên vào cuối năm 2007, cho đến nay vừa thực hiện xong chương trình thứ 9, mỗi câu chuyện trong chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly được nhiều người xem xong phát biểu rằng họ có cảm giác như bắt gặp những câu chuyện cổ tích của thời hiện đại.
Một trong những lý do hoặc vì những biến cố trong chiến tranh hoặc vì những khoảnh khắc thật vô lý nào đó xảy ra trong quá khứ đã làm biết bao gia đình ly tán, con cái lạc mất cha mẹ; những đứa trẻ mồ côi tiếp tục bị xô dạt khắp các phương trời…
Cuộc sống luôn biến động với biết bao điều bị vùi chôn theo thời gian, theo dòng đời… Thế mà, sau hơn 50 năm, 30 năm, dẫu có người đã thành đạt, đã có cuộc sống gia đình êm ấm vẫn khát khao muốn tìm hiểu cội nguồn, mong muốn tìm gặp những người thân yêu trong gia đình bị thất lạc ngày cũ.
Trong một chương trình đã phát sóng, khán giả rất ấn tượng trường hợp của anh lính hải quân Trần Ngọc Di, 42 tuổi đã lập gia đình, sống ở Đà Nẵng nhưng đang công tác tại Hải Phòng. Anh Di lạc gia đình từ năm 9 tuổi trong lần di tản năm 1975. Trong ký ức, Di nhớ mình tên Lê Văn Duy, cha tên Cả, mẹ tên Ái, nhà sống gần một bến sông ở Bình Trị Thiên…
Biết bao điều mơ ước tưởng như vô vọng vì khó tin cậy nổi những mảnh ký ức quá mờ mịt, rời rạc của thời trẻ thơ bỗng được kết nối thật diệu kỳ. Tham dự chương trình tại trường quay cùng cậu con trai vừa học xong lớp 8, anh Di không thể hình dung đây là những khoảnh khắc đoàn tụ quá thiêng liêng khi anh gặp được cha mẹ, anh chị em ruột thịt sau bao nhiêu năm cách biệt. Ba mẹ Di đã vào sống ở Ninh Thuận và cũng không lúc nào nguôi thương nhớ và đi tìm đứa con trai bị thất lạc…
Câu chuyện của anh Trần Ngọc Di ở Đà Nẵng lạc cha mẹ hơn 33 năm; chuyện anh Nguyễn Văn Linh ở Năm Căn (Cà Mau) lạc gia đình hơn 22 năm; chuyện Nguyễn Văn Hùng lạc cha mẹ, anh chị em trong chiến tranh từ năm 1973, để rồi từ đó Hùng trở thành trẻ mồ côi ở làng thiếu niên Thủ Đức và “bám trụ” ở đây với hy vọng có một ngày được trùng phùng, đoàn tụ với người thân; gần đây nhất là lá thư đầy tâm nguyện của sư thầy Thích Hạnh Bảo ở nước ngoài mong muốn tìm lại mẹ ruột, nhân dịp về nước tham dự Đại lễ Phật Đản Liên hiệp quốc 2008 tổ chức tại Hà Nội vừa qua…
Biết bao câu chuyện ly tán còn sót lại của nửa thế kỷ 20 nằm trong chồng hồ sơ, trong thư từ gửi đến chương trình, không chỉ được khán giả biết đến qua các chương trình mà còn tìm thấy trên trang web “Hãy lên tiếng” (www.haylentieng.vn)…
Phía sau trường quay
Nhà báo Thu Uyên, chủ nhiệm dự án chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly cho biết đến nay tính sơ bộ, dự án đã nhận được 8.000 hồ sơ.
Trong số này, những người thực hiện đã xác minh ban đầu được 676 trường hợp; trong đó đã có 49 trường hợp được coi là có triển vọng khả quan nhất. Mục tiêu của dự án là kết nối, đoàn tụ, nhưng những người làm chương trình không phải không gặp khó khăn trong quá trình thực hiện các trường hợp xa ở tận nước ngoài. Cố gắng tạo mọi cơ hội, mọi điều kiện dành cho chuyện gặp gỡ, đối thoại của những nhân vật trong gia đình thất lạc, nhưng đối với những trường hợp có người thân từ Canada, Pháp, Trung Quốc… vai trò của mạng internet lại trở nên đắc dụng.
Nhà báo Thu Uyên bày tỏ, chị cũng đã khá may mắn khi được làm việc trong môi trường thể hiện tính nhân văn, từ nhu cầu rất lớn của cộng đồng, xã hội. Với dự án chương trình, ngoài VTV còn có Công ty TNHH Truyền thông Sài Gòn Buổi Sáng, Vinagame, Viettel, hãng phim Thanh Niên… đã hợp tác, góp sức tạo được khá nhiều hiệu quả tốt đẹp cho chương trình.
“Chúng tôi hợp tác với VTV ban đầu từ sự cảm nhận ý tưởng cao đẹp của dự án do nhà báo Thu Uyên làm chủ nhiệm, nhưng sau đó chính bản thân chúng tôi lại đam mê chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly như công việc máu thịt của mình”, ông Hoàng Hồng Hà, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Sài Gòn Buổi Sáng bày tỏ. Ông tâm sự qua hàng ngàn câu chuyện đời đã nghe, đã đọc và hàng trăm con người đã tiếp xúc qua chương trình có thể là những điều giúp mọi người tự soi rọi lại hoàn cảnh và cảm nhận hạnh phúc đã có là điều quý báu vô cùng ở mỗi con người, mỗi gia đình. Soi rọi và suy nghĩ, người ta càng thấm thía, cảm thông sâu sắc hơn với những câu chuyện đời thật kỳ lạ, xúc động.
Anh Thương Binh Lê Văn Hóa vẫn mong gặp lại đồng đội cũ của mình nhưng … |
Tuy nhiên, trong quá trình tìm kiếm, xác minh, thật ray rứt nhóm làm chương trình cho biết, đến bây giờ một số trường hợp đã phát sóng trong các chương trình trước vẫn chưa đạt được tâm nguyện của người bị thất lạc. Những người làm chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly vẫn tiếp tục mong mỏi có thêm nhiều cầu nối, tiếp sức của cả cộng đồng rộng lớn trong xã hội.
if (document.currentScript) {