Báo chí

Nhà báo Thu Uyên: “Được làm công việc hiện tại, tôi thấy cuộc đời rất đáng sống”

Ngày đăng: 27/08/2015 | Lượt xem: 1541

“Công việc mà tôi được làm luôn đưa tôi tới với những người bình dị nhất, ẩn khuất nhất và họ đều có những câu chuyện xứng đáng làm bài học cho tôi” – NB Thu Uyên chia sẻ.

Nhà báo Thu Uyên chuẩn bị cho một buổi ghi hình - Ảnh: NCHCCCL

Nhà báo Thu Uyên chuẩn bị cho một buổi ghi hình – Ảnh: NCHCCCL

Nhà báo Thu Uyên là một trong số những biên tập viên của VTV sở hữu chất giọng vô cùng đặc biệt. Nhiều khán giả chỉ cần nghe thấy tiếng chị mà chưa cần xem ti vi là đã ngay lập tức đoán được “Thu Uyên đang xuất hiện trên truyền hình”.

Trong những năm qua, hai chương trình thiện nguyện Như chưa hề có cuộc chia lyTrở về từ ký ức của chị đã giúp rất nhiều gia đình bị ly tán có được ngày vui đoàn tụ cũng như thân nhân của các liệt sĩ đã có được giây phút an lòng sau nhiều năm mòn mỏi tìm kiếm trong vô vọng.

Vừa trở về sau một chuyến công tác cho Như chưa hề có cuộc chia ly, chị lại tiếp tục bắt tay vào những công việc khác và cuốn theo một guồng quay mới. Nữ nhà báo vẫn miệt mài, đam mê, cống hiến cho nghề qua bao tháng năm mà chẳng hề mệt mỏi…

Trong cuộc phỏng vấn tại thời điểm gần với dịp kỷ niệm 45 năm ngày phát sóng đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam, cũng đánh dấu 25 năm nhà báo Thu Uyên bước chân vào nghiệp truyền hình, chị coi đó là một niềm tự hào và vẫn luôn tâm niệm “chỉ có cách là làm tốt hơn công việc của mình thì mới xứng đáng với VTV…”

Quay trở lại thời điểm bắt đầu, điều gì đã khiến chị quyết định thực hiện Như chưa hề có cuộc chia ly?

– Trong xã hội nào cũng có chia ly, riêng ở Việt Nam ra thì ly tán là chuyện diễn ra trong mỗi gia đình họ tộc, vì đã phải trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khắc nghiệt. Khi bận lo mưu sinh, người ta có thể tạm quên đi sự mất mát, còn khi đã đủ ăn đủ mặc, việc được gặp lại người thân có lẽ đã trở thành nhu cầu số một đối với rất nhiều người.

Hàng vạn cảnh ngộ chia ly khác nhau, mỗi cuộc ly tán cuốn vào đó là hàng chục người, vài gia đình cho đến cả họ tộc. Có những người, sự mất mát là một nửa cuộc đời của họ bị khuyết, như những trường hợp mẹ xa con, vợ mất chồng, anh chị lạc mất em… Với đại gia đình, thì cuộc chia ly có thể là việc khuyết một chi trong gia phả. Bất kể ở cấp độ nào, đó cũng là những thiếu khuyết không thể bù đắp bằng bất cứ điều gì ngoài chính cuộc đoàn tụ.

Vào năm 2000, tôi đã nghĩ về việc thực hiện một chương trình để giúp cho những người bị biệt ly có cơ hội đoàn viên. Tuy nhiên, ý tưởng cũng sẽ chỉ là ý tưởng nếu không xây dựng được một mô hình hoạt động. Đến cuối năm 2007, mô hình đã hình thành, trong đó phần truyền hình như phần nổi của tảng băng, dưới đó là hoạt động tìm kiếm, xử lý thông tin, tổng đài và các cổng thông tin như hòm thư, website…

Phải mất gần một năm đầu, hoạt động mới đi vào chuyên nghiệp và lúc đó tôi mới thực sự yên tâm. Chương trình vào guồng quay, mọi người ngày càng có nhiều kinh nghiệm nên cứ thế nhận được nhiều tin vui, nhiều lúc các anh em trong ê-kíp vô cùng bất ngờ vì kết nối được những trường hợp nghĩ khó có thể làm được. Những lúc như vậy, chúng tôi vui suốt cả mấy tháng sau vì cảm giác như chính mình được gặp lại người thân.

Ngoài Như chưa hề có cuộc chia ly, chị còn tổ chức sản xuất cho Trở về từ ký ức và Bản tin Thế giới trên VTV9. Chị sắp xếp thời gian như thế nào để có thể cân bằng giữa các việc?

– Việc tìm kiếm và đoàn tụ người thân trong Như chưa hề có cuộc chia ly đòi hỏi tôi một tháng có một đến hai chuyến công tác xa nhà. Trung bình mỗi chuyến đi đó cũng mất từ 3 đến 4 ngày. Như vậy trong một tháng, tôi mất khoảng 1 tuần dành cho Như chưa hề có cuộc chia ly, còn lại là thời gian để xử lý thông tin, viết kịch bản và thêm một tuần để dựng phóng sự và clip cho chương trình khi phát sóng trực tiếp. Trong những chuyến đi đó và cả trong công việc, tôi may mắn có được sự hỗ trợ của nhiều đồng nghiệp như bạn Thái Quỳnh, Đặng Quỳnh, phần tìm kiếm và xác minh thông tin thì có thêm anh Hoài Phong, Xuân Cương, Thế Viễn, Văn Linh.

Trước đây chưa lâu, khi chúng tôi còn thực hiện chương trình Trở về từ ký ức để kết nối thông tin về liệt sĩ và những người hi sinh trong chiến tranh thì tôi có thêm một tuần công tác nữa và tuần còn lại trong tháng cũng dành cho viết kịch bản và dựng video. Như vậy, tính ra tôi làm việc trung bình 15 tiếng/ngày trong một tháng.

Ngoài hai chương trình này, tôi còn được giao phụ trách phần Tin thế giới trên kênh VTV9. Nhờ có các bạn phóng viên, biên tập viên trong bộ phận Thế giới cập nhật làm việc rất tốt và nhạy bén nên tôi hoàn toàn yên tâm để duyệt bài và chỉ điều chỉnh khi thực sự cần thiết.

Chương trình đã đi được một chặng đường khá dài và sau khi nhìn lại, chị có muốn chia sẻ điều gì?

– Tính đến nay, Như chưa hề có cuộc chia ly đã hoạt động được 8 năm. Chúng tôi với một đội ngũ hơn chục con người đã phải xử lý số lượng thông tin và tìm kiếm vô cùng lớn, tuy nhiên chỉ mới có hơn 1.200 trường hợp được tìm ra. Mỗi cuộc tìm kiếm đạt kết quả đều mang nhiều yếu tố bất ngờ, hầu hết đều phức tạp và tốn nhiều công sức suy luận và kết nối. Bên cạnh đó, là hơn 90 chương trình phát sóng trực tiếp hàng tháng, 6 chương trình Gala đón Tết nguyên đán.

Trước đây, chúng tôi luôn bị áp lực vì số lượng đăng ký tìm kiếm lên đến hàng chục ngàn, nên dù có cố gắng bao nhiêu, chúng tôi cũng không thể đáp ứng được hết. Nhưng gần đây, càng làm chúng tôi càng nhất trí rằng, không phải cứ vội mà được. Mỗi một trường hợp đăng ký, chúng tôi cần phải phân tích và suy luận thấu đáo, không bỏ qua một manh mối nào. Còn khi tìm kiếm có kết quả ngay hay không, thậm chí có tìm được hay không, không phụ thuộc vào riêng nỗ lực của chúng tôi.

Nhiều lúc, chúng tôi tin rằng, như một sự tiếp sức, khi gia đình còn rất mong chờ và vẫn đang chủ động tìm kiếm người thân theo cách của mình, thì Đội Tìm kiếm và Đội Xử lý Thông tin của chúng tôi sẽ có nhiều may mắn để tìm ra. Ngược lại, có trường hợp giao thông tin cho chúng tôi rồi và ngồi chờ thì cơ hội tìm ra cũng ít hơn. Ở đây phải có sự cộng hưởng về tinh thần. Hơn nữa, Như chưa hề có cuộc chia ly là hoạt động nhân đạo, bất cứ trường hợp nào cũng có cơ hội được giúp đỡ, nhưng lẽ tất nhiên, chúng tôi sẽ dành ưu tiên về thời gian cho những trường hợp vô cùng tha thiết như mẹ tìm con, con tìm mẹ, anh chị em tìm nhau… và dành cho những trường hợp người già cả không còn nhiều quỹ thời gian cho việc đợi chờ.

Có một điều tôi rất muốn chia sẻ với các đồng nghiệp từ quá trình hoạt động của Như chưa hề có cuộc chia ly là: Nếu chúng ta có một mục đích rõ ràng, tốt đẹp, bất vụ lợi, vì cộng đồng, thì trước sau gì chúng ta cũng được hưởng ứng và hỗ trợ. Chúng tôi đã không ngờ, chỉ sau khi Như chưa hề có cuộc chia ly hoạt động hơn 1 năm, Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ Di truyền, rồi các cơ quan như Tổng cục Cảnh sát hỗ trợ, và gần đây là Tổng cục An ninh hỗ trợ rất nhiều và trên hết là các nhà tài trợ, cụ thể là Thép POMINA đã chủ động đứng ra cùng làm công việc thiện nguyện đoàn tụ người thân này.

Trong 8 năm thực hiện chương trình, có điều gì chị phải đánh đổi?

– Những cái tôi nhận được nhiều hơn cái phải chấp nhận, tôi không muốn coi đó là một sự hi sinh nào cả. Được làm công việc này, tôi thấy cuộc đời rất đáng sống. Có chút vất vả về thời gian dành cho bản thân như ngủ ít, chẳng có thời gian trau chốt và chăm sóc sức khỏe cho cá nhân, cũng hạn chế thời gian cho ba mẹ, chồng con nhưng tôi nghĩ nếu như tôi làm việc gì khác mà tốn nhiều thời gian đến thế, chắc ba mẹ và chồng con tôi sẽ trách đấy, chứ còn làm những chương trình thiện nguyện như Như chưa hề có cuộc chia ly, Trở về từ ký ức thì cả nhà chỉ theo dõi, cùng vui cùng buồn và chăm sóc hơn cho tôi thôi.

Khán giả xem Như chưa hề có cuộc chia ly thì thấy chị khóc rất nhiều. Có vẻ như chị là một người dễ xúc động?

– Có lẽ vì càng nhiều tuổi nên tôi càng dễ xúc động, rồi khi làm chương trình thì tôi càng hiểu và đồng cảm hơn với những người chịu cảnh chia ly và những người thiệt thòi trong cuộc đời nói chung. Qua tuổi 40, tôi cũng đã cảm nhận rõ hơn không có gì quý hơn sự bình yên, tình cảm ruột thịt và lòng vị tha. Tôi cho rằng mình có một số phận vất vả nhưng may mắn, vì công việc mà tôi được làm luôn đưa tôi tới với những người bình di nhất, ẩn khuất nhất, mà những người đó đều có những câu chuyện xứng đáng làm bài học cho tôi.

Thấy chị hay khóc là thế nhưng khán giả vẫn có cảm giác nhà báo Thu Uyên phải mạnh mẽ lắm mới có thể làm được và duy trì chương trình đến tận bây giờ. Đặc biệt là có khoảng thời gian chương trình phải vượt qua nhiều áp lực của dư luận…

– Tôi cũng nghĩ mình là người mạnh mẽ và đã có cơ hội để nhìn xem mình mạnh mẽ đến mức nào – cũng thật thú vị, đúng không? Có hai điều để tôi có đủ mạnh mẽ trong công việc. Thứ nhất là động cơ và việc làm tuyệt đối trong sáng. Thứ hai là tự tin vào mình, đội ngũ của mình, vào những người đặt niềm tin vào mình, mà đừng bận tâm vì những lời bôi nhọ, cũng đừng buồn vì những niềm tin tạm thời bị sứt mẻ. Cứ để thời gian làm cho nó phục hồi. Muốn mạnh mẽ cũng cần không ngừng học hỏi và rút kinh nghiệm, nhưng một khi đã đối mặt, thì hãy nhớ ta mạnh mẽ không phải chỉ vì riêng cá nhân ta, mà còn vì công việc tốt đẹp mà chúng ta đang làm.

Lùi lại khoảng thời gian xa hơn nữa, đó là lúc chị mới bước chân vào VTV và trở thành một phóng viên. Con đường nào đã dẫn chị đến với nghiệp truyền hình sau này của mình?

– Sau khi tôi đi học Ngoại giao ở Nga về, tôi được chú Lê Mạnh Thái, lúc đó là Giám đốc Trung tâm Phim, Đài Truyền hình Việt Nam nhận về làm biên dịch tiếng Nga và tiếng Pháp. Rồi chính chú lại dẫn tôi lên phòng Thời sự Quốc tế để giới thiệu, vì khi đó có nhu cầu tuyển biên tập viên. Tôi còn nhớ chú bảo: “Cháu học về Quan hệ quốc tế, làm ở đó mới phát huy được”. Đó là năm 1989.

Sau đó, tôi có may mắn được đi theo luồng cải cách sâu sắc diễn ra tại Ban Thời sự và trong toàn Đài truyền hình. Quả thật đó là một giai đoạn vô cùng hăng say và những người trẻ tuổi trong đó có tôi đã lao động không vì mục đích gì khác là làm cho những bản tin, những chương trình được phong phú, thiết thực và hấp dẫn hơn. Riêng cá nhân tôi, đó còn là giai đoạn tròn mắt học tập, từ chuyện nhỏ nhất như cầm đèn, đánh máy chữ, cho đến việc lên hình ngồi bình luận, tôi cứ mải miết làm mà chẳng từ chối việc gì. Những năm tháng đó đã dạy cho tôi những bài học về tinh thần trách nhiệm, dám đứng mũi chịu sào và ít nhiều cả tinh thần biết sợ để không cho phép mình dừng lại trong việc học hỏi.

VTV chuẩn bị bước sang tuổi 45 và với hơn 20 năm gắn bó, chị có muốn nói điều gì?

– Năm nay là năm thứ 25 tôi làm việc ở Đài Truyền hình Việt Nam và tôi rất tự hào về điều này. Có người nhìn thấy VTV thông qua những kênh sóng nhưng tôi luôn tự hào về VTV như là một tổ hợp tiên phong, rộng khắp và sâu sắc hàng đầu trong làng truyền thông nước nhà.

25 năm trước, khi các bản tin thời sự còn công thức thì VTV đã tạo nên phong cách đưa tin thiết thực gần gũi nhất với dân sinh. Khi lũ lụt, thiên tai xảy ra ở những nơi xa xôi khó đến nhất, thì các anh chị quay phim, biên tập cũng đã vác trang thiết bị cồng kềnh, quên mình để đi đưa tin. Khi xã hội chưa chú trọng nhiều đến môi trường, chất lượng cuộc sống, thì VTV là người bảo vệ tiên phong…

Sau này, khi các kênh truyền hình khác ra đời, cũng là những biên tập viên, phóng viên cứng của VTV sang góp tay xây dựng nên. Và đúng theo truyền thống của VTV, tôi luôn trông đợi những đợt cải tiến, những mục tiêu cụ thể thành hiện thực. Những thay đổi hướng về khán giả cuốn hút chúng tôi ghê gớm lắm, và chỉ có cách là làm tốt hơn công việc của mình thì mới xứng đáng với VTV.

Xin cảm ơn chị về cuộc phỏng vấn!

Chu Anh (vtv.vn)

} else {

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *