Báo chí
NCHCCCL 18: Những người con nuôi từ Đường 7
Ngày đăng: 18/05/2009 | Lượt xem: 2770
Như chưa hề có cuộc chia ly lần này đến trễ hẹn những 2 tuần do tháng 5 có quá nhiều ngày lễ lớn với những chương trình trực tiếp, nhưng bù lại, khán giả VTV1 và VTV4 đã khóc nhiều hơn khi những cuộc tác hợp hy hữu đã đến trong đêm trực tiếp 16.5.
Chị Võ Thị Gái trong NCHCCCL 18 |
Cuộc đoàn tụ đầu tiên của chương trình đêm thứ bảy vừa qua chính là nỗi mừng vui của chị Võ Thị Gái tưởng như vỡ òa trong nước mắt khi một phóng sự về Hiệp Đức, Quảng Nam được chiếu lên. Đó cũng là nơi chị đã phải xa mẹ và anh trai năm lên 7 tuổi. Đúng 40 năm, nhờ công sức của đội tìm kiếm Sài Gòn Buổi sáng, chị Phạm Thị Hai (nay là Võ Thị Gái) đã được anh trai của mình là anh Nguyễn Đình Quý (tức Một) cùng các anh chị em khác lên tận trường quay S8 đón về với quê cha đất tổ, với mẹ chị là bà Tạ Thị Phu đang mong ngóng “được một lần gặp lại con thì chết mới yên lòng”.
Tập hồ sơ đặc biệt
Khép lại cuộc đoàn tụ thứ nhất, cũng là lúc nhà báo Thu Uyên mở ra một bộ hồ sơ dày mang tên “Đường 7”, cho đến thời điểm hiện tại, đã có 86 trường hợp đăng ký, đó là 48 trường hợp cha mẹ, anh chị đăng ký tìm con, tìm em và 38 hồ sơ do những người làm chương trình lập nên từ việc đi tìm những người con bị lạc từ 34 năm trước đã trưởng thành, là con nuôi của bộ đội, của đồng bào các dân tộc, giờ họ đi tìm cha mẹ.
Những đứa trẻ thất lạc 34 năm trước trên đường 7 |
Và hồ sơ “Đường 7” là tập hồ sơ dày nhất, ghi dấu 1 sự kiện lịch sử chiến tranh. Đường 7 (nay là đường 25) dài 250 km, với các địa danh Cheo Reo, Hậu Bổn, Phú Túc, sông Ba, đèo Tô-na, Sơn Hòa, Thành Hội… nối từ Azunpa của Gia Lai đến Tuy Hòa, là tuyến hành lang vùng Bắc Tây Nguyên với Nam Trung Bộ. Nơi đây, từ ngày 16 đến cuối tháng 3.1975, đã diễn ra cuộc tháo chạy hỗn loạn.
“Mọi kế hoạch hành quân di tản gần như đảo lộn với sự có mặt của hàng vạn đồng bào chạy loạn bằng đủ mọi phương tiện từ xe gắn máy, xe thồ, xe ngựa, xe kéo tới xe hơi các loại. Cứ thế, dân theo lính nối đuôi nhau không làm sao đếm nổi số lượng kéo dài hàng cây số” (Trích lời “Người về từ cõi chết trên tỉnh lộ 7 Phú Bổn – Tuy Hòa” của Ngô Trúc Khánh) chính là sự miêu tả rõ nét hoàn cảnh thất lạc của không chỉ 86 trường hợp trong bộ hồ sơ “Đường 7” mà những người làm chương trình đang tích cực tìm kiếm.
Ông Nguyễn Ngọc Xem, người cha đã đi hàng chục ngàn cây số khắp vùng miền Trung tính từ Đức Phổ, Quảng Ngãi để tìm đứa con trai tên Bảo Chinh thất lạc lúc mới 5 tuổi và đã 34 năm trôi qua. Ông Xem trong hành trình ấy đã gặp được rất nhiều những đứa con lạc gia đình khác, có những người tưởng như đúng đến 90% là Bảo Chinh, nhưng cuối cùng không phải!
Trong số những người được ông Xem “nhận nhầm” ấy, may sao có anh Lê Chăm Đào. Anh Đào được bố nuôi là ông Lê Chăm Ram, người dân tộc Chăm H’Roi, cõng về trong một ngày cuối tháng 3.1975. Lớn lên, khao khát tìm lại gia đình của anh Đào được thầy hiệu trưởng của trường PTTH dân tộc nội trú Sơn Hòa thấu hiểu, làm hồ sơ gửi tới chương trình.
Khi gặp Lê Chăm Đào, hỏi anh về những mẩu ký ức còn lại từ cái thuở lạc cha, lạc mẹ ấy, nhà báo Thu Uyên đã thực sự “phát sốt” vì biết là “tình cờ may mắn” ở đây khi một trong 86 hồ sơ “Đường 7” có trường hợp cha Nguyễn Văn Bước, chị Phương, ở nhà gọi là Phượng, tìm con Nguyễn Kim Hùng, tức Tèo! Chính là Lê Chăm Đào!
Anh Lê Chăm Đào gặp lại gia đình |
Và tại trường quay, khi đứng ngay trước mặt đại gia đình mình, anh Đào giống như bị một cú điếng người. Anh hoàn toàn bất động, thậm chí đến ánh mắt cũng bất động giống như đã hóa đá. Dường như quá nhiều thất vọng và nhầm lẫn trong cuộc kiếm tìm người thân suốt những năm qua đã khiến người đàn ông này, giờ đây không còn dám tin hạnh phúc đoàn tụ mà những người làm chương trình đang mang đến cho anh, là sự thật!
Rất nhiều những nhân chứng, những người đang chịu cảnh chia ly 34 năm qua cũng có mặt tại trường quay S8, như cô Cao Thị Hai lạc mất 2 con cùng 1 lúc; hai chị em cô Dương Thị Chanh, Dương Thị Kim Thanh mất mỗi người 1 con cùng lúc, ông Võ Thận lạc con trai, anh Bùi Văn Sơn, chị Trương A Kiếu lạc gia đình… đã rơi nước mắt trước sự đoàn tụ may mắn của anh Đào.
Mong muốn được khép lại tập hồ sơ “Đường 7” là ước vọng của những người làm chương trình, khi niềm vui đoàn tụ của gia đình anh Đào cũng chính là sự hy vọng cho những người còn lại, được một lần nữa, thắp lên.
} else {