Báo chí

Cuộc gặp với vị đại tá thay đổi cuộc đời cậu bé lạc cha mẹ từ năm 9 tuổi

Ngày đăng: 27/07/2020 | Lượt xem: 2016

Hơn 30 năm sau ngày chia ly, nhìn thấy tấm ảnh con trên chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, mẹ ruột anh Duy ôm ti vi òa khóc.

Suốt cuộc trò chuyện, anh Trần Ngọc Duy (Sơn Trà, Đà Nẵng) liên tục phải ngừng lại vì xúc động. “Cuộc đời tôi đã quá nhiều mất mát”, anh nói.

Sinh năm 1966, anh Duy là con cả trong gia đình có 1 con trai và 5 con gái. Ba mẹ anh từ Huế vào huyện Thiệu Phong, Quảng Trị lập nghiệp. Nhà nghèo đông con, ông bà liên tục phải đi làm ăn.

Tuổi thơ anh Duy là những ngày thay cha mẹ lo chuyện cơm nước, chiều chiều lại đưa các em đi tắm ngoài sông. Nhưng những ngày yên bình đó không được kéo dài. Sự cố thay đổi cuộc đời anh bắt đầu vào một ngày tháng 3/1975.

Ngày xa gia đình

Khi đó, gia đình anh di cư từ Đà Nẵng vào cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) qua đường biển. Từ chiếc tàu nhỏ, mọi người phải đi sà lan để chuyển sang tàu lớn, rời Đà Nẵng.

Ba đưa mẹ và các em của anh đi chuyến sà lan đầu. Sau đó, ông sẽ quay lại đón anh Duy và chị Lê Thị Chi – em gái anh Duy. Tuy nhiên khi ông quay lại thì hai người con không còn ở chỗ cũ.

Trong ký ức của cậu bé 9 tuổi, anh Duy chỉ nhớ rằng, 2 anh em bị lạc đã khóc rất nhiều. Quá mệt anh ngủ thiếp đi, sáng hôm sau tỉnh dậy, không còn thấy em gái bên cạnh. Anh lại để lạc thêm người em gái.

Hình ảnh anh Duy năm 13 tuổi được gia đình Đại tá Trần Ngọc Thái cưu mang.

Và trích lá thư gửi đến NCHCCCL nhờ tìm gia đình.

Khi tàu cập cảng Cam Ranh, cha mẹ anh đi dọc bãi biển tìm con và chỉ may mắn tìm lại được con gái tên Chi. Hơn 1 tuần tìm kiếm anh Duy không có kết quả, ba mẹ anh đành phải tiếp tục di chuyển vào Sài Gòn.

Thất lạc gia đình, anh Duy lưu lạc và cũng vào đến Khánh Hòa. Thấy anh đi lang thang, những người bộ đội ở đây đã đón anh về. Sau đó, anh được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Khánh Hòa nuôi dưỡng.

3 năm sau, 1978, anh gặp gia đình ông Trần Ngọc Thái – Đại tá anh hùng, công tác tại Nhà máy X50 Hải quân, và vợ là bà Mai Thị Y. Gia đình chỉ có một cô con gái vì vậy ông bà ngỏ ý muốn nhận anh Duy làm con nuôi.

“Họ là những người tôi mang ơn suốt đời. Từ cậu bé vô gia cư, tôi được bố mẹ nuôi chăm lo ăn học, nên người”, anh nhớ lại.

Lời dặn của người cha nuôi

Năm 1978, anh Duy về ở với gia đình Đại tá Trần Ngọc Thái và được đổi tên từ Lê Văn Di thành Trần Ngọc Duy.

Gia đình ông Thái chuyển từ tỉnh Khánh Hòa ra Sơn Trà, Đà Nẵng công tác, anh Duy cũng được ba mẹ nuôi đưa theo và cho ăn học. Tuy nhiên đến năm 1986, cha nuôi của anh mắc bệnh hiểm nghèo. Biết mình không còn nhiều thời gian, ông gặp đồng đội gửi gắm anh Duy vào quân ngũ.

“Ông sợ không có ai bên cạnh nhắc nhở, giáo dục, tôi sẽ không nên người nên ông muốn tôi vào quân ngũ để được rèn luyện”, anh Duy nhớ lại.

Anh vẫn nhớ rõ, đó là một chiều Chủ nhật tháng 12/1986, anh và người cha nuôi ngồi nói chuyện trên chiếc giường bệnh. Sau ngày đó, anh sẽ rời gia đình để nhập ngũ nên ông dặn dò, chia sẻ với anh rất nhiều.

“Ông nhắc đi nhắc lại tôi phải chấp hành tốt mọi quy định, cố gắng phấn đấu. Tôi đâu biết đó là lần cuối chúng tôi nói chuyện với nhau”.

9h sáng hôm sau, anh Duy vào đơn vị nhập ngũ, khi hoàn thành các thủ tục, đơn vị cho anh được đạp xe vào viện thăm bố.

Ví trí quê nhà anh Duy được vẽ lại theo ký ức của anh.

“Chưa kịp đi, tôi bị các chú trong đơn vị gọi lại: “Cháu nghe tin gì chưa? 7h sáng nay, ba cháu mất rồi”. Tim tôi đau thắt”, anh khóc.

“Ông coi tôi như con ruột, nghiêm khắc nhưng cũng rất yêu thương. Quê ông ở Quảng Nam, các ngày giỗ chạp, lễ Tết, ông đều đưa tôi về thắp hương như con trai trong nhà”, anh nói thêm.

Vào quân ngũ, anh Duy công tác tại đơn vị thuộc phòng Hậu cần Vùng 3 Hải quân. Năm 1990, anh được cử đi học lớp cơ điện ở Trung tâm Kỹ thuật Vùng 3 Hải quân và sau đó về công tác tại ban Doanh trại của đơn vị.

Năm 1994, anh kết hôn. “Tôi mặc cảm vì điều kiện mình khó khăn, ly tán khỏi gia đình nhưng cô ấy vẫn thông cảm. Tháng 7/1995, con trai đầu lòng chào đời, năm 2006, chúng tôi có thêm con gái thứ hai”.

Ngày về 

Năm 2008, Thượng úy Trần Ngọc Duy – Cán bộ ban Doanh trại Vùng 3 Hải quân, gửi thư đến chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”. Anh gửi kèm bức ảnh khi anh 13 tuổi – 4 năm sau ngày thất lạc và tấm bản đồ quê nhà được dựng lại theo trí nhớ của cậu bé 9 tuổi năm xưa.

Khoảng khắc đoàn tụ với gia đình

“Khi có con, ước mong tìm lại gia đình càng mãnh liệt. Tôi muốn cho các cháu được biết về quê hương, nguồn cội”.

Khi chương trình phát tin vào ngày 7/6/2008, anh không ngờ rằng, tại huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận, có một người phụ nữ đã nhìn thấy bức ảnh đó và nhận ra ngay con mình.

Bà ôm lấy chiếc vi ti, khóc mãi không thôi. Bà là Đoàn Thị Ái (SN 1948) – mẹ anh Duy. Cha anh – ông Lê Văn Cả (SN 1942), bao năm đi tìm nhưng không có kết quả đã phải nói: “Không tìm được con về, chúng tôi chết không yên”.

Di chuyển vào Ninh Thuận, cuộc sống của họ ổn định với 12 người con nhưng suốt hơn 30 năm qua, ông bà không nguôi nhớ người con cả.

Cứ nghe thông tin bé trai bị thất lạc vào năm 1975 ở Đà Nẵng, có đặc điểm giống con trai của mình là ông bà lại đi tìm. Nhưng những hi vọng đều nhanh chóng lụi tàn cho đến ngày 5/7/2008 – gia đình họ đoàn tụ sau hơn 30 năm xa cách.

Khi nghe ba gọi “Duy, con!”, người đàn ông ngoài tuổi 40 òa khóc trong vòng tay người cha tóc đã phai màu.

Năm 2012, anh Duy rời quân ngũ với ý định chuyển gia đình vào Ninh Thuận để ở gần ba mẹ nhưng ước nguyện của anh không thành.

“Lúc đó còn vướng các cháu ăn học, tôi không muốn xáo trộn cuộc sống của các con. Tôi cũng muốn ở lại để lo việc giỗ chạp, thờ cúng cho ba mẹ nuôi vì ông bà có mỗi tôi là con trai”.

Cuối năm 2019, ba mẹ đẻ của anh tạ thế. “Thời gian sum vầy chưa dài nhưng tìm được về nguồn cội, gốc gác là điều tôi không đòi hỏi gì hơn. Tôi chỉ muốn nói rằng, những ai đang chia ly, xin đừng bao giờ từ bỏ hi vọng…”.

— Nguồn: Báo Vietnamnet (https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/cuoc-gap-voi-vi-dai-ta-thay-doi-cuoc-doi-cau-be-bi-that-lac-tu-nam-9-tuoi-659882.html)

— Xem lại cuộc đoàn tụ trong NCHCCCL 08 – https://youtu.be/pzR9OmIf_yk?t=2358

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *