Báo chí
Cuộc đoàn tụ của những đứa trẻ ly tán vì chiến tranh
Ngày đăng: 07/07/2008 | Lượt xem: 1755
Qua 7 số chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…” đã thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của công chúng qua hầu hết các kênh truyền thông. Tối qua 5.7, chương trình số 8 tiếp tục tạo ấn tượng mới khi đề cập đến những thân phận trẻ thơ ly tán trong chiến tranh, đặc biệt là qua câu chuyện tìm về cội nguồn của một cô gái Mỹ gốc Việt. Cô là một trong số hàng ngàn nhân chứng lịch sử từ “chiến dịch Babylift” 33 năm trước.
Ước mơ nói tiếng mẹ đẻ
Mở màn bằng những âm thanh khốc liệt của chiến tranh, nhưng người dẫn chương trình không để khán giả kịp nghĩ đến "bên này bên kia" mà dẫn dắt đến một lực lượng không liên quan gì đến chuyện "đánh nhau", là trẻ em.
Mỹ Chi (Tiffany) cùng xem lại phóng sự về mình |
Đó là những ngày của tháng 3.1975, chặng cuối của chiến tranh VN. Đứng trước nguy cơ thất thủ hoàn toàn miền Nam, chính quyền Sài Gòn đã không từ bất cứ thủ đoạn nào, kể cả việc đưa trẻ em, một lực lượng hoàn toàn không có khả năng tự vệ, vào những ý đồ riêng của họ. Trong lúc hàng triệu người dân thường phải hoảng loạn chạy nạn bởi vì nghe theo những thông tin lừa bịp, thì một chiến dịch nằm trong ý đồ quân sự nhắm vào trẻ em cũng ra đời, mang tên Babylift (xuất cảng cô nhi). Nhiều chuyến bay quân sự đã đưa trẻ em đi, bất chấp chuyến bay chính thức đầu tiên đã gặp tai nạn, khiến 300 trẻ em phải chết thảm. Và cho đến ngày kết thúc chiến tranh, khoảng 3.000 trẻ mồ côi đã được đưa sang Mỹ và một số nước khác.
Tiffany Goodson, tên gọi VN là Dương Thị Mỹ Chi. Sang Mỹ trong chuyến bay ngày 5.4.1975, số hiệu VN 449. Có mặt tại trường quay tối qua, cô xúc động nói: "Tôi đến đây với hy vọng nhờ tìm mẹ. Mẹ tôi đã cho tôi tại Bệnh viện Từ Dũ ngay sau khi sinh, do không có điều kiện nuôi. Và tôi được đưa sang Mỹ khi mới 4 tháng tuổi, trong chiến dịch Babylift. Tôi chỉ biết mẹ tôi tên là Dương Thị Kim Tiền, ở cư xá Lê Văn Duyệt cũ, do còn giữ được một số giấy tờ khai sinh và ủy thác cô nhi. Tôi đã đi tìm vài lần nhưng chưa tìm được, vì địa chỉ cũ đã trở thành công viên".
Chuyện tìm thân nhân cho người mất trí
Trong số thứ 4 phát sóng trực tiếp ngày 1.3.2008, chị Trần Thị Tỏ, một thương nhân Việt kiều đã về TP.HCM để thông báo tìm kiếm gia đình cho một người phụ nữ gốc Việt bị tâm thần (mọi người thường gọi là Tóc Rối) đang lang thang tại cảng Sihanouk ở Campuchia. Sau buổi phát sóng, đã có 4 gia đình liên hệ với chương trình, tất cả đều khẳng định, người phụ nữ đó chính là con, là em thất lạc của mình. Tuy nhiên khi đoàn tìm kiếm đưa gia đình họ sang Campuchia xác minh thì Tóc Rối không có những đặc điểm trùng khớp với người thân của họ. Và cuộc tìm kiếm người thân cho Tóc Rối vẫn đang tiếp tục.
Một phóng sự dài về cuộc tiếp xúc giữa những người làm chương trình với Tiffany tại Hà Nội được chiếu lên. Và câu chuyện dần dần hé mở nhiều thông tin đáng giá về người phụ nữ này. Từ khi được về VN cùng với người mẹ nuôi trong đợt Babylift hồi hương, Tiffany quyết tâm phải trở lại lần nữa để tìm mẹ. Và hơn 1 năm nay, cô đã làm tình nguyện viên cho một trường đại học ở Hà Nội. Khi những người làm chương trình hỏi, trong trí tưởng tượng của Tiffany thì mẹ như thế nào? Cô trả lời dứt khoát: "Mẹ là người rất mạnh mẽ". Và cô nói rằng, cô có những tố chất rất giống mẹ và cô muốn nói với mẹ rằng, cám ơn mẹ đã cho cô cuộc sống như bây giờ. "Tất cả chỉ mới bắt đầu, sẽ cần có thời gian. Con đang ở đây và con mong muốn, con tin rằng ngay cả nếu mẹ không còn, mẹ vẫn tiếp tục yêu con".
Từ những thông tin ít ỏi của Tiffany, lực lượng tìm kiếm của chương trình đã tìm ra được gia đình cô ở TP.HCM. Nhưng đi liền theo đó cũng là một tin buồn mà tại trường quay tối qua, lần đầu tiên Tiffany đã được biết, rằng mẹ cô đã qua đời vào năm 1978, chỉ cách 4 năm sau khi cô được đưa sang Mỹ. Cầm bức di ảnh của người mẹ lui về hàng ghế khán giả, Tiffany khóc nức nở. Ước ao tìm được gốc gác đã trở thành hiện thực, cô mang ơn cơ hội này, nhưng cô không thể thực hiện được tâm nguyện khác, lớn hơn của đời mình, là cám ơn người đã sinh ra cô, như chính cô từng nói.
Người dẫn chương trình đã tạm "chốt" lại câu chuyện này bằng một thông điệp khiến ai nấy nhẹ lòng, cho dù bắt nguồn từ dòng suy nghĩ của một cô gái mà việc nói được tiếng mẹ đẻ, với cô đang còn là ước mơ. "Mẹ cho con đi là để con có cuộc sống tốt hơn, không phải người con nào bị cho đi cũng hiểu được như vậy. Những tình cảm nhân hậu đó đã làm vơi đi những mất mát, bi kịch mà chiến tranh gây ra".
Mảnh ghép cuộc đời
Không phải chỉ có những đứa trẻ trong chiến dịch Babylift bị "bốc" khỏi quê hương vì ý đồ chính trị, mà có nhiều đứa trẻ đang sống ngay trên xứ sở của mình cũng phải chịu cảnh ly tán vì chiến tranh.
Anh Di gặp lại bố mẹ và anh chị em |
Và 33 năm sau, tại trường quay tối hôm qua, một thân phận nữa, cũng là nạn nhân của chiến tranh đã tìm được gia đình. Đó là câu chuyện cảm động về anh Trần Văn Di, quê ở Đà Nẵng, bị thất lạc trong lúc chạy loạn vào tháng 3.1975, từ Bình Trị Thiên đi vào Nam. Khi chiếc tàu nhỏ cập cảng Đà Nẵng, ba anh bảo anh và đứa em gái tên Chi đứng ở trên tàu, để ba đưa mẹ và mấy em nhỏ lên tàu lớn trước. Nhưng khi ba mẹ vừa bước lên tàu bên kia, thì chiếc tàu nhỏ nơi anh em Di đang đứng đi ra cặp vào một cái sà lan. Thế là khi ba anh quay lại, thì không thấy tàu nhỏ đâu nữa và hai đứa con cũng mất tích. Đêm đó, hai anh em Di ngồi khóc và khi mệt lả, Di ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Khi mở mắt ra thì em gái cũng đã đâu mất rồi. Di đã để lạc mất em. Lúc đó anh mới 9 tuổi và tên là Lê Văn Duy. Sau này lạc về Nha Trang, bố nuôi của anh là một sĩ quan trong lực lượng Hải quân, đặt tên anh là Trần Ngọc Di.
Nhưng chính những thông tin còn lại trong ký ức của cậu bé 9 tuổi, qua những nỗ lực của lực lượng tìm kiếm, đã tìm được quê quán và cuối cùng là cả đại gia đình cho anh Di. "Tôi nhớ nhất là con sông và con đường chạy song song, ở đó có bến đò và bậc tam cấp. Có một con mương vuông góc với sông, đi khoảng trăm mét thì nhà tôi ở đó", anh Di nhớ lại trong ký ức được như thế thì tại trường quay, phóng sự được chiếu lên màn ảnh nhỏ cũng đưa anh đến những cảnh vật đúng như thế ngoài đời. "Tìm kiếm đôi khi cũng y như là ghép hình ấy, ghép những mẩu nhỏ lại thành một bức tranh", người dẫn chương trình chưa nói dứt câu thì anh thượng úy Hải quân này đã òa lên nghẹn ngào khi nhận ra những cảnh vật trên màn ảnh. Tất cả cảnh vật như một thước phim quay chậm giúp anh quay về với thời thơ ấu của mình. Đến mảnh ghép cuối cùng, điều mà anh Duy không thể ngờ là chính cha anh, ông Lê Văn Cả, và mẹ anh là Đoàn Thị Ái, cũng đã nhờ đến chương trình tìm giúp con. "Chúng tôi muốn tìm con trai đầu lòng thất lạc năm 1975, trong lúc chạy loạn tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. Con trai tên là Lê Văn Duy, sinh năm 1966", trong thư gửi đến chương trình, ông Cả trình bày như vậy.
Khi vào trường quay, tuy ông Cả, bà Ái đều được thông tin là lần này sẽ gặp được con trai nhưng đã hơn 30 năm, phải mất vài giây họ mới dám lao đến với con trai mình. Còn anh Duy, điều này hoàn toàn bất ngờ vì anh không hề được thông báo trước. Một kết thúc có hậu chấm dứt một thời kỳ ly tán của những thân phận trôi nổi trong chiến tranh.
Chương trình sẽ được phát lại vào lúc 14 giờ thứ bảy tuần sau (12.7.2008).