Báo chí
Có những thân nhân liệt sỹ không thể chờ lâu hơn nữa
Ngày đăng: 22/08/2011 | Lượt xem: 1307
Là chuyên gia đầu ngành về di truyền phân tử, GS-TS Lê Đình Lương cho biết, ông sẽ đưa ra đề nghị thực hiện giám định hài cốt liệt sỹ bằng giám định ADN ngay từ tháng 7 năm 2011, vì Nhà nước đã đầu tư nhiều phòng thí nghiệm tốt. Quan trọng hơn, các bà mẹ, thân nhân liệt sỹ không thể chờ đợi việc tìm kiếm quy tập hài cốt, để thờ cúng lâu hơn được nữa.
Mẹ VNAH Trần Thị Viết có 7 người con hy sinh cho Tổ quốc – Ảnh: Trần Hiếu |
Thưa GS, có khó khăn nào trong việc giám định hài cốt liệt sỹ bằng phương pháp giám định ADN nếu thực hiện đề án này?
Việc phân tích ADN để xác định huyết thống đã trở thành việc bình thường ở nhiều cơ sở giám định ADN trên cả nước. Tuy nhiên, xác định hài cốt liệt sỹ bằng phương pháp giám định ADN hiện nay gặp khó khăn, đó là: Do chiến tranh đã lùi xa quá lâu, hài cốt của các liệt sỹ vô danh hoặc chưa được tìm thấy đã bị phân hủy nhiều, bị mục không còn đủ khả năng để xét nghiệm có kết quả. Về khoa học, đây là thực tế rất cần đẩy nhanh tiến độ của dự án. Bên cạnh đó, tôi cũng cho rằng, thân nhân liệt sỹ, đặc biệt là bố, mẹ của liệt sỹ hầu hết đã ngoài 80 tuổi. Nếu không làm nhanh, họ sẽ không còn đủ thời gian để chứng kiến giây phút thiêng liêng được đón hài cốt con về để thờ tự.
Như vậy, nếu thực hiện giám định ADN hài cốt liệt sỹ từ năm 2014 đến 2018 theo dự kiến của Bộ LĐ-TB&XH thì có quá chậm không?
Hiện nay, khá nhiều mẫu hài cốt của thân nhân liệt sỹ đưa đến trung tâm chúng tôi và một số đơn vị khác, mẫu đã quá mục, phân hủy vụn rồi. Trong khi đó, chúng ta đang có đầy đủ điều kiện để giám định ADN hài cốt ngay, nên nếu để đến năm 2014-2018 mới phân tích là quá muộn! Mà thời hạn trên mới là trong kế hoạch, trên thực tế thường sẽ có độ trễ, vì riêng việc đào tạo đội ngũ có kinh nghiệm và kỹ năng cho các cơ sở giám định mới đòi hỏi mất vài năm.
Chúng ta đang có những điều kiện nào để có thể xác định hài cốt bằng phương pháp giám định ADN? Và nếu có thể thì việc giám định ADN để xác định hài cốt liệt sỹ sẽ được bắt đầu từ khi nào, thưa GS?
Nhà nước đã đầu tư đáng kể (nhiều triệu USD) cho các phòng thí nghiệm sinh học phân tử ở nhiều tỉnh, thành. Một số cơ sở cũng tự đầu tư thiết bị hiện đại. Hàng chục phòng thí nghiệm sinh học phân tử đã được thành lập và trên thực tế đã và đang tiến hành giám định hài cốt. Máy móc và thiết bị phân tích AND hiện có ở nhiều trung tâm rất hiện đại, cập nhật với thế giới nên việc xác định hài cốt liệt sỹ bằng phương pháp này có thể tiến hành ngay trong tháng 7 năm 2011.
GS-TS Lê Đình Lương
|
Cần những điều kiện gì để đưa việc xác định hài cốt liệt sỹ bằng phương pháp này ngay từ bây giờ, và chúng ta cần bao nhiêu tiền để giám định được một hài cốt liệt sỹ vô danh thuộc về gia đình nào?
Cần thành lập một Trung tâm điều hành mạnh ở Trung ương để: Tổ chức, tập hợp và điều hành hoạt động của mạng lưới các phòng thí nghiệm giám định ADN hiện có trong toàn quốc (khoảng 5-7 phòng), soạn thảo các văn bản pháp quy phục vụ hoạt động của Đề án; Xây dựng các kho lưu trữ mẫu (hài cốt liệt sỹ); So sánh dữ liệu ADN, kết luận từng trường hợp và đề xuất những mẫu cần giám định lại.
Năng suất mỗi phòng thí nghiệm hiện khoảng 500 đến 600 mẫu/tháng. Nếu tăng lên 2000 mẫu/tháng, mỗi phòng thí nghiệm chỉ cần hỗ trợ thêm 7-10 tỷ đồng. Làm được như thế, tổng kinh phí nhà nước dành cho việc xác định hài cốt liệt sỹ bằng giám định ADN cũng như công việc liên quan sẽ giảm đi nhiều lần.
Cảm ơn GS.
Theo GS Lê Đình Lương, kinh phí giám định ADN ty thể mất khoảng 150 USD cho mỗi mẫu hài cốt; 100 USD cho mỗi mẫu người thân. Giám định ADN nhân, chỉ cần 200 USD cho mỗi mẫu hài cốt và 150 USD cho mỗi mẫu người thân. Tổng năng suất giám định ADN của mạng lưới các phòng thí nghiệm khả thi tại thời điểm này là 4.000-6.000 mẫu hài cốt/tháng.Có thể tăng lên 10.000 mẫu/tháng ngay trong năm 2011. |
d.getElementsByTagName(‘head’)[0].appendChild(s);