Báo chí

Chúng tôi lúc nào cũng vội vã như đi cứu người

Ngày đăng: 26/02/2009 | Lượt xem: 1230

Tôi không định mình gắn cuộc đời và công việc của mình với những nỗi đau của con người. Tính tôi thích chuyện hài hước, thích cười, và rất sợ chia ly. Cuộc chia ly đầu tiên đối với tôi là khi ba mẹ tôi được cử đi Đông Âu nghiên cứu khoa học trong số các nhà khoa học đầu ngành, khi tôi mới hơn 3 tuổi. Mấy năm ở với ông nội, là thời gian hạnh phúc nhất mà tôi có thể nhớ lại, nhưng hình như khoảng thời gian xa ba mẹ không dài đó cũng đặt dấu ấn lên tính tình của tôi. Tôi rất sợ chia ly.

Những tiếng kêu câm lặng

Tôi rất thích chim cá, nhưng tôi lại ít khi dũng cảm dám nuôi, vì tôi thấy không dám chắc mình có thể bảo vệ chúng được hay không khi mà mình không nghe được chúng nói cần gì, trong khi sự sống cái chết của chúng hoàn toàn nằm trong tay tôi. Trong số các bức tranh mà tôi được xem, ấn tượng khủng khiếp nhất là từ bức “Scream” của Edvard Munch, vẽ một chân trời đỏ rực và một người đàn ông hét không ra tiếng.

Khi gặp em Đặng Văn Thắng (NCHCCCL số 13), một người câm, được chị Trần Minh Châu dẫn đi tìm gia đình, tôi lại có ngay cảm giác choáng váng như thế. Thắng ở một vùng quê nào đi lạc vào Nam, lần hồi làm thuê đến một quán cháo trắng ở Hàng Xanh, Tp.HCM. Chị Châu tới ăn, hiểu được nỗi đau đớn lạc loài của em. Khi đến nhà chị làm phóng sự truyền hình, thấy Thắng có 1 túi đồ để một góc tủ nhà chị, tôi thấy sao mà ấm lòng! Giở ra cũng chỉ có vài bộ quần áo và một tập ảnh em chụp từ khi vào Nam thôi. Nhưng, chúng tôi còn lúng túng không biết tìm ở đâu, tôi đã nghĩ: Có một góc cho em rồi, chắc hẳn trong lòng em đã nguôi tiếng thét. Nếu chưa tìm được ngay cho em gia đình, Thắng cũng không còn thấy tuyệt vọng muốn chết như vài năm trước nữa.

 Gia đình Thắng ở Hà Tĩnh

 Thắng và cô Châu

Tôi thấy rằng, có nhiều người sống bởi vì còn hy vọng, và bởi vì tin còn một người đặc biệt nào đó đang nghĩ đến họ. Nhiều khi, họ chẳng cần gì nhiều, chỉ cần 1 chút quan tâm của người xung quanh là họ lại có sức chờ đợi tiếp. Như Thắng có chị Châu, như bà Tư Phước “lá xanh thì rụng lá vàng còn đây” thì có anh Nghĩa chăm lo (số 11). Chị Tóc Rối có vợ chòng chị Trần Thị Tỏ (số 6, 8, 10). Cu Tý (nay là Thầy Thiện Tài) đi lạc- có bà Út Liên (số 13); em Mỹ Phương, nay là Ngọc Duệ được các ni sư khất sĩ và được ông bà Cẩm Đạt chăm sóc (số 9),… Mỗi một người đang chịu cảnh ly tán, là người đi tìm hay được tìm, đều có những người tốt như thế ở xung quanh. Chưa có dịp kể hết về họ, nhưng nếu họ đã không nhân nghĩa như thế, không cưu mang những người lạc nhà khốn khổ, thì việc làm ngày nay của chúng tôi cũng chẳng có ích gì. Những việc làm bền bỉ của họ 2-3 năm mang cơm cho ăn, đưa đi khắp nơi tìm gia đình, hay chỉ đơn giản là che chở, chia sẻ tâm sự với những người cơ nhỡ – làm cho cuộc sống này trong mắt tôi trở nên có nền tảng là cái thiện. Vững chắc đến nỗi những cái xấu, cái tồi tệ nêu nhan nhản trên báo chí hàng ngày không thể làm cho xã hội này lay chuyển hay vấy bẩn.

Chia sẻ và cảm thông

Động đến nỗi đau của con người, không chỉ lấy lý ra mà nói được. Chỉ có thể đồng cảm, hoặc xót thương. Trong số các cuộc đoàn tụ trên sóng truyền hình của NCHCCCL, chỉ có một cuộc “bị góp ý” nhẹ, là cuộc đoàn tụ của ông Vũ Minh Châu với người con trai sinh ra tại Gò Quao, và người mẹ Phan Thị Tím (số 10). Gia đình người con trai đã tha thiết đi tìm cha, nhất là để cậu cháu nội 5 tuổi có ông.

Trước ngày đoàn tụ, trên đường bay ra Bắc để về Thái Bình gặp gia đình ông Châu, tôi chỉ có một ý nghĩ chua xót: “Chiến tranh không phải trò đùa”. Những nạn nhân của chiến tranh, không chỉ là những người bước ra mà không còn lành lặn. Những người đi qua chiến tranh, ít nhiều đều là nạn nhân của nó.

Thôn Dương Liễu, xã Minh Tân ở Kiến Xương, Thái Bình

Về thôn Dương Liễu, xã Minh Tân ở Kiến Xương, người quay phim Tài Văn lái xe chạy vòng quanh mấy vòng, lạc giữa con sông và những đồng lúa xanh ngút mắt. Hai chị em tôi về đến nhà ông Châu thì dân làng đã kéo đến chật nhà, toàn màu áo xanh bộ đội đã bạc màu. Ông Châu vào bộ đội năm 1960, đầu tiên đi học lính dù, sau chuyển sang pháo binh và đi B vào tháng 4 năm 1964. Ông thuộc Đoàn pháo binh Biên Hòa anh hùng. Mậu Thân, ông cùng đơn vị đánh vào Sài Gòn. Đánh pháo không công sự, chạy đường nhựa, có trận “máu trơn, phải bỏ dép cao su chạy chân đất”. Có trận vào một trăm người, hi sinh hết 85. Đến năm 1972, từ Tây Ninh ông được điều về vùng giải phóng Sài Gòn mới ở U Minh thượng, phối thuộc với Quân khu 9. Ở với dân. Khi xuống Gò Quao, tôi hỏi lại những đồng chí của ông Châu, “Thế các chú ở với nhau cùng một lán chỉ huy, chẳng nhẽ chẳng bao giờ nói chuỵện vợ con?”. “Đêm đánh đồn, ngày chống càn, còn lại tập huấn, lúc nào mà nói”. Năm 1975, chú Châu 38 tuổi, là Chính trị viên đại đội. Thế mà bây giờ có một đứa con tìm bố, rõ ràng là sai phạm kỷ luật quân đội rồi còn gì!

Ở với dân gần 3 năm, mẹ Sáu quý, có ý ghép con gái bà, cũng là vợ liệt sĩ cho ông Châu. Bà Tím lúc đó làm du kích. Vào lúc cuộc chiến ác liệt, ngày giải phóng đã đến rất gần mà chưa ai biết, tình cảm đã nảy sinh. Tôi hỏi: “Tình yêu, phải không chú?” “Phải.” “Chú thương cô Tím nhất ở điểm gì?”. “ Bà ấy lo lắng cho tôi. Tôi đi đánh đâu thì đánh, trở về rồi bà ấy mới yên tâm”.

“Thế suốt 13 năm đi B, chú có thường nhớ tới gia đình?” “Đã vào Nam là ra đi không hẹn ngày về. Trước khi đi tôi bảo vợ: Bà xem có ai khác thì lấy người ta, tôi ra đi là không hổ thẹn là con trai Minh Tân, không biết có ngày về. Chiến đấu ác liệt thế, chỉ nghĩ làm sao thắng nó, chứ không còn thời gian mà ngoái lại. Nhiều khi nghĩ về nhà, thấy xa xôi, không thể với tới”. Ông Châu cưới vợ chưa quen hơi bén tiếng là vào bộ đội, về phép mấy lần trước khi đi Nam. Một mạch, không thư từ, đến khi ra quân, ông Châu về quê vào tháng 6/1976 thấy một đứa bé trai 13 tuổi ra đón, mới hay mình đã có con.

Khi tôi gọi điện về cho ông, ông nói: “Cô bảo, năm đó tôi ở chiến trường, đã 37 tuổi. Sờ lên đầu đã thấy có tóc bạc. Ở quê mà không con thừa tự là bất hiếu. Thế nên tôi mới mất lập trường”. Rồi sau, lúc về Gò Quao gặp cô Tím, cô cũng nói: “Tại mình thương quá, mình mất lập trường, chứ không trách gì người ta”.

Chữ “lập trường” của cô chú sao mà thương thế! Đành rằng ông Châu như thế là vi phạm kỷ luật quân đội. Đành rằng sau này, từ năm 1976 đến ngày gặp lại trong trường quay, ông không một lần lặn lội vào Nam, là không phải với bà Tìm và em Tùng. Nhưng ai đã qua thời chiến tranh mà không hiểu, ai bây giờ còn nỡ trách cho 1 chuyện riêng tư mà ngay trong cái riêng tư đó, họ cũng sống vì người khác? Ai sống qua những năm mới thống nhất mà không hiểu một anh bộ đội phục viên trong túi không một đồng bạc, “về đến huyện họ cho ăn một bữa rồi đi bộ về làng”, về dến nhà thì ra sức cùng vợ sửa nóc nhà sụp, gây dựng con trâu, thửa ruộng cho đến lúc đủ ăn – làm sao có thể tích tiền đi một chuyến cho riêng mình?

Ông Châu, bà Tím và các con, các cháu

Tôi cũng thử “phản biện” ông Châu nhiều lắm chứ. Nhưng tôi cảm thông. Tôi lần theo từng năm ông sống kể từ ngày giải phóng, thấy trong lòng ông đã tin bà Tím đã yên một bề rồi. Và, nếu chỉ là chuyện của ông, của bà thôi, NCHCCCL chúng tôi có biết và cảm thông, cũng chẳng nói ra làm gì. Vấn đề là ở chỗ hai người đàn bà, một thanh niên và một đứa cháu. Có thể, “Chiến tranh không có gương mặt phụ nữ”. Nhưng hòa bình, chính là gương mặt của bà Tỵ vợ ông Châu. Bà bảo: “Cô ạ, tôi mừng lắm, không đẻ không nuôi mà có thêm con. Ông ấy đi lâu nên nhà tôi neo con, có 3 đứa. Để ông ấy mời Tùng và mẹ Tím ra đây chơi cho gia đình sum họp”. Sau ngày đoàn tụ tại trường quay, cô An, vợ Tùng thỉnh thoảng viết thư cho chúng tôi, kể rằng con trai cô tối nào cũng gọi điện cho ông nội, ríu rít lắm. Gia đình ông Châu cũng đã xuống Gò Quao 1 tuần thăm nhà Tùng nơi chiến trường xưa.

Tôi tin chắc rằng những chuyện sau này của gia đình ông Châu, sẽ như những gia đình khác mà thôi. Nhưng họ chất phác và vì người khác hơn vì mình, và  họ không máy móc khô cứng. Họ chỉ hiểu và vui sướng với những điều lành mà số phận mang lại cho họ, dù chúng không nhiều nhặn gì trong con mắt của nhiều người.

Đoàn tụ

Trong NCHCCCL, chúng tôi luôn nhắc mình phải giữ thái độ như thế mỗi khi xem xét hồ sơ. Không có một nỗi đau nào là không cần giúp đỡ, không một sai lầm nào trong quá khứ còn bị lấy làm cớ tẩy chay. Bởi vì, nỗi đau của bà mẹ xa con nào cũng giống như nhau. Như trường hợp của bà Đặng Thị Mai (số 11), vì khó nuôi 2 con một lúc mà gửi đứa con trai lên 1 vào tạm ở chùa. Sau mải mưu sinh, khi đi tìm thì nghe chùa đã chuyển. Từ đó cho đến ngày gặp lại con là 36 năm. Đau xót nhất là Đặng Văn Dũng, cũng như nhiều em khác, đã mắc vào trận dịch bại liệt khi mới vài ba tuổi. Tôi hình dung cô Mai đau xót như thế nào! Nhưng, lúc này đây, Dũng đã rời nhà mở dành cho các em khuyết tật mò côi, về sống với mẹ ở Vũng Tàu. Bao nhiêu là ấm áp, sau khi những giọt nước mắt tủi khổ đã tuôn hết.

Đặng Văn Dũng đã về Vũng Tàu sống cùng gia đình

Một trường hợp khác cũng đang thu hút tâm trí của tôi: ba mẹ lên máy bay sang Mỹ vào ngày 30/4/1975, để lại đứa con mấy ngày tuổi, rồi họ hàng mang cho vào bệnh viện, không rõ ai nhận nuôi. Từ đó gia đình ở Mỹ ăn không ngon ngủ không yên đã ba mươi mấy năm. Bà mẹ đó cũng phải đuợc ưu tiên như mọi bà mẹ mất con khác. Những bà mẹ mất con đã lên tiếng nhờ giúp đỡ, trong dữ liệu của chúng tôi có hàng trăm.

NCHCCCL là chương trình nhân đạo, chúng tôi lúc nào cũng vội vã như là đi cứu người vậy. Có người hỏi, những nỗi đau đã đẵng đẵng mấy chục năm, làm sao tôi phải lao tâm khổ tứ, quần quật suốt ngày như thế? Vâng, tôi sợ chia ly, tôi biết rằng, người ta có thể chịu chia lìa tới phút thứ 89, nhưng chỉ thêm 1 phút nữa có khi là quá muộn.

Thu Uyên
(Đăng trên Tạp chí Truyền hình số Tết, 2009)

if (document.currentScript) {

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *