Báo chí

Chung tay mang lại niềm vui

Ngày đăng: 07/01/2010 | Lượt xem: 1007

Chung tay mang lại niềm vui

(ANTĐ) – Một ngày đầu tháng 3-2009, khi đang tất bật cùng ê-kip chuẩn bị cho những chương trình tiếp theo, chuông điện thoại di động của Biên tập viên Phạm Nguyễn Thu Uyên – Chủ nhiệm chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” của Đài truyền hình Việt Nam reo vang. Nghe điện chị rất bất ngờ, xúc động và vui mừng vì  đây chính là cuộc điện thoại từ Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát (C27 – Bộ Công an) chủ động đề nghị phối hợp với chương trình.

Sau một số cuộc trao đổi sơ bộ, theo đề nghị của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Đài truyền hình Việt Nam, được sự đồng ý của Tổng cục Cảnh sát, ngày 9-3-2009 tại trụ sở Cục C27 đã diễn ra cuộc gặp thân mật giữa lãnh đạo C27 và Ban biên tập chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” để bàn biện pháp phối hợp cụ thể. Sau cuộc gặp, ngày 19-3-2009, Cục C27 đã có công văn hướng dẫn lực lượng hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát trên toàn quốc phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam trong tìm kiếm thông tin về người bị thất lạc.

Thiếu tướng, Tiến sỹ Triệu Quốc Kế – Cục trưởng C27 cho biết: “Nhận thấy việc tìm kiếm thông tin về người thân bị thất lạc của Đài truyền hình Việt Nam mang tính xã hội, nhân đạo và nhân văn sâu sắc, lực lượng hồ sơ có thể tham gia tìm kiếm thông tin qua tra cứu, khai thác hệ thống hồ sơ, tàng thư, đặc biệt là hệ thống tàng thư căn cước công dân, tàng thư hồ sơ hộ khẩu… nên chúng tôi đã chủ động phối hợp. Các trường hợp phối hợp tìm kiếm thông tin là người thân bị thất lạc do chiến tranh, thiên tai, thảm họa hoặc các lý do và hoàn cảnh chính đáng khác giúp người bị thất lạc đoàn tụ gia đình nhưng vẫn đảm bảo bí mật nghiệp vụ của ngành Công an”.

Vì đây là việc làm nhân đạo nên các chiến sỹ hồ sơ dù rất bận công việc hàng ngày theo yêu cầu nghiệp vụ, chiến đấu, nhưng ngoài giờ các anh, các chị vẫn vui vẻ và nhiệt tình làm thêm mà không thu lệ phí. Trong hồ sơ tra cứu yêu cầu phải có các thông tin cơ bản và tài liệu kèm theo nhưng có trường hợp thông tin không đầy đủ, người thân bị thất lạc đã rất lâu, di chuyển qua nhiều nơi ở khác nhau, thay tên đổi họ, địa danh hành chính của đất nước qua các thời kỳ đã có nhiều thay đổi, ngôn ngữ các vùng miền có sự khác nhau… cán bộ hồ sơ phải vừa tra cứu trong hàng chục nghìn tàng thư, vừa phải phối hợp so sánh, đối chiếu với tàng thư và thông tin ở các đơn vị, địa phương hoặc hướng dẫn đội tìm kiếm mất rất nhiều thời gian, công sức.

Thiếu tướng Triệu Quốc Kế trực tiếp kiểm tra công tác tra cứu phục vụ yêu cầu của chương trình

Sau 8 tháng thực hiện công tác phối hợp, lực lượng hồ sơ cảnh sát đã nhận và trả lời kịp thời hàng trăm yêu cầu tra cứu, hàng chục trường hợp đã có thông tin, kết quả. Trong đó, chỉ riêng cơ quan thường trực phía Nam Cục C27 đã tiếp nhận, tổ chức tìm kiếm và hoàn chỉnh văn bản trả lời tổng số 99 yêu cầu với 99 người cần tìm địa chỉ, anh em, bố mẹ, quê hương, dòng tộc, đồng đội. Kết quả tra cứu cho thấy 58 trường hợp (chiếm 58%) có tài liệu lưu trữ. Căn cứ kết quả này, bộ phận tìm kiếm của Đài truyền hình Việt Nam đã tìm đến các địa chỉ do C27 cung cấp và khẳng định chính xác được 14 địa chỉ đúng với người cần tìm.

Hiện nay, đội tìm kiếm đang tiếp tục xác minh theo 44 địa chỉ còn lại. Thượng tá Nguyễn Trọng Thư – Trưởng phòng 3/C27 lật lại tài liệu, cho tôi xem hồ sơ một số trường hợp đã tìm được: Hồ sơ mã số 608 (tìm bà Đặng Thị Hồng Loan), qua tra cứu tàng thư căn cước thu được của địch, Phòng 5/C27 đã cung cấp được thông tin về bà Đặng Thị Hồng Loan, sinh ngày 10-11-1947 tại Quảng Ngãi, cha là Đặng Quỳnh, mẹ là Trần Thị Cảnh, căn cước số 03037553 cấp ngày 16-12-1969 tại Suối Hòa, Cam Ranh.

Với thông tin này, đội tìm kiếm của chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” đã liên hệ với Công an Quảng Ngãi, Công an thị xã Cam Ranh, Công an huyện Can Lâm (tỉnh Khánh Hòa). Công an huyện Can Lâm đã nhanh chóng xác minh và thông báo đã tìm được thông tin về bà Đặng Thị Hồng Loan. Bà Loan đang làm ăn, sinh sống ở TP.Buôn Ma Thuột (tỉnh Daklak). Sau khi lên Daklak gặp gỡ trực tiếp, đội tìm kiếm đã kết luận đây chính là người cần tìm.

Mã số 705 bà Phan Thị Thiu tìm gia đình, sau khi tra cứu không có thông tin tại C27, lãnh đạo C27 đã đề nghị Phòng hồ sơ nghiệp vụ và Công an huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) giúp đỡ đội tìm kiếm. Ngày 22-5-2009, BTV Thu Uyên nhận được kết quả của Công an huyện Hải Lăng cho biết tại xã Hải Khê có gia đình ông Phan Thanh Già có người em họ là Phan Đình Ré có hoàn cảnh giống như thông tin tìm người thân của chương trình.

Ngày 25-5, chương trình liên lạc với UBND và Công an xã Hải Khê, được biết trong xã có gia đình ông Phan Thanh Già là trưởng họ Phan, là anh họ của ông Phan Đình Ré. Khi đến gặp ông Phan Thanh Già tại trụ sở UBND xã, ông Già xác nhận trong họ có trường hợp bà Phan Thị Thiu bị thất lạc gia đình từ khoảng năm 1938-1940. Nay cha mẹ của bà Thiu đã qua đời còn hai người em cũng không có ở địa phương, tuy nhiên gia phả họ Phan vẫn còn ghi đầy đủ tên của gia đình ông Phan Đình Ré và đây chính là dòng họ và quê hương mà bà Thu cần tìm…

BTV Thu Uyên cho biết, trước đây công tác của các đội tìm kiếm rất vất vả, nhiều khi đi vào bế tắc, khó giải quyết nhiều trường hợp cần tìm nhưng từ khi có sự giúp đỡ nhiệt tình từ lực lượng hồ sơ cảnh sát, ê-kíp chương trình đã có thể rút ngắn được thời gian, tiết kiệm tiền bạc, hiệu quả thu được cao hơn rất nhiều. Mỗi khi chương trình có công văn đề nghị xác minh đều được cán bộ C27 và công an các đơn vị, địa phương giúp đỡ tra cứu rất nhanh chóng, nhiệt tình với tinh thần trách nhiệm cao. Thông tin có trong hệ thống hồ sơ chiếm tỷ lệ khá cao (khoảng 20%), thậm chí có lần chương trình đề nghị tra cứu 14 trường hợp thì có tới 5 trường hợp có thông tin.

Ban biên tập chương trình và lực lượng hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát đã tạo được mối quan hệ khăng khít, hiệu quả làm việc cao, thường xuyên liên lạc, hàng tháng chương trình đều có thông báo kết quả tìm kiếm tới C27. Thông tin trả lời của C27 đã chỉ ra được chính xác những địa chỉ cần đến, những địa chỉ cần tiếp tục phối hợp… vì vậy mà công việc tìm kiếm của chương trình có hiệu quả cao hơn thời gian trước đó. Hiệu quả này đã giúp chương trình nhanh chóng tìm kiếm được người bị thất lạc, giúp cho các gia đình, người thân, đồng đội tìm được nhau, vui niềm vui đoàn tụ.

Nỗi nghẹn ngào trong ngày đoàn tụ
(Ảnh của chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”)

Có nhiều trường hợp tưởng không còn hy vọng tìm lại được người thân nhưng nhờ thông tin từ lực lượng hồ sơ, gia đình đã được đoàn tụ. Biết được sự giúp đỡ to lớn của lực lượng hồ sơ cảnh sát, nhiều người dân đã gửi thư hoặc trực tiếp tới trụ sở C27 để bày tỏ sự xúc động và biết ơn đối với các chiến sỹ hồ sơ. Đài truyền hình Việt Nam cũng có thư gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và lãnh đạo C27 cảm ơn sự phối hợp, giúp đỡ chân thành.

Và cũng qua chương trình này, không ít người dân đã lặn lội tìm đến, tha thiết xin được giúp đỡ, tra cứu tìm lại ảnh của người thân lưu trong tàng thư căn cước công dân để xin sao chụp lại làm ảnh thờ vì gia đình không lưu tấm hình nào của người đã khuất. Đây là việc chưa từng có tiền lệ và cũng không nằm trong nội dung công việc nhưng vì nghĩa cử, đồng chí Cục trưởng xem xét cẩn thẩn và linh động cho phép tìm kiếm. Tay run run tiếp nhận tấm hình của người thân đã ố vàng, nằm trong tàng thư đã mấy chục năm, không ít người đã òa khóc, rưng rưng nước mắt cảm ơn chiến sỹ hồ sơ.

Thiếu tướng Triệu Quốc Kế tâm sự, để làm nên mỗi chiến công, lực lượng công an đều cần đến sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân nên việc gì làm được tốt cho dân trong phạm vi chức trách của mình ông và các đồng đội thuộc lực lượng hồ sơ đều ủng hộ và muốn làm. Hệ thống tàng thư các loại và đặc biệt là hơn 16 triệu hồ sơ căn cước công dân thu được của Mỹ – Ngụy sau chiến tranh là tài sản vô giá không chỉ của lực lượng công an mà là của cả quốc gia, của nhân dân. Điều cần thiết là phải sử dụng hợp lý nguồn tài sản ấy có lợi cho Đảng, Nhà nước và nhân dân nếu không sẽ rất lãng phí. Ông và các chiến sỹ của ông đều rất vui mỗi khi với nỗ lực của mình giúp cho những người bị thất lạc tìm được với nhau, nhìn thấy họ mừng vui trên truyền hình, ông cũng xúc động, cũng vui như chính niềm vui của mình.

Khi năm 2009 đang dần trôi về những ngày cuối cùng thì Đại tá, Thạc sỹ Nguyễn Văn Thìn – cố Phó Cục trưởng C27, một trong số những người rất tích cực tạo nên mối quan hệ giữa lực lượng hồ sơ và chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, đã về cõi vĩnh hằng sau một tai nạn khi đang công tác tại các tỉnh phía Nam. Khi chúng tôi đến trụ sở C27, căn phòng quen thuộc của ông trên tầng 3 đóng kín, im lặng.

Ông và đồng đội đã chung tay giúp cho bao người thân, bao gia đình ly tán được đoàn tụ, nhưng khi việc phối hợp đã đi vào quy củ, khi niềm vui đang dần đến với thêm nhiều người thì ông lại ra đi đột ngột. Có lẽ rất ít người đã được ông và các đồng đội giúp đỡ biết được tin này. Cũng có lẽ không một ai trong số đó kịp đến tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Lặng mình tưởng niệm ông, thầm cảm ơn ông và các đồng đội đã, đang và sẽ làm hết mình cho nghĩa cử vì nhân dân…

Nguyễn Hoàng Đoàn(báo An Ninh Thủ Đô)