Báo chí

Bức thư gửi người cha liệt sỹ

Ngày đăng: 25/07/2011 | Lượt xem: 2684

“Cha Lê Văn Đảm của con ơi, cha có biết 43 năm trôi qua, trong lòng con lúc nào cũng nghĩ về cha, ước được gặp cha dù chỉ là trong mơ, mong được nhìn thấy cha một lần…”

Lá thư ngẹn ngào gửi cha

Vào một buổi sáng tháng hai năm 2008, tuy trời không mưa dầm như mọi khi nhưng gió mùa Đông – Bắc cứ ràn rạt thổi khiến mọi người không khỏi cảm thấy ái ngại mỗi khi phải ra đường. Thế nhưng vừa mới hơn 7 giờ sáng cô Nguyễn Thị Đào, nguyên là du kích xã Cam Thanh, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đã tất tả vượt chặng đường hơn 5 cây số tìm đến nhà cựu chiến binh Trần Kiệm ở Đông Hà.

Chưa kịp chào hỏi, giọng cô Đào đã oang oang ngoài ngõ: “Em thấy như ri có lạ không, thư ni anh Mão đưa, ngoài thì gửi cho tui nhưng trong lại gửi cho cha là liệt sỹ, làm tui suốt cả đêm qua không ngủ được, cái cô gái viết thư nghĩ răng mà mần ri hè?”

Đón nhận lá thư từ tay cô du kích xã năm xưa, ông Kiệm không khỏi cảm thấy hồi hộp. Liệu có sự nhầm lẫn nào chăng? Sau một hồi đắn đo, cuối cùng ông cũng quyết định đọc lá thư để tìm hiểu.

Trong lúc mọi người nín thở để chờ được nghe lời giải thích, ông Kiệm hình như không còn biết đến xung quanh, chỉ thấy đôi mắt của ông hấp háy rồi nhòa lệ.

 Thư chị Thoa viết cho người cha đã khuất

“…Khi cha ra đi con mới tròn 6 tháng tuổi. Con chắc rằng tình thương mà cha dành cho con lớn bằng cả trời cả đất. Vậy thì cha ơi! Giờ đây linh hồn cha ở nơi đâu, hài cốt của cha đang ở chỗ nào. Cha có linh thiêng hãy dẫn lối đưa đường cho chồng con, anh Hải con, và cả bác Mão bạn chiến đấu của cha được nhìn thấy để mọi người đưa cha về với con, với quê hương, và làng xóm bạn bè!”

Là người từng lính đi qua chiến tranh, sau ngày đất nước hòa bình ông Kiệm đã không ít lần lặn lội đi tìm kiếm hài cốt đồng đội còn nằm lại giữa núi rừng miền tây Quảng Trị. Nhưng với ông, bức thư của một người con gửi cho cha là liệt sỹ thì bản thân ông chưa bao giờ gặp và nghĩ tới.

Và lúc này đây, tiếng gọi cha thảng thốt từ những con chữ run run như kéo ông ngược về qua khứ, trước mắt ông là những địa danh như bãi Tân Kim, Cu Đinh- Ba De, cao điểm 135, 137, 160, con suối La La khói lửa ngút trời… trong đầu ông đì đùng tiếng bom rơi đạn nổ…

Dù chưa thấy mặt nhưng tự đáy lòng mình ông đã xem cô gái tên Thoa, người viết bức thư mà ông đang cầm trên tay cũng chính là con gái của mình!

Và rồi như sợ mọi người phải chờ đợi quá lâu, ông phá vỡ  im lặng vỏn vẹn bằng một câu nói: “Chúng mình còn mắc nợ nhiều quá!

Tìm cha qua ký ức của đồng đội

Chị Lê Thị Thoa là con gái của liệt sỹ Lê Văn Đảm, quê ở xã Quảng Minh, xã Quảng Xương, Thanh Hóa. Theo hồi ức của cựu chiến binh Nguyễn Hữu Mão, người cùng quê với liệt sỹ Đảm, vào ngày 1/5/1966 xã Quảng Minh có tất cả 5 người  nhập ngũ và được phân công về cùng đơn vị C6, D2, E31, F341 là Nguyễn Huy An, Nguyễn Huy Cần, Lê Văn Đảm, Nguyễn Quang Lắm và Nguyễn Hữu Mão. Trong đó ông Mão là lính trinh sát, còn ông Đảm là y tá làm lính cứu thương.

Anh Đảm hơn tôi khoảng 3 tuổi,  người thấp, nước da trắng, tính tình hiền lành hiền lành và chăm chỉ. Anh cũng rất hay chải đầu, tay có đeo nhẫn. Trong số 5 người ra đi đợt ấy chỉ có anh Đảm đã lập gia đình và có con. Đến khi chiến tranh kết thúc cũng chỉ có anh Đảm không về”- ông Mão kể.

Ngay sau ngày các ông nhập ngũ, đơn vị được lệnh lập tức lên đường vào Nam chiến đấu. Với phương thức ngày nghỉ đêm đi để tránh sự phát hiện của máy bay địch, đồng thời vừa hành quân vừa huấn luyện để tiết kiệm về thời gian, đầu tháng 9/1966 đơn vị đã vào đến Quảng Trị. Hôm ấy, rạng sáng ngày 23/9/1966, đơn vị vượt sông Bến Hải rồi tạm dừng chân nghỉ tại Cu Đin- Ba De (khu vực giữa hai huyện Gio Linh và Cam Lộ) đợi đêm đến tiếp tục hành quân vào chiến đấu tại vùng Cùa, huyện Cam Lộ.

Trong khi lực lượng bộ binh vừa hoàn thành công việc đào hầm hào để tạm trú ẩn thì lực lương trinh sát của đơn vị chạm trán và đánh nhau với lính thám báo Mỹ. Ngay lập tức máy bay và phi pháo của Mỹ đánh phá hết sức ác liệt khu vực Cu Đin- Ba De. Hai chiến sỹ hy sinh, trong đó có y tá Lê Văn Đảm. Đến khoảng 10 giờ sáng, chính ông Nguyễn Hữu Mão đã mai táng đồng đội của mình tại dốc Khế, khe Đá Bong thuộc xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ.

Năm 1974, chiến trường Quảng Trị ngừng tiếng súng, ông Mão rời quân ngũ trở về quê sinh sống. Câu chuyện về sự hy sinh của liệt sỹ Đảm ngay trong ngày đầu đặt chân vào chiến trường Quảng Trị cùng với nhiều đồng đội ngã xuống trong biết bao trận đánh nảy lửa với quân Mỹ rồi cũng nhạt dần theo năm tháng cuốn theo biết bao lo toan của cuộc sống đời thường.

Nhưng với chị Lê Thị Thoa, con gái liệt sỹ Lê Văn Đảm, qua lời kể của cựu chiến bình Nguyễn Hữu Mão, câu chuyện về sự hy sinh của cha mình ở chiến trường miền tây Quảng Trị không chỉ sống mãi trong tâm trí, mà còn là sự thôi thúc để chị thêm quyết tâm lên đường đi tìm hài cốt của cha. Và chị  nhớ mãi hồi còn bé, tình cờ trong một lần đi làm đồng cùng người lớn “bác Mão đã xoa đầu tôi và bảo, sau này khôn lớn bác sẽ giúp cháu đi tìm mộ của bố”- chị kể.

Chị còn bảo rằng mỗi lần nhớ cha quá, chị lại viết thư tâm sự với cha để lên bàn thờ một lúc rồi đốt đi. Sau này dù đã lập gia đình nhưng trong thời gian chưa tìm thấy mộ cha mình chị vẫn làm như vậy.

Cha đã về với con

Đến tuổi trưởng thành chị Thoa lập gia đình với anh Nguyễn Hữu Bình cũng là một người lính. Cuộc sống của 2 vợ chồng và 3 đứa con lúc bấy giờ hết sức khó khăn. Sau khi rời quân ngũ, năm 1988,  anh Bình đi xuất khẩu lao động 2 năm ở Đức. Nhờ chịu khó làm lụng hai anh chị đã tích lũy được ít vốn liếng để buôn bán nhỏ. Bản thân cũng là từng là quân nhân, lại thấu hiểu tâm nguyện của vợ, từ năm 2000 anh Bình bắt đầu tìm gặp các cựu chiến binh cùng đơn vị với liệt sỹ Lê Văn Đảm để tìm hiểu về nơi chôn cất của bố.

Vợ chồng chị Thoa ôm di hài bố về Nghĩa trang Quảng Xương

Tất cả những thông tin có được anh đều ghi chép hết sức cẩn thận vào một cuốn sổ tay và đợi ngày lên đường đi tìm mộ. Đầu năm 2008, anh Bình có mặt ở Quảng Trị, với sự giúp đỡ của nhiều cựu chiến binh Quảng Trị, trong đó có ông Trần Kiệm, và Nguyễn Thị Đào, ông Nguyễn Quang Thục …

Họ đã tổ chức nhiều chuyến băng rừng vượt suối để tìm nơi chôn cất liệt sỹ Lê Văn Đảm. Tuy nhiên, chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, núi rừng đã bị tàn phá, địa hình thay đổi nên việc tìm kiếm hết sức khó khăn. Vả lại sức lực của những người lính năm xưa giờ tuổi đã cao. tưởng chừng cũng khó vượt qua núi cao, suối sâu…

Chính lá thư thiết tha của người con gái Lê Thị Thoa gửi cho cha là liệt sỹ Lê Văn Đảm đã thôi thúc ông Mão, bà Đào, ông Kiệm thêm quyết tâm để tìm cho bằng được nơi mai táng liệt sỹ Đảm. Và như có màu, sau quá trình tìm kiếm không ngơi nghỉ, họ đã may mắn nhận được thông tin: Ông Trần Dinh ở thôn Tân Hòa, xã Cam Tuyền vào tháng 10/2007 khi đi rà phế liệu ở giữa rừng ở dốc Khế, đã phát hiện di hài liệt sĩ Lê Văn Đảm và đã đưa về nghĩa trang liệt sĩ huyện Cam Lộ.

Những di vật được tìm thấy cùng là một chiếc lược nhôm cùng với một chiếc nhẫn bằng nhôm mà ông Nguyễn Hữu Mão vẫn thấy liệt sỹ Lê Văn Đảm thường sử dụng và đeo trên tay trong suốt chặng đường hành quân vào Nam đánh giặc cho đến ngày hy sinh.

Vài ngày sau đó, tại nghĩa trang Cam Lộ, người con gái đi cùng với những đồng đội của cha, đã nhất quyết đòi được nhìn thấy hình hài còn lại của cha trong làn nước mắt. Hai tháng sau, anh chị lại vào Cam Lộ. Lần này là để đón cha về, an nghỉ nơi nghĩa trang liệt sỹ Quảng Xương, Thanh Hóa quê nhà.

Lá thư cuối cùng chị gửi cho cha – lá thư linh thiêng, cũng là lá thư duy nhất được giữ lại.

Phan Tân Lâm (Nguồn: bee.net.vn)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *