Truyền hình

NCHCCCL số 45: NHỮNG NGƯỜI CHA

Ngày phát sóng: 08/06/2011

Trong một hoạt động xã hội đoàn tụ người thân, mà một phần lớn công việc là khôi phục lại các mối quan hệ huyết thống đã bị tách rời vì rất nhiều nguyên nhân, Như chưa hề có cuộc chia ly…được tiếp cận với khái niệm NGƯỜI CHA ở những góc độ mới mẻ thậm chí “kỹ thuật” hơn.

Người mẹ dạy cho con lòng nhân hậu, còn người cha truyền cho con lương tri. Chân lý phổ quát này chúng tôi gặp ở đa số các câu chuyện cuộc đời của những người con ly tán, dù hình ảnh người cha chỉ còn sắc nét ở vài điểm nhỏ trong nỗi nhớ của họ. Nếu không vì tình yêu dành cho người cha đã mất, những đứa con trai 3 tuổi, 10 tuổi mà nay đã 35-40 hẳn đã không bươn bả đi tìm quê nội với lòng tha thiết đến thế. Nếu không vì luôn ngưỡng vọng đến người cha đi xa, những người con gái lên 3 khi cha đi B, mà năm nay đã ngoài năm chục tuổi, đã không lớn lên với nhiều nghị lực và kiêu hãnh vậy…

Như chưa hề có cuộc chia ly…số 45 đề cập thoáng qua đến một khía cạnh “kỹ thuật” của việc làm cha – xét nghiệm ADN. Cũng là mối quan hệ trực hệ như mẹ-con, cha và con chỉ cần xét nghiệm đơn giản là đảm bảo tính chính xác. Trong khi, các mối quan hệ như dì-cháu, anh-chị-em,… thì phải chọn phương pháp khó khăn hơn để thử, mới mong có câu trả lời đúng.Người cha là nguồn sức mạnh tinh thần vô biên, thậm chí dù chưa từng thấy mặt, dù phải ở cách xa. Như chưa hề có cuộc chia ly… số 45 này sẽ còn nói đến Người cha không sinh thành, nhưng có công dưỡng dậy. Chúng tôi không thể không cảm thấy rằng, làm cha – thiên chức đáng tự hào và cũng nặng làm sao.

Như chưa hề có cuộc chia ly… lâu nay vẫn dùng Trung tâm ADN và Công nghệ Di truyền tiến hành thử AND miễn phí cho những trường hợp thực sự cần thiết, khi mà tên tuổi, địa danh, trí nhớ và nhân dạng không đủ để giúp ích cho việc xác định người thân. Chúng tôi vẫn kiên trì tiếp tục công việc này một cách cẩn trọng và khoa học nhất. Nhưng, bên cạnh khoa học, trái tim con người thường lên tiếng mạnh mẽ hơn cả. Trong số 45 này, có thể, trái tim một người cha sẽ âm thầm lên tiếng, dù chưa một cuộc thử ADN nào được tiến hành.

Gần đây, ADN lại được đưa lên như “phương thuốc bách bệnh” cho xác minh huyết thống. Có đơn vị xét nghiệm gene đề nghị lập Ngân hàng ADN cho tất cả những người thất lạc và các gia đình, nói rằng như vậy sẽ dễ tìm được thân nhân. Như chưa hề có cuộc chia ly… bằng kinh nghiệm của mình, kết hợp ý kiến chuyên gia, xin lưu ý rằng: 
 
Tuỳ thuộc vào mối quan hệ huyết thống cần xác định trong mỗi trường hợp cụ thể, người ta dùng những bộ gen khác nhau để giám định. Với những người còn sống thì phổ biến có 3 bộ gen dùng cho 3 nhóm trường hợp:1. Các gene trên nhiễm sắc thể thường dùng để xác định trực hệ: bố-con, mẹ-con 
2. Các gen trên nhiễm sắc thể giới tính nam, tức nhiễm sắc thể Ydùng để xác định các trường hợp không trực hệ: anh-em trai, chú-cháu trai, bác trai-cháu trai v.v…
3. Các gene trên nhiễm sắc thể giới tính nữ, tức nhiễm sắc thể X, dùng để xác định các trường hợp không trực hệ: chị-em gái, dì-cháu gái, bác gái-cháu gái …Nếu dùng sai bộ gene thì kết quả sẽ sai, hoặc sẽ rất thiếu chính xác. Chẳng hạn, trường hợp một đơn vị đã dùng dùng gene trên bộ nhiễm sắc thể thường (lấy mẫu xác định anh – em) để xác định chị-em gái mà lẽ ra phải dùng gene trên bộ nhiễm sắc thể X, thì tất nhiên kết quả xét nghiệm là thiếu chính xác.Trong một số trường hợp cần có thêm các mẫu phụ mới xác định được.Như vậy, một “ngân hàng gene” không phải là giải pháp, vì lượng giám định ADN sẽ tăng vọt và kinh phí giám định cũng tăng theo, và chắc chắn là những dữ liệu đó sẽ không được dùng hết. Thêm nữa, nếu lại dùng công nghệ giám định ADN trên nhiễm sắc thể thường cho các trường hợp xác định không trực hệ (anh – em, chị – em, ông – cháu) v.v… thì sử dụng Ngân hàng ADN sẽ rất thiếu chính xác.

 

NCHCCCL

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *