Thông báo
Báo chí đã giúp hoạt động thiện nguyện ngày càng có sức lan toả
Ngày đăng: 25/04/2022 | Lượt xem: 1147
Giữa cuộc sống xô bồ, người làm báo đang viết nên những nốt nhạc đầy ý nghĩa về lòng tốt của con người, làm lay động hàng triệu trái tim, thổi bùng lên ngọn lửa thiện nguyện.
Vượt qua đau đớn để đến với những giọt nước mắt hạnh phúc
Trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2022, chiều 14/4, tại Bảo tàng Hà Nội, Báo Nhà báo và Công luận phối hợp cùng Nhà văn hóa Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Chuyện nghề: Hai chữ nhân văn”.
Dự và chỉ đạo tại Tọa đàm có nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh – Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Về phía các khách mời tham gia Tọa đàm có: nhà báo Nguyễn Phạm Thu Uyên – Giám đốc Công ty TNHH Xã hội Nối thân thương; nhà báo Phạm Thanh Hà, Tổng Biên tập Tạp chí Phụ nữ mới; nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung, nguyên phóng viên Đài PT-TH Hà Nội; nhà báo Trần Mai Anh, nguyên Trưởng ban biên tập Tạp chí Heritage; nhà báo Hoàng Anh, Báo Đại biểu Nhân dân.
Về phía Đại diện Ban Tổ chức có: nhà báo Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam kiêm phụ trách Nhà văn hóa, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Hội Báo toàn quốc 2022; nhà báo Trần Lan Anh, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Nhà báo và Công luận.
Ngoài ra, còn có đông đảo công chúng báo chí quan tâm tham dự sự kiện.
Trong những năm qua, nhiều cơ quan báo chí, nhiều nhà báo đã xem yếu tố nhân văn là tiêu chí quan trọng hàng đầu với việc mở nhiều chuyên mục về chuyện tử tế, sống đẹp và nhiều hoạt động xã hội hướng tới giá trị nhân văn của các nhà báo.
Điều đó đã có hiệu ứng tích cực với xã hội, lan tỏa sâu rộng và thay đổi nhiều số phận con người, nhiều vùng đất và đặc biệt thổi lên những ngọn lửa của lòng nhân ái, lối sống đẹp trong cộng đồng. Không ít nhà báo đã âm thầm nỗ lực làm việc thiện đằng sau con chữ, chung tay, góp sức làm nên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường…
Nhà báo Trần Mai Anh là người phụ nữ nổi tiếng với câu nói: “Cổ tích sinh ra từ lòng người”. Chị đã có nhiều hoạt động thiện nguyện nổi bật, đặc biệt là Hành trình Thiện Nhân để lại niềm xúc động sâu sắc và được Chủ tịch nước gửi thư khen ngợi. Chị cũng là Công dân Ưu tú Thủ đô nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội. Nhắc tới chị là chúng ta nghĩ tới một người phụ nữ nhỏ bé, nhưng mạnh mẽ, thông minh và mang đầy cảm hứng tích cực, yêu thương với đời, với người.
Tại Tọa đàm “Chuyện nghề: Hai chữ nhân văn”, nhà báo Trần Mai Anh với vai trò người dẫn chuyện trong chương trình đã gợi mở những câu chuyện nhân văn từ đời thực, ở góc độ của người trong cuộc.
Chia sẻ tại Tọa đàm, nhà báo Thu Uyên xúc động nhắc về chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”. Chị đã tạo nhiều ấn tượng với khán giả bằng chất giọng ấm áp, truyền cảm, mang lại cho người xem những cảm xúc rất thật, sâu lắng.
Trong suốt 15 năm qua, “Như chưa hề có cuộc chia ly” đã tìm ra và tổ chức đoàn tụ cho hàng nghìn trường hợp. Việc tìm lại những người trong một gia đình phải ly tán nhau hàng chục năm không chỉ là việc đoàn tụ của một gia đình mà nó còn mang ý nghĩa nhân văn rộng lớn, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng, góp phần trong việc kết nối cộng đồng, xây dựng một xã hội tử tế với những con người thiện lương giàu yêu thương.
“Thông tin mà chúng tôi đã sàng lọc được là hơn 80.000 nỗi đau, nhưng đến giờ chúng tôi mới chỉ giải quyết và tìm ra được hơn 2.600 nỗi đau. Còn rất nhiều hoàn cảnh, câu chuyện mà chúng tôi vẫn đang trên hành trình đi tìm. Tôi nhận được nhiều thứ, hiểu được những bất trắc, trớ trêu, đau khổ trong cuộc đời là như thế nào. Bên cạnh đó, tôi cũng ý thức được rõ hơn giá trị của hạnh phúc, của giọt nước mắt, giá trị khi vượt qua đau đớn để đến được với những giọt nước mắt hạnh phúc”, nhà báo Thu Uyên bày tỏ.
Mong muốn sự liên kết tốt hơn giữa người làm báo và người làm thiện nguyện
Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung, nguyên phóng viên Đài PT-TH Hà Nội là Đoàn trưởng Đoàn Thiện nguyện Câu lạc bộ nhà báo nữ Việt Nam. Chị Nhung chia sẻ về hoạt động thiện nguyện của chị tại các bệnh viện, các nhà tình thương và các khu vực vùng sâu vùng xa. Bên cạnh đó, chị cũng chia sẻ với khán giả tại buổi Tọa đàm một số phương pháp tổ chức hoạt động thiện nguyện theo cách khéo léo, hiệu quả mà chị đúc kết được sau quá trình hoạt động của mình.
Với chất giọng ấm áp, chị Nhung kể: “Hoạt động từ thiện của nhóm chúng tôi bắt đầu từ năm 1989. Đến năm 1992, hoạt động này tiếp tục phát triển và trở thành địa chỉ từ thiện đầu tiên của giới báo chí phía Bắc ra đời. Thời điểm đó, đất nước còn khó khăn, tuy nhiên, vượt lên những khó khăn đó, hoạt động thiện nguyện vẫn được duy trì. May mắn thời điểm đó, Đài PT-TH Hà Nội có nhiều chương trình mới ra đời, thu hút mọi người xem truyền hình. Do đó, hoạt động thiện nguyện càng được quan tâm hơn”.
“Nhờ truyền hình, chúng tôi có thêm sự hỗ trợ tích cực. Mới đầu, chỉ có hơn 10 nhà báo nữ, nhưng sau này có nhiều người, trong đó, có cả gia đình người thân các nhà báo tham gia, đến nay nhóm đã 300 thành viên chính thức. Hiện nay, chúng tôi vận động theo đợt, luôn ghi chép tỉ mỉ, xây dựng kế hoạch cụ thể cho mỗi chương trình, mỗi chuyến đi. Nhờ sự hỗ trợ của truyền thông, báo chí, mạng xã hội, hoạt động thiện nguyện càng có sức lan toả hơn”, chị Nhung hào hứng nói.
Trong khi đó, nhà báo Phạm Thanh Hà, Tổng Biên tập Tạp chí Phụ nữ mới xúc động cho rằng: “Tôi thấy những việc tôi làm thật sự nhỏ bé. Tôi luôn nhận được sự giúp đỡ của mọi người. Chúng ta có thể lan toả rộng hơn nhờ những bài báo. Tôi mong rằng, làm sao để có sự liên kết tốt hơn giữa người làm báo và người làm thiện nguyện”.
Nhà báo Hoàng Anh, báo Đại biểu Nhân Dân là sáng lập viên và điều phối viên dự án “Trao oxy-Trao Sự sống”, cung cấp bình oxy 40L cho các khoa cấp cứu bệnh viện dã chiến, bệnh viện thu dung và chữa trị cho bệnh nhân Covid-19 ở TP HCM. Sau đó, dự án đã giúp đỡ thêm được 6 tỉnh thành khác tại miền Tây và Đông Nam Bộ.
Đây là dự án thiện nguyện hoàn toàn, do một số nhà báo, các kiến trúc sư, họa sỹ, doanh nhân ở TP HCM tham gia, với hơn 100 tình nguyện viên.
“Ngày 21/6/2021, khu vực nhà tôi bị phong toả, tôi đứng trước lựa chọn ở nhà với con và gia đình hay ở lại cơ quan để làm nhiệm vụ trong giai đoạn dịch bệnh lịch sử. Chưa bao giờ tôi cảm thấy trách nhiệm của nhà báo lại lớn lao đến thế, tôi quyết định ở ngoài làm gì đó để giúp đỡ mọi người trong đại dịch. Thời gian đó, tôi bắt đầu hành trình thiện nguyện trao ô-xy trao sự sống. Trong quá trình tác nghiệp, tôi thấy việc thiếu ô-xy trầm trọng. Sau đó, chúng tôi làm một dự án về cung cấp ô-xy cho các bệnh viện, cơ sở y tế và các gia đình đang cần điều trị. Dự án của chúng tôi nhận được sự hỗ trợ tích cực tham gia của nhiều nhà báo khác”, nhà báo Hoàng Anh kể.
Các nhà báo thể hiện trách nhiệm của mình qua những bài viết đầy nhân văn
Điều bất ngờ, cuối chương trình, nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam được mời lên sân khấu để chia sẻ về những cảm nhận của mình.
Ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh: “Đọc cái tên của chương trình, tôi hình dung ra phần nào nội dung tọa đàm, nhưng qua sự chia sẻ của các chị, chúng tôi là nam giới làm báo càng thêm cảm phục những đồng nghiệp nữ. Chúng tôi thấy rằng, những việc làm của chúng tôi còn nhỏ bé hơn. Có lẽ những nhà báo với tinh thần của phụ nữ, người chị, người mẹ dễ chia sẻ, cảm thông với những mảnh đời còn gặp khó khăn. Có những nhà báo, phóng viên nam tôi đã từng biết, đi tác nghiệp gặp những mảnh đời và hỗ trợ kịp thời, nhưng để duy trì, kéo dài bền bỉ như các chị ở đây là không nhiều”.
“Những nữ nhà báo thể hiện trách nhiệm của mình qua những bài viết toát lên đầy sự nhân văn. Buổi toạ đàm rất ý nghĩa, không phải tự tôn vinh nhau mà thấy được vai trò của người làm báo trong xã hội, ngoài công việc làm báo còn có những hoạt động từ thiện xã hội vì cộng đồng. Qua đó, để thấy rằng hình ảnh những nhà báo Việt Nam luôn giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội”, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam bày tỏ.
Giữa cuộc sống xô bồ, những người làm báo đang viết nên những nốt nhạc đầy ý nghĩa về lòng tốt của con người. Để rồi, những thanh âm trong trẻo ấy cứ vang xa, vang mãi, lay động hàng triệu trái tim, thổi bùng lên ngọn lửa thiện nguyện. Đó chính là điều tốt đẹp mà người làm báo “nhận” được khi làm những “chuyện tử tế”…
Nguồn: https://congluan.vn/bao-chi-da-giup-hoat-dong-thien-nguyen-ngay-cang-co-suc-lan-toa-post190007.html