Khán giả

Nguyễn Thị Nam tìm mẹ tên Lộc

Ngày đăng: 22/10/2008 | Lượt xem: 1111

Hà Đông, ngày 8 tháng 7 năm 2008

Kính gởi: Chị Thu Uyên cùng Ban biên tập chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly…"

Tôi là Nguyễn Thị Nam 60 tuổi, sinh năm 1948 hiện đang sống với chồng cùng con trai, con gái tại số nhà 101 Lê Hồng Phong, P.Nguyễn Trãi, TP.Hà Đông, Tỉnh Hà Tây.

Hồi 20h, ngày 5/7/08 tình cờ tôi xem chưpng trình "Như chưa hề có cuộc chia ly…" trên kênh VTV1, tôi rất xúc động, nước mắt chảy ròng ròng, nước mắt xót thương cho những cảnh đời éo le của người và của chính mình – một đứa con đẻ chia ly với người mẹ đẻ mấy chục năm trời.

Hôm nay tôi viết bức thư này trình bày hoàn cảnh với chương trình, kính nhờ chương trình bằng tấm lòng bao dung và trách nhiệm cao cả đã giúp cho bao gia đình sau những cuộc chia ly nay đã được đoàn tụ, tìm hộ mẹ tôi dù chỉ là tia hy vọng nhỏ nhoi.

Tôi  chỉ biết tên bà là Lộc (không biết họ) qua lời kể của các cô, các chú ruột quê ở Đông Sơn, Thủy Nguyên, Hải Phòng. Bố tôi là Phạm Văn Phúc, bí danh Mai Đệ, năm 1947 đỗ tú tài toàn phần, ông làm thư ký cho một hãng buôn ông chủ người Hoa ở Hải Phòng. Mẹ tôi là con gái của ông chủ. Hai người yêu nhau vì không môn đăng hộ đối nên ông bà ngoại không chấp nhận … Hai người bỏ nhà lên Hà Nội sinh sống. Thời gian ở Hà Nội, bố tôi có tham gia vào một tổ chức của trí thức yêu nước, cơ sở bị lộ nên bố mẹ tôi phải chạy trốn về thôn Tảo Dương, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai tỉnh Hà Đông (cũ).

Tại nơi cư trú mới này tôi được sinh ra (năm 1948 không rõ ngày tháng). Bố tôi mở lớp dạy học để kiếm tiền sinh nhai … chẳng bao lâu bố tôi bị địch bắt. Mẹ tôi ở lại dưới sự che chở của dân làng, song tuổi đời còn trẻ lại có sắc đẹp, kiếm cớ vợ Việt minh nên cường hào, ác bá thường xuyên quấy nhiễu … sống ở nơi đất khách quê người không họ hàng bấu víu, mẹ tôi đành gởi con cho bà Trần Thị Phê nuôi rồi bỏ làng ra đi. Một thời gian sau khoảng chừng 1 năm bà trở lại, mẹ nuôi tôi khuyên bà cứ đi thăm nom chồng, con cứ để lại bao giờ hòa bình về đón. Hoàn cảnh thân gái dặm trường, bà lại đành vuốt nước mắt ra đi, trước khi đi bà dặn đặt tên tôi là Nam để hợp pháp với chính quyền địch, tôi mang họ Nguyễn, họ của bố nuôi.

Ảnh cô Nguyễn Thị Nam lúc nhỏ và di ảnh ông Phạm văn Phúc

1954 hòa bình ở miền Bắc. Bố tôi về Tảo Dương tìm vợ con, nhưng mẹ tôi đã đi đâu không ai biết. Thấy hoàn cảnh của mẹ nuôi tôi là vợ Liệt sỹ không có con nên Ông quyết định để tôi lại ở đảo Tảo Dương sống với người mẹ nuôi. Ông trở lại Hà Nội công tác dạy khoa văn trường Đại học Tổng Hợp. Ít lâu sau dạy khoa Pháp trường Đại học Ngoại thương.

Thời gian còn sống bố tôi nói với tôi: một người bạn của ông đã gặp mẹ tôi cuối năm 1975 ở Sài Gòn. Bà bán hàng vải ở chợ Lớn. Tôi và bố tôi nuôi hy vọng có một ngày gần nhất vào Sài Gòn tìm bà (lúc ấy đi miền Nam còn khó). Ngày qua tháng lại ốm đau bệnh tật (do hậu quả những trận đòn tra tấn dã man của kẻ địch) ông không đạt được ý nguyện tìm mẹ tôi, ông mất năm 1979 tròn 56 tuổi.

Do hoàn cảnh con riêng, con chung nên mối quan hệ của tôi với người vợ thứ 2 của ông không suôn sẻ, nên mọi thông tin tìm kiếm của mẹ tôi càng vô vọng. Một hôm người bạn của bố tôi (ông cũng là giảng viên của Trường Đại học Ngoại thương – ông đã mất) gặp tôi ông nói: thực hiện lời hứa với bố tôi vào Sài Gòn đến chợ Lớn hỏi thăm thì mẹ tôi đã đi tản cư cùng gia đình ra nước ngoài.

Nguyễn Thị Nam

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *