Khán giả
Còn anh chị, sẽ không còn chia ly…
Ngày đăng: 25/02/2009 | Lượt xem: 1033
Hơn một năm lên sóng chỉ với 13 chương trình, mỗi số dài chưa đầy 1h đồng hồ, nhưng những gì mà Như chưa hề có cuộc chia ly đọng lại không chỉ là sự đớn đau chia ly dễ thông cảm nhưng không dễ chia sẻ, những giọt nước mắt xót xa, những thương cảm cứ chực trào khoé mắt… mà sâu hơn cả là niềm cảm phục những con người đã làm nên một chương trình có ý nghĩa nhân văn hơn bất cứ một thông điệp kêu gọi nào …
Nhà báo Thu Uyên cùng các nhân vật trong một chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly |
Với nhiều người yêu Như chưa hề có cuộc chia ly (NCHCCCL) đó còn hơn cả một chương trình truyền hình…
Thầy giáo Đậu Kế Đức là một ví dụ. Trong thư gửi về chương trình, ông viết: "Tôi là một thầy giáo già, nghỉ hưu đã 15 năm nay. Ba mươi bảy năm vừa học toán vừa dạy toán, cái nghề mang tiếng là rành rẽ và khô khan… vậy mà giờ một mình ngồi xem NCHCCCL và khóc một mình.
Cầm lòng sao được khi chứng kiến cảnh một người mẹ từng là chiến sĩ ôm đứa con trai (nay đã là người đàn ông) vào lòng sau hơn ba mươi năm chia ly, ngược xuôi tìm kiếm, để được khóc vì sung sướng đến tột cùng. Hay… hai người đàn ông trên dưới 40 là hai anh em ruột, họ lạc nhau từ khi lên tám, lên mười. Họ gặp lại nhau, hai người gai góc và từng trải giống nhau, họ ôm ghì lấy nhau và khóc như chưa hề được khóc, tiếng nức nở ngập chìm trong nước mắt…
Xin được cảm ơn cuộc đời đã cho tôi nếm trải vị ngọt ngào của những dòng nước mắt. Nước mắt ngoài vị mặn chát của đắng cay còn có thêm vị ngọt của hạnh phúc dâng trào, của lòng nhân ái".
Cũng giống thầy Đức, nhiều khán giả truyền hình đã khóc, đã đồng cảm, đã cùng xót xa cho những số phận thất lạc, dù rằng mình chưa từng chia ly. Như khán giả có tên Bích Ngọc: "không có người thân nào thất lạc, cũng không biết thông tin gì về người thất lạc cần tìm" mà "chỉ muốn gửi đến các anh, chị trong dự án nhân đạo này một lời CẢM ƠN".
Trong thư Ngọc viết: "Trên cuốn lịch để bàn trong nhà em mỗi tháng đều có một ngày được ngoặc dấu tròn bằng mực đỏ và nghi dòng chữ "Thu Uyên" – đó là ngày thứ 7 đầu tiên của tháng… Người đời đôi khi làm phúc không cần sự trả ơn, nhưng em vẫn luôn nghĩ con cháu của các anh chị sau này mãi mãi không bao giờ hưởng hết cái Phúc mà bố mẹ các cháu đã tích luỹ được qua chương trình này".
Còn trên khắp các diễn đàn của người Việt xa tổ quốc, những người con ly hương hân hoan truyền tin cho nhau về chiếc cầu nối hữu hiệu này. Trong email gửi về VTV từ Bỉ, một khán giả để tên P.P.H viết: "…Dù xa quê nhưng chúng tôi luôn cố gắng không bỏ sót bất cứ số nào của NHCCCCL… Xúc động và nhân văn lắm. Những câu chuyện thời Babylift năm 75, chuyện phi công Mỹ tìm về người phi công Việt từng đối đầu trong trận đánh trên không 1973 hay những cuộc gặp gỡ xúc động của chương trình Trẻ lạc nhà số 13… thực sự khiến chúng tôi cảm kích vô cùng những người thực hiện. Đối với những người thiếu thốn tình cảm và luôn hướng về tổ quốc như chúng tôi đó là món quà tinh thần bổ ích và ý nghĩa vô cùng…"
Các anh chị đã gắn những nhịp cầu, nối những bến bờ yêu thương cho những giờ sum họp. Có hạnh phúc nào bằng hạnh phúc của ngày đoàn tụ. Có điều gì ngọt ngào hơn cảm giác của người mẹ thất lạc con sau bao năm trời đằng đằng, có gì sung sướng bằng người cha phát điên vì mất con bao nhiêu năm ròng và tìm lại được con khi vừa tỉnh…".
"…Cảm ơn lắm các anh chị, những con người đã sáng tạo ra chương trình ý nghĩa này. Cảm ơn những con người đã hết mình vì một chương trình vô cùng nhân văn này.
Tôi tin, còn anh chị – những người tâm huyết với chương trình, rồi sẽ không còn chia ly…"