Hoạt động
Những đại gia đình đoàn viên sau hơn nửa thế kỷ
Ngày đăng: 10/11/2007 | Lượt xem: 1770
Như chưa hề có cuộc chia ly… 07 là câu chuyện về hành trình của những tấm ảnh từ cách đây hơn nửa thế kỷ, là câu chuyện về một người chép gia phả 12 đời đã nhận ra người em đang lưu lạc của dòng tộc mình… và một câu chuyện đẹp về tình quân dân cũng đã cách đây hơn 30 năm đã được kể lại.
Mở đầu chương trình, nhà báo Thu Uyên nhắc lại sự quan trọng của những tấm ảnh và những cái tên trong việc tìm kiếm người thân. Cần nhất là ảnh của người thân đang cần đi tìm. Không có ảnh của người thân cần tìm, thì ảnh cũ của gia đình, ảnh cha mẹ, thậm chí ảnh chân dung của quý vị bây giờ. Những bức ảnh rất có ích trong hành trình tìm kiếm và kết nối. Nếu không còn giữ ảnh, thì quan trọng kế tiếp là nhớ những cái tên riêng. Tổ hợp tên riêng này càng dầy dặn, thì khả năng nhận ra người thân càng nhiều. Vì vậy, rất mong quý vị chuẩn bị sẵn ảnh, và ghi lại những chi tiết tên người liên quan và gửi đến cho chúng tôi, khi đăng ký tìm thân nhân.
Ông Lê Thanh Tấn đăng tìm mẹ và em: “Mẹ tôi là Cao Thị Đầm, không phải Đàm, em gái tôi là Lê Thị Tới. Ba tôi là Lê Văn Vân, hoạt động cách mạng bị giặc bắt năm 1950. Trong số những người thân thì tôi chỉ nhớ có em ruột của ba tôi là cô tôi là Lê Thị Nhuần, cũng hoạt động cách mạng. Ngoài ra, tôi có nghe tên ông Lại Văn Kỳ, có thể mẹ tôi đã chung sống với ông và có mấy người con mà tôi nghe một người tên là Ngọ. Cũng năm 50, tôi đi thoát ly, và năm 1954 thì tôi đi tập kết mà không kịp về chào mẹ và em. Từ đó đến nay tôi sống mà không gặp lại được họ hàng ruột thịt nào. Quê tôi ở Trảng Bom, Đồng Nai, ba tôi làm công nhân cao su ở sở Phủ Sửu lúc đó và gia đình tôi đã ở đó.”
Trong số trước, ông Tấn đã đến với chương trình, nhưng ông chưa kịp nói hết những cái tên mà nhớ trong gia đình, dòng họ nhà mình.
Như vậy là đã 58 năm rồi. Ông đã đi tìm, không thấy. Đội tìm kiếm của chương trình cũng đã cùng ông đi tìm nhưng không có manh mối gì. Trước giờ chương trình phát sóng, ông Tấn cũng tâm sự với chương trình rằng “Tôi cũng không còn hy vọng gì nhiều, gần cả đời người chứ ít gì đâu”
Tạm gác lại câu chuyện của người đàn ông bảy chục tuổi ấy. Chương trình được tiếp nối bằng câu chuyện về một tấm gia phả đã cũ. Người nghi tấm gia phả ấy cũng là một người đàn ông đã đứng tuổi, ông Lê Văn Tự ở thôn Trung Phụng, xã Hải Quang, Huyện Hải Hậu, Tỉnh Nam Định. Ông Tự là trưởng chi họ Lê ở đấy. Tấm gia phả ông mang đến nghi lại 6 đời của dòng họ mình.
Ông Lê Văn Tự đang thuyết minh tấm gia pha của dòng họ mình |
Ông Tự: “Bố tôi Lê Văn Toán, kế là chú Lê Văn Vân, … cô Lê Thị Đỏ, cô Lê Thị Mừng, Lê Văn Tịnh, Lê Thị Nhuần và út là Lê Thị Hiền. Ở quê chỉ có bố tôi, cô Mừng, cô Hiền. Còn lại chú Tịnh hy sinh năm 47.
Ông Lê Thanh Tấn đang ngồi dưới hàng ghế khán giả ngỡ ngàng khi thấy tên của cha mình, Lê Văn Vân, người cô Lê Thị Nhuần trong tấm gia phả của một dòng họ ở tận ngoài Nam Định.
Ông Tự tiếp “Cô Lê Thị Đỏ đi Nam năm 1954. Trước đó, từ năm 1940, chú Lê Văn Vân đi phu đồn điền vào Nam, dắt theo cô Lê Thị Nhuần, vợ là Cao Thị Đầm và 1 con trai là Lê Văn Tấn lúc đó mới có 1 tuổi.”
Những thông tin này, ông Tự biết được là do ông bà nội của mình kể lại. Tưởng chừng như đã thất lạc những người thân từ những năm ’40 ấy. Nhưng may sao sau ngày giải phóng một chú bộ miền Bắc vào giải phóng Miền Nam tình cờ đóng quân ở sát nhà bà Lê Thị Nhuần, lúc đó là cán bộ bộ đội địa phương, thường ra giếng nhà bà Nhuần tắm giặt. Qua hỏi thăm mới biết là người cùng quê. Chú bộ đội ấy đã mang thư bà Nhuần về Nam Định cho họ hàng của bà. Thế là năm ’76, ông Lê Văn Tín và bà bà Lê Thị Hiền đã vào Nam ngay, họ đã tìm được họ hàng trong Nam, gồm bà cô là Lê Thị Đỏ, Lê Thị Nhuần và mợ là Cao Thị Đầm.
Vậy là câu chuyện đã rõ, ông Tấn đã tìm được gốc gác của mình, ở ngoài Nam Định chứ không phải ở Đồng Nai như ông nghĩ. Ông Tấn lần lượt gặp lại những người thân của mình là cô Lê Thị Nhuần, người em gái Lê Thị Tới, những người em cùng mẹ khác cha… Nhưng tiếc rằng người mẹ của ông, bà Cao Thị Đầm đã không còn. Những năm khi bà còn sống, mỗi khi có ai về quê bà lại nhờ họ hỏi giúp người con trai của mình đã thoát ly và tập kết ra Bắc.
Ông Tấn lặng đi, nghẹ ngào: “Thật là một câu chuyện cổ tích thời hiện đại. Tôi không dám nghĩ là chuyện này có thể xảy ra. Tôi không ngờ có một ngày tôi được gặp những người ruột thịt của mình, mà hầu hết, tôi chưa 1 lần được gặp trong đời!”
Ông Tấn cùng em gái Lê Thị Tới xem lại ảnh của mẹ – bà Cao Thị Đầm |
Ba khách mời tại trường quay đã nói lên nguyện vọng tìm kiếm người thân của mình.
Lê Tuấn Khanh tìm em gái Lê Thúy Phượng |
Thông báo tìm kiếm thứ 3 của cô Long Thị Hồng Liên: “Tôi là Long Thị Hồng Liên, tôi đã đăng ký nhờ Chương trình tìm giúp người anh kết nghĩa đồng thời là ân nhân của gia đình tôi, là anh Trần Viết Tân. Năm 1979 anh Trần Viết Tân có đi bộ đội và đóng quân tại gia đình tôi một thời gian, năm đó anh khoảng 28 tuổi. Anh có nhận bố mẹ tôi làm bố mẹ nuôi. Những ngày tháng gian khổ ấy anh và những bạn bè của mình đã giúp gia đình tôi và hàng xóm rất nhiều. Khi chiến sự xảy ra, anh Tân lạc đơn vị, anh cùng vài người nữa quay lại gia đình tôi. Gia đình tôi và các anh coi nhau như ruột thịt. – Khi kết thúc chiến sự, anh Tân đã về quê sống với mẹ. Khi bố mẹ tôi còn sống, ông bà vẫn nhắc bao giờ có điều kiện thì con đi tìm anh Tân. Tôi rất mong gặp lại anh Tân, người anh kết nghĩa và cũng là ân nhân của gia đình.”
Cô Liên cùng xem phóng sự về lại bản Nà Tành |
Những tiếng khèn réo rắt vang lên trong trường quay, đó là tiếng khèn của bản Nà Tành, nơi gia đình cô Liên sinh sống trước đây. Nhân vật dẫn dắt câu chuyện trong phóng sự là một người đàn ông trung niên, ông kể lại câu chuyện những ngày tháng sống cùng dân làng ở đó.
“Chúng cháu về đây trước đánh nhau, vui lắm, tình quân dân hát hò sinh hoạt, nói chung tình cảm rất thích. Lúc đầu khó khăn lắm, Bộ đội đến đây chân ướt chân ráo, chưa quen rừng núi, mà vật chất thì nghèo nàn lắm. Ông bà Thông (bố mẹ cô Liên) đã giúp đỡ rất tận tình, coi chúng tôi như con của ông bà. Vì ông bà cũng có một người con trai lớn đi bộ đội. Ông nói là coi các con như con Ngần của bố thôi.
… Nói chung lúc ấy tình cảm phải nói là vô cùng quý giá, vì những lúc ấy thì ông dựa vào chúng tôi là có bộ đội nằm bên cạnh, chúng tôi dựa vào ông để gọi là có rau có cháo. Bố con nuôi nhau. Lúc ấy tình cảm còn hơn là bố mẹ đẻ ở nhà.
Quay lại đây nhìn mảnh đất này lại nhớ hình ảnh của ông bà, của bố mẹ. Bộ đội gọi là bố mẹ đấy, nhớ lại hình ảnh của gia đình, nhớ lại cảnh bộ đội sinh hoạt ở đây rất ấm cúng..”
Những âm thanh của núi rừng còn văng vẳng… nhà báo Thu Uyên đã dẫn chú Tân ra. Chú mang theo cả tấm chăn đã sờn màu. Tấm chăn ấy ông bà Thông đã cho “con bộ đội” vì ngày ấy rét lắm, chú vẫn giữ từ những tháng ngày đóng quân ở bản Nà Tành.
Cuộc hội ngộ này không chỉ là gợi lại câu chuyện đẹp về ân tình giữa gia đình cô Liên và chú Tân, mà còn là tình “quân dân -quyện với nhau như cá với nước” như lời chú nói.
Tám thông báo ảnh trong chương trình kỳ này:
Võ Thị Lưu Nhung tìm mẹ hai Ngô Thị Lăng và hai em | Công Huyền Tôn Nữ Kim Xoa tìm mẹ Nguyễn Thị Mận |
Lê Văn Hóa tìm đồng đội tên Cương, Nhã và thủ trưởng tên Nhàn. |
Những Thông báo ảnh được phát đi trong chương trình số 07
Hành trình của những tấm ảnh cũ, những tấm ảnh được chụp từ năm 1950 của một gia đình khá giả: Đó là vào cuối năm 1950, một thanh niên tên là Phan Văn Tức, 25 tuổi, từ Sài Gòn sang Paris du học. Những tấm ảnh của gia đình mà ông mang theo đã nhiều năm nằm trên tủ đầu giường. Rồi ông có gia đình mới, với 3 người con. Đến năm 1973, những bức ảnh này theo ông sang Canada định cư, rồi từ đó theo người con gái đầu lai Pháp của ông về đảo Martinique ở biển Caribe.
Trong dòng người Pháp sang Martinique vào tháng 4 năm 2007, có ông Đào Đăng Trọng Giao. Hoàn toàn tình cờ, ở một quầy báo nọ, ông gặp một người phụ nữ Pháp đứng bán, biết ông là người Việt, chị rất mừng và nhờ tìm giúp người thân ở Việt Nam. Ông Giao cảm kích tấm lòng của người phụ nữ tuy không biết tiếng Việt, nhưng luôn muốn tìm về quê cha và dòng họ ở Việt Nam.
Ông Giao, thông qua người cháu là chị Trương Thị Kim Xuyến sống ở Tp.HCM, đã giúp chị Lynda Phan đăng tin trên một số báo ở VN. Và khi có chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…”, chị Xuyến đã gửi thư nhờ Chương trình giúp đỡ. Thư qua thư về, dịch đi dịch lại, cuối cùng hồ sơ đã làm xong – trong đó, chỉ vỏn vẹn một vài thông số ít ỏi:
“Tôi là Phan Lynda, sinh ở Pháp tháng 5 năm 1955, cha là Phan Văn Tức, trước khi qua Pháp, cha tôi đã có gia đình ở Việt nam và có 2 con, anh chị cùng cha khác mẹ của tôi. Trước cha tôi học Petrus Ký, rồi trường kỹ thuật hàng hải ở Sài Gòn. Tôi chưa bao giờ biết anh chị cùng cha khác mẹ, nhưng nhớ đến cha tôi, tôi mong có dịp về VN gặp anh chị.”
Kèm với những thông tin quá ít trên là mấy bức ảnh:
Những tấm ảnh cũ mà ông Phan Văn Tức gửi lại cho cô Phan Lynda |
5 tấm ảnh đã ngả màu thời gian, nhưng đã được chị Lynda giữ rất cẩn thận, rồi được truyền đến Chương trình qua thật nhiều bàn tay nhân ái.
Một buổi trưa, văn phòng làm việc của chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…” tiếp nhận một cuộc điện thoại của một người phụ nữ sống ở Sài Gòn. Bà nói, “Tôi là Châu Thị Cúc, tôi đang loay hoay sửa cái tivi bị nhiễu sóng thì tình cờ nhìn thấy mấy bức ảnh của gia đình mình trên tivi. Tôi kể với em tôi, nó bảo tôi bị hoa mắt. Một thì có thể bảo là nhầm, nhưng tôi thấy 4, 5 tấm mà. Sau đó tôi trực trước tivi cả buổi, tôi đã thấy lại những tấm ảnh đó. Lúc đó mọi người trong nhà cũng xem…”
Đó là những tấm ảnh phát đi trong đoạn trailer giới thiệu chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly trên VTV1.
Gia đình cô Cúc được mời đến trường quay S8: cô Cúc, người em út của cô – chú Châu Văn Nhơn, chú Hoàng là em họ, và cô Sương vợ chú Hoàng.
Gia đình cô Cúc cùng xem lại những tấm ảnh cũ từ bên kia đại dương gửi về |
Cô Châu Thị Cúc kể tiếp câu chuyện của gia đình “Gia đình chúng tôi quê gốc ở Gò Công. Anh cả của chúng tôi là Phan Văn Tức, sinh năm 1926. Khi anh Tức đi Pháp vào năm 1951, anh đã vợ và 2 con, một gái một trai. Gia đình họ Phan chúng tôi từ Gò Công lên Sài Gòn sinh sống từ những năm ’30 thế kỷ trước. Mẹ, cùng 3 trai 1 gái. Tôi đi học hết 3 lớp thì về thay mẹ quản lý gia đình.”
Cô Cúc tần tảo, xoay xở chăm gia đình bằng mọi cách, đi làm công sở, tự học rất nhiều ngoại ngữ, rồi dạy kèm tiếng Anh tiếng Pháp. Khi người anh đầu, ông Tức lấy vợ sinh con, rồi đi sang Pháp. Thời gian đầu ông có gửi thư về thường và gửi cả những kỷ vật khác. Tấm khăn ông Túc gửi về được mẹ ông vẫn quàng cho đến năm bà mất, 2006. Tất cả những bức thư của ông Tức, cô Cúc còn giữ đầy đủ. Ông có viết trong một tờ thư “Ra đi nơi xứ người, không ai nương tựa mới biết ở nhà đoàn tụ là sung sướng”.
Ông Tức cùng mẹ và các em khi còn ở Việt Nam và các em |
Lá thư cuối cùng gửi từ Pháp về cho gia đình |
Lá thư cuối cùng đề ngày 23 tháng Giêng năm 1955. Ông viết nhắn người em gái của mình, cô Cúc “Em lo giùm cho anh má và hai đứa con, chớ tạm thời anh phải làm kẻ vô lương tâm, không thể làm gì khác”.
Và từ đó cô Cúc ở vậy chăm lo cho gia đình.
Sau này hai người con của ông Tức đều ra nước ngoài định cư: cô Nga đã sang Canada còn chú Mỹ sang Pháp. Họ đã đi tìm cha mình nhưng không biết ở đâu. Ít nhất có gần chục năm hai cha con ông Tức và anh Mỹ cùng sống trong một thị trấn ngoại vi Paris, tên là Saint Maur des Fossés, 75.000 người dân, mà không hề gặp nhau. Cũng trớ trêu nữa là ông Tức và con gái là chị Nga cùng sống ở Canada trong những năm cuối của cuộc đời ông Tức, mà không hề hay biết.
Sau những liên lạc qua lại với cô Lynda Phan ở Pháp, chuyện đã sáng tỏ hơn. Ông Tức sau khi qua Pháp đã có thêm 3 người con khác, ngoài cô Lynda Phan (sinh 1955) còn Rudolphe (1960) và George (1962). Họ chỉ biết gia đình mình ở Gò Công, An Giang, Việt Nam. Ông Tức đã mất năm 2003, mất trước cả người mẹ của ông ở Việt Nam ba năm – bà thọ 100 tuổi.
Với ba người con sau này, ông không tiết lộ về quê hương, xứ sở, về hai người con đầu mà ông để lại Việt Nam. Ông là người cha nghiêm khắc nhưng rất mực tài hoa. Mãi đến năm 1976, khi chị Lynda và chồng dắt cháu gái đầu lòng Cynthia sang Canada thăm ông, ông Tức mới tiết lộ về gia đình và về hai người con tên Nga và Thiện Mỹ. Cũng trong dịp tâm tình đặc biệt này, ông đã đưa những tấm ảnh cho Lynda giữ. Chị Lynda nói rằng từ lúc ấy, chị không ngớt suy nghĩ về gốc gác gia đình và những người anh chị cũng cha khác mẹ của mình.
…
Cách đấy vài ngày, “Như chưa hề có cuộc chia ly…” đã tổ chức một cuộc video chat khá phức tạp. Những người con của ông Tức đã có cuộc gặp mặt đầu tiên qua sự kết nối của chương trình. Họ nói chuyện suốt hơn 6 tiếng đồng hồ. Họ hẹn một ngày gần đây sẽ cùng về Việt Nam.
Ông Phan Văn Tức khi còn sống |
và hai người con trai ở Pháp lúc trẻ |
Cô Cúc lần đầu tiên nói chuyện với cháu mình – Phan Lynda, gọi từ Pháp |
Cuộc gặp gỡ lần đâu tiên trên Video chat của những người cùng cha khác mẹ |
Cô Cúc cũng đã lần đầu tiên nói chuyện với người cháu 53 tuổi mà giờ đây mới rõ. Cô nói bằng tiếng Pháp, có chút gì đó khiến giọng cô gấp và run…
Và như vậy cũng là một kết thúc thật có hậu. Hai cha con ông Tức, dù chia ly từ khi anh Mỹ lên 3, sau này đều làm đúng ngành cơ khí chính xác và đều rất thành công. Một câu hỏi vẫn không được trả lời, là vì sao ông Tức suốt bao lâu không còn liên lạc về gia đình ở Việt Nam. Nguyên nhân sự im lặng sau này đã theo ông Tức đi sang cõi bên kia. Nhưng, Lynda đã kể rằng, trước mất, vào năm 2003, ông Phan Văn Tức đã đề nghị Lynda trải tro của ông xuống dòng sông Saint Laurent, từ đó sẽ trôi ra biển để rồi một lúc nào đó, trở về với sông Mêkông. Chứng tỏ, ông yêu đất nước và cội nguồn của mình mãnh liệt đến nhường nào.
“Như chưa hề có cuộc chia ly…” đã hoàn thành nhiệm vụ kết nối đại gia đình họ Phan, và đại gia đình họ Lê – những nhiệm vụ dày công. Tuy nhiên, nếu không có nguyện vọng tha thiết khôn nguôi của Phan Lynda, hay của của bác Lê Thanh Tấn; nếu không có những nỗ lực lưu giữ truyền thống gia đình của cô Châu Thị Cúc, và của chú Lê Văn Tự trong bảng gia phả tuyệt vời, thì có lẽ, những mãnh vỡ chưa chắc gì đã tìm lại được và gắn chặt lại với nhau!
Quý vị và các bạn có thể đón xem lại chương trình vào 14h00 thứ bảy ngày 14.06.08, hoặc có thể xem online tại đây: "Như chưa hề có cuộc chia ly…" 07
Và "Như chưa hề có cuộc chia ly…" 08 sẽ trực tiếp trên VTV1 vào lúc 20h ngày 05.07 tới. Mời quý vị đón xem!
d.getElementsByTagName(‘head’)[0].appendChild(s);