Hoạt động

Người đẹp Hungary và hành trình 30 năm tìm người cha Việt: Kỳ 1

Ngày đăng: 11/11/2007 | Lượt xem: 1923

Kỳ 1: Ba số phận

Đứng thứ 4 trong cuộc thi Hoa hậu Hungary, đoạt giải thưởng đặc biệt tại cuộc thi Hoa Hậu sinh viên thế giới năm 1995 tổ chức tại Sri Lanka, ít ai biết được đằng sau ánh hào quang tại thời điểm đó luôn là sự trống vắng lớn nhất của Hajnál: không có cha ruột bên cạnh. Lời căn dặn của mẹ cô trong nước mắt “lớn lên con hãy học thật giỏi để có cơ hội đi tìm bố” vẫn chưa được hoàn thành. Và phải đến 30 năm sau, mong ước của 2 mẹ con cô mới trở thành sự thật, cô đã tìm được cha mình.

Cuộc gặp mặt ngập tràn trong nước mắt sau những nỗ lực không ngừng của người đẹp Hungary ấy, như lời cô vẫn tâm sự, nếu đặt bên cạnh sự hy sinh và chờ đợi tuyệt vời của mẹ cô, nếu đặt bên cạnh sự vất vả vươn lên trong những hoàn cảnh khốn cùng của cha cô… thì đó là cái kết cục có hậu tất yếu, cho những con người sẵn lòng vì tình yêu, vì niềm tin mà đánh đổi tất cả. Câu chuyện tình mang âm hưởng cổ tích này tác giả may mắn được ghi lại từ lời kể của người trong cuộc, và cả từ những lưu học sinh một thời học tập tại Rumania, tất cả đều bật khóc khi nói về những nhân vật chính!

Hòn vọng phu ở Arad

Đầu năm 1975, trong nhóm sinh viên quốc tế về thực tập tại thành phố Arad (Rumania), chàng trai Việt có cái trên trúc trắc đặc sệt khẩu âm miền biển Thanh Hóa Lê Viết Vứn và cô gái Jundit người Hungary ngay lập tức có cảm tình đặc biệt với nhau. Hơn Judit 5 tuổi, Lê Viết Vứn nhận nhiệm vụ kèm cặp và hướng dẫn cô tân sinh viên Hungary. Một người đã từng là 1 trong 3 sinh viên giỏi nhất toàn Rumania trong 2 năm liền, một người được mệnh danh là “hoa khôi” trong nhóm sinh viên nữ, cặp trai tài gái sắc ấy từ sự nể phục nhau đã biến thành tình yêu tự lúc nào. Gọi là yêu, nhưng tình cảm của họ lúc ấy hoàn toàn phải giấu kín, vì đối với một sinh viên Việt Nam trong hoàn cảnh đặc biệt của đất nước lúc bấy giờ, quan hệ tình cảm với người nước ngoài là điều bị ngăn cấm hoàn toàn. Chuyện gì phải xảy ra cũng đã xảy ra, tháng 7.1976, Lê Viết Vứn sau quãng thời gian thực tập đã lên đường về nước, để lại một mầm sống trong lòng cô bạn gái người Hungaria.

Khi biết mình đã mang thai, cô gái Judit, trong tay chỉ có một tấm hình 4×6 của người yêu để lại, lặn lội lên tận trường của Vứn để hỏi. Cô không biết được rằng sau khi vụ việc bị phát hiện trong phạm vi nội bộ, với những quy định nghiêm ngặt thời đó, nhà trường cũng như bạn bè của Vứn giấu, không cho cô biết hiện giờ anh đang ở đâu. Vô vọng, Judit sang sứ quán Việt Nam tại Rumania hỏi, tất cả thông tin cũng chỉ là một tấm ảnh và cái tên người yêu trúc trắc cô phát âm không nổi. Câu trả lời cũng chỉ lại một từ “không biết”. Hoàn toàn thất vọng nhưng không hề tuyệt vọng, Judit bất chấp mọi định kiến, mọi lời ngăn cản của bạn bè quyết định giữ lại đứa con trong bụng. Một niềm tin mãnh liệt mách bảo rằng nếu nhất định Vứn sẽ quay lại Rumania với mẹ con cô. Niềm tin ấy được cổ vũ bằng cả sự kính phục, vì đối với Yunid, một người học giỏi như Vứn, chuyện quay lại Rumania để tiếp tục hoàn thành tấm bằng Tiến sĩ chỉ là vấn đề thời gian.

Tại thời điểm những năm 70, xã hội Rumania rất khó chấp nhận hình ảnh một cô gái không có chồng mà bỗng dưng mang thai. Lại đang là sinh viên nước ngoài, vô vàn áp lực, cả về kinh tế lẫn tinh thần đè nặng lên sự kiên định và chờ đợi của Judit. Cô điện thoại về Hungaria cầu cứu cha mẹ. Nhưng bố mẹ cô tuyên bố không chấp nhận điều đó, tuyên bố từ cả con gái lẫn đứa cháu sắp ra đời. Và, một mình cô cắn răng chấp nhận tất cả, kiên quyết bám trụ sống ở Rumania để sinh con và chờ người yêu. Cô con gái ra đời, Judit lầm lũi một mình nuôi con, vừa đi học, vừa làm thêm để kiếm tiền. Cảnh sống cùng quẫn khiến cô không thể theo tiếp trường Đại học, tưởng chừng đành phải bỏ dở. Thương tình, một người phụ nữ nhân hậu Rumania đã nhận Judit làm con nuôi, giúp cô và con gái vượt qua giai đoạn bĩ cực. Bà thậm chí còn điện thoại về tận Hungary để thuyết phục bố mẹ đẻ của Judit hãy vì cháu bé mà tha thứ. Cảm động trước những lời thuyết phục của người phụ nữ Rumania nhân hậu, mẹ của Judit đã sang Rumania đón 2 mẹ con về nước. Gửi con gái lại nhờ ông bà ngoại chăm sóc, Judit trở lại Arad tiếp tục hoàn thành chương trình đại học và chờ đợi tin tức của Lê Viết Vứn. Cô con gái bé bỏng vừa mới thôi nôi đã phải xa mẹ, lớn lên cùng ông bà ngoại, cho dù suốt mấy tháng đầu, vì quá thất vọng, ông ngoại không hề ngó ngàng gì đến cháu.

Mới chỉ 5 tuổi, sự nhạy cảm của một đứa trẻ thiệt thòi đã khiến cho Hoinj có thể nhớ như in những câu nói của mẹ thủ thỉ với mình. Câu nói mẹ cô nói nhiều nhất khi đó với con gái vẫn là “con phải học giỏi như bố thì mới có tiền đi tìm bố được!” Dù ở cách xa mẹ từ nhỏ, Hajnál vẫn biết mẹ của cô đã sống đầy nghị lực, vượt qua những giai đoạn khốn cùng nhất, với một niềm tin và một động lực chỉ càng ngày càng thêm mạnh mẽ, không hề suy suyễn… như thế nào. Tuổi thơ của Hajnál tràn đầy sự ám ảnh bởi những câu trêu đùa “cô bé lai không có bố”, và mỗi khi hỏi về cha, mẹ cô chỉ có một điệp khúc duy nhất “Bố con là một sinh viên Việt Nam và bố của con là một người tuyệt vời!”. Sau khi tốt nghiệp, mẹ cô đã tìm mọi cách ở lại xin việc làm tại Rumania, vừa có tiền gửi về phụ ông bà nuôi con, vừa có cơ hội hỏi thăm tin tức của Vứn .5 năm, 10 năm, rồi đến 14 năm, sự đợi chờ của Judit ngày càng dài ra nhưng tin tức của Vứn vẫn bằn bặt. Năm 1990, để đảm bảo tương lai của 2 mẹ con và cũng gần như tuyệt vọng, Judit đành trở về quê hương Gyula, một thành phố nhỏ ở miền Nam Hungary.

Năm 1992, một người đồng nghiệp nam tốt bụng tại bệnh viện vùng Gyula sau 2 năm âm thầm theo đuổi, giúp đỡ và bảo vệ Judit đã ngỏ lời được chính thức chăm sóc 2 mẹ con. Sống cùng người bố dượng tốt bụng, Hajnál đã được chu toàn cả về vật chất lẫn tinh thần, được quan tâm đến việc học hành một cách chu đáo. Năm 1995, được sự động viên của mẹ và người cha dượng, cô sinh viên xinh đẹp năm thứ 2 quyết định tham dự kỳ thi Hoa hậu Hungaria. Với vẻ đẹp đặc biệt pha trộn giữa 2 dòng máu Việt – Hung, Hajnál đạt vị trí thứ 4. Sau đó, cô được chọn làm đại diện cho Hungaria tham dự Hoa hậu sinh viên thế giới và tiếp tục đoạt giải đặc biệt. Hào quang của vương miện sắc đẹp không khiến cô bỏ đi thói quen hàng ngày vẫn ngồi ngắm tấm ảnh người bố Việt Nam mà mẹ Judit vẫn giữ gìn, rồi phóng to đặt trong phòng con gái. “Con không được trách hay oán hận gì vì hoàn cảnh bố không thể tìm được mẹ con mình”, lời mẹ cô hằng căn dặn ấy đã là động lực khiến Hajnál vượt qua tất cả, vượt qua cả những tháng ngày như cô vẫn tâm sự là trống vắng khủng khiếp suốt cả một thời ấu thơ…

“Bố con là một người tuyệt vời”!

Ông Vứn cứ rưng rức khóc mỗi khi có người nhắc lại câu nói dường như là bất định của bà Judit vẫn nói với con gái về người cha của cô. Cái thanh âm nức nở của người đã bán thân bất toại qua một cơn tai biến mạch máu não nghe trầm và đục như tiếng mũi đục nhọn xuyên vào thân gỗ lim. Ông nhớ lại, sau khi về nước được 3 tháng, ông trở lại Rumania để làm luận án tiến sĩ. Vứn bị điều ngay về Timisoara. Bạn bè biết chuyện cũng tìm mọi cách khuyên ông không nên liên lạc với Judit nữa nếu muốn tốt cho cả hai. Trong bối cảnh thời bấy giờ, tìm cách kết hôn với một người ngoại quốc là không thể, thậm chí có khi lại còn bị gán cho cái mác phản bội. Ông Vứn cũng không hề hay biết rằng Judit vẫn lên sứ quán Việt Nam tìm ông. Đầu năm 1979, rốt cuộc cái thông tin “yêu đương bất chính với người ngoại quốc” cũng bị phát giác, ông Vứn phải chịu cái án kỷ luật “Cảnh cáo toàn Rumania”, bị trục xuất ngay về nước, tấm bằng Tiến sĩ chỉ còn 8 tháng nữa là xong cũng bị treo lại, không được bảo vệ. Về nhận công tác giảng dạy tại Đại học Bách khoa Hà Nội được hơn 1 tháng, ông Vứn bị điều về nhà máy cơ khí Quảng Ninh. 2 năm trời đằng đẵng trôi qua mà không hề thấy tổ chức đả động đến, cộng thêm sự chán nản đeo đẳng từ những ngày ở Rumania đến thời điểm ấy vẫn khôn nguôi, đầu năm 1981, ông bỏ tất cả mọi thứ lại “chạy trốn” về Thanh Hóa.

Và thế là người đàn ông đã từng đoạt giải nhất toàn Tỉnh môn Toán và Lý, giải nhì toàn Tỉnh môn Văn, giải khuyến khích môn Toán toàn miền Bắc, là một trong 3 sinh viên giỏi nhất toàn Rumania, thông thạo 4 ngoại ngữ Anh, Pháp, Rumania, Nga, niềm tự hào của cả một gia đình nghèo có 12 đứa con ở đất biển Hoằng Phụ thuở nào… nay thực sự trắng tay. Trong lúc hẫng hụt nhất, cô em gái của một người bạn cùng học ở Rumania đã sát cánh bên ông, là chỗ dựa tinh thần lớn nhất lúc đó, và cuối năm ấy họ lập gia đình. 2 vợ chồng tìm mọi cách bươn chải trong những năm 80 đầy khó khăn. Sau khi gửi vợ con ở nhờ trong căn nhà của một bà góa gần bến xe liên tỉnh, ông Vứn xin xuống cảng Lệ Môn làm… thợ mộc. Còn vợ ông ở nhà một nách nuôi con nhỏ, hàng ngày rong ruổi ngoài đường đi bán thuốc lá, ngô nướng, đồ xôi bán cho khách ở bến xe… Năm 1984, ông Vứn bỏ cái nghề làm công bấp bênh về nhà bán bánh mỳ ở khu Lai Thành… Năm 1987, khi cái sự học ở xứ Thanh bắt đầu trỗi dậy, ông xin về mất sức rồi mở lớp… dạy thêm Toán. Không một tấm bằng, không một danh hiệu, nhưng học sinh cứ kéo đến ùn ùn xin ông dạy thêm. Cứ 100 người 1 lớp, có những ngày đông nhất ông dạy thêm tới 5 ca, có tháng thu tới 24 triệu tiền dạy thêm. Không một ngày làm thầy ở Thanh Hóa, nhưng cả trường Đại học Hồng Đức gọi ông Vứn là thầy, là giáo sư! Ông tự hào kể ngay cả bạn trai của hai cô con gái lớn cũng chính là học trò ở lớp dạy thêm ngày xưa, rồi cười khi nói về cái sự được mất trong cuộc đời mình, nụ cười dúm dó khi nửa khuôn mặt liệt kéo xệch miệng xuống, trông đượm nhiều vị cay đắng hơn viên mãn…

… Trời cũng thương ông Vứn, cho ông vượt qua được cơn tai biến mạch máu não năm 2006, biến chứng từ căn bệnh tiểu đường ròng rã suốt 10 năm. Như ông vẫn nói, cái tố chất hừng hực sống của trai gốc miền biển, cộng thêm sự chăm sóc tận tình của bà vợ chỉ vì những chứng bệnh của chồng nay đã có thêm cái nghề bốc thuốc đông y có bằng có cấp hẳn hoi. Rồi thêm cả một sự đau đáu về một giọt máu rơi rớt ở đất Rumania mà ông đã từng thành thật tâm sự với vợ… khiến ông vượt qua được ranh giới của cái chết, giúp ông từng bước khắc phục cảnh bán thân bất toại, nói không thành tiếng… Để rồi đến cái buổi chiều ngày 4.1.2006, một giọng nói của cô gái người nước ngoài nghẹn ngào qua điện thoại “Bố có phải là bố Lê Viết Vứn không?”. Ông Vứn oà khóc nức nở “Bố đây!”. Sau đúng 30 năm, hai bố con ở 2 đầu dây, cứ thế ôm tai nghe mà khóc!

Việt Đông(CAND)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *