Báo chí Hoạt động
NCHCCCL: ĐÃ ĐẾN LÚC PHẢI THAY ĐỔI MÔ HÌNH
Ngày đăng: 13/07/2020 | Lượt xem: 1497
PV: Thật sự “Như chưa hề có cuộc chia ly” (NCHCCCL) phải dừng vì vấn đề tài chính, thưa chị?
Nhà báo Thu Uyên: Hợp đồng tài trợ cũ đã hết từ đầu năm 2020, chưa đạt được một hợp đồng mới nào thì chương trình buộc phải dừng vì đã hết tiền sản xuất. Nói chung là chúng tôi đã có được những nhà tài trợ rất tuyệt vời, tôi nói vậy vì lý do các nhà tài trợ đã tuyệt đối tin tưởng vào chúng tôi, không bao giờ can thiệp vào nội dung vì bất cứ lý do gì. Vậy nên chúng tôi càn thấy có trách nhiệm làm cho tốt. Cái mà làm cho mô hình tài trợ truyền hình nó không chạy nữa là do mô hình của tôi -tôi luôn nhận lỗi về mình, nó bị lạc hậu rồi. NCHCCCL khởi nguồn là chương trình truyền hình. Bởi vì mình là người của truyền hình nên khi mà mình muốn làm cái gì đấy thì mình không nghĩ rộng ra được chủ đề nào ngoài truyền hình. Phần mở rộng quy mô là các cuộc tìm kiếm thì mình lại chưa nghĩ tới. Cần tài trợ, thì kêu gọi tài trợ cho chương trình truyền hình. Gọi là tài trợ truyền hình, thì quyền lợi trả lại cho những người tài trợ cũng là trên sóng truyền hình. Chúng tôi đã không có cách diễn giải sao để xin dược tài trợ cho hoạt động tìm kiếm, cũng không có cái biện pháp nào để mà làm cho nó có dôi kinh phí để hoạt động rộng hơn.
PV: Đây đúng là thứ mà tôi nghĩ hôm qua. Nói thật là lâu rồi tôi cũng không xem chương trình vì lần nào xem cũng khóc. Xem nó buồn dù hầu hết tất cả những cuộc đoàn tụ ấy đều vui. Rốt cục là nếu dừng lại ở chương trình truyền hình, thì tôi thấy nó hơi bị buồn, hơi nhiều nước mắt. Sẽ có những người sợ nước mắt. Thứ 2 là nếu phát sóng quá lâu rồi thì sẽ bị kém hấp dẫn. Bây giờ chị đã thay đổi tư duy về trách nhiệm xã hội của chương trình NCHCCCL?
Nhà báo Thu Uyên: Thực ra cái này tôi mong muốn thay đổi từ cái lần trước mà nó phải tạm dừng cũng vì thiếu kinh phí, tức là cũng phải 2 năm rồi. Tôi đã nghĩ rằng việc mình gọi tài trợ cho chương trình truyền hình rồi gắng mà trang trải cả hoạt đọng tìm kiếm là sai, thực ra nó phải là một cái hoạt động xã hội. Mà đã là hoạt động xã hội thì không chỉ là một vài doanh nghiệp tham gia vào; họ có trách nhiệm xã hội nhưng họ không thể gánh tất cả. Và tôi cũng không tư duy theo kiểu bắt anh em đồng đội mình thắt lưng buộc bụng, khổ sở để cống hiến, vì như thế nó không kéo dài. Mà họ cũng phải được hưởng những điều kiện lao động tốt như những người khác. Thế mà mình lại không đảm bảo được điều đó, được thì tôi nghĩ là đã đến lúc phải thay đổi mô hình rồi.
Nhà báo Thu Uyên: Có 2 điểm tôi thấy cần thay đổi từ 2 năm vừa qua. Đầu tiên chính là về sự kêu gọi xã hội, tức là mọi người cũng cần phải góp tay vào, kể cả về kinh phí. Cái thứ hai là về truyền thông. Mình không chỉ dựa vào một kênh truyền thông, và cũng không nên chốt một cái gì làm cái kênh truyền thông chính. Mình phải có được cái sự tự do và chủ động của mình trong việc sử dụng kênh truyền thông nào. Nhưng mà vì cái kinh phí nó hẹp, nên tôi không có thời gian để nghĩ đến những thay đổi đó hoặc là kiếm người để triển khai các thay đổi đó. Cho nên là chúng tôi bị hạn chế rất là nhiều thứ. Biết là mình có thể thay đổi hay vận động người khác thay đổi, nhưng lại không có thời gian để làm những việc đó. Một tháng có 30 ngày thì coi như là 10 ngày cuối cùng chúng tôi bị chốt vào đấy rồi, ngồi dí vào màn hình rồi (để dựng các chất liệu phóng sự phát sóng trong chương trình). Còn những ngày khác thì có 1 tỷ việc để tìm kiếm. Cho nên tài chính eo hẹp làm cho chúng tôi rất là khó khăn và cái đó thì tôi xin nhận lỗi về mình. Nó là việc khó nhưng vì mình đã nhận và mình làm không tròn nên mình phải nhận lỗi thôi.
Có hướng chuyển sang digital (áp dụng các nền tảng kỹ thuật số) là tôi thấy vô cùng cần thiết, đang nhúc nhắc được thì bao nhiêu thứ nó xảy ra, kể cả COVID nên không xin được tài trợ nữa. Tuyên bố đóng ở trên truyền hình rồi nhưng mấy anh em vẫn đưa ra một cái kế hoạch là mình trả văn phòng đi, rồi chuyển hết hồ sơ về nhà riêng của tôi hoặc nhà ai đó, rồi sau đó ai mà sắp xếp được thì làm ngoài giờ. Như tôi thì có thể làm lúc nào cũng được, hoặc có 2 anh tìm kiếm về hưu rồi thì làm lúc nào cũng được. Còn các em trẻ khác thì phải kiếm sống, có em thì đi tìm việc mới, có em thì cứ chờ thôi… Nói chung là lực lượng của chúng tôi ngay thời điểm này chỉ còn 9 người. May là văn phòng chưa đóng cửa.
PV: 9 người là cho tất cả các khâu ấy ạ? Tính ra thì đó là một con số quá ít.
Nhà báo Thu Uyên: Vâng, trước khi quyết định phải dừng là 12 người. Quá ít luôn ấy chứ anh, đúng nhu cầu thì phải 30 – 40 người. Tầm đó mà làm một cái show truyền hình mà live mỗi tháng 1 tiếng thôi là cũng khá cưcj rồi đó.
Tính đến lúc này, NCHCCCL đã lên sóng được 13 năm. Số hồ sơ gửi tới chúng tôi là 80.000, loại khoảng 20.000 hồ sơ, 30.000 hồ sơ đang tìm kiếm dở, số trường hợp tìm được là 2.500. Trong đó chỉ có khoảng 1.800 trường hợp là có thể đoàn tụ được thôi. Trên truyền hình thì mình đoàn tụ được độ mấy trăm trường hợp. Còn lại thì đoàn tụ ở ngoài nhiều lắm, chúng tôi bố trí họ tự gặp nhau rồi chụp ảnh gửi lại, hoặc là có những trường hợp tìm thấy rồi nhưng họ (Việt kiều) không có cách nào họ đi về cả.
PV: Tiêu chí để nhận hay loại hồ sơ cần tìm là gì hả chị?
Nhà báo Thu Uyên: Không có 1 yêu cầu tìm kiếm nào mà NCHCCCL bỏ qua. Mỗi trường hợp đã trải qua quá trình làm hồ sơ xong rồi, tức là đã qua giai đoạn khai thác thông tin ban đầu, thì đều được phân tích ít nhất 1 lần kỹ càng. Mỗi hồ sơ gửi đến thì phải được phân tích xem liệu là có manh mối gì không. Nếu mà không có thì mình sẽ xếp vào những cái folder (thư mục) như nạn đói, đường 7, con nuôi… giống như hashtag (từ khoá để tiện tìm kiếm). Có những cái folder nghe thì đơn giản thôi, ví dụ như con nuôi nhưng con nuôi thì có rất nhiều dạng, lại phân nhỏ ra. Như vậy là 1 hồ sơ có thể nằm trong danh sách của nhiều folder khác nhau. Khi bỏ vào trong các folder thì có một cái lợi là ví dụ như mình đang giải quyết vấn đề của cậu bé lạc trên đường 7 chẳng hạn, một loạt các gia đình xuất hiện, có thể cậu này không phải là con của những nhà ấy nhưng mà đến một cái hồ sơ khác thì mình lại có thể kết nối được. Hay trường hợp này lại có 1 chi tiết thông tin, cho mình hướng đi để tìm kiếm những trường hợp tương tự. Từ đó có hi vọng không ngay lúc này thì thời gian tới, sẽ ra manh mối.
PV: Trường hợp đoàn tụ nào là trường hợp chị thích nhất, xin lỗi vẫn phải hỏi chị câu này, tôi tự thấy đó là một câu hỏi nhạt nhẽo (cười)
Nhà báo Thu Uyên: Không có trường hợp nào tôi thích nhất cả, vì trường hợp nào xong là xong luôn. Nó có kỳ diệu đến mấy đi chăng nữa thì sẽ có trường hợp khác kì diệu hơn, cuộc đời mà. Tuy vậy mình có thể chỉ ra một số câu chuyện vẫn đang rất ấn tượng đối với tôi, bởi vì chúng mới diễn ra trong số 134 dây thôi.. 2 chị em thất lạc nhau từ những năm 40, mà họ còn đi ngược xuôi, kể cả cái lúc gọi là chia đôi đất nước tại bờ sông Bến Hải. Trong suy nghĩ của chúng ta thì ta nghĩ là năm 54 là ký kết Hiệp định Genève, đến năm 55 là đóng cửa giới tuyến, hết tập kết cũng như di cư. Nhưng không hẳn thế. Cũng không chỉ có người Công giáo di cư từ Bắc vào Nam, mà cũng có dòng người chạy ngược ra Bắc. Vậy nên cái thú vị nhất mà tôi thu nhận được trong các cuộc tìm kiếm này là nó làm cho mình có cơ hội nhìn lại lịch sử và văn hóa theo một cách khác, không chút chủ quan, không phải do đọc trên sách, mà là qua những câu chuyện thật, nhân chứng thật. Tất nhiên là mình cũng phải xác minh nó là thật thông qua đối chiếu. Tôi nghĩ đó là cái giá trị nhất khi mà mình làm cái nghề này.
PV: Chị cảm thấy khi mình đóng vai trò là một người giữ gìn và kết nối những cái mắt xích dù rất nhỏ trong cuộc sống mỗi người nhưng lại có thể tạo ra những thay đổi khủng khiếp, cảm giác nó như thế nào?
Nhà báo Thu Uyên: Tôi chỉ có thể nói là tôi đi giải quyết những chuyện xảy ra sau đó thôi, chứ không một ai có thể can thiệp hay giải quyết những chuyện từ trước. Tôi chỉ nghĩ là những đau khổ từ việc đáng lẽ ra là mình đã có được những tình thân, hơi ấm, nhưng mà mình không có – đấy không thể nói là do mình tuột tay đánh mất nó, mà do số phận. Tôi rất xót xa cho các nhân vật trong chương trình NCHCCCL. Lẽ ra họ được hưởng hạnh phúc nhưng cuộc đời lại bảo với họ là không được. Chẳng ai có lỗi cả. Cho nên bài học lớn nhất từ các câu chuyện chia ly – đoàn tụ không phải dùng những cách nào, thay đổi như thế nào để giữ được người thân. Chả ai dạy được ai những cái đó đâu. Mà bài học đó là, khi mình có gia đình, quê hương, nguồn cội thì hãy biết trân trọng gia đình, quê hương, nguồn cội đó. Còn đã trân trọng rồi mà cuộc đời vẫn bắt mình phải chia lìa thì cũng đừng quá đau đớn, mà hãy hi vọng và hãy tìm về.
PV: Chị muốn dùng chữ cuộc đời hay là số phận để diễn tả về điều này? Bởi tôi cảm thấy có vẻ như chị không muốn những câu chuyện của chị có màu sắc tâm linh.
Nhà báo Thu Uyên: Tâm linh như nhiều người hiểu hiện nay không thuyết phục được tôi. Tôi quan niệm cuộc đời cũng như 1 bàn bida rất nhiều trái bóng tự vận động, va chạm, xúc tác với nhau. Cái chuyện đó vào thời điểm đó nó phải xảy ra như thế chứ không phải được một thế lực nào đó hoạch định sẵn rồi.
PV: Chúng ta hãy coi đó là những sự ngẫu nhiên. Vậy thì chị có gặp nhiều những sự ngẫu nhiên như thế trong quá trình tìm kiếm không và chúng có khiến chị ngạc nhiên hay không?
Nhà báo Thu Uyên: Rất nhiều! Ví dụ như các nhân vật của tôi hỏi là tại sao họ đã nộp hồ sơ đến mấy năm rồi mà vẫn chưa được giải quyết trong khi gia đình kia mới nộp có mấy tháng mà đã giải quyết xong rồi? Tôi buộc phải nói là chúng tôi đã và đang cố gắng hết sức, nhưng chúng tôi chưa gặp được may mắn. Trong hoạt động của chúng tôi thì cái sự may mắn đóng góp rất nhiều. Không chỉ là may mắn cho những người tìm kiếm, mà còn là may mắn cho nhân vật nữa. Ví dụ như trường hợp có một cái anh lạc ở ga lúc mới 5 tuổi. Anh ấy cũng mong tìm được gia đình, người mẹ nuôi cũng mong tìm được gia đình cho anh ấy. Và cuối cùng mẹ nuôi chỉ anh ấy cho một cái gia đình mà con trai cũng cùng tên, cũng lạc ở nhưng là ga khác và nguyên nhân khác. Ban đầu thì tất cả mọi người đều mong muốn đấy chính là gia đình của anh. Anh ấy đi về Hải Dương, về luôn nhà đó, được yêu mến chăm sóc. Về đến nơi thì anh ấy biết chắn chắn là không phải, nhưng vẫn im lặng suốt, vì thương mình, thương gia đình nhận anh ấy. Nói chung cả 2 bên đều biết là không phải nhau đấy nhưng mà vì quá tha thiết nên lờ hết tất cả sự thật đi. Trong khi, gia đình đó và gia đình thật của anh ở cách nhau có mười mấy cây số thôi à. Tự dằn vặt10 năm, anhấy không thể chịu nổi thì bỏ vào Nam, rồi bây giờ đến lúc gần 50 tuổi rồi mới nhờ chương trình NCHCCCL tìm lại lần nữa. Chúng tôi tìm ra gia đình đúng của anh Cảnh, chỉ ở cách nơi anh nhận nhầm có chục cây số.
Đó, chỉ đơn giản là sự ngẫu nhiên, và mình không thể hy vọng là có sự công bằng trong cuộc đời này đâu. Nhưng trong quá trình tìm kiếm thì tôi rút ra một điều là không có gì bất hạnh bằng việc không có người thân. Cái người bị thất lạc gia đình cảm giác nó kinh khủng lắm, tôi dùng từ là côi cút để diễn tả về họ.
*Những nội dung được đóng ngoặc trong bài viết là của người phỏng vấn, nhằm làm rõ nghĩa.
Nguồn: BÁO NGÀY NAY
(https://ngaynay.vn/special-today/nha-bao-thu-uyen-nhu-chua-he-co-cuoc-chia-ly-da-den-luc-phai-thay-doi-mo-hinh-176251.html)
Xem tiếp phần 2: NHÀ BÁO THU UYÊN: NHỮNG KẺ ĐI LỪA ĐẢO NHÂN DANH TÂM LINH, THÌ HỌ BIẾT RÕ NHẤT HỌ LÀ KẺ LỪA DỐI