Hoạt động

Khép lại một cuộc chia ly từ Đường 7

Ngày đăng: 23/05/2009 | Lượt xem: 1430

2 trong 86 câu chuyện của tập hồ sơ mang tên “Đường 7” đã được ghép lại với nhau tạo nên một kết thúc có hậu trong Chương trình NCHCCCL số 18 vào ngày 16/5/2009 vừa qua.

34 năm… tưởng chừng đã tuyệt vọng

Hồ sơ Đường 7 liên quan đến một sự kiện lịch sử chiến tranh. Con Đường 7 kéo dài hơn 250km đã diễn ra một cuộc tháo chạy “triệt thoái cao nguyên” vào cuối tháng 3 năm 1975, vẫn còn là một nỗi kinh hoàng đối với những người chứng kiến. Và sự kiện đó vẫn còn để lại một dấu ấn không thể nào quên được đối với những đứa trẻ thất lạc năm đó. Họ có thể quên không nhớ được chính xác ngày, giờ mình bị thất lạc, hay cảnh mình thất lạc gia đình như thế nào nhưng những địa danh như Pleiku, Phú Bổn, Phú Túc,… và hai từ “hỗn loạn” lại là những từ ngữ đầu tiên khi Chương trình hỏi đến nguyên nhân thất lạc gia đình của những đứa trẻ năm xưa.

Một trong những trường hợp đó là câu chuyện của anh Lê Chăm Đào. Người đàn ông đã 40 tuổi, với nét mặt đăm chiêu… có lẽ nếu anh không tự nói ra thì chắc không ai biết được nỗi lòng của 1 người con mong muốn tìm lại cội nguồn của mình. Được ba nuôi là ông Lê Chăm Ram vốn là bộ đội người dân tộc Chăm đưa về sau trận đánh trong rừng Phú Bổn. Thấy 2 đứa trẻ, một đứa chừng 10 tuổi cầm cặp táp đen, và đứa 7 tuổi đang bẻ ngô trong rẫy, vừa ăn vừa khóc, ông thương. Ông dẫn hai đứa bé về đơn vị. Mặc cho đồng đội có người bảo không nuôi con của kẻ thù, nhưng ông vẫn cõng đứa nhỏ, trước đó đã bị ngã nước, về quê cho vợ chưa cưới nuôi rồi sau đó mới quay trở về đơn vị. Ông Ram đã đặt lại cho cái tên là Lê Chăm Đào. Người Chăm theo chế độ mẫu hệ, sinh con ra được đặt theo họ mẹ, nhưng ông Ram đã lấy họ của mình đặt tên cho thằng bé để nhận biết nó là của riêng ông. Nhưng những kỷ niệm về gia đình, về người thân cứ âm ỉ cháy qua những giấc mơ ngay từ khi chuyển về Phú Yên với cha nuôi. Anh Đào đã rời nhà cha nuôi đi lên Gia Lai làm thuê, làm mướn với hy vọng sẽ gặp lại cha mẹ và chị gái của mình.

1 góc mảnh đất miền Trung nơi anh Đào sinh sống

Lạc mất gia đình khi vừa học hết bảng chữ cái, nên anh vẫn nhớ được mình tên là Hùng, ở nhà bố mẹ vẫn hay gọi là Tèo. Anh Đào nhớ: năm 1975, gia đình sống ở khu gia binh tại Pleiku.  Một hôm bố về nhà bảo mẹ thu xếp đồ đạc rồi cả gia đình gồm có bố mẹ, chị Phương, Tèo và 1 đứa em nhỏ lên chiếc xe 5 tấn rồi đi. Trên đường đi có rất nhiều người, nhiều xe cộ… đông đúc lắm, người ta chen lấn nhau mà đi. Anh Đào ngồi trên xe nhìn máy bay bay vòng trên bầu trời nhưng không đáp xuống được, rồi pháo kích, súng đạn bắn liên tục. Một lúc sau nhìn lại thì không thấy gia đình đâu cả. Anh trượt khỏi xe, chạy đi về phía đám đông, rồi hòa vào dòng người đang đổ vào rừng Phú Bổn. Rồi sau đó được cha nuôi cứu sống và dẫn về nhà.

Làm thuê làm mướn cực khổ, kiếm được bao nhiêu tiền anh lại đi tìm lại nguồn gốc của mình. Cha nuôi thương đứa con bơ vơ từ bé, giờ lại cực khổ vì cuộc sống lại lên đón về. Ở nhà với ba nuôi một thời gian, anh lập gia đình. Hai vợ chồng chăn nuôi, buôn bán, tích cóp được một số tiền cũng kha khá. Thấy chồng hay kể về những người thân của mình, về những giấc mơ mà ngay từ khi thất lạc anh vẫn thường thấy, anh đứng từ phía xa nhìn thấy bố, mẹ và chị Phương dắt tay nhau đi tìm anh. Cứ mỗi giấc mơ như thế lại khiến anh mất ngủ vì mãi trằn trọc với những suy nghĩ mông lung về gia đình của mình. Và nó cứ theo anh mãi như thế cho đến một hôm vợ anh đưa cho anh số tiền dành dụm và khuyên anh nên đi tìm gia đình một lần nữa, lỡ sau này có gì cũng không phải ân hận.

 Gia đình anh Lê Chăm Đào

Cầm số tiền dành dụm, anh Đào quay lại vùng Pleiku một chuyến để tìm lại ngôi trường, tìm lại cái nơi gắn liền với kỷ niệm ngày bé của mình. Sau những cố gắng anh cũng đã tìm về được khu gia binh ngày xưa mình từng ở. Bước chân trên mảnh đất gắn liền với ký ức tuổi thơ của mình, với trò chơi bông vụ mà anh vẫn làm cho hai đứa con chơi mỗi khi nhớ đến gia đình. Nhưng hỏi thăm xung quanh thì đa phần là những người mới dọn đến. Anh Đào lại tự tìm đến một vài gia đình ở gần đó, nhưng đều không phải.

Buồn bã, thất vọng đến chán nản, anh quay về nhà. Mất vài tháng anh mới bắt nhịp lại được với cuộc sống bình thường. Gác lại sự tuyệt vọng của mình, cố gắng làm việc để chăm sóc cho cái gia đình nhỏ của mình. Thỉnh thoảng lại có một vài gia đình tìm đến anh, nhưng rồi họ cũng vội vã ra đi khi anh không phải con ruột của họ. Duy chỉ trường hợp mà chú Nguyễn Văn Xem tìm đến thì anh Đào nhớ nhất, dù biết không phải, nhưng anh Đào và vợ vẫn gọi chú Xem là cha và giữ liên lạc với chú. Có lẽ lúc anh tuyệt vọng nhất thì anh lại nhìn thấy tình cảm của một người cha cũng trạc tuổi cha mình và chưa bao giờ tuyệt vọng khi tìm kiếm đứa con trai của mình. Không những thế ông còn thương cả những đứa trẻ cùng hoàn cảnh với đứa con trai của. Sự yêu thương đó không phải thể hiện ở vật chất mà chỉ là lá thư hỏi thăm, hay những cuộc điện thoại từ Quảng Ngãi điện lên cũng làm cho anh Đào và cái gia đình nhỏ của mình ấm áp hơn.

Sững sờ trong vòng tay mẹ

Cũng như những người thực hiện Chương trình. Nếu như chúng tôi ngạc nhiên đến rùng mình sau cuộc nói chuyện trực tiếp tại nhà anh Đào. Anh Đào nói đến đâu thì chúng tôi càng chắc chắn là trùng khớp với 1 hồ sơ đã gửi đến Chương trình trước đây. Và sau cuộc gặp hôm đó, chúng tôi lại càng chắc chắn rằng mình đã có thể khép lại 2 trong số 86 hồ sơ mang tên đường 7 đó.

 Vợ chồng ông Nguyễn Văm Bước

Hai gia đình được mời đến trường quay để thông báo về trường hợp cùa mình. Đó là ông Nguyễn Văn Bước và bà Trần Thị Mai thông báo tìm con trai mình là Nguyễn Văn Hùng mà họ không thể ngờ rằng, đứa con trai của họ chỉ ngồi cách họ ba người thôi. Còn anh Đào ngay khi vừa ngồi xuống ghế đã ngờ ngợ nhận ra cha mình, nhưng anh không dám kêu, không dám chạy đến chỗ của cha mẹ mình như sợ mình chỉ lớn tiếng một chút thôi thì ba mẹ sẽ biến mất đi. Anh chỉ khều tay vợ nói nhỏ với vợ là ba mẹ đang ngồi kia. Anh không dám tin mình đang ở rất gần gia đình của mình. Cho đến khi nhà báo Thu Uyên khẳng định với anh đó chính là ba mẹ mà bấy lâu nay anh vẫn đang tìm, thì anh cũng chưa dám tin vào tai mình nữa. Anh quá choáng ngợp trước điều bất ngờ mà Chương trình đã dành cho anh.

Bà Mai ôm chầm lấy đứa con ruột của mình. Đứa bé ngày nào bà con cõng trên lưng bây giờ đã thành một người đàn ông trưởng thành và cũng có một gia đình nhỏ của mình. Ngày chia ly như mới hôm qua, 34 năm chờ đợi như một cái chớp mắt. Linh cảm của người mẹ luôn tin là con mình đang còn sống. Và dường như linh tính đó quá mãnh liệt, nên cứ vào tháng 4 hằng năm, bà lại bồi hồi nhớ đến đứa con thương yêu của mình. Đứa con trai sinh vào tháng Tư, thất lạc vào tháng Tư và trong những ngày cuối tháng Tư âm lịch bà có thể gặp lại con!

Anh Đào sững sờ không tin ngày gặp lại gia đình lại đến nhanh vậy

Như trò chơi bông vụ ngày bé, con quay cứ quay mãi rồi cũng ngừng lại. Cuộc đời anh Đào cũng ngừng lại sau bao vòng quay của cuộc đời. Ngừng lại sau khi có một gia đình yên ấm, và may mắn lại là cái gia đình lớn mà anh vẫn thương nhớ hằng đêm. 2 đứa con của anh đã biết được nguồn cội, họ hàng sau những ngày chỉ biết lén nhìn bố nhớ về gia đình trong sự bất lực.

Ngày chia tay với những người thực hiện Chương trình NCHCCCL để cùng bố mẹ, cô chú, chị gái và các cháu trở về quê nhà, anh Đào không ngớt lời cảm ơn Chương trình. Cảm ơn vì đã cho anh một cơ hội được kể câu chuyện của mình, và cảm ơn đã trao cho anh món quà quý giá mà có tiền cũng không thể mua được.

Thái Quỳnh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *