Hoạt động
Khát vọng nguồn cội
Ngày đăng: 21/06/2010 | Lượt xem: 1561
Bài hát “Tuổi nhỏ đất nước anh hùng” đã gắn liền với một thế hệ thiếu nhi Việt Nam của một thời kháng chiến gian khổ, đã được cố nhạc sĩ Mộng Lân sáng tác khi cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bắt đầu leo thang. Và bài hát được vang lên ngay từ đầu Chương trình để dành tặng cho khán giả của thế hệ mũ rơm đến trường và cũng để mở đầu cho Chương trình số 31 với một số trường hợp ly tán mà nguyên nhân bắt nguồn từ cuộc chiến tranh phá hoại.
Trăn trở về quê hương
Anh Nguyễn Trung Phương lúc 5 tuổi |
Năm 1969, một đứa bé trai khoảng 5 tuổi được một gia đình tại Hà Nôi nhận về nuôi từ Trại nhi đồng Nguyễn Bá Ngọc, và đặt tên là Nguyễn Trung Phương. Thời gian trôi đi, đứa bé trai năm xưa giờ đây đã trở thành trụ cột của một gia đình nhỏ, thế nhưng suốt thời gian qua trong lòng anh vẫn luôn canh cánh nỗi buồn về nguồn cội và thân nhân của mình.
Khi được nhận về làm con nuôi, anh Phương còn quá nhỏ nên anh không nhớ thông tin gì về gia đình của mình. Những điều mà anh đã gìn giữ suốt bao năm qua là tình yêu của bố mẹ nuôi, là linh cảm về một người chị gái qua lời kể của bố nuôi, và khoảng thời gian mà anh đã sống ở Trại thiếu nhi tại Hưng Yên. Nhưng những thông tin đó chưa đủ để giúp một đứa trẻ thất lạc lúc 5 tuổi có thể tìm về với người thân của mình.
Có thời gian anh Phương hay mơ một giấc mơ về một đứa bé trai đang nằm nghỉ trên đồng cỏ, đằng sau lưng là rặng dừa chạy dọc theo con đường nhỏ. Rồi thời gian trôi đi, giấc mơ ấy biến mất rồi dần trôi vào quên lãng mà thay vào đó là giấc mơ về khoảng thời gian mà anh được nuôi dưỡng tại Trại thiếu nhi với hình ảnh cái giếng và dãy giường dài tưởng chừng như vô tận. Những đứa trẻ nằm ngủ trên những chiếc giường đó. Những giấc ngủ say sưa không mộng mị, mà dường như chỉ tồn tại cảm giác thân thiết và ấm áp. Và đến hiện tại thỉnh thoảng giấc mơ ấy vẫn xuất hiện khi anh bỗng dưng nghĩ đến cha mẹ mình. Sự lập lại của một giấc mơ làm anh không thể bình chân để chờ đợi chị gái mình tìm đến nữa. Anh đã từng quay Trại nhi đồng Nguyễn Bá Ngọc với hy vọng tìm được thêm nhiều thông tin hơn nữa về bản thân. Ít ra là một cái tên địa danh để anh có thể tìm lại cội nguồn và họ hàng của mình. Và chuyến đi kết thúc, anh Phương chỉ cảm thấy được sự thân quen khi quay trở về đây. Trường học bây giờ chỉ là một mảnh đất hoang vu, những người lớn tuổi sống gần đấy cũng không thể giúp anh biết được thông tin về người thân của anh.
Anh Nguyễn Trung Phương |
Ôm nỗi buồn chán quay về nhà, anh Phương gác lại việc tìm kiếm và lao vào công việc để quên đi nổi đau chia ly, và bế tắc trong hành trình tìm kiếm của bản thân. Cho đến vài năm gần đây, mẹ nuôi đã tìm thấy một số giấy tờ khi mới nhận anh về và cho anh biết anh được sinh ra tại Vĩnh Linh, Quảng Trị. Thêm một manh mối về nguồn gốc được mở ra. Tuy nhiên, vùng đất Vĩnh Linh nói lớn không lớn nhưng để có thể tìm một gia đình bị thất lạc con cháu thì cũng không đơn giản.
Để tưởng nhớ về cha mẹ mình, anh Phương nhờ một người bạn vẽ một chữ Cha, một chữ Mẹ để thờ cúng cho yên lòng đấng sinh thành. Anh đã chọn thời điểm mà giặc Mỹ lần đầu tiên đánh phá vào Vĩnh Linh là lúc 14g30 ngày mồng 7 Tết để làm ngày giỗ cho cha mẹ. Và anh đang thu xếp thời gian cho một chuyến đi dài ngày về vùng Vĩnh Linh để tìm lại họ hàng, nguồn cội của mình…
Giấy đăng ký khai sinh của Anh Nguyễn Trung Phương |
Ước vọng tìm em của người phụ nữ mang tên Hà Lan Hương
Khi 7 tuổi, chị Hà Lan Hương cũng đã có một gian sống tại trại thiếu nhi Nguyễn Bá Ngọc với 2 người em trai của mình. May mắn hơn những đứa trẻ khác, chị Hương nhớ được quê mình ở Vĩnh Linh, Quảng Trị, tên của mình là Lan, hai người em trai tên là Phượng và Hoàng. Khoảng năm 1967, không biết vì sao 3 chị em được ông dẫn đi đâu đó. Mấy ông cháu đi cùng một đoàn người rất đông trẻ em cứ đi bộ dọc theo đường biển. Trên đường đi, chị có nghe ông nói với mấy người là cha mẹ chị là liệt sĩ. Và kết thúc chuyến đi đó thì chị và hai em được đưa vào Trại nhi đồng, còn ông ngoại đã đi đâu thì không rõ. Ba chị em ở 3 độ tuổi nên cũng được đưa đến 3 khu khác nhau. Hằng ngày, đến giờ chơi chị Lan lại chạy đi thăm hai em cho đến ngày cả ba ngươi được các gia đình nhận về làm con nuôi.
Người em giữa tên Phượng khi đó mới 4 tuổi được một gia đình ở Hà Nội nhận về nuôi. Khoảng một năm sau thì chị và người em út cũng được bố mẹ nuôi đón về. Như một mối nhân duyên của những người có cùng hoàn cảnh nên ba mẹ nuôi của chị Lan và anh Hoàng vẫn thường xuyên gửi thư thăm hỏi nhau nên hai chị em có thể giữ được liên lạc cho đến bây giờ. Người em út tên Hoàng theo ba nuôi vào Quảng Ngãi, lập gia đình rồi vào miền Nam làm ăn. Người chị lớn đã gửi gắm việc tìm kiếm người em còn lại cho em út vì có lần nghe ba nuôi nói ba nuôi của em trai là bộ đội tập kết, nên chị đoán là em chị có thể theo ba mẹ nuôi vào miền Nam sinh sống. Nhưng những lo toan của cuộc sống, và những thông tin ít ỏi mà anh Hoàng nhớ về người anh thất lạc qua lời kể của chị gái thì vẫn còn gian nan lắm. Và chị Lan chỉ dám mong ước thôi vì với vài thông tin ít ỏi ấy trong biển người mênh mông thế kia thì như tìm kim dưới đáy biển.
Một gia đình tại Vĩnh Linh
Hai câu chuyện về số phận của những người từng sống tại Trại thiếu nhi Nguyễn Bá Ngọc, trong ký ức của họ luôn mang theo những hình ảnh về nơi mà họ từng ở. Và thêm một điều đặc biệt với họ đó là những cái tên như Cồn Cỏ, Cửa Tùng lại thân thiết 1 cách kỳ lạ mà chưa bao giờ họ lý giải được.
Một chuyến công tác, chúng tôi quay lại vùng đất Vĩnh Kim – Vĩnh Linh để xác minh những thông tin mình có được. Và chúng tôi đã lý giải được nguyên nhân của cuộc sơ tán trong trường hợp của anh Phương và chị Hương.
Cuộc đánh bom vào Quảng Trị của giặc Mỹ càng lúc càng ác liệt, đứng trước tình thế nguy cấp, đã có 30.000 học sinh Vĩnh Linh đã được sơ tán ra Bắc mang tên K8; tương tự, khoảng ngần ấy người già và trẻ em chưa đến tuổi đi học, người mất sức lao động đã ra Bắc, đến nơi an toàn hơn, trong 2 kế hoạch K10 và K15. Họ đã đi bộ ít nhất 100, rồi đi xe trong làn bom đạn thêm 500, 600 cây số nữa mới tới được nơi an toàn để bảo tồn và duy trì nòi giống.
Đón chúng tôi là một gia đình có truyền thống cách mạng, những con người đã hy sinh tuổi trẻ để bảo vệ mảnh đất của quê hương. Để rồi những ngày cuối đời họ chỉ mong mỏi một ngày được gặp lại 3 người cháu Lan, Phượng và Hoàng không biết đã lưu lạc nơi nào, trong cuộc sơ tán mang tên K10 vào năm 1967 của người già và trẻ em vùng Vĩnh Linh.
Anh chị mất, bà Quyên đi cùng cha già và các cháu nhỏ cùng nhiều gia đình khác lên đường đi sơ. Cả đoàn người đi bộ dọc theo đường biển ra đến Đồng Hới lại xin đi nhờ xe để ra Tân Kỳ, ròng rã mấy tháng trời, đến Tết năm 1968 thì bà Quyên và các cháu ra được đến Tân Kỳ – Nghệ An. Một hôm, khi 3 cháu đang chơi ở suối thì có người ở Trung Ương xuống để đón 3 cháu ra Bắc cho ăn học. Lúc đầu, bà cũng không đồng ý để các cháu đi, nhưng nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ quê hương được đặt lên hàng đầu, và quan trọng hơn là các cháu cần được sống. Rồi cũng từ đó, bà Quyên không biết thông tin gì của 3 cháu Lan (khi đó mới 7 tuổi), Phượng ( khoảng 4 tuổi) và (Hoàng chỉ mới 2 tuổi) . Rồi chiến tranh ác liệt, bà Quyên đã quay về Vĩnh Linh tham gia chiến đấu cùng anh, em tại quê nhà.
43 năm sau…
Một kết thúc có hậu và đầy xúc động, cả 3 tuyến nhân vật của Chương trình đều bất ngờ, cuộc gặp mặt của anh Phương với các cậu, dì và các em tưởng chừng như đã có thể khép lại Chương trình khi những điều mập mờ trong ký ức anh Phương dần được giải tỏa. Thế nhưng kết thúc Chương trình lại mang lại nhiều bất ngờ hơn nữa khi chị Lan và anh Hoàng cũng có mặt tại trường quay. Những mong ước cuối cùng của một thế hệ đã được thực hiện chỉ qua một chuyến đi. Và anh Phương cũng sẽ được thực hiện chuyến đi của mình, nhưng không còn là chuyến đi vô định nữa mà là một chuyến đi đặc biệt gặp lại những người họ hàng mà anh chưa một lần biết mặt. Và cũng từ cái thời khắc này, anh đã có người thân, có quê hương, họ hàng. Nếu như trước đây, anh vẫn hay tủi thân khi mỗi dịp Tết đến bạn bè anh lại sắp xếp đồ đạc để về quê thì ngày hôm nay anh cũng có thể làm được điều đó. Hơn thế nữa, bây giờ anh đã có được rất nhiều bà con, họ hàng. Đặc biệt là những người cậu, người dì tại Vĩnh Linh, họ luôn dang tay chờ anh trở về. Anh tự hào với cái tên Nguyễn Văn Phượng của mình nhưng cũng không quên cái tên Nguyễn Trung Phương mà ba mẹ nuôi đã đặt với ý nghĩa “hướng về một phương” và anh sẽ luôn hướng về cội nguồn của mình, nhưng cũng luôn ghi nhớ tấm lòng và tình yêu mà ba mẹ nuôi đã dành cho mình.
Thái Quỳnh