Hoạt động

Hà Nội ngày trở về

Ngày đăng: 30/10/2009 | Lượt xem: 11261

Phố Hàng Buồm, Hà Nội là nơi có cộng đồng người Hoa sinh sống khá đông. Có những con người sống gắn bó với nó cả đời và cũng có những câu chuyện cứ âm ỉ trôi đi… Có một gia đình gốc Hoa đã từng sống nơi đây, 46 năm trước một cô bé lên 3 đáng yêu, ngày nọ bỗng dưng mất tích...

Cô bé mất tích trên phố Hàng Buồm

Chị Triệu Lệ Cần lúc nhỏ

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, tóc đã bạc, hiện sinh sống ở ngôi nhà 34 Hàng Buồm, Hà Nội vẫn nhớ câu chuyện của người chủ trước của ngôi nhà này: “Con Cần, nó 3 tuổi… chưa được 3 tuổi đâu.. đi lạc mất. Thỉnh thoảng em trai của cô thất lạc ấy vẫn về đây hỏi.”

1963, số nhà 34 kia là tổ ấm của một gia đình gốc người Hoa, ông Triệu Đạt Quang và vợ là Nguyễn Kim Phương với 4 người con. Đứa con thứ 3, tên Triệu Lệ Cần năm ấy còn nói chưa rõ tiếng, hàng ngày vẫn chạy chơi lăng xăng khắp phố, khi ở nhà, lúc thì chạy lên hiệu uốn tóc của mẹ cách nhà 500 mét trên cùng con phố. Ngày 18/12, Hà Nội giữa mùa đông, chiều đến trời Hà Nội trở rét lạnh, cô bé được cha mặc cho bộ quần áo mới, khoác thêm chiếc áo ấm để đợi mẹ về dẫn đi chụp hình. Cõ lẽ thèm được cho chúng bạn hàng xóm biết rằng mình sẽ được đi chụp hình cùng chiếc áo mới, bé Cần vội chạy ra ngoài cửa khoe chuyện cùng mấy đứa trẻ hàng xóm và ngóng mẹ về. Chốc lát xong việc ông Đạt từ sau nhà lên gọi tìm con gái nhưng không thấy đâu. Chẳng rõ là do đợi mẹ lâu quá mà cố bé sốt ruột đi ngược lên quán của mẹ?

Cửa hiệu uốn tóc hôm đó đông khách nên bà Phương làm về muộn, nhưng bà về một mình vì con gái không chạy lên quán như mọi khi. Cả nhà hốt hoảng chạy đi tìm khắp. Không thấy bóng dáng cô bé Cần đâu. Bạn hàng xóm chơi cùng Cần thì đã về nhà bên mâm cơm tối.

Trong cái giá lạnh rét buốt, giữa bầu trời đang dần trở nên đen đặc ấy, cô bé mới lên 3 đang đùa vui bỗng chốc như tan vào hư không?!

Khi ấy cũng là đợt nghỉ phép, ông Quang đang tạm gác công việc dạy tiếng Hoa của mình trên Lạng Sơn để về thăm cái gia đình nhỏ của mình. Nhưng có ai ngờ được đó lại là lần cuối cùng ông được nhìn thấy đứa con gái của mình. Ông Quang xin ở hẳn lại nhà một thời gian để tiện cho việc tìm con của mình.

Công an tại địa phương cũng vào cuộc một cách nhiệt tình. Rồi một tháng sau, công an đến mang theo một tập ảnh trẻ con. Những tia hy vọng bắt đầu le lói. Trong tập ảnh đó lại có hình của một cô bé hơi giống Cần, đứa bé đó ở tận Lào Cai. Không từ bỏ bất cứ tia hy vọng nào, ông Quang thu xếp đồ đạc để lên đường đi Lào Cai với những gia đình có cùng hoàn cảnh mất con như mình. Để rồi sau đó lại thất vọng quay về. Ông Quang như người mất hồn, ra bến xe, thấy chiếc nào trống thì chui lên đó nằm, xe chạy, giữa đường lơ xe hỏi mua vé thì ông tỉnh người hỏi “xe đi về đâu?”

Gia đình ông Triệu Đạt Quang

Nỗi nhớ cũng dai dẳng theo thời gian, trong gia đình của ông Quang, bà Phương luôn có 1 vị trí cho đứa con gái không may mắn của mình. Những bữa cơm vẫn luôn có một cái chén nhỏ đặt ở chỗ bé Cần hay ngồi. Những ánh mắt của gia đình thi thoảng lại nhìn qua cái ghế trống ấy. Tâm sự với chúng tôi, ông Quang ngậm ngùi: “Nói dại một câu, nếu như nó chết rồi thì mình cũng sẽ không đau nhiều như thế, vì nỗi đau sẽ vơi dần theo thời gian khi biết nó đã nằm xuống ở nơi đâu. Nhưng đằng này có biết bao nhiêu điều có thể xảy ra với một đứa con gái lưu lạc từ bé như thế.” Sự lo lắng cứ lớn dần khi ông bà ngày càng cao tuổi, lo sợ cho cả một ngày mình nằm xuống mà vẫn không thấy con trở về.

Đứa con nuôi ở làng nghề làm lược sừng

2009, cách Hà Nội khoảng 20km, có một người phụ nữ tên là Nguyễn Thị Thủy làm việc trong một cơ sở sản xuất lược sừng cũng đã được một thời gian khá lâu. Những chiếc lược sừng của cơ sở này được xuất khẩu sang Trung Quốc và bán cho những vùng lân cận đều qua bàn tay chà mịn của người phụ nữ đấy.

Cả làng ở đây ai cũng biết chị là con nuôi ông bà Đoành. 46 năm về trước, chị Thủy được mẹ nuôi là Nguyễn Thị Oong đưa về đây trong một lần đi bán lược sừng tại chợ Đồng Xuân. Ngày ấy, thấy bé gái trắng trẻo, xinh xắn, mái tóc ngắn, mặc áo xanh với quần yếm đang đứng khóc bên bờ hồ Hoàn Kiếm một lúc lâu mà không ai đưa về, nên bà Oong đã dẫn đứa bé về nhà trên chuyến xe cuối cùng của ngày về huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Lúc mới về, bé gái luôn đòi về ngôi nhà có “hòn gạch” của mình, nhưng làm sao mà về được khi người lớn không thể hiểu hết được những lời nói bập bẹ của một đứa bé chừng 3, 4 tuổi. Bố mẹ nuôi hỏi “Mày tên gì”. Cô bé nói ngọng “Cằn”, “Kềnh”. “Sao mà đặt tên xấu thế, thôi đặt lại cho mày tên là Thủy”. Ông Đoành: “Thời gian đầu chúng tôi có nghóng trên đài xem có ai đăng tin tìm con thất lạc không, nhưng không thấy.”

Hình chị Nguyễn Thị Thủy năm 1980 và 1997

Chị Thủy được gia đình bố mẹ nuôi thương yêu rất mực. Bà Oong: “Nó đi đâu tôi nhớ nó ghê lắm. Nếu sau này tôi có chết thì xin hãy cho nó về gặp tôi lần cuối”.

Đến làng nghề này mới thấy cuộc sống cũng nhiều khó khăn vất vả lắm, nhưng tình cảm của con người giành cho nhau thì không bao giờ thiếu. Những người hàng xóm không máu mủ ruột thịt như anh Sinh, chị Lệ, chị Hương, chị Tưởng,… Họ cũng mong chị Thủy ngày nào đó có thể tìm lại được gia đình.

Tìm đến nhà chị Thủy, một ngôi nhà nhỏ được xây trên mảnh đất công của xã cấp cho. Ngôi nhà chỉ có hai mẹ con. Một người đàn bà đã đi đến nửa đời người vẫn long đong, khó khăn. Những lúc trời mưa gió, hai mẹ con ngồi trong nhà mà cứ sợ mái tôn che trên bị gió cuốn đi. Hằng ngày, chị đi làm thuê làm mướn cho những người trong làng, mãi đến vài năm gần đây thì chị Tưởng, một người bạn thân từ thuở bé mở cái cơ sở lược sừng đã mời hai mẹ con chị về làm việc cùng.

Thời gian trôi đi, nhưng những ký ức của những ngày sống cùng với bố mẹ như vẫn thấp thoáng đâu đó: “Nhà có cầu thang gỗ, lúc ở nhà hay trèo lên xem bắn pháo hoa. Ở gần nhà có cái hiệu may vẫn chạy sang lấy vải vụn về chơi”. Những ký ức mơ hồ đó vẫn theo đuổi chị suốt mấy chục năm qua như một sự nhắc nhở tìm lại ngôi nhà có “hòn gạch”.

Chờ đợi gần nửa thế kỷ cho cuộc đoàn viên

Tiếng tàu điện lenh keng trên những con phố cổ của Hà Nội nay đã không còn, thay vào đó là tiếng còi xe máy, xe ô tô huyên náo cả ngày. Phố Hàng Buồm tấp nập người hơn, các hàng quán nằm xen nhau… người ta không còn buôn bán tập trung chỉ một mặt hàng như trước…

Phố Hàng Buồm xưa

Từ Canada, gia đình ông Quang, bà Phượng trở về Việt Nam, trở về Hà Nội, về lại ngôi nhà cũ số 34 trên phố Hàng Buồm để thăm bà con sau nhiều năm xa quê…. Và chuyến trở về lần này cũng như bao lần khác, cũng mang trong lòng chút hy vọng mong manh thấy lại đâu đó bóng dáng cô bé con lên 3 năm nào chạy loanh quanh trước cổng nhà. Tóc ông bà nay đã bạc, bà Phương đã yếu, đi phải nhờ chiếc xe lăn. Anh Triệu Trọng Lễ, con kế út đẩy xe đi sau mẹ.

Rồi gia đình nhận được lời mời từ Chương trình NCHCCCL, không lạ lẫm, bởi anh Lễ đã đăng ký với chương trình. Niềm hy vọng lại bùng cháy trong mỗi người, có lẽ đây sẽ là cơ hội cuối cùng cho ông Quang và bà Phương, vì tuổi tác không còn chờ đợi nữa.

Chiếc lược sừng là món quà mà gia đình ông Quang, bà Phương và bao khán giả khác trong trường quay nhận được. Bà Phương cầm chiếc lược sừng, đồ nghề xưa kia mà bà vẫn hay dùng ở cửa hiệu uốn tóc xưa kia trên phố Mã Mây. Chiếc lược sừng khác với những loại lược khác là khi chải tóc sẽ không làm rối tóc, làm cho tóc mượt mà hơn. Bà Phương vẫn mân mê chiếc lược, chưa hiểu điều gì đang chờ đợi.

Những chiếc lược sừng này do chị Thủy và con gái chị Thủy trao tặng để giới thiệu về làng nghề truyền thống của mình. Người phụ nữ trung niên vất vả bươn chải với cuộc sống nhưng chị vẫn là một người phụ nữ mang cốt cách, dáng vẻ của những người phụ nữ Hà thành xưa kia, mang nét của người gốc Hoa, những dấu hiệu gì đó rất mơ hồ.

Có nét gì đó trên khuôn mặt của chị Thủy làm ông Quang, anh Lễ rồi bà Phương phải rùng mình.

Rồi nguồn gốc của chị Thủy được ông bà Đoành kể lại, tả lại hình dáng của cô bé năm nào mới bước chân về nhà ông bà. Những kỷ niệm mà chị Thủy còn nhớ trước khi thất lạc gợi lại cả một vùng ký ức trong thâm tâm gia đình người Hoa đang ngồi trong trường quay NCHCCCL.

Ông Quang đã bật khóc: “Còn một bí mật, con gái tôi… con gái tôi có vết sẹo nơi cổ chân. Trong một lần được chở đi thăm bà con bằng xe đạp. Bé Cần đã đưa bàn chân vào nan hoa và bị cào một vết xước lớn”.

Mà chị Thủy có vết sẹo ở cổ chân không?

Bí mật cuối cùng được tiết lộ, vết sẹo nơi mắt cá chân của chị Thủy, một vết sẹo dài có từ trước khi về với bố mẹ nuôi.

Tạm rời xa làng quê, chị Thủy bước vào trường quay NCHCCCL trong bộ áo mới, áo sườn xám đặc trưng của người phụ nữ Hoa kiều. Chị bước ra từ ô cửa “bí mật” để trở về với gia đình. Ngỡ cũng ô cửa xưa ấy mà chị bước chân ra ngoài và đi lạc, giờ đây lại được mở ra để đón chị quay về.

Cả gia đình ôm chầm lấy người con, người em, người chị. Và giờ đây chị đã biết được tên thật của mình – Triệu Lệ Cần. Cả gia đình có chung một khuôn mặt. Sau những tiếng khóc, câu đầu tiên chị thốt lên lời “Con nhớ mẹ”. Nỗi nhớ dài 46 năm!

Chị Nguyễn Thị Thủy đoàn tụ của gia đình tại trường quay NCHCCCL

Sau cuộc đoàn tụ, ông Quang : “Đã xuôi ngược đi tìm con khắp nơi, lên tận miền núi phía Bắc, nhưng lại chưa bao giờ đến Thường Tín, Hà Tây xưa. Không ngờ! Có những sợi dây liên kết mong manh như thế… như chiếc lược sừng này.”

Những câu chuyện kỳ diệu như thế vẫn sẽ được Chương trình NCHCCCL kể tiếp.

Thái Quỳnh

} else {

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *