Hoạt động
Con đã về!
Ngày đăng: 14/02/2012 | Lượt xem: 1688
Mòn mỏi đợi con
Lá thư tìm con của người mẹ đã qua cái tuổi 80, còn người con gái mà cụ muốn tìm cũng đã qua cái tuổi 60. Câu chuyện của cụ bà Nguyễn Thị Nam, một trong những người mẹ đã có những cống hiến âm thầm cho nền độc lập của nước nhà, mong muốn tìm đứa con gái đã được đưa ra Bắc học tập từ những năm 1954. Để rồi đằng đẵng mấy chục năm sau đó, người mẹ già vẫn ngày ngày đi hỏi thăm những người từng đi tập kết xung quanh mong biết thêm chút thông tin về người con gái yêu thương của mình.
Người mẹ già đã bước qua tuổi 80 chỉ còn một nguyện vọng cuối đời là tìm được đứa con gái đã được đưa ra Bắc học tập từ những năm 1954 |
Thời gian trôi đi, những người con từ vùng đất Bình Định đi tập kết lần lượt quay về với đất mẹ, nhưng tin tức về người con gái có cái tên rất đặc biệt – Đặng Thị My Non vẫn biệt vô âm tín. Những thông tin cuối cùng mà cụ Nam được biết là con cụ đã lấy chồng rồi theo chồng vào Bạc Liêu hay Cần Thơ sinh sống.
Người chú ruột vẫn nhớ như in ngày cháu gái nhờ ông bện chổi để cháu đem theo |
Chúng tôi tìm đến nhà cụ Nam vào những ngày cuối năm, những bông hoa vạn thọ đã bắt đầu nở rộ ngoài sân. Cụ đón chúng tôi như đón những người mang thông tin của con gái về cho cụ. Những tâm sự, hỏi han của người mẹ già thường xoay quanh người con gái của mình. Không ít lần bà tự trách mình vì không còn giữ được tấm hình nào của con để đi tìm. Nhưng nhà cửa cũng dăm bảy lần thay đổi vì chiến tranh ác liệt, tính mạng con người còn khó giữ huống hồ gì là hình ảnh.
Người mẹ già vẫn luôn tự trách mình khi không giữ được hình ảnh nào của con gái |
Quay lại câu chuyện của một học sinh miền Nam tập kết với cái tên rất đặc biệt là Đặng Thị My Non. Với sự hỗ trợ của Cục Nghiệp vụ Hồ sơ Cảnh sát – C53 đã tiến hành tra cứu hồ sơ ở 6 tỉnh miền Tây Nam Bộ để có được những thông tin ban đầu. Cái tên NON không phổ biến lắm. Cụ Nam đặt tên con là NON để hợp lại thành cái tên NAM NON dễ thương dễ nhớ – tên một loại gió nổi chưa kịp chuyển thành xoáy ở đất Bình Định. Cũng nhờ các tên ấy, mà Đội Tìm kiếm không quá vất vả thẩm định nhiều trường hợp, mà đã sớm tìm được bà Non tại Tiền Giang.
Câu chuyện của được kể từ ngày xa gia đình ra Bắc học tập khi mới 9 tuổi. Ký ức về quê hương và người thân cũng đã nhạt dần theo thời gian. Còn nhớ ngày bà đi tập kết ra Bắc, vì còn nhỏ nên bản thân rất háo hức, phấn khích cho chuyến đi xa. Với bà, lúc đó được đi học như vậy là hạnh phúc nhất. Nhưng khi ra Bắc học, thì niềm phấn khích ấy cũng vơi dần khi những dịp nghỉ hè, nghỉ Tết, các bạn ai cũng có mẹ cha đến đón đi chơi, đón về nhà ăn Tết, còn bà thì cô đơn trong căn phòng tập thể.
Bà Non chia sẻ câu chuyện chia ly của bản thân |
Nhưng “người tính cũng không bằng trời tính”, sau ngày giải phóng, bà Non theo chồng vào ngay Tiền Giang sinh sống. Dù luôn mang trong lòng nỗi nhớ quê, nhớ nhà, nhớ mẹ! Nhưng cứ nghĩ đến mẹ cũng đã đi bước nữa, quê nhà thì bom đạn như thế chắc còn ai không để trở về. Phần vì cuộc sống cũng quá vất vả, mình bà bươn chải nuôi các con khôn lớn, lớp chồng cũng trở bệnh liên miên từ sau ngày phục viên. Cuộc đời cứ thế trôi đi, khi gia đình họ hàng bên chồng hỏi thăm, con cái lớn lên cũng mong được biết về quê ngoại. Nhưng mỗi lần như thế bà đều nói tránh đi, dù trong lòng cũng chất chứa không ít niềm chua xót….
Con đã về!
Nghe nói có người đi tìm mình, bà Non cũng trăn trở lắm, không đoán được là ai. Chương trình NCHCCCL đã chuyển lời hỏi thăm của cả trường Học sinh Miền Nam tại Hải Phòng. Bức ảnh trắng đen đã được chương trình phóng lớn hơn. Thời gian đã làm con người ta thay đổi nhiều so với bức ảnh, nhưng có lẽ những người bạn học sinh miền Nam vẫn nhận ra được người bạn học đã mất liên lạc suốt mấy chục năm qua.
Bà Non xúc động khi nhận bức ảnh của những người bạn học sinh Miền Nam tại Hải Phòng gửi tặng thông qua Chương trình NCHCCCL |
Cả khán đài hơn ngàn người lặng đi khi bà Non cất tiếng trong nức nở “Tôi có lỗi với gia đình!” khi nhìn thấy mẹ già và quê hương trong những hình ảnh chiếu trên màn hình. Cả khán đài lại ào lên vỗ tay vang lừng, khi dáng liêu xiêu của người mẹ hiện ra, và khi bà Non nhận ra liền chạy lại ôm mẹ. Sau phút xúc động nghẹn ngào, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Nam Á SeABank, ông Đặng Bảo Khanh đã tặng cho cụ Nguyễn Thị Nam một sổ tiết kiệm – một khoản tiền để giúp cụ Nam có điều kiện sửa nhà để đón con gái về thăm quê.
Bà Non cất tiếng trong nức nở “Tôi có lỗi với gia đình!” khi nhìn thấy mẹ già và hình ảnh quê hương |
Ảnh: Bảo Long, Bùi Vũ, Khanh Ngô