Hoạt động

Cô gái Mường tìm em bên kia đại dương

Ngày đăng: 21/04/2008 | Lượt xem: 1378

Oanh là một cô bé mồ côi, dân tộc Mường, làng cô ở thuộc một xã xa xôi và nghèo nhất tỉnh Hòa Bình. Năm 1994, cả gia đình vừa dọn về nhà mới, niềm vui chưa được bao lâu thì tai họa ập đến. Một bữa cơm tối, cả gia đình ăn phải nấm độc, ba, mẹ và anh trai đều qua đời chỉ còn lại Oanh (do đi làm về mệt quá không ăn cơm) cùng em Lương (được cấp cứu kịp thời) và cậu em út vừa tròn 3 tháng tuổi là thoát khỏi lưỡi hái của thần chết.
 

Oanh trở lại bản làng cũ


Tuổi thơ cơ cực

Từ đó, tất cả trách nhiệm của một người chủ gia đình đổ lên vai cô bé Oanh 11 tuổi, kể cả món nợ mà bố mẹ vay để làm nhà. Tất cả đồ đạt trong nhà chủ nợ mang đi hết, căn nhà không biết bằng cách nào cũng được sang tên cho bác (anh bố). Sau này hỏi lại: “Oanh có giận bác không?”. Cô trả lời: “Bác cần nhà để ở” và những ngày Oanh đi xa làm lụng kiếm tiền nhưng cô cũng dành dụm gởi về phụ bác.
Hai tháng sau ngày cha mẹ mất, hai em của Oanh là Lương và Thương lần lượt được gởi vào trại trẻ mồ côi Hòa Bình. Riêng Oanh, bác giữ lại nuôi để có người hương khói cho ba mẹ. Và, Oanh một buổi đi học còn một buổi đi làm thuê kiếm tiền trả nợ cho gia đình. Đó là một giai đoạn cơ cực, tuổi thân và buồn nhớ hai đứa em. Mỗi khi kể lại, mắt Oanh thường rất xa và nói “Chị không tưởng tượng được đâu, lúc nào em cũng thấy đói và đói đến mức nhiều khi phải ăn cả cỏ…”.
Nhà bác nghèo quá, Oanh thường phải vào rừng đào khoai sắn để kiếm cái ăn, nhiều hôm trời mưa, nhớ các em kinh khủng mà không biết tìm em ở đâu. Từ bé, Oanh luôn nung nấu quyết tâm đi tìm em. Học xong lớp 12 và cũng vừa trả hết số nợ 6 triệu, Oanh xin phép bác lên Hòa Bình tìm hai em, bác không cho, bắt ở nhà lấy chồng. Oanh kiên quyết: “Dù thế nào cháu cũng phải tìm được em”, thấy không thể thuyết phục được Oanh, bác đành chấp nhận và cho cô 30.000 đón xe ra Hòa Bình.
 
Thân gái một mình
Tại trại trẻ mồ côi Hòa Bình, Oanh biết được em Thương được một gia đình người Mỹ nhận nuôi và đưa đi nước ngoài lúc bé vừa được 6 tháng. Hai năm sau, gia đình này quay lại Trung tâm để tìm một người con nuôi nữa, biết Lương là anh của Thương nên họ nhận nuôi luôn cho anh em được đoàn tụ.
Không tin tức, không địa chỉ và ngay họ tên mới của hai em cũng không nhưng điều đó không lay chuyển đươc quyết tâm đi tìm em trong Oanh. Cô tiếp tục ở lại Hòa Bình, làm thuê trong một quán ăn từ 3 giờ sáng đến đến 8 giờ đêm,với mức lương 300 ngàn một tháng. Công việc nặng nhọc, cô thường xuyên bị mắng chửi và Oanh thấy ở đấy không có khả năng tìm được em nên quyết định ra đi trong khi chưa nhận được một đồng lương nào.
Oanh đến Hà Nội và xin tá túc ở nhà một người bác họ, bác tìm cho cô công việc tại một công ty giày da, làm được một tuần thì công ty hết hàng, thua lỗ, họ không trả lương công nhân. Oanh về phụ quán bún ngan cho bác ở chợ Mơ, hàng Hoàng Yến. Oanh làm việc rất giỏi và cả chợ ai cũng biết tới Oanh với kỷ lục bê một lúc 40 tô bún. Oanh kể: có những ngày giáp Tết, cô phải dậy từ 2 giờ sáng đi làm ngan, có hôm bị cướp giật dây chuyền, may mà oanh giật lại được.
Bác thương Oanh nhưng lại rất nóng tính, hay mắng cháu. Một lần bị mắng, buồn và tủi thân nên Oanh bỏ nhà ra đi mà chẳng biết về đâu với số tiền 2000 đồng trong túi. Cô lên đại xe buýt, xe đi đến Hà Đông. Đến đó tần ngần mãi không biết đi đâu, trong túi không còn đồng nào, cô liều đón xe tải xin đi quá giang. Đường đêm, trên xe chỉ có hai người nên tên tài xế giở trò sàm sỡ. Sợ hãi nhưng cô lấy hết bình tĩnh chống cự lại và kể cho hắn nghe về hoàn cảnh của mình và cuối cùng hắn cũng chở cô về đến nhà một cách an toàn.
Trong thời gian ở nhà bác, ngày đi phụ bán quán tối về đi học thêm. Dù công việc cực nhọc, mệt mỏi bao nhiêu, Oanh cũng không xao lãng việc học. Khổ quá thì phải quyết tâm học mới mong tìm được em, tìm em là ý nghĩa và động lực sống của cô. Oanh nhớ lại: “Có những hôm buồn và nhớ em quá, mình leo lên sân thượng nằm khóc và ngủ thiếp trên đó, có những lúc tủi thân quá, muốn tự tử nhưng nghĩ biết đâu em cũng đang đi tìm mình cựu khổ, mình làm sao chết được, lại thôi”.
 
Lên mạng tìm em
Ở Hà Nội, thỉnh thoảng về quê, Oanh vẫn thường ghé vào trại trẻ mồ côi Hòa Bình để mong tìm được một chút tin tức về hai đứa em. Theo qui định, họ không thể cung cấp bất kỳ thông tin nào về người nhận nuôi trẻ cho thân nhân vì sợ rắc rối phiền nhiễu. Nhưng thấy Oanh tha thiết quá, người phụ trách trại đã cho oanh một tấm hình nhỏ xíu chụp Lương được gởi về từ Mỹ, phía sau tấm hình có dòng chữ Garvey Lương. Và, đó chính là manh mối duy nhất mà Oanh có đươc. Để tìm em, Oanh gõ cửa khắp nơi để tìm kiếm, Oanh đến cả Sở Tư pháp nhưng vẫn vô vọng.
Chị họ là người bạn thân nhất, một hôm chị bảo “Lên internet, vào google mà tìm”, Oanh ngơ ngác chả hiểu Google là gì. Oanh đăng ký học vi tính, sau một năm học, Oanh cũng mày mò lên mạng, vào google gõ “Garvey Lương”  tìm, có hàng mấy chục nghìn trang thông tin. Thật bối rối, Oanh lại đi nhờ nhiều người, có một người rất giỏi tin học giúp Oanh khoanh vùng ở “Garvey’s story” và loại trừ dần dần và cuối cùng cô bé cũng tìm thấy người bấy lâu mình tìm kiếm.
Nhưng làm sao để liên lạc được với gia đình Lương? Oanh bắt đầu lân la tìm đến những người Mỹ đến Việt Nam làm từ thiện, Oanh làm quen với một phụ nữ Mỹ hoạt động trong một tổ chức từ thiện. Oanh kể mỗi lần tìm bà, cô phải chờ đợi chầu chực cả ngày trời ở ngay cổng khách sạn để gặp được bà, bởi công việc của người phụ nữ này khi sang Việt Nam cũng rất bận rộn nên ít có thời gian cho Oanh. Cuối cùng cũng gặp được và nhờ bà tìm giúp địa chỉ của hai em tại Mỹ. Nhưng lại gặp khó khăn vì thông thường ở Mỹ họ nghiệm cấm việc thân nhân liên lạc với gia đình nuôi nhận trẻ mồ côi. Mãi đến 2 năm sau, người phụ nữ ấy mới có được thông tin đầy đủ của hai em Lương và Thương. Oanh diễn tả lại cảm xúc lúc nhận tin đã tìm được địa chỉ của em: “Vui mừng không nói được gì, chỉ khóc thôi”.
 
Niềm vui ngày đoàn tụ
            Có được số điện thoại của hai em, nhưng mãi đến 2 tháng sau, Oanh mới có đủ can đảm gọi điện thoại sang Mỹ, bố mẹ nuôi của Lương và Thương biết được Oanh là chị của hai con mình, ông bà rất vui. Riêng về Lương, từ khi rời xa chị, cậu bé cứ nghĩ đi vài hôm lại về, không ngờ lại biền biệt đến như vậy. Sang ở với bố mẹ nuôi, Lương cô gắng học và nói tiếng Mỹ một cách trôi chảy để bố mẹ nuôi vui lòng. Dần dần, ký ức về Việt Nam và người chị gần như phai nhạt trong Lương. Cho đến khi Oanh gọi sang, niềm thương nhớ lại trào dâng, cậu bảo “Em chợt thấy nhớ nhà khủng khiếp, nhớ chị Oanh, nhớ bạn bè và cả những buổi đi bừa”. Lương quyết định đi làm thêm ngoài giờ đi học Đại học để dành dụm tiền về thăm chị.
            Ngày 30.6.2007, Oanh đón cậu em lần đầu tiên về thăm quê hương, khi chờ ở Sân bay Tân Sơn Nhất, cô bình tĩnh nhưng vừa thoáng thấy bóng em trong khu cách ly, Oanh đã ném cả ví cả giày chạy vào ôm em. Niềm vui không thể kiềm nén được. Thật xúc động khi Lương còn khoe với chị về hình xăm đầu tiên trên cánh tay của mình là tên Oanh và lá cờ Việt Nam.

Hai chị em Oanh – Lương trong ngày gặp lại nhau

Trong đêm trao đổi cùng Chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…” số thứ 5, với vai trò là một Tình nguyện viên, Oanh đã gợi ý với hai nhân vật đang nỗ lực tìm người thân và với hàng triệu khán giả xem đài, rằng hãy viết một bức thư kèm thông tin và hình ảnh của người thân cần tìm, sau đó gởi cho tất cả bạn bè trong danh sách mình có được. Và, số lần gởi sẽ nhân lên theo cấp số nhân, đó là cơ may để mọi người có thể tìm người thân.

Oanh cũng tâm sự, ngày bé cô mơ ước lớn lên sẽ làm bác sĩ vì nếu ngày xưa bố mẹ được cấp cứu sớm thì có lẽ chị em cô đã không phải mỗi người một phương thế này. Và, ước mơ đó sẽ vẫn mãi theo cô, đến khi nào có điều kiện Oanh sẽ thực hiện. Còn hiện tại, cô đang làm việc trong một tổ chức từ thiện và Oanh vừa thi đậu vào đại học, học chuyên ngành kế toán. Cảm động trước nghị lực của cô gái nhỏ nhắn này, Công ty Vinagame đã trao một học bổng trị giá 10 triệu đồng để giúp Oanh trang trải học phí và phần nào yên tâm trong việc học hành.
 
NGUYỆT PHẠM

} else {

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *