Hoạt động
Chuyện đời Trần Thị Hạ – Kỳ 2: Không bỏ cuộc
Ngày đăng: 11/11/2007 | Lượt xem: 1267
Trần Thị Hạ và mẹ chồng. Hạ nói rằng chị biết ơn mẹ chồng vì đã cưu mang, thương chị như con ruột – Ảnh: Chúc Xin |
Làm ở nhà máy khoảng một tháng, Trần Thị Hạ gặp một người phụ nữ và tâm sự hết hoàn cảnh của mình cho người đó nghe.
Người này nói sẽ giới thiệu cho Hạ một người chồng tốt, khuyên chị cứ lấy chồng rồi từ từ tìm bố mẹ sau cũng được. Lúc đó Hạ không có nhiều tiền, lại không biết chữ, cuộc sống rất bấp bênh, muốn về nhà không phải chuyện dễ. Nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng Hạ quyết định nhận lời.
Lễ cưới “treo”
Hạ về nhà chồng năm 1995 vào một ngày lặng lẽ không kiệu hoa, không kèn trống vì lúc đó nhà chồng rất nghèo. Số tiền 3.300 tệ (khoảng 6,6 triệu đồng) mà họ phải bỏ ra cho người phụ nữ mai mối đã là một khoản tiền quá lớn.
“Khi mình mới về, mẹ chồng nói rằng vì nhà rất nghèo, không lấy được vợ cho con trai nên mới đem chị về làm vợ”, Hạ kể lại. Nhà chồng đã hứa khi nào con trai Hạ tròn 16 tuổi sẽ tổ chức một lễ cưới đàng hoàng cho chị vì bây giờ họ còn rất khó khăn. “Cũng sắp đến rồi, năm năm trôi qua nhanh lắm!", Hạ đưa mắt nhìn xa xăm khi nhắc đến lễ cưới “treo” lẽ ra đã được tổ chức cho mình 12 năm trước.
Lúc mới về nhà chồng, Hạ không phải làm nhiều việc, chỉ thỉnh thoảng đến nhà chú chồng phụ giúp làm bánh ngọt. Chồng chị là một người khá khó tính và nóng nảy, thời gian đầu mỗi khi phật ý thì lại dùng vũ lực với vợ, nhưng bây giờ đã đối xử với chị tốt hơn. Có lẽ một phần vì chị đã sinh được cho gia đình cháu trai đích tôn.
Kể đến chuyện sinh con, giọng Hạ đượm buồn. “Theo qui định của Trung Quốc, phụ nữ trước khi sinh phải khai báo với chính quyền. Vậy mà mình được đưa đến bệnh viện với duy nhất cái bụng bầu, không hộ khẩu, không giấy tờ tùy thân.
Lúc đó mình rất sợ, sợ bệnh viện sẽ không cho sinh thì không biết làm thế nào”. Cuối cùng, không biết chồng Hạ chạy chọt thế nào, chị cũng đã được mẹ tròn con vuông. Con chị được đặt tên Ngô Quân Tân, được nhập hộ khẩu và mang quốc tịch Trung Quốc.
Nhờ có con trai, cuộc sống của Hạ mới dễ thở hơn, nhưng không vì thế mà chị nguôi nỗi nhớ nhà. Nhiều hôm nhớ món ăn VN, chị lại tự nấu rồi bưng chén ăn một mình. “Về VN, mẹ sẽ nấu cho mình ăn. Mẹ nấu riêu cá, đậu xào rau, cá kho, ngon lắm”, Hạ bập bẹ nói bằng tiếng Việt, mắt đỏ hoe.
Tìm lại gia đình
Trần Thị Hạ(bìa phải) đưa phóng viên Tuổi Trẻ đi giới thiệu xóm làng nơi chị ở. Đi trước là chồng và con trai của Hạ, đi sau là em chồng và chú Hai – Ảnh: Chúc Xin |
“Đừng kể với bố mẹ về cảnh nghèo của mình, mình không muốn bố mẹ đau lòng”, Hạ dặn đi dặn lại khi dắt chúng tôi vào nơi mà chị đã gắn bó cuộc đời 12 năm qua. Đó là một căn nhà đất điển hình của làng quê Trung Quốc, nhỏ bé và tối om, nằm khiêm tốn trong khoảng sân chung tại một ngôi làng ở huyện Tấn Giang, cách trung tâm thành phố Tuyền Châu (tỉnh Phúc Kiến) khoảng 40 phút ôtô.
Tài sản quí nhất trong ngôi nhà đất ba gian nhỏ và trống hoác là chiếc tivi để trong phòng ngủ. Thấy chúng tôi nhìn những chỗ thủng trên mái ngói, Hạ cười gượng gạo, đuôi mắt hằn vết chân chim: “Mỗi lần trời mưa là dột. Khổ lắm!”.
Với mức thu nhập ba bốn chục tệ mỗi ngày (khoảng 60.000-80.000 đồng) từ tiền chạy xe ôm của người chồng, những chỗ thủng ấy không biết bao giờ mới được vá lại. Hiện nay Hạ chưa có công việc ổn định. Khi con trai được 6 tuổi, chị mới bắt đầu đi làm ở nhà máy.
Thời gian đầu chị làm thuốc tiệt trùng, sau chuyển sang gói kẹo. Nghề gói kẹo làm việc theo thời vụ nên thu nhập của chị rất thấp. Làm được một thời gian, có người giới thiệu chị đi làm nhang, lương khá cao nhưng bụi nhang làm mắt chị đã kém vì thường khóc nhớ nhà lại càng kém hơn. Sợ không còn nhìn thấy đường nữa, chị đã nghỉ làm.
Bố mẹ chồng Hạ năm nay đã ngoài 60 tuổi, sống cách đó không xa. Thấy chúng tôi đến, ông bà tỏ vẻ hoan hỉ. Hai người không nói được tiếng phổ thông, cứ nắm lấy tay chúng tôi ngỏ ý cảm ơn. Hạ nói mọi người ở đây từ gia đình chồng đến xóm giềng đều đối xử tốt với chị, nhất là mẹ chồng.
Bà là người hiền hậu, đã chỉ bảo Hạ từng li từng tí khi chị mới về làm dâu, chăm sóc chị khi đau ốm cũng như lúc sinh nở. “Thấy mình không bố không mẹ nên thương như con gái” – Hạ nói, ánh mắt mang đầy vẻ biết ơn khi nhìn sang người mẹ chồng đang ôm ấp đứa cháu nội Quân Tân mà bà cưng hơn báu vật. Chị biết ngôi nhà nhỏ của mình còn đơn sơ tạm bợ, điều kiện sống còn nhiều thiếu thốn, nhưng “được chồng thương yêu, gia đình chồng đối xử tốt như vậy cũng đủ rồi”.
Bố chồng chị Hạ có ba người em trai. Đại gia đình chồng với hơn 30 người sống quây quần trong xóm, ra vào gặp mặt hằng ngày nên nhà một người có chuyện thì cả họ cùng biết. Hôm chúng tôi đến, các chú thím, hàng xóm láng giềng, em chồng và bạn bè của chồng chị kéo đến chộn rộn cả một khoảng sân. Mọi người đều rất vui mừng cho Hạ đã tìm lại được gia đình.
“Biết tin đại sứ đã gặp Hạ để giúp đỡ, chúng tôi rất mừng. Chỉ mong sao Hạ sớm có hộ chiếu để về VN. Ở nhà ai cũng muốn Hạ được về nước, được gặp lại bố mẹ” – ông Ngô Đậu Lạp, chú Hai của chồng Hạ, vui vẻ nói. Nhưng người vui nhất có lẽ là cậu bé Ngô Quân Tân, vừa gặp chúng tôi đã khoe: “Từ nay cháu có ông bà ngoại rồi!”.
Mọi người kể rằng trước đây khi nghe Hạ nói mình là người Việt, ai cũng cho rằng đầu óc chị có vấn đề, không ai chịu tin. Nhưng trong đầu Hạ lúc nào cũng vang lên ý nghĩ thôi thúc không được bỏ cuộc. Trước sự quả quyết của chị, họ cũng nhượng bộ và tìm nhiều cách để “giải mã” mảnh giấy tìm đường về nhà của chị.
Họ đã đem nó lên đồn công an địa phương, rồi đưa cho những sinh viên đại học ở trong làng để xem, nhưng chẳng ai biết đó là ngôn ngữ gì. Khi mọi việc dường như đã rơi vào bế tắc thì may sao thím Vương, vợ chú Tư, chợt nhớ đến một nơi, đó là báo Đông Nam Buổi Sáng.
Đây là tờ báo lớn của Tuyền Châu, lại có phát hành một tạp chí chuyên về Đông Nam Á. Biết đâu họ có thể đọc được mảnh giấy viết thứ chữ lạ này. Vậy là thím Vương vội gọi điện thoại đến tòa soạn báo. Chính từ cú điện thoại ấy mà bí ẩn về cuộc đời Trần Thị Hạ mới dần dần được sáng tỏ.
Trên hành trình tìm đường về nhà, Hạ may mắn gặp được nhiều người tốt bụng hết lòng giúp đỡ. Đoạn kết có hậu trong câu chuyện của chị là minh chứng cho thấy lòng tốt vẫn luôn hiện hữu trên cuộc đời này. |
THANH TRÚC – CHÚC XIN (Tuổi Trẻ)