Hoạt động
Chào đời 35 năm mới gặp lại mẹ
Ngày đăng: 25/02/2008 | Lượt xem: 1159
Ảnh: Nguyễn Hữu Thành lúc còn bé |
Ảnh: Nguyễn Hữu Thành lúc còn bé |
Từ khi chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…” xuất hiện đến nay, đội tìm kiếm cũng đã kịp tìm ra 28 trường hợp, có hồ sơ chỉ cần “lên đường” lần đầu đã tìm ra, cũng có những trường hợp tiến hành tìm mất vài tháng. Nhưng, hồ sơ anh Nguyễn Hữu Thành tìm mẹ lại là một trường hợp hi hữu. Lúc đầu tưởng đã tìm ra nhưng cuối cùng lại không phải, những lúc tưởng rằng đã bế tắc thì câu chuyện lại đột ngột chuyển hướng. Và cuối cùng rất may, chúng tôi đã tìm ra gia đình cho anh Thành vào những ngày cuối cùng của năm Đinh Hợi.
Hồ sơ của anh Nguyễn Hữu Thành tìm người thân được đăng ký qua email mang mã số 21, thông tin chúng tôi có được là Nguyễn Hữu Thành sinh ngày 20/12/1972, mẹ tên là Lê Thị Út sinh năm 1949, cư trú tại An Hữu, Giáo Đức, Định Tường. Bà Út cho con vào Cô nhi viện Thánh Bảo Lộc, Vĩnh Long vào năm 1972 và người làm chứng là ông Lê Văn Được.
TỪ KINH ĐỘNG KHẮP XÃ
Đây là hồ sơ tương đối có thông tin, dựa vào những manh mối đó, đội tìm kiếm đã sàng lọc ra một danh sách các bà Út sinh năm 1949 và gọi điện thoại xác minh trước, công việc này đơn giản tuy nhiên rất mất thời gian. Trong mấy chục bà Út đó, có một người ở xã Hòa Hưng bảo là có quen với ông Được. Chúng tôi rất hy vọng đây chính là mẹ ruột của anh Thành nhưng khi lặn lội xuống tận Hòa Hưng thì bà trả lời “Tôi có biết một người tên Được, nhưng ông này là người tôi quen khi lên Tp. HCM làm công nhân”,và bà chưa từng ở xã An Hữu.
Đi ngược ra xã An Hữu, ở đây cũng có một anh Được nhưng tuổi quá trẻ, không thể là ông Được mà chúng tôi cần tìm. Nhờ sự giúp đỡ chỉ dẫn nhiệt tình của những người dân quê, đội tìm kiếm xác minh thêm một người tên Tư Được ở xã Thiện Chí, cạnh bên nhà ông cũng có một người tên Lê Thị Út khoảng 60 tuổi mà Thiện Chí và xã An Hữu cũng rất gần nhau. Tuy nhiên sau khi tiếp xúc với họ, đội tìm kiếm nhận thấy đây chỉ là những thông tin trùng khớp ngẫu nhiên.
Sau nhiều cuộc xác minh thông tin từ xa cũng như những lần xuống tận Tiền Giang nhưng hành trình tìm kiếm như mò kim đáy bể. Nhưng, chương trình quyết không bỏ cuộc chỉ vì một chi tiết cảm động đó là lần đầu tiên đội tìm kiếm tiến hành tìm ở Tiền Giang, có hẹn gặp anh Thành và bố vợ anh là người đã lái xe đưa con rể đi từ Đồng Tháp lên Tiền Giang và chúng tôi thầm nghĩ, chỉ có những người tốt, chân thành và sống có nghĩa có nhân thì mới được bố vợ thương đến như vậy.
ĐẾN MỞ RỘNG TÌM KIẾM RA CẢ HUYỆN
Lần thứ ba quay trở lại Tiền Giang, chúng tôi quyết định mở rộng địa bàn tìm kiếm ra các xã trong huyện Cái Bè. Trong lần này xác định thêm được 5 bà Lê Thị Út tại các xã Hòa Hưng, Hậu Mỹ Bắc, Mỹ Đức Tây, Thiện Trung. Xã Hậu Mỹ Bắc là nơi đội tìm kiếm tiến hành xác minh trước tiên.
Dựa vào danh sách đã xác minh, ở xã này có một bà Lê Thị Út ở ấp Mỹ An cũng sinh năm 1949. Chúng tôi lần theo địa chỉ đi tìm, đường vào ấp gập ghềnh, sình lầy rất khó đi, đội tìm kiếm phải xách giày đẩy xe tiến vào. Nhưng, thật thất vọng khi gặp Công an địa phương thì lại nhận được câu trả lời ở đây không có người mà chương trình cần tìm.
Vậy là một trong năm bà Út đã loại khỏi danh sách, chúng tôi quyết định đến xã Thiện Trung, khi nghe chúng tôi trình bày, anh Huy – phó Công an xã Thiện Trung – rất nhiệt tình tìm kiếm hồ sơ về bà Lê Thị Út và kết quả làm chúng tôi nhẹ cả người. Đích thực có bà Lê Thị Út đang sinh sống tại xã này, bà không có chồng con. Tia hy vọng đã lóe sáng trong đầu chúng tôi. Nhưng, anh Huy cũng không biết nhiều về bà Út nên anh đã đưa chúng tôi đến gặp gia đình ông bà Bảy, người sống tại ấp này từ xưa đến giờ.
Nhà bà Bảy ngay bên nhà bà Lê Thị Út. Bà Bảy năm nay đã ngoài 70 nhưng còn rất khỏe và trí nhớ minh mẫn, bà khẳng định là không có chuyện sinh con rồi đem cho vào cô nhi viện Vĩnh Long. Chúng tôi còn bán tín bán nghi nên bà đã trực tiếp sang gọi cô Út qua gặp mọi người. Cô Út khẳng định lại một lần nữa không có chuyện này. Cô còn nói thêm, cô không có con nếu như ai muốn nhận cô làm mẹ thì đó là niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời.
Anh Huy lại tiếp tục đưa chúng tôi qua gặp một người khác tên là Út Mười, đến nhà thì bà đã đi Đồng Tháp nhưng em gái bà xác định chị mình không phải là mẹ của Nguyễn Hữu Thành. Bà lại nói ở xóm này có bà Lê Thị Út, trước có sinh một đứa con nhưng cho người nào nuôi thì không biết. Bà nhớ lúc đó mình khoảng 14 tuổi đã chăm sóc cho thằng bé này trong vòng mấy tháng. Chúng tôi đưa hình của cháu bé trong hồ sơ, xem xong bà khẳng định đây là đứa bé hồi trước mình chăm sóc, “…đứa bé có hai má lúm đồng tiền rất dễ thương”.
Để chính xác hơn, chúng tôi xin số điện thoại của bà Út Mười để hỏi thêm thông tin. Vì bà Út Mười trước làm chung trong tiểu đoàn quân y, và biết rất rõ về bà Lê Thị Út, nhưng gọi điện thoại cũng không liên lạc được. Sau đó, chúng tôi được biết, thủ trưởng đơn vị quân y trước kia là chú Ba Kiên, tìm đến nhà thì chú lại đi vắng, vợ chú lại có thông tin cô Út này hiện đang ở trên Tp.HCM thường xuống nhà chú chơi, nhưng bà không nhớ địa chỉ của cô.
Trong khi chờ đợi chú Ba Kiên và bà Út Mười, chúng tôi đến xã Hòa Hưng để xác minh thêm mấy trường hợp cũng tên Lê Thị Út nhưng tất cả đều không trùng khớp thông tin.
Cuối cùng chúng tôi cũng liên lạc được với chú Ba Kiên nhưng hoàn cảnh của bà Út trong đơn vị chú không trùng khớp với thông tin chúng tôi có được. Sau, chú cho đội tìm kiếm địa chỉ của chú Vũ Sinh là thủ trường tiếp nhận đơn vị khi chú Ba Kiên được giao nhiệm vụ tại chiến Campuchia.
Vậy là chúng tôi tiếp tục lên đường tìm chú Vũ Sinh, chúng tôi đến chú đón tiếp rất niềm nở. Sau khi trình bày mục đích đến gặp thì chú bảo không nhớ có người nào tên Lê Thị Út trong đơn vị. Chúng tôi liền gọi điện thoại cho cô Út Mười tại Đồng Tháp và cho chú Vũ Sinh nói chuyện với cô. Hai người nói chuyện với nhau một lúc thì chú đã nhớ ra bà Út Nguyệt, quê Đồng Tháp, tên thật là Lê Thị Út. Và, chú cho biết thêm trước đây, Út Nguyệt sinh một đứa con vào những năm 1972 sau đó đem đi cho, nhưng hiện giờ cũng không biết bà Út Nguyệt đang ở đâu.
Suy nghĩ hồi sau, chú đưa đội tìm kiếm qua gặp cô Tư Hòa, bạn của Út Nguyệt. Tại nhà cô Tư Hòa, chúng tôi lại gặp ông Nguyễn Hồng Minh – chồng cô Tư Hòa – trước đây là thủ trưởng của bà Út Nguyệt. Ông này khẳng định Bà Út Nguyệt thời điểm đó quan hệ tình cảm và có con với người cùng đơn vị. Bà Út Nguyệt trước đó đã có chồng và có con. Đến đây, chúng tôi rất phấn khởi vì gần như đã tìm ra mẹ của anh Thành. Ngay lập tức, chú Vũ Sinh gọi điện thoại cho cô Tiến – một đồng đội cũ của chú – để hỏi thăm về bà Út Nguyệt thì cô Tiến cho hay một tin dữ là bà Út Nguyệt đã qua đời cách đây 8 năm và còn một thông tin là thời gian sau này Út Nguyệt kết hôn và có 5 người con. Tuy nhiên để thông tin chính xác, chúng tôi có hẹn gặp con trai của bà tại Tp.HCM nhân lần anh đi công tác. Trong cuộc gặp, anh khằng định mẹ anh không hề có con riêng, anh chưa bao giờ nghe bà hoặc bất kỳ ai nói đến chuyện này, ngay cả trước lúc lâm chung.
CHUYỂN HƯỚNG BẤT NGỜ
Ảnh: Bà Nguyễn Thị Nguyệt (tự Chín Nguyệt) |
Trong lúc chúng tôi áy náy và lạc phương hướng, bởi tưởng chắc chắn đã tìm ra mẹ của Nguyễn Hữu Thành, nhưng không. Chúng tôi đang bối rối và bắt đầu rà soát lại các bước xem mình đã đi đúng hướng hay chưa. Thật bất ngờ! chương trình nhận được điện thoại của anh Nguyễn Văn Huy, Phó Công an xã Thiện Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Anh cho biết bà Lê Thị Út sinh năm 1949, ngụ tại xã Thiện Trung, sống không chồng không con, trước đây chúng tôi đã gặp một lần. Sau khi chúng tôi về, bà mới bộc bạch với anh là quả thật năm 1972 có một người phụ nữ tên Nguyệt hoạt động bí mật, quê ở An Hữu có đến tá túc nhà bà sinh con. Nghe tin, chúng tôi hết sức vui mừng và ngay lập tức quay trở lại Tiền Giang, tìm đến nhà bà Út và được biết toàn bộ sự thật về mẹ của anh Thành, một câu chuyện hết sức cảm động về tình mẫu tử về sự kiên trung và tình cảnh khó khăn của một người mẹ trong thời buổi chiến tranh.
Bà Lê Thị Út cho biết hồi còn chiến tranh, bà có tham gia hoạt động cách mạng nửa công khai nửa bí mật. Trong thời gian gia đình bà tản cư ra sống ở vùng địch quản lý tại Cầu Xéo (Hiện nay là cầu Thông Lưu) thuộc xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang thì có bà Nguyễn Thị Nguyệt (tự Chín Nguyệt) ra tá túc và sinh được một cậu con trai. Sau khi sinh con được 4 ngày, bà Chín Nguyệt bị lính theo dõi lại không có giấy tờ tùy thân, sợ bị bắt nên bà bồng con về nhà chị ruột tên Nguyễn Thị Lan ở An Hữu, Giáo Đức, Định Tường (nay là xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) và sau đó nghe nói chính bà Lan đã bồng đứa trẻ cho vào Cô nhi viện Thánh Bảo Lộc, Vĩnh Long. Nhưng, bà Lê Thị Út không ngờ họ lại lấy tên mình khai trong tờ ủy thác cô nhi tại Cô nhi viện.
Sau khi nắm được thông tin trên, chúng tôi tìm đến nhà bà Lan, bà xác nhận sự việc trên là chính xác. Và, bà Lan cũng bày tỏ thêm: lúc đó chiến tranh giữa hai bên diễn ra rất ác liệt và lính thường xuyên đi truy lùng những người tham gia Cách mạng, mà em gái bà là cán bộ Cách mạng hoạt động trong bộ phận cơ yếu (thông tin liên lạc) thuộc Tỉnh đội Mỹ Tho và đứa con trai sinh ra cũng là giọt máu giữa em gái bà với một đồng đội. Để bảo vệ đứa bé, bà mới bàn với Chín Nguyệt nên đem con gởi vào Cô nhi viện thì cháu mới được an toàn. Với tình mẫu tử thiêng liêng, lúc đầu, em bà không đồng ý, nhưng do lính đi càn quét liên tục mà bà Chín Nguyệt lại không có giấy tờ tùy thân, để bảo toàn tính mệnh của con nên cuối cùng mới đành lòng giao đứa con trai mới sinh được 10 ngày cho chị gái bồng đến ủy thác cho Cô nhi viện Thánh Bảo Lộc, Vĩnh Long.
Khi đến Cô nhi viện Thánh Bảo Lộc Vĩnh Long, do thời gian đã quá lâu nên bà không thể nhớ là có làm giấy tờ thủ tục gì hay không nhưng bà chỉ nhớ chính xác là khi đó các sơ có hỏi họ tên và lý do gì đem cho con thì bà có nói “Tôi tên là Lê Thị Út ở An Hữu, quận Giáo Đức, tỉnh Định Tường. Lý do đem cho con là cha chết, mẹ đau nuôi không nổi. Và, hiện nay trong đầu tôi nhớ như in nội dung trên. Lúc đó, tôi khai họ tên là Lê Thị Út vì em tôi là cán bộ Cách mạng, không có giấy tờ tùy thân nếu khai thật tên họ thì sợ lính phát hiện sẽ liên lụy đến đứa nhỏ và tình cờ lúc đó tôi sực nhớ ra em tôi sinh con ở nhà bà Lê Thị Út nên tôi mới mượn tên khai như vậy”.
Ảnh: Bà Nguyễn Thị Lan – người trực tiếp bồng Nguyễn Hữu Thành ủy thác cho Cô nhi viện |
Bà Lan cho biết thêm, khi đất nước hòa bình, bà và Chín Nguyệt có quay lại Cô nhi viện trên để tìm lại Nguyễn Hữu Thành nhưng được biết thời đó vùng này bị đánh phá ác liệt, tất cả trẻ em ở đây đã được đưa sang Mỹ nên gia đình hoàn toàn mất hy vọng tìm lại con. Khi Chương trình tìm gặp bà Chín Nguyệt, bà xúc động với tâm trạng của người mẹ luôn mong chờ tin con sau bao ngày đã tưởng chừng hết hy vọng. Bao nhiêu năm qua mặc dù đã lập gia đình và những người con khác nhưng bà không lúc nào không nhớ đến người con bất hạnh của mình. Dường như sợ chúng tôi chưa tin bà chính là mẹ đẻ của Nguyễn Hữu Thành, bà Chín Nguyệt còn tự lấy dao lam cắt móng tay gởi cho chúng tôi về để làm xét nghiệm AND nếu cần. Bà hồi hộp, xúc động đến mức cắt vào tay mình tóe máu. Tất cả những người chứng kiến cảnh tượng đó đều cảm động lặng người.
CHÀO ĐỜI 35 NĂM MỚI GẶP LẠI MẸ
Ngày 30/1/2008, trong buổi ghi hình chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…” tại trường quay S8, hai mẹ còn cách nhau chỉ một bước chân nhưng họ vẫn không biết. Khi nhà báo Thu Uyên trò chuyện với Nguyễn Hữu Thành về những khó khăn và cố gắng của những người thực hiện chương trình trong quá trình tìm kiếm gia đình cho anh thì bà Chín Nguyệt khóc, nước mắt cứ thế trào ra. Khi hai mẹ con đối diện, trong vòng tay của mẹ, anh Thành vẫn ngỡ ngàng. Anh lặng đi và không biết nên thể hiện sự xúc động của mình như thế nào.
Ảnh: Anh Nguyễn Hữu Thành gặp mẹ – ôm con sau 35 năm chia cách |
Trước đó, anh có tâm sự với chúng tôi là lúc nhỏ anh rất được ba mẹ rất thương yêu. Năm lên 6 tuổi, khi đến trường học, anh phát hiện họ của mình khác với họ của ba. Anh về thắc mắc, ba mẹ nuôi đưa cho anh tờ khai sinh của mình đề họ và tên Lê Hữu Thành và giải thích rằng anh là con nuôi và sau đó ông bà đổi họ anh từ Lê thành Nguyễn, là họ của ba nuôi. Mặc dù, cha mẹ nuôi rất đầy đủ về vật chất và tinh thần nhưng thẳm sâu trong anh luôn muốn biết cha mẹ ruột mình là ai, vì sao họ lại ủy thác anh cho Cô nhi viện. Anh nói, khi biết mình là con nuôi, anh đã có ý định lớn lên đi tìn cha mẹ ruột. “Lúc đầu cũng có lúc tủi thân, nhưng sau này khi có gia đình và có con rồi, tôi hiểu cái gì cũng có hoàn cảnh của nó, vì rằng làm cha làm mẹ không thể nào không thương con”. Anh Thành cho biết ba mẹ nuôi đã mất. Khi mẹ nuôi mất đi, có gửi gắm anh cho ba vợ của anh, và ông cũng rất thương anh. Tâm nguyện của ba mẹ nuôi trước kia luôn mong anh tìm được mẹ đẻ của mình. Anh đã về An Hữu tìm mà chính quyền địa phương ở đó cũng chịu, không giúp được anh (mà làm sao họ biết để giúp anh được!).
Khi những thắc mắc được giải tỏa anh lại càng thương mẹ hơn, bởi bà cũng vì bảo vệ mạng sống của con, đồng thời, bảo vệ sự nghiệp Cách mạng mà bà phục vụ trong thời điểm gian lao đó, mà phải cắn răng cho đi khúc ruột vừa chào đời mới mười ngày.