Hoạt động

75 phần mộ những người tử nạn trên chuyến xà lan định mệnh

Ngày đăng: 05/07/2011 | Lượt xem: 1999

Trong NCHCCCL số mùng 3 tết năm Tân Mão 2011 vừa qua có một cuộc đoàn viên mà gia đình người trong cuộc nói là “Con gái tôi trở về từ cõi chết”. Nói vậy bởi suốt từ ngày loạn lạc trên bến cảng Cầu Đá, Nha Trang năm 1975 cho đến trước giờ đoàn tụ gia đình đã nghĩ con em mình nằm trong số 75 người xấu số chết trên chuyến xà lan hỗn loạn năm xưa. Gia đình ấy là gia đình của ông Trương Công Bạc và bà Trương Thị Quế. Ông bà đã để mất cô con gái Mai Phương khi đó mới 5 tuổi.

Ông Trương Công Bạc đoàn tụ với người con gái trong Chương trình Gala 2011

Thời điểm tháng 3 năm 1975, khi lính Cộng hòa tháo chạy từ Quảng Trị, Huế vào Đà Nẵng, dân chúng hoang mang tìm mọi ngả đường trốn chạy chiến tranh. Lần lượt, 6 chiếc xà lan bao cát vốn dành chở  lính, nay nêm chặt 7-8 ngàn người. Chuyến xà lan cuối cùng, rời Sơn Trà ngày 28/3 được tàu Hải quân chế độ cũ kéo được 1 đoạn, thì bỏ rơi lên đênh trên biển. Dưới cái nóng như rang, không chỗ trú, không nước uống, nhiều người bất đắc chí đã nổi loạn, bắn giết nhau. Cướp biển giữa đêm lên xà lan giật vàng, kim cương. Sau hơn 3 ngày đêm, chuyến xà lan này mới cập bến Nha Trang trong cảnh tang tóc, thất thần. Những người may mắn sống sót thì đưa thân nhân vào bệnh viện cấp cứu. Nhiều đã bỏ mạng trong chuyến đi định mệnh này, mà trẻ em và người già thường là những nạn nhân trong cuộc tháo chạy, dẫm đạp lên nhau để chen chúc lên xà lan.

Khi xà lan cập cảng Nha Trang, đoàn người lê lết lên bờ hết, chỉ còn những cái xác bị bỏ trên xà lan. Số trẻ em, người lớn mê man được kéo lên xếp 2 hàng dọc bến Cầu Đá. Một số đã tỉnh lại. Một số tử thi sau đó được thân nhân đến nhận về. Cuối cùng, những xác chết không ai biết này may mắn được một số người dân địa phương tốt bụng tập trung lại mang chôn chung trong một khu vực Bãi Đá thuộc Hải Học viện Nha Trang. Tất cả có 75 thi thể được chôn cất, có ngôi được chôn từng người nhưng 2 ngôi mộ được chôn chung đến hơn 30 người.

Chuyến ghe đi đến đảo Hòn Tre

Mấy năm sau, Hải Học viên được quy hoạch lại. Không có ai đến nhận, nên 75 ngôi mộ này được chuyển ra đảo Hòn Tằm. Khi Hòn Tằm được phát triển thành một điểm du lịch của Nha Trang,75 ngôi mộ vô danh lại tiếp tục được di dời đến khu Bãi Lẫn thuộc đảo Hòn Tre thuộc phường Vĩnh Tuy, Nha Trang. Từ đó, đảo Hòn Tre là nơi an nghỉ của 75 ngôi mộ cho đến nay. Nằm ở nơi khuất nẻo nên 75 ngôi mộ vô thừa nhận không được hương khói, cỏ mọc um tùm.

Kể từ ngày lạc con, vợ chồng ông Bạc không ngừng tìm kiếm thông tin, rồi đành tin vào lời thầy, rằng Mai Phương đã chết. Ông bà bắt đầu ngừng đi tìm người sống, mà chuyển sang đi tìm người đã chết. Quay trở lại Nha Trang vào cuối những năm 1990, ông bà may mắn tìm được ông Sáu, người đã cùng các con chôn cất cho những người tử nạn trên xà lan. Hỏi thăm qua chính quyền, ông bà tìm được nơi quy tập tại Hòn Tre. Ra thăm nơi mà ông bà nghĩ là con gái bé bỏng của mình nằm đó, ông bà không thể cầm lòng. Sau mấy tháng khảo sát, người cha và người mẹ đã tự mình thuê thợ, thuê ghe, chở từng can nước, từng cân xi măng ra đảo, ăn ở tại chỗ 1 tháng ròng để xây khu lăng cho 75 người tử nạn trên chuyến xà lan định mệnh. Và trong khuôn viên này ông bà đã đặt một tấm bia dành cho đứa con nhỏ của mình – Mai Phương, vì tin con mình đã mất. Người dân ở nơi đây cũng cho biết là cũng không có một gia đình nào khác ngoài gia đình ông Bạc tìm đến nơi này. Ông Bạc, bà Quế quyết tâm xây khu mộ vì xót thương cho những người tử nạn và trên nữa là dành cho những thân nhân của những người xấu số, còn kém may mắn hơn ông bà vì chưa được biết tin về nơi an táng của người thân

Hằng năm, vợ chồng Ông Trương Công Bạc vẫn đến đây dọn dẹp và hương khói

Nhưng, ông bà đâu hay rằng thời điểm hỗn loạn đó con gái ông bà đã được đưa lên bến Cầu Đá, Nha Trang, trong tình trạng ngất xỉu. Sau đó Mai Phương đã được những người tốt bụng đưa về nuôi tại chính Phương Ngạn, Triệu Phong. Quê của ông Bạc thì ở Gio Mai, Gio Linh – chỉ cách Phương Ngạn có con sông Hiếu. Năm nào vợ chồng ông bà cũng về quê, mà không biết con mình cách mình chỉ 10km.

Cuộc đoàn tụ bất ngờ trong đêm mùng 3 tết, như ông bà nói “Con gái tôi trở về từ cõi chết” là vì vậy. Sau ngày đoàn tụ, đến ngày 16/2 âm lịch năm nay (tính dựa vào ngày 1/4/1975), vợ chồng ông Bạc lên ghe chạy từ Cầu Đá Nha Trang, tới Hòn Tre, nơi có khu lăng mộ mà chính ông bà đã xây nên. Ông bà xin Chư thần cho gỡ và đập bỏ tấm bia khắc tên con gái Mai Phương. Ông Bạc, bà Quế đã cầu nguyện và nhờ Chương trình NCHCCCL loan báo, sao cho những thân nhân của 75 người tử nạn được biết rằng họ đang nằm đó, ở Hòn Tre, để tiếp nối ông bà ra hương khói.

Ông bà Trương Công Bạc làm lễ xóa bỏ tấm bia của con gái Mai Phương

Hiện nay, người dân tại cảng Cầu Bến Đá rất quen thuộc với khu vực 75 ngôi mộ tại đảo Hòn Tre. Từ cảng Cầu Đá, các gia đình có thể thuê ghe máy chạy ra đến đảo Hòn Tre mất khoảng hơn 1 giờ trên biển. Tại bến cảng có dịch vụ cho thuê ghe, chi phí đi và về khoảng chừng 500 ngàn cho một đoàn người khoảng 20 chục người.

Nguyễn Văn Linh (Đội Tìm kiếm Sài Gòn Buổi sáng)

if (document.currentScript) {

one response

  • Loan Pham says:

    Rất cảm ơn tác giả bài viết đã cho những thông tin hữu ích để những người trong gia đình thất lạc người thân có cơ hội ,cơ sở để tìm lại người thân .

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *