Hoạt động

22 năm cho một đoạn đường 300km

Ngày đăng: 12/12/2007 | Lượt xem: 1127

             Trước tôi là một thanh niên dáng người gầy, gương mặt hiền lành. 20 năm qua lời kể của Nguyễn Văn Linh như một cuốn phim buồn đầy gian truân và nước mắt nhưng đó cũng là một đoạn đời đầy tự hào của một con người rất đỗi bình thường đã vươn lên sống tốt và sống có ích. Hơn 20 năm cho một đoạn đường chừng 300km mà Linh chưa về tới nhà mình. Và đêm 1.12, một cuộc gặp gỡ cảm động đã diễn ra trước sự chứng kiến của hàng triệu khán giả đang theo dõi chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…” được phát sóng trên VTV1 – Đài Truyền hình Việt Nam. Niềm vui vỡ trào trong trái tim và khóe mắt của những người hơn 20 năm thất lạc vẫn đau đáu đi tìm nhau.
 
Khi Linh khoảng 4-5 tuổi, anh sống với mẹ, các anh chị và ông ngoại trong một ngôi nhà lá ở trên một cái cù lao (anh không nhớ ở địa phương nào). Một hôm, ba Linh cùng với má Hai (vợ lớn của ba) từ Cà Mau lên thăm và muốn đón Linh về Cà Mau ở với họ. Má Linh và ông ngoại vì thương con thương cháu nên không đồng ý. Nhưng, Linh là trẻ con lại rất thích đi chơi, cứ nằn nì đòi đi cho bằng được. Cuối cùng, má cũng đồng ý cho Linh đi với ba và má Hai nhưng chỉ là đi chơi vài bữa rồi về.
Về Cà Mau, ba cho Linh đi học. Anh kể, mỗi ngày phải đi bộ băng qua một cánh đồng mất cả buổi mới tới được ngôi trường nằm kề một con sông, ngoài giờ học, Linh chơi với các anh chị em, nhưng cậu không vui vì nhớ mẹ. Linh nhớ nhà đòi về nhưng ba và má Hai không rảnh nên cứ hẹn lần hẹn lựa. Khoảng hơn một năm sau, ba đưa Linh về thăm mẹ, hai cha con đi đến Mỹ Tho (cách nhà mẹ Linh chừng 50km), thì ghé vào nhà chú Năm Quận (là em ruột của ba) chơi. Ở đây, gặp một cái máy may bán rẻ, ba mua và quay về Cà Mau chứ không đưa Linh về mẹ như đã hứa. Linh khóc không chịu đi, ba dọa “Nếu không về thì ba bỏ lại Mỹ Tho” – nghe vậy sợ quá nên Linh ấm ức cùng ba quay về Cà Mau.
 

             Nguyễn Văn Linh sau 20 năm đi lạc

CHỈ VÌ MỘT LỜI DỌA
Thường ngày Linh hay chứng kiến cảnh ba và má Hai cãi nhau, ba đánh má và có khi đánh lây sang cả mấy anh chị em Linh. Một bữa ba đánh má, má bỏ chạy, chị em Linh cũng chạy trốn. Một lúc sau, Linh lò dò về nhà, nghe chị dọa “Ba đang kiếm đánh mày đó”. Vừa sợ lại thêm phần nhớ mẹ và ngoại, Linh bỏ nhà đi xuống bến đò, hướng về Mỹ Tho để tìm đường về với mẹ. Linh đến được bến đò Mỹ Tho nhưng tuổi còn quá nhỏ, không tìm ra nhà chú Năm Quận. Không biết đường nào về nhà mẹ, Linh sống thất thểu ở bến đò Mỹ Tho khoảng 2 tháng thì gặp ông già mù dẫn một đứa trẻ đi ăn xin. Ông nói đi theo ông, biết đâu sẽ tìm ra người thân. Không còn cách nào khác, Linh đi theo ông.
 
BẮT ĐẦU CUỘC SỐNG BỊ CHĂN DẮT
Ông già mù nhưng rất tinh nhanh, biết đếm tiền và biết tất cả mọi sự đang diễn ra xung quay, ông dạy Linh cách xin tiền. Lúc này, ông đang thuê một cậu bé cũng trạc cỡ tuổi Linh đi xin với ông, mỗi tháng phải trả tiền cho ba mẹ cậu. Ăn xin ở Mỹ Tho khoảng vài tháng, ông già đưa hai đứa trẻ xuống Cần Thơ, sau đó lại về nhà ông ở Tây Ninh. Tại đây, ông trả cậu bé kia về cho ba mẹ và chỉ dắt một mình Linh đi xin ăn ở vùng biên giới của khẩu Mộc Bài một thời gian, sau đó về Củ Chi. Ông bắt Linh đi một vòng từ đường vào chợ ra phải xin đủ 100 ngàn, hôm nào xin không đủ “chỉ tiêu” là bị ăn đòn. Linh kể “Ông mù nhưng mà đánh đâu trúng đó, không né được, đánh rất đau…”. Một lần bị đánh đau quá, Linh làm liều bỏ trốn.
 
LƯU LẠC Ở ĐẤT SÀI GÒN
Lên Sài Gòn, không biết làm gì, không người thân thích, Linh gia nhập đám trẻ bụi đời, ban ngày lang thang ăn xin, tối đến lấy gầm cầu, ghế đá công viên làm giường. Linh quen hai anh người Campuchia qua Việt Nam ăn xin nhưng thấy “làm ăn” khó quá nên hai anh tìm đường trở về Campuchia, Linh cũng đi theo, “Ba người đi tới cửa khẩu, nằm phục hoài mà thấy Công an làm gắt quá, không qua được. Ba thằng đành lội bộ ròng rã trong gần hai tháng trời mới tới Sài Gòn” – Linh kể lại.
Những năm tháng sau đó vẫn là ăn xin và đi ra đi vào các trung tâm, mái ấm, nhà mở (Trung tâm Thiếu niên III, Mái ấm Q.8, CLB Cầu Muối). Linh kể: “Có trung tâm ở rất chán, mình sống bụi đời quen đi đây đi đó nhưng khi vào trung tâm, các cô chú quản lý gắt gao, không cho ra ngoài, ở trong bốn bức tường từ ngày này qua ngày nọ chịu không được. Có nơi thì chỉ cho mình chỗ ngủ, còn ban ngày tự đi làm kiếm cái ăn, ở vẫn tự do thoải mái nên rất thích, có mái ấm tạo điều kiện dạy nghề cho những trẻ từ 16 tuổi trở lên, Linh cũng có được cái nghề thợ tiện…”.
 
TÚNG QUÁ CÓ LÀM LIỀU?
Tôi hỏi: “Một thời gian dài làm trẻ bụi đời, có bao giờ túng quá đâm làm liều không?”. Không hề lúng túng linh đáp chân thành: “Lúc sống ở Mái ấm Q.8, Linh hay qua chơi với mấy tụi bạn ở CLB Cầu Muối, ở đây hơi phức tạp. Tụi nó rủ mình đi ăn cắp xe đạp, ti vi, đầu máy hoài. Nhưng từ nhỏ, Linh nhác gan lắm nên không dám thử. Chứ hồi đó mà thử chắc bây giờ cũng thành một thằng Linh khác rồi”.
Linh nhớ lại “Những ngày đói lạnh ở Công viên Tao Đàn, có lúc lãnh móc khóa, hột quẹt Zippo, ví da, dây nịt… đi bán dạo, có lúc thì sửa xe đạp, đồ nghề mướn mỗi ngày phải trả cho chủ 20 ngàn. Bữa làm đắt không nói gì chứ có những hôm ế, ngồi cả ngày chỉ bơm được vài ba cái ruột xe coi như lỗ nặng”. Tôi đùa: “Sao mình không rải đinh như người ta, để vá được nhiều xe, kiếm nhiều tiền hơn”. Linh cười hiền lành: “Sợ lắm! Một thời gian dài đi lang thang xin ăn, thiếu thốn đòi khát, nhiều khi thấy mấy đứa bụi đời giống mình, nó móc túi, ăn cắp có nhiều tiền xài, có tiền mua bánh ăn, thèm lắm, cũng muốn làm liều nhưng nghĩ lại thấy sợ, thấy ngại, thấy mắc cỡ…”
 
ƯỚC MƠ CÓ TIỀN ĐỂ ĐI HỌC
Tuy sống bụi đời nhưng Linh rất ham học, lúc ở Mái ấm quận 8, Linh được cho đi học đến lớp 4, sau sang Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Q.1 học nhảy lớp (2 năm 3 lớp) vì lớn tuổi quá. Trong lúc đi học, các cô chú trong mái ấm giới thiệu sang phụ rửa chén bát cho khách sạn New World để có tiền đi học và trang trải mọi chi phí cho bản thân. Linh khoe: “Em đã lấy được bằng tốt nghiệp cấp III, sau đó học hai năm ở trường Đại học Mở Bán công, chuyên ngành Xã hội” (Linh xin bảo lưu kết quả từ năm 2004 do không có tiền đóng học phí). Khi tôi thắc mắc tại sao Linh lại chọn ngành này trong khi những chuyên ngành khác lại dễ kiếm tiền hơn. Linh ôn tồn: “Mình lang thang, khổ sở và được nhiều người, nhiều tổ chức đùm bọc nên mình chọn ngành xã hội học để sau này mong muốn có thể giúp đỡ lại cho nhiều người”. Linh nói thêm: “Lúc sống ở các trung tâm, có trường hợp nào bỏ nhà đi bụi là Linh nói chuyên và khuyên các em trở về nhà. Linh cũng đã tìm được nhà và đưa hai trường hợp bỏ gia đình đi bụi hồi gia”.
 
MONG MUỐN LỚN NHẤT LÀ TÌM LẠI ĐƯỢC GIA ĐÌNH
Hiện tại, Linh đã lập gia đình, có một đứa con gần 3 tuổi, nhờ vào sự giúp đỡ của nhiều người anh đã có một căn nhà nhỏ ở một quận ven thành phố. Hàng ngày, Linh vào trung tâm thành phố làm việc cho một nhà hàng sang trọng, những khi không đi làm Linh dạy anh văn cho nhóm trẻ trong xóm. Công việc ổn định, gia đình hạnh phúc, tuy chưa được sung túc nhưng Linh có cuộc sống khá thanh thản. Anh tâm sự: “cho tới bây giờ, mong muốn lớn nhất là tìm ba mẹ và các anh chị em mình, nhiều lúc nhớ nhà tuyệt vọng quá mình chẳng thiết làm gì, chằng muốn suy nghĩ gì hết”.
Công việc của anh rất khó được nghỉ nhưng Linh cũng hết sức tranh thủ những ngày phép hiếm hoi, đã hai lần anh trở về Cà Mau, đi qua tất cả các bến đò với hy vọng sẽ gặp lại đúng nơi mình đã ra đi. Nhưng, tất cả đều không gợi nhớ được một điều gì. Anh cũng đã kể câu chuyện của mình cho phóng viên báo Phong Cách viết bài đăng báo nhưng cũng không có kết quả gì.
Sau khi đọc báo Thanh Niên, biết được chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…”, ngay lập tức anh lên website www.haylentieng.vn gởi hồ sơ đăng kí tìm người thân. Bộ hồ sơ mang mã số 05 mà chương trình nhận được với những thông tin chung chung mờ mịt.

 Xúc động ngày gặp lại ba và má Hai

Anh không biết tên chính xác của mình có phải là Linh không, chỉ nhớ gia đình ba sống ở Cà Mau, gần đó có một bến tàu hay bến đò anh cũng không rõ (mà ở Cà Mau thì có biết bao nhiêu là bến tàu, bến đò). Anh nhớ tên thường gọi của ba là Tư Được. Mẹ ruột thì không nhớ tên và không biết mẹ đang ở đâu chỉ nhớ là rất xa nhà ba, mẹ ở chung với ông ngoại. Hình như nhà ông ngoại là gia đình có công Cách Mạng. Mẹ có 6 người con và Linh là đứa kế út.
Thông tin vỏn vẹn chỉ có bấy nhiêu. Khi đọc hồ sơ đăng ký, trường hợp này gần như vô vọng. Nhưng cũng trong thư gởi về, chương trình đọc được sự mong muốn, nỗi khát khao tìm về với gia đình. Nên dù khả năng tìm ra là rất ít nhưng những người làm chương trình vẫn gặp trực tiếp anh mong rằng bằng những nghiệp vụ của đội tìm kiếm có thể khơi gợi những hình ảnh thời thơ ấu còn sót lại trong Linh.
 
TÌM ĐỊA CHỈ CỦA NGƯỜI ĐĂNG KÝ TÌM KIẾM
Khi chúng tôi quyết định tìm kiếm trường hợp của anh Linh thì hai số điện thoại anh cung cấp trong bản đăng ký không còn liên lạc với anh được nữa. Chúng tôi gọi đến, họ bảo đây là số điện thoại công ty Unilever nơi anh làm việc, nhưng hiện nay anh Nguyễn Văn Linh đã thôi việc. Vậy là phải thêm một công đoạn đi tìm địa chỉ, số điện thoại của người đăng ký tìm kiếm. Bằng nhiều cách, đội tìm kiếm đã tìm ra số điện thoại nơi làm việc mới của Linh. Khi người của chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…” liên lạc đến, anh không dấu được sự ngạc nhiên và xúc động với tấm lòng của những người làm chương trình.
Ban đầu, đội tìm kiếm tìm về Cà Mau, đây là nơi Linh bắt đầu bước chân vào cuộc đời lưu lạc và Linh nhớ nhiều chi tiết khá cụ thể như: gần nhà có một bến đò, ba tên là Tư Được, làm nghề hàng đáy (tên một dụng cụ đánh bắt tôm cá) trên sông và hay xa nhà. Chị hai có một đứa con gái lúc Linh rời nhà thì đứa bé này được khoảng 3 tuổi… Dựa vào những thông tin đó, những người làm chương trình đã liên lạc đến nhiều địa phương để hỏi thông tin về gia đình ông Tư Được, nhưng tất cả đều vô vọng. Sau một thời gian dài theo đổi, đội tìm kiếm đã quyết định chuyển hướng tìm kiếm sang gia đình mẹ của Linh.
 
NHỮNG KÍ ỨC TUỔI THƠ CÒN SÓT LẠI
Và quả thật, sau nhiều lần tiếp xúc, đội tìm kiếm đã gợi lên trong Linh nhiều kỉ niệm, chương trình đã có thêm những chi tiết quí giá, dù rất vụn vặt nhưng lại là những mấu chốt để có thể tìm gia đình cho anh.
Sau khi đã có những thông tin đó, đội tìm kiếm đã tiến hành vẽ lại sơ đồ dựa trên những lời kể của anh Linh. Anh miêu tả nơi mẹ sống là một cù lao nhưng không biết thuộc tỉnh nào, gần nhà anh có một đồn biên phòng bởi Linh nói rằng lúc còn nhỏ hình như chị của Linh có yêu một anh trong đồn này. Linh thường được chị dẫn ra đồn biên phòng ngoài đê chơi, những lúc ở đây, anh vẫn thấy các chú bộ đội mang súng đi tuần trên đê sát biển.
Gần nhà Linh có đình làng, hàng năm có tục cúng heo. Một lần, mẹ mang về con heo con rất dễ thương. Linh rất yêu nó, thường xuyên nựng nịu, nói chuyện, ẵm bồng quấn quýt với nó. Trong lúc nuôi, Linh nghe nhiều người nói con heo đó sẽ bị làm thịt nên Linh rất sợ. Một hôm, mẹ bằng cách nào đó đã lừa Linh và đem con heo đi làm thịt cúng đình làng, Linh khóc quá trời.

Người mẹ Linh đi tìm hơn 20 năm

Ngoài ra, vùng quê Linh ở có nhiều bến đò, sát biển, có nhiều dừa nước, có nhiều cây ăn trái, có những cây cầu dừa, cầu tre, còn có trường học gần sát chân đê và phía sau trường học là nghĩa địa. Nhà Linh có 3 gian, lợp lá, bên hiên nhà có ươm rất nhiều dừa nước để trồng.
Từ ngoài đường lớn đi vô nhà phải đi qua 1 cái trường học, rồi từ trường đó về nhà phải đi qua một căn biệt thự xây kiểu Pháp, xung quanh ngôi nhà rất vắng vẻ, hồi xưa mỗi lần đi ngang qua ngôi nhà này Linh rất sợ. Linh kể: “Buổi trưa đi ngang ngôi nhà đó, có tiếng chuông đồng hồ báo giờ mà hồi xưa ko biết tiếng gì mỗi lần nghe là ù té bỏ chạy…”
 
VẼ SƠ ĐỒ VÀ KHOANH VÙNG TÌM KIẾM      
Từ những thông tin trên, cùng với sơ đồ cho chính anh Linh vẽ lại, đội tìm kiếm nhận định có thể vùng quê Linh ở là một vùng miền biển hoặc một cù lao, kết hợp xác minh tất cả các đồn biên phòng trên dải biển miền tây Nam bộ, đội tìm kiếm khoanh vùng và đã xác định được đồn biên phòng 586 nằm trên một cù lao của tỉnh Tiền Giang, cù lao này thuộc ấp Pháo Đài, xã Phú Tân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, đây là một cù lao nằm giữa cửa Tiểu và cửa Đại của vùng biển tiếp giáp giữa Tiền Giang và bến Tre, gần Vịnh Đồng Tranh. Nơi này có nhiều điểm tương đối trùng khớp với thông tin mà anh Linh đã cung cấp.
Nhận thấy những dấu hiệu khả quan trong công tác tìm kiếm nhưng rút kinh nghiệm lần trước, bỏ công sức đi qua nhiều địa phương ở Cà Mau rất mất công và tốn thời gian nhưng không thu được kết quả gì. Đội tìm kiếm quyết định gọi điện thoại đến gặp Chủ tịch xã, trưởng Công an xã, phó Công an xã Phú Tân và cả trưởng ấp Pháo Đài. Và, kết quả sau cả tuần xác minh ròng rã, tất cả các cán bộ xã đều xác nhận là ở ấp Pháo Đài có một gia đình mất con trai và tất cả các thông tin mà họ cung cấp đều trùng khớp với những gì mà đội tìm kiếm có được. Và, chính quyền địa phương đã rất nhiệt tình giúp chương trình tìm đến với gia đình nọ. 
Khi đội tìm kiếm đã xác định gia đình kia có khả năng là những người mà chương trình cần tìm, nhưng cũng không dám khẳng định và cũng không dám báo ngay với Linh vì bất cứ một tin tức nào trong lúc này cũng phải hết sức thận trọng vì nếu không khéo léo thì vô tình chương trình đã chạm vào nỗi đau nhất của Linh, đã trao cho Linh một niềm hy vọng rồi lại cướp mất đi. Mọi người thống nhất, bằng cách tiếp xúc với mẹ Linh để gợi lại những kỉ niệm của bà về đứa con trai bị thất lạc. Đó chính là cách duy nhất để xác định xem bà có đúng là mẹ của Linh không, tránh trường hợp gia đình cũng bị thất lạc con, mong nhớ quá nên nhận bừa.
Khi hỏi về con heo trong kỉ niệm của Linh, bà nhớ ngay: “Đó là con heo dì Sáu cho, tui đem về nuôi…”. Bà giải thích thêm rằng, Linh là tên cúng cơm của con bà nhưng khi Linh khoảng 5 tuổi thì gia đình mới phát hiện trong dòng họ có người trùng tên, để tránh phạm úy, gia đình gọi anh bằng tên khác.
Tất cả các thông tin đều trùng khớp, tuy nhiên Đội tìm kiếm hỏi về ông Tư Được (cha Linh), bởi vì nếu quả thật bà… là mẹ Linh thì chắc chắn phải biết ông Tư Được. Bà nói rằng ông Tư Được sống ở Cà Mau và từ ngày Linh mất tích cả nhà đều nghĩ là Linh chết đuối hoặc là bị ai đó bắt lên thuyền đi di cư ra nước ngoài rồi, nên dưới Cà Mau có thông tin lên. Từ đó trở đi, gia đình không có liên lạc với ông nữa. Khi chúng tôi yêu cầu bà tìm giùm ông Tư Được thì bà cũng vui vẻ nhận lời.
Ngay hôm sau, gia đình bà báo là ông Tư Được hiện đang sống ở Sóc Trăng và cũng hôm đó có một người phụ nữ gọi điện thoại đến chương trình xưng là mẹ Hai của Linh, hiện đang ở Đà nẵng, bà nói là “làm ơn cho gặp Việt kiều Linh” bởi bà đinh ninh là Linh đã theo tàu di cư sang nước ngoài.
Qua tất cả những thông tin mà đội tìm kiếm có được, chương trình xác định, đây chính là gia đình, những người mà hơn 20 năm nay Linh tìm kiếm. Ngay lập tức, những người làm chương lên kế hoạch để Linh sớm được gặp lại mẹ, đoàn tụ với cha, má Hai và các anh chị em.

 Nguyễn Văn Linh đoàn tụ cùng gia đình

            
Đêm 1.12 vừa qua, cuộc gặp gỡ cảm động, đã diễn ra trước sự chứng kiến của hàng triệu khán giả đang theo dõi chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…”. Niềm vui vỡ trào trong trái tim và khóe mắt của những người hơn 20 năm thất lạc vẫn đang đau đáu đi tìm nhau.

 NGUYỆT PHẠM

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *