Báo chí
Tìm lại con sau 28 năm: Hành trình “ráp nối” kỳ diệu của những mảnh ghép gia đình
Ngày đăng: 01/12/2008 | Lượt xem: 1211
Về Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu)) đến ấp Thống Nhất nhờ chỉ đường đến nhà ông Trần Xuân Oanh – người vừa “nổi tiếng” trong chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly…" của Đài THVN phát sóng hôm thứ Bảy 1/11/2008, chúng tôi được Trưởng ấp đưa đến nhà ông Oanh. Hôm nay nhà ông Oanh làm tiệc ăn mừng nhận con!
Để đến được nhà ông Oanh, chúng tôi phải xắn quần lội qua con đường sình lầy gần cả cây số. Căn nhà lá đơn sơ ven kênh đông đúc người, từ xa đã nghe vang vọng tiếng nói cười. Bà con trong xóm, ấp đến chúc mừng ông bà Oanh tìm được người con sau 28 năm thất lạc…
Hành trình tìm con…
Cách đây 28 năm, nỗi đau ập đến gia đình ông Trần Xuân Oanh và bà Trần Thị Hoa rồi ở lại trong suốt ngần ấy năm. Năm 1979, từ quê Hải Hậu, Nam Định, gia đình ông dắt díu nhau vào Nam để kiếm sống. Chọn vùng kinh tế mới Vĩnh Hậu thuộc tỉnh Minh Hải (cũ) làm nơi dừng chân, cuộc sống cứ chật vật, khó khăn. Người bố ngoài quê viết thư vào bảo đem thằng Dũng, đứa con thứ hai ra cho ông nuôi ăn học. Bà Hoa đưa chồng và con ra bến đò đi Hòa Bình để đón xe về Bắc, đâu ngờ gần 30 năm sau mới có thể gặp lại con. “Ông ấy đi được mấy hôm rồi trở lại, bảo gom tiền mà không nói tại sao. Ông đi rồi về, hỏi con đâu – ông khùng lên. Rồi ông bỏ nhà chạy mất. Viết thư ra ngoài Bắc hỏi thì không có thằng Dũng, thế là tôi biết mất con rồi”. Cũng từ đó, bà Hoa bắt đầu cuộc hành trình tìm chồng và con.
Mất con, ông Oanh trở nên điên dại, cứ đi lang thang. Nghe có người nói thấy ông ở chợ Bạc Liêu, bà lên tìm ông về, rồi ông lại trốn đi, miệng không ngừng gọi tên con. Vừa đi tìm ông, vừa nghe ngóng nhà ai có con nuôi là bà lại hỏi thăm xem mặt có phải thằng Dũng con mình. Không biết bao nhiêu nước mắt đã rơi, không biết đã tốn bao nhiêu tiền cho những chuyến đi, bà chỉ biết hai mươi mấy năm nay làm được đồng nào là bà dùng hết cho việc tìm con rồi trị bệnh cho chồng. Mãi đến cách đây hai năm, ông mới dần bình phục nhưng nỗi đau mất con thì vẫn còn đau đáu. Ông Oanh kể, khi dẫn con đến Sài Gòn thì Dũng bị bệnh, phải vào bệnh viện, khi con hết bệnh thì cũng là lúc ông hết tiền. Ông gửi con cho hai ni sư gần giường để về Bạc Liêu lấy tiền thêm. Kiếm được tiền lên thì con đã mất, ông bổ nhào đi tìm và trở nên điên dại vì mất con…
Gia đình bà Hoa – ông Oanh |
Một dịp tình cờ, bà Hoa biết được có một người cùng quê ngoài Bắc tìm được đứa cháu nhờ chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly. Được người ấy “mách nước”, bà tức tốc nhờ họ hàng, anh em ngoài Bắc làm hồ sơ rồi gửi đến chương trình. Kể với chúng tôi sau tất cả những chuyện khó tin vừa qua, bà vẫn nhớ như in từng chi tiết. Đến nơi cần đến, bà hỏi đã có bao nhiêu hồ sơ ở đây? Câu trả lời là 8 ngàn hồ sơ. “Thôi thì coi như một chút hy vọng tìm con chứ đâu dám nghĩ sẽ gặp lại con. Hồ sơ đông thế mà”, giọng Hải Hậu, Nam Định của bà đứt quãng vì vẫn còn xúc động khi hồi tưởng.
Cuộc hành trình tìm con của ông Oanh, bà Hoa còn có sự tiếp sức của người hàng xóm tốt bụng Nguyễn Văn Chinh, em ruột Trưởng ấp Nguyễn Văn Quân. Thương cảm hoàn cảnh của người đồng hương, biết đường đi nước bước ở Sài Gòn, anh Chinh đã đích thân nhiều lần dẫn ông bà đi liên hệ rồi đăng ký xin lên chương trình với mong mỏi biết đâu Dũng sẽ xem và nhận ra cha mẹ mình. Cũng chính anh Chinh đã có mặt chia vui với gia đình trong đêm nhận Dũng trở về trong vòng tay cha mẹ.
…Cuộc hội ngộ đầy nước mắt
Cuộc hội ngộ tại trường quay của Đài Truyền hình Việt Nam |
Nhưng cuộc hành trình “ráp nối” lại mảnh ghép gia đình không chỉ từ phía của ông Oanh, bà Hoa. 28 năm lạc cha mẹ là 28 năm anh Dũng không nguôi nỗi đau của một người không có người thân ruột thịt. Theo lời kể sau ngày gặp mặt, Dũng đã được hai ni sư dẫn về Bà Rịa – Vũng Tàu nhưng anh đã trốn đi sau gần nửa tháng trời và cứ khóc đòi cha mẹ. Một người nông dân tưởng là trẻ đi lạc đã dẫn đến xã. Ông Trần Văn Oi (cha nuôi của anh Dũng hiện nay) bấy giờ là du kích xã đã nhận nuôi Dũng. Có gia đình mới, được cho ăn học rồi trưởng thành đi làm, cưới vợ sinh con, anh vẫn cứ tự nhủ không thể sống được nếu không tìm được cha mẹ ruột, tìm lại người thân. Lúc nào Dũng cũng cố gắng làm, làm vượt giờ, nhiều việc để có tiền đi tìm cha mẹ. Với ký ức là cái tên Dũng cha mẹ đặt cho được giữ nguyên và một người tên Oanh trong gia đình (chính là cha anh), Dũng đã lặn lội xuống tận Sông Đốc (Cà Mau) vì chỉ nhớ loáng thoáng quê mình ở Minh Hải mà không biết rằng Minh Hải đã chia thành hai tỉnh Bạc Liêu – Cà Mau. Một người quê Bạc Liêu làm việc ở Sông Đốc nghe chuyện đã dẫn anh về Long Hà (một ấp ở Long Điền Tây, Đông Hải, nơi có nhiều người dân gốc Bắc sinh sống) tìm cha mẹ. Mấy lần đi vẫn không tìm ra manh mối, buồn bã nên anh đã hai lần tự tử nhưng may mắn là không thành.
Rồi cơ duyên với chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly…" lại đưa đến. Anh gửi thư về chương trình, giãi bày hoàn cảnh với chút hy vọng mong manh. Cha mẹ nuôi của Dũng cũng gửi thư đến, mong chương trình tìm giúp cha mẹ cho đứa con nuôi. Và điều kỳ diệu đã xảy ra, khi nghiên cứu hồ sơ của ông Oanh – bà Hoa và hàng ngàn lá thư gửi đến, nhà báo Thu Uyên (Đài THVN, phụ trách chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly…") đã mở đúng lá thư của Dũng!
Bà Hoa kể: “Theo nguyên tắc của chương trình, hai bên không được gặp nhau. Đến ngày lên sóng, chúng tôi ngồi ở dưới, Dũng bước ra ngồi trước mặt chúng tôi, đối diện với chị Thu Uyên để trả lời phỏng vấn. Chỉ thấy được cái gáy của con nhưng tôi đã linh cảm đó là Dũng nên nói với chồng: con mình đấy ông ạ”. Linh cảm người mẹ của bà đã đúng. Mẹ con, cha con, anh em gặp nhau ôm chầm trong nước mắt. Với bà Hoa, đó là giây phút hạnh phúc nhất trong đời.
Trong buổi tiệc mừng nhận con sau 28 năm lưu lạc, hết mẹ rồi người cậu dẫn Dũng đi từng bàn để chào hỏi anh em, họ hàng. Ánh mắt cười trên thân hình gầy gộc, ông Oanh cứ lặp đi lặp lại: bây giờ thì sống thanh thản, vui vẻ đến cuối đời được rồi. Bà Hoa thì hết cười lại chậm nước mắt. “Lịch” chào mừng đứa con về nhà còn kéo dài, nào là ra thăm bà ngoại và họ hàng ngoài Bắc, rồi đến khi hết mưa thì vợ con Dũng về thăm ông bà ở Vĩnh Hậu, rồi cha nuôi cũng sẽ sắp xếp một chuyến về thăm cha mẹ ruột của con nuôi mình. 28 năm trước, một đứa trẻ đi lạc khỏi gia đình, và 28 năm sau đứa con trở về, kết nối thêm nhiều sợi dây tình người trong cuộc đời này.
if (document.currentScript) {