Báo chí
Tìm được con sau gần 40 năm
Ngày đăng: 03/08/2008 | Lượt xem: 1677
Đã tròn 8 tháng kể từ ngày chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…” ra mắt khán giả truyền hình số đầu tiên. Mỗi số phát sóng là những cuộc đoàn tụ thấm đẫm lòng nhân đạo, nhân văn. Và tối qua cũng không ngoại lệ.
Cô gái Dao và 12 năm mất tích
Sau những thông tin tìm kiếm thân nhân được đăng ký qua chương trình như thông lệ, chương trình số 9 tối qua lập tức chuyển sang một phóng sự dẫn dắt khán giả ngay vào câu chuyện cảm động của một cô gái người dân tộc Dao ở một tỉnh biên giới phía Bắc, tên là Lý Thị Xinh.
Cuối năm 1996, Xinh mới 17 tuổi, được một người quen rủ sang Trung Quốc làm thuê, rồi bị lừa bán cho một người nông dân. Ông này đưa Xinh về Hồ Nam sinh sống và lộ rõ là một người sắp tàn phế, tính lại hay cả ghen. Và mỗi lần “nổi cơn” lại đánh đập hành hạ Xinh một cách dã man. Đã nhiều lần Xinh tìm cách trốn thoát nhưng khi bị phát hiện, cô lại bị nhốt và tiếp tục chịu hành hạ.
Số phận của Xinh có lẽ cũng đóng khung ở đó nếu như không có những người tốt bụng ở bên kia biên giới đã âm thầm giúp đỡ cô. Và những ngày đầu tháng 5.2008, chương trình nhận được một bức thư gửi về từ Thượng Hải. Người gửi là anh Hoàng Mai Diễn, một nghiên cứu sinh VN – đăng ký tìm gia đình cho một cô gái bị bán sang Trung Quốc mà anh chưa hề gặp mặt. Sau đó, cùng với những bức thư của anh Diễn là hàng loạt thư bằng tiếng Trung của một người đàn ông họ Lương ở Nam Ninh và vài bức ảnh của cô gái có tên là Lý Thị Xinh, đang sống ở Hoàng Dương, tỉnh Hồ Nam, được gửi về chương trình.
Đội tìm kiếm Sài Gòn Buổi sáng lập tức lên đường. Theo thông tin từ những bức thư gửi về, mẹ của Xinh tên Choàng, bố tên Nguyễn, hiện đang sống tại Lào Cai. Sau đó, đội tìm kiếm lại tiếp tục lên đường sang Trung Quốc. Sau một chặng đường dài, nhờ sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng ở khu vực biên giới, các thành viên đội tìm kiếm cuối cùng cũng tác thành cuộc đoàn tụ hy hữu này ngay tại cửa khẩu. Khán giả lặng người đi khi chứng kiến cảnh Xinh liên tục muốn quỳ xuống lạy tạ những người tốt bụng đã giúp mình tìm về gia đình.
Đối với ông Nguyễn, bà Choàng và các anh em trong gia đình Xinh, đã 12 năm rồi, không ai biết vì sao cô mất tích. Nhà nghèo, con đông, đã từ lâu không ai biết cách nào để tìm kiếm nên coi như đã mất đứa con. Nhưng cuộc đời đã cho họ những người tốt bụng và nhịp cầu đoàn tụ này.
Tìm mẹ cho hai người con nuôi
Ông Pierre Legendarme, người sáng lập và là chủ tịch “Tổ chức sức khỏe không biên giới” (một tổ chức phi chính phủ, có mạng lưới liên kết trên 30 quốc gia, nhằm tạo điều kiện được thực hiện quyền chăm sóc sức khỏe và giáo dục của mọi người) đã cùng vợ sang VN để triển khai 2 dự án ở Thanh Hóa và Hà Nam. Và ngày hôm qua, ông bà đã bay từ Hà Nội vào TP.HCM với một mục đích quan trọng khác, đó là tìm mẹ cho 2 đứa con nuôi của mình, tên Hương (Ohane) và Lý. Trả lời người dẫn chương trình, ông nói: “Chúng tôi làm việc này vì tình thương dành cho 2 đứa con. Vì đối với mỗi người, việc biết được nguồn gốc sinh thành là yếu tố quan trọng bậc nhất cho sự phát triển tinh thần”. Còn vợ ông thì bảo: “Hơn thế nữa, chúng tôi tin rằng, không một người mẹ nào có thể quên đi đứa con mình đẻ ra. Chúng tôi hiểu, người mẹ phải bỏ con đi là họ không còn con đường nào khác, chúng tôi thực sự mong họ được an lành”.
Đại đức và ni cô tìm mẹ
Chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ, khi đã xuất gia, có nghĩa là tâm đã tĩnh, họ có thể chế ngự mọi ưu phiền trần thế, kể cả mất mát đau thương. Nhưng không, tối qua, chương trình lần đầu tiên đã xuất hiện một phóng sự dài khiến ai nấy đều thấy nao lòng. Đó là câu chuyện tìm mẹ của Đại đức Thích Hạnh Bảo. Ông là thành viên Hội đồng Phật giáo Tăng-già thế giới, hiện đang trụ trì 2 ngôi chùa ở Đan Mạch và Ý. Ông cũng được nhiều người biết đến qua các bài giảng về Phật pháp đang được phát hành tại VN.
Trong phóng sự, vị đại đức trẻ ngậm ngùi rằng: “Không thể nói hết những tâm tư của mình. Con chỉ mong qua chương trình này, quý vị được nghe thêm một câu chuyện để hiểu rõ rằng, đời sống của người tu hành, ngoài việc phụng sự chúng sanh, họ cũng có những nỗi niềm riêng tư. Mong rằng quý vị, quý phật tử hiểu và nếu có cơ hội xin giúp đỡ chương trình để có thông tin. Xin tri ân tất cả”.
Đặc biệt, cũng chưa bao giờ trường quay lại được nhuộm đầy màu vàng như tối qua, một thứ màu ấm áp, nhân từ như chính những con người đang khoác lên mình thứ áo màu vàng ấy. Đó là sự có mặt của ni sư Tuấn Liên, ni sư Lệ Liên, ni sư Huy Liên cùng các sư cô đến từ Tịnh xá Ngọc Phương (Q.Gò Vấp, TP.HCM) và các tịnh xá thuộc hệ phái Ni giới Khất Sĩ. Họ đều là những người đã một thời lừng lẫy đấu tranh đòi hòa bình, tự do cho dân tộc; nuôi trẻ em bị bỏ rơi, thất lạc trong chiến tranh để cứu khổ chúng sanh. Và tối qua, các ni sư có mặt để cùng tìm cha mẹ cho ni cô Liên Ánh, một nạn nhân của chiến tranh.
Trả lời MC, ni cô Liên Ánh ngẹn ngào kể: “Tôi là con của cán bộ cách mạng. Nghe nói mẹ tôi tên Phượng, người thấp, da ngăm đen, là chị nuôi của một đơn vị đóng quân trên núi. Năm 1968, khi vừa biết bò thì mẹ đem tôi xuống xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Khi xuống có đem theo một cái rổ đồ may vá, một cái mền và quần áo trẻ con. Ở đây được khoảng 2 tháng, khi cô Xuân về thăm quê, mẹ tôi đã gửi tôi cho cô Xuân đưa về tịnh xá Quảng Ngãi chăm sóc và để giữ an toàn cho tôi. Còn dân làng kể lại là mẹ đã bị giặc bắt ngay khi đi qua sông nhưng không thấy chúng đưa về căn cứ Chu Lai. Có người nói mẹ tôi đã bị giặc bắn chết ngay hôm đó rồi. Sau này lớn lên trong chùa, tôi vẫn mong tìm được mẹ, ba hoặc bất cứ một người thân thích nào”.
Sau những lời trình bày này của ni cô Liên Ánh, khán giả cũng lặng yên hy vọng một sự phản hồi bất ngờ như đã từng diễn ra tại trường quay, nhưng không có, MC vẫn lặp đi lặp lại số điện thoại của tổng đài để mong sự lên tiếng từ phía khán giả về trường hợp này.
Gặp con sau 37 năm 6 tháng 2 ngày
Bà Ngọc gặp lại con gái tại trường quay tối qua – Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Trở lại với tịnh xá Ngọc Phương, phóng sự của những người làm chương trình đã cho khán giả thấy cũng tại chính nơi này, đã cưu mang một đứa bé nữa, là con của “cộng sản nòi”, được đặt một cái tên rất đẹp là Ngọc Duệ.
Tại trường quay, ni sư Tuấn Liên kể, đầu năm 1971, chiến tranh khốc liệt, Ngọc Duệ được một người lính của quân đội Sài Gòn đưa vào gửi tại tịnh xá Ngọc Bảo ở Pleiku. Năm 1972, chiến tranh Pleiku càng lúc càng khốc liệt hơn, ni đệ Hạnh Liên trụ trì tịnh xá Ngọc Bảo ở Pleiku lúc đó thuê riêng một chuyến máy bay chở 40 đứa trẻ và các ni sư về Tịnh xá Ngọc Phương ở Sài Gòn, trong đó có đứa bé con của “cộng sản nòi”, là Ngọc Duệ.
“Ba mẹ nó hoạt động cách mạng trong rừng. Nó bị địch bắt với người cô và giam ở nhà lao Pleiku. Một người lính tử tế đã đem nó đến cho nhà chùa và bảo là “con của cộng sản nòi”. Khi vào tịnh xá, đứa bé cứ luôn miệng hỏi: Cô Lan của Phương đâu?”, ni sư Tuấn Liên kể.
Ni sư Tuấn Liên nói đến đây thì ở dưới hàng ghế khán giả đã nghe tiếng khóc rưng rức. Hẳn mọi người còn nhớ, trong chương trình phát sóng tối 7.6.2008, có một phụ nữ tên Mỹ Ngọc đến từ TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, đã lên tiếng tìm con gái, bị thất lạc mấy mươi năm nay, tên là Mỹ Phương. Con của bà bị quân đội Sài Gòn bắt vào ngày 24.2.1971, trong một đợt càn quét tấn công Bệnh xá Khu VI, nơi bà là y sĩ. Bà kể rằng sáng hôm đó bà đi nhận lương thực về nuôi thương binh, gửi con lại cho người y sĩ tên Lan. Nhưng vừa đi được một lúc thì máy bay của quân đội Sài Gòn bất ngờ đánh phá bệnh xá. Khi bà trở về thì y sĩ Lan và con gái không còn nữa. Từ đó tới nay bà liên tục tìm kiếm nhưng không hề có một chút tin tức gì.
Thật không thể nào ngờ vì tối qua, khi bà Ngọc cùng chồng được mời đến trường quay, lại là một ngày bà đã mong đợi đúng 37 năm 6 tháng 2 ngày. Đứa bé “con cộng sản nòi” mà các ni sư ở Tịnh xá Ngọc Bảo nhận từ tay người lính năm xưa, với vết sẹo ở đùi phải, bị bệnh đường ruột và khóc sưng cả mắt những năm ấy, chính là con gái Mỹ Phương của bà Ngọc.
Nước mắt đoàn tụ của Mỹ Phương (tức Ngọc Duệ) đã làm vỡ òa một không khí xúc động kéo dài tại trường quay cho đến khi chương trình khép lại. Và khi chúng tôi ra về, những âm thanh của người dẫn chương trình như vẫn còn vang vọng. Chị nói: “Nền độc lập của dân tộc không chỉ phải trả bằng máu cho đến ngày chiến thắng, mà còn bằng rất nhiều nỗi đau âm thầm, cho đến tận hôm nay”.
Cuộc đoàn tụ của một gia đình cách mạng trung kiên là một câu chuyện dài, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin trên các số báo tới.