Báo chí
Như chưa hề có cuộc chia ly
Ngày đăng: 17/01/2008 | Lượt xem: 1324
Một cảnh đoàn tụ trên VTV1 nhờ sự giúp đỡ của chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” (số 2) |
Chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…” không dừng lại ở những cuộc đoàn viên sau mấy mươi năm xa cách, nó còn mang đến cho người ta niềm tin vào những phép mầu quí giá tưởng như không thể xảy ra trong cuộc sống.
Dù chỉ mới phát sóng trực tiếp hai số trên kênh VTV1, nhưng thời gian qua dự án xã hội này đã thu hút sự quan tâm của hàng triệu người. Nhà báo Thu Uyên, chủ nhiệm – dẫn chương trình, chia sẻ với Tuổi Trẻ Cuối Tuần:
Truyền hình thực tế và mang tầm vóc dự án xã hội là một trong những xu hướng của truyền hình hiện đại, đang bắt đầu rầm rộ tại VN. Để cho ra đời “Như chưa hề có cuộc chia ly…” với cách thức hoàn toàn khác biệt và tạo hiệu ứng chắc không phải là chuyện đơn giản?
– Tôi không biết người khác nghĩ thế nào, nhưng riêng mình tôi tin là ai cũng muốn tìm kiếm một người nào đấy trong đời. Cá nhân tôi và gia đình không có những cuộc ly tán ghê gớm, nhưng trong đầu mình thỉnh thoảng cũng có những mong muốn tìm kiếm của riêng mình. Ý tưởng xuất phát từ khi tôi xem chương trình tìm kiếm lúc còn học ở Nga. Bên đó, chương trình dạng này thật sự mang tầm vóc lớn, có sự góp sức của chính quyền và nhiều tổ chức chứ không chỉ đơn giản là một sô truyền hình.
Tôi có ước mong làm chương trình dạng này từ năm 2000. Nhưng hồi đấy thì chưa xã hội hóa truyền hình, nhà đài thường chỉ làm chương trình truyền hình thông thường chứ không phải những dự án mang tính xã hội. Năm rồi, tôi đặt lại vấn đề với dự án đã bỏ dở và được lãnh đạo đài ủng hộ. Lúc đó tôi may mắn tìm được một số người có kinh nghiệm trong việc tìm kiếm và một nhóm bạn đang có mong muốn “làm một cái gì đó có ích”. Và nhân tố đầu tiên để chương trình tồn tại có lẽ là một êkip.
Khi bắt đầu chương trình này, chị nghĩ thế nào về sự cố gắng của mình so với với nhu cầu rất lớn của xã hội?
– Tôi thấy chương trình đang làm được nhiều hơn cái mà chúng tôi hình dung lúc ban đầu. Với nhiều cuộc chia ly, đầu tiên chúng tôi không nghĩ mình có thể tìm ra nhanh như thế. Chẳng có manh mối nào chắc chắn… Nhưng bộ phận tìm kiếm và biên tập chúng tôi may mắn nhiều lắm. Tôi vẫn tin rằng nếu làm việc thiện mình sẽ được giúp đỡ.
Chị nghĩ thế nào về tính hạn chế của 55 phút truyền hình/tháng so với một dự án mang tính chất xã hội lớn như vậy?
– Tiêu chí của chương trình là: “Tác thành những cuộc đoàn tụ cho những người lương thiện khi cả hai bên đều có nguyện vọng”. Đã có những trường hợp tế nhị mình không thể động đến nỗi đau của người khác hay những trường hợp rất nhạy cảm thì chúng tôi cũng không đưa lên truyền hình, chúng tôi chỉ tạo điều kiện cho họ gặp nhau, vậy thôi. Về lâu dài, khi website và các hệ thống bổ trợ của chương trình đã hoạt động tốt, số lượng các cuộc đoàn tụ lại càng không thể chỉ giới hạn trong chương trình truyền hình.
Những trường hợp đoàn tụ mà không đưa lên sóng truyền hình, với tư cách là người làm báo, chị có thấy tiếc không?
– Có những trường hợp rất tiếc nhưng có những trường hợp nếu mình đưa lên truyền hình sẽ làm tổn thương một ai đó.
Sẽ có những trường hợp tìm kiếm vô vọng, và lúc đến với chương trình, sự chờ đợi hay kỳ vọng trong họ lại nhiều hơn. Chị có bị áp lực gì về điều này?
– Đó là mặt trái duy nhất của chương trình. Mình không làm gì đau cho người khác, nhưng mình làm cho họ hi vọng trong một thời gian quá dài thì cũng không nên. Tôi đang mang gánh nặng của những trường hợp không có manh mối. Và cũng cảm thấy rất lạ về những trường hợp này. Như gia đình có con gái 5 tuổi đi lạc thì tại sao không có manh mối được nhỉ? Đã đi khắp nơi nhưng không tìm thấy. Có khi là mình tự áp lực cho mình quá chăng? Nếu nghĩ nhẹ nhàng hơn thì người ta đã đi tìm hơn 40 năm rồi mà không tìm ra, bây giờ chương trình mới lên đến số thứ hai thôi thì mọi thứ dù chưa có kết quả cũng không phải là chậm.
Với những trường hợp gần như vô vọng, chị và êkip cho phép mình lạc quan thế nào?
– Có những trường hợp vô vọng thật. Cậu con trai mẹ cho đi lúc 10 ngày tuổi, chỉ có giấy chứng sinh, kê khai để cho vào cô nhi viện. Chương trình của tôi cũng quyết tìm cho ra. Mình thiết tha quá và người cần đi tìm cũng thiết tha quá, dù manh mối rất ít nhưng tôi tin “trời có mắt”.
Chị cảm nhận thế nào về trường hợp của những em bé bỏ nhà ra đi và không thật sự mong muốn được đưa về với vòng tay của gia đình, như bé Giang trong chương trình số vừa rồi?
– Đó là trường hợp khó đoán nhất, dạy cho tôi nhiều bài học. Khi tiếp xúc với chúng tôi trong phóng sự, mẹ của Giang khóc, nhưng đến lúc lên tivi thì cô ấy lại rất vui, làm mọi người xem chương trình thấy ác cảm. Nhưng xét cho cùng, cô ấy đã sống tự nhiên, tốt như một người tốt có 10 đứa con. Những người trong hoàn cảnh như thế khổ nhất là không biết việc làm của mình đúng hay sai. Nhưng bất ngờ hơn là Giang, cậu bé khóc khi xem phóng sự về nhà cậu, má cậu, ba cậu… Cho nên tôi cảm nhận, hiểu rằng chương trình đã bước đầu xóa được sự tủi thân cuối cùng trong Giang.
Với một đứa bé 13 tuổi như Giang, tôi dám chắc chương trình có thể mang điều tốt đẹp đến cho em. Nói tóm lại, đó chính là mong muốn của chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…”: cuộc gặp gỡ do chương trình tác hợp cần mang đến một đổi thay tích cực trong cuộc đời của người trong cuộc.
Tại sao chị chọn cách dẫn chương trình tỉnh táo như vậy thay vì dẫn bằng những giọt nước mắt để phù hợp với sự xúc động của chương trình?
– Tôi không lựa chọn gì cả. Tôi run người hơn cả tưởng tượng, nhưng tôi không khóc vì… tôi không khóc. Trong số 2 vừa rồi, khi cầm tay Thảo đưa ra với mẹ, tôi xúc động đến quên cả trách nhiệm dẫn chương trình của mình vào lúc đó. Dù gì đi nữa tôi nghĩ rằng người dẫn nên dừng lại bên lề của cuộc đoàn tụ.
Nhiều người xem cho rằng chương trình quá ngắn và quá thưa, chị nghĩ sao?
– Chính xác thì một chương trình thế này một tuần một số là được, mà không cần quá dài, chỉ cần 45 phút. Nhưng một dự án xã hội lớn như chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…” không thể trông cậy vào sự nỗ lực của một công ty và một số đối tác được. Nếu nguồn lực tăng lên, điều kiện mở rộng hơn thì tôi tin chương trình sẽ không còn ngắn và thưa nữa.
ĐỖ DUY (Tuổi Trẻ Cuối Tuần)