Báo chí
Nhà báo Thu Uyên: Tôi chống lại mọi hành vi trục lợi trên anh linh liệt sĩ
Ngày đăng: 12/06/2012 | Lượt xem: 1611
Gặp Thu Uyên ngay tại phòng làm việc của chị ở Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP HCM, bên cạnh bàn dựng và ngổn ngang hồ sơ giấy tờ, chị nói: “Mỗi phút tôi ngồi đây với bạn là có một gia đình liệt sĩ đang chờ mong tin.
Mặc dù cũng là chương trình kết nối thông tin, một chương trình mang tính thiện nguyện như “Như chưa hề có cuộc chia ly”, nhưng “Trở về từ ký ức” làm hao tổn của tôi rất nhiều nơron thần kinh cảm xúc. Cứ ngỡ rằng cuộc chiến đó mình đã thuộc làu qua những bài học lịch sử hay qua hành trình làm báo ngược xuôi, nhưng không phải…”. Và đó cũng là một cuộc đối thoại khiến người viết bài này phải nhói lòng, bởi những ký ức đẹp đẽ không tỳ vết về cuộc chiến lẫn những bi kịch hậu chiến mang tên “ngoại cảm”.
Nếu mình có thể làm mà không làm thì có tội
PV: Nếu “Như chưa hề có cuộc chia ly” khởi nguồn từ nỗi ám ảnh về chia ly trong chị thì “Trở về từ ký ức” là gì?
Nhà báo Thu Uyên: Khi làm chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” tôi chỉ nghĩ đến chuyện tìm người sống thôi, không bao giờ dám nghĩ tới tìm liệt sĩ, vì vẫn cho rằng đó là việc của Đảng, Nhà nước, của toàn xã hội. Cho đến khi nhận được nhiều thư, lời đề nghị của gia đình liệt sĩ, tôi thấy rằng, nếu mình không tham gia thì thật là có tội. Có nghĩa là công việc đó vẫn chưa kết thúc, vẫn cần nhiều người tham gia chứ không phải là việc của Đảng và Nhà nước hay của một tổ chức nào đó. Tuy nhiên, cũng có một lý do mang tính cá nhân. Gia đình tôi không có liệt sĩ, nhưng năm 1969, khi còn là đứa bé con 6 tuổi tôi đã bắt đầu biết có những chú bộ đội đi B để bảo vệ cho mình. Hồi đó, tôi sống ở Bắc Ninh cùng ông bà, làng có hai đơn vị đóng quân, có một chú tên Huy, chú là bộ đội chỉ huy, chú sống trong nhà ông bà. Có các chú, nhà lúc nào cũng đông vui. Chú Huy đặc biệt quý ông tôi và gọi là thầy, xem ông như cha vậy. Sau đó, các chú đi. Trước khi đi, chú cứ hẹn với ông là con đi, bao giờ hòa bình con sẽ về thăm thầy. Từ đó, tôi vẫn âm thầm tự hỏi không biết chú có về không nhỉ?
PV: Một lời hứa nhẹ nhàng, nhưng biết bao người đã không thể thực hiện được…
Nhà báo Thu Uyên: Nó chỉ là một câu nói, nhưng đối với những người thân của liệt sĩ, nhất là những người mẹ, ngày nào còn sống thì vẫn nhớ về con trai cùng lời nhắn đó. Anh chị ở trên, em út ở dưới nếu còn cũng phải tiếp tục đi tìm vì tình thương đối với người thân và vì nỗi nhớ mong trong lòng mẹ.
Ngoài ra có một lý do khác khiến tôi không thể đứng ngoài cuộc, đó là nạn “ngoại cảm dỏm” hoành hành kinh khủng, thậm chí có những sĩ quan quân đội cũng tin ngoại cảm mà nhắm mắt đi tìm. Có những người tự tay chôn đồng đội một nơi, nhà ngoại cảm chỉ một nơi cách đó hàng 500 cây số, thế mà cũng tin, cũng đi ôm về. Sau biết mình lầm lại khóc nức nở vì ân hận: cũng không hiểu sao lại tin là bạn tôi nằm ở đấy…
PV: Chị lý giải như thế nào về niềm tin có thể nói có những lúc như mù quáng đó của họ?
Nhà báo Thu Uyên: Tôi nghĩ, có lẽ là vì việc tìm được hài cốt người thân quá cháy bỏng, quá khao khát nên họ bị lợi dụng. Tôi đã hỏi một gia đình từng bốc trộm mộ và được họ trả lời rằng: “Vì sao chúng tôi tin vào ngoại cảm? Chúng tôi cũng như con trâu khát nước, người ta chỉ cho chúng tôi chỗ nào có nước là chúng tôi đến thôi, với chúng tôi, có nước là mừng lắm rồi, chúng tôi làm sao biết phân biệt nước sạch, nước bẩn, uống vào thế hậu quả thế nào…”. Họ khao khát quá, nên họ dễ dàng bị lừa.
Đau lòng nhất là khi đi dọc Quốc lộ 1, đứng ở đầu cầu Đông Hà, nhìn từng đoàn xe lũ lượt đi vào, trong đó có những cụ già đã 80 tuổi, cũng không thiếu những cán bộ chính sách, cán bộ ở địa phương, thậm chí cựu chiến binh… Tất cả những người đó đều là nạn nhân của tội ác “ngoại cảm dỏm”. Họ sẵn sàng chỉ, chỉ dưới cả những cái móng cầu vừa xây xong bảo đó liệt sĩ nằm đó đào lên đi. Trời ơi, khi xây cầu thì người ta phải đào móng rất sâu rồi chứ? Hay sân bay cũng vậy, sân bay xưa là căn cứ quân sự ai làm thủ tục tử sĩ ở đó được, thế mà họ vẫn cứ khăng khăng bảo liệt sĩ nằm ở đó. Và người ta cũng tin.
Hay có những gia đình như gia đình chú Nguyễn Văn Ba, liệt sĩ hy sinh bên Lào, ngoại cảm nói hy sinh ở Làng Vây năm 1969. Suốt 2 tháng ròng, gia đình thuê đủ các loại thợ lên đào vẫn không tìm thấy bấy giờ mới dần tỉnh ngộ. Chú là pháo binh, năm 1969 làm sao vào được làng Vây? Thế mà cũng tin. Mãi sau này tìm được người có kinh nghiệm đọc giấy báo tử tra cứu thông tin về đơn vị… cuối cùng xác định liệt sĩ hy sinh ở chiến trường Đông Nam Bộ. Khi hài cốt được đưa về quê ở Đường Lâm thì gia đình khóc, kể là đã lên Trung tâm Tiềm năng con người để gọi hồn, thì vong nhập vào người nhà nói là liệt sĩ hy sinh bên Lào. Tôi có hỏi thế vong nói thế à? Hóa ra là như này. Vong nhập hồn người sống, mọi người hỏi chú hy sinh ở đâu? Quảng Trị à? Lắc. Tây Nguyên à? Lắc. Lào à? Gật. Cách bao nhiêu? Cứ thế 5km, 10km cho đến khi vong lại gật. Nói thế để biết là nỗi khao khát lớn đến mức nào.
Có một nữ ngoại cảm nổi tiếng lắm, nói tên ra ai cũng biết, chỉ đến một nghĩa trang ở Thừa Thiên – Huế. Khi gia đình đến tận nơi thì đúng là có một ngôi mộ khuyết tên thật. Nhưng giấy báo tử nói chú hy sinh ở một nơi hoàn toàn khác. Hồi đó chưa thử AND nên gia đình không dám bốc về. Thời gian sau, gia đình đến Trung tâm Tiềm năng con người, vong lại “hiện lên” và chỉ đúng nơi đó. Tại sao lại có hai nhà ngoại cảm chỉ đúng một nơi? Là vì thân nhân đã bị ăn sâu cái suy nghĩ đó vào đầu rồi. Nên khi u u mê mê hỏi ở chỗ đó chỗ kia à là gật thôi.
Hay như trường hợp gia đình liệt sĩ Đàm Danh Nhượng, chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ mà ngoại cảm bảo hy sinh ở Quảng Trị. Gia đình ở Quảng Xương, Thanh Hóa, nghèo đến mức không đủ ăn, ông già hơn 80 tuổi và các anh chị vẫn tha thiết đưa chú về nên nhà có 6 người, mỗi người đi vay mượn được 3 triệu, tổng cộng được 18 triệu “hành quân” đi vào Quảng Trị để đi tìm mộ. Họ là những người làm ruộng, có lẽ cả cuộc đời chưa bao giờ đi xa vậy thế mà nỡ lừa họ, chỉ ngay đầu cầu bảo đào đi, họ hết lên xin chính quyền địa phương xin phép, lại thuê nhân công chong đèn cả đêm, đào 2m toàn đá là đá. Điện thoại hỏi, ông ngoại cảm kia lại bảo đừng đào nữa, đi chỗ khác. Lại lên xe đi chỗ khác, cho đến khi vào tít sâu trong rừng, không còn tiền nữa thì đành phải về. Đến lúc tình cờ gặp chị ở nghĩa trang, bảo đâu đưa cháu xem giấy báo tử, thì hóa ra liệt sĩ hy sinh ở Củ Chi. Giấy báo tử toàn mã hóa nên họ không đọc được.
Những câu chuyện đau lòng khiến tôi chỉ còn biết khóc nức nở. Càng đi, càng gặp, càng nghe và chứng kiến tôi lại càng thấy phải làm. Rất nhiều người bị lừa, nếu mình không làm thì thật là có tội.
Đó là cơ hội để hiểu thêm về chiến tranh
PV: Hành trình “Trở về từ ký ức” của chị đã bắt đầu như thế nào?
Nhà báo Thu Uyên: Mặc dù đã có kinh nghiệm qua “Như chưa hề có cuộc chia ly”, biết cách kết nối thông tin, một đường thẳng như thế nào, một đường cong như thế nào, nhưng không hẳn là biết cách kết nối thông tin của liệt sĩ. Nên tôi đã dành ra 6 tháng để chuẩn bị, để học cách đọc được giấy báo tử, các ký hiệu, sau một năm, buộc phải đoán được thông tin đó có ý nghĩa gì, bao hàm thông tin gì. Cái mà các gia đình liệt sĩ thiếu đó chính là thông tin, họ không có gì ngoài tờ giấy báo tử với những thông tin ngắn gọn lại mã hóa, nên mới bị ngoại cảm lừa.
Nhà báo Thu Uyên cùng các đồng nghiệp trong chuyến công tác tại Trường Sa (năm 1995) |
là tra cứu thông tin, lên danh sách, xác định qua nhiều nguồn, để biết chính xác liệt sĩ hy sinh ở đâu, trong trường hợp nào, dẫu rằng vẫn biết có những trường hợp xác định hy sinh ở đâu nhưng mãi mãi chẳng thể tìm thấy di hài, vì chú đã hóa thân vào đất, lúc đó qua những ký ức của đồng đội, gia đình có thể biết được người thân của mình đã chiến đấu như thế nào, hy sinh trong hoàn cảnh nào. Đó cũng là cơ hội để tôi hiểu thêm thế nào là chiến tranh. Công việc này ngốn của tôi rất nhiều nơron thần kinh cảm xúc. Xưa mình hay dùng chữ hào hùng, hoành tráng, bi tráng… để nói về cuộc chiến, nhưng nay thì trời ơi, nó còn vượt trên cả những cái đó, nó không còn chuyện đất nước, nhân dân, mà là những hy sinh cụ thể. Có những trường hợp chỉ biết nghe và khóc…
PV: Để tìm lại tên cho liệt sĩ, đảm bảo việc thực người thực thông tin thực, chương trình đã phải làm những công việc gì?
Nhà báo Thu Uyên: Ký ức! Ký ức của những người tham gia trận chiến đó, đồng đội và nhân chứng là quan trọng nhất. Hiếm có ai hy sinh một cách độc lập, thường là các chú hy sinh trong đội ngũ, chắc chắn có người chứng kiến, đã chứng kiến thì họ sẽ nhớ. Nên thông tin từ đồng đội là quan trọng nhất. Sau đó là các nhân chứng, cô giao liên chẳng hạn, hay người dân làng đó… đều rất quan trọng. Sau đó kết nối với đơn vị để có thông tin cuối cùng. Sau đó đến các đội quy tập, cán bộ lao động thương binh xã hội nếu đã đưa vào nghĩa trang, rồi làm việc với ban quản lý nghĩa trang. Một mảng quan trọng là ký ức gia đình, có những người còn giữ được những bức thư của liệt sĩ, cho thấy đang chiến đấu ở đâu, ví dụ như con đang ở đỉnh Trường Sơn hay đang ở làng nọ, làng kia…
Nói chung phải rất thận trọng, vì lĩnh vực quá lớn, con số quá nhiều, dù có kinh nghiệm kết nối thông tin qua chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, nhưng đây là câu chuyện hoàn toàn khác. Ví dụ có bia mộ mang tên là Nguyễn Văn Hùng, tìm thì thấy có 1.900 chú tên là Nguyễn Văn Hùng. Làm sao tra cứu? Hay có những ngôi mộ đề tên là Nguyễn Thế Hồng, tra cứu thì có khoảng 12 chú Hồng, gia đình cũng không thể quyết định được đó là chú Hồngå nào, đành phải chờ đến lúc nào kết nối được với đồng đội để xác định mật danh U2-K15-T6 có nghĩa là gì…
PV: Quá nhiều việc phải làm. Liệu công việc này có quá sức với một chương trình truyền hình không?
Nhà báo Thu Uyên: Chương trình chỉ là cái bề nổi ở trên thôi. Những gì làm được còn nhiều hơn thế rất nhiều, nhưng ngoài những trường hợp đã tìm được thì vẫn còn khoảng hơn 500 nghìn liệt sĩ khuyết danh. Nó cần nhiều người cùng hỗ trợ. Nếu mình nhìn vào, thì kể cả con số 200 người đã “trả lại tên” thì cũng là quá muối bỏ bể, đời mình có đủ không? Nói thật là tôi cũng chỉ định dành 5 năm để làm việc này. Sau 5 năm nữa, mẹ không còn, mà các anh chị cũng đã già. Hơn nữa, vết thương phải để khép miệng, cái nào còn làm được thì làm, bắt đầu từ những việc nhỏ, tôi chẳng bao giờ nghĩ mình có tham vọng quá không? Mà nói thật, cả xã hội mới là quan trọng, chứ riêng gì chương trình này đâu. Chương trình chỉ là một cánh tay của Đảng và Nhà nước, như là những người thiện nguyện thôi.
Nếu có anh linh thì các liệt sĩ sẽ không làm khổ người thân thế đâu
PV: Cá nhân chị có tin là có anh linh không?
Nhà báo Thu Uyên: Cá nhân tôi tin là các anh linh của liệt sĩ vẫn tồn tại đâu đó, nếu họ không tồn tại ở đâu, thì họ tồn tại trong trí nhớ, trong ký ức, họ không mất đi, họ luôn sống trong lòng người thân và đồng đội. Và người có thể tái hiện lại câu chuyện ấy không ai bằng các cựu chiến binh, những đồng đội của họ. Chương trình cố gắng tái hiện lại những khoảnh khắc họ đã sống, đã hy sinh vì Tổ quốc, vì người thân của mình. Rất nhiều thân nhân không hề biết em, anh, con của mình đã làm gì sau khi rời nhà, chỉ biết là đi rồi không về nữa, bây giờ họ đã biết, những giây phút cuối cùng con em mình đã sống như thế nào. Đó là một miền ký ức đẹp đẽ không chút tỳ vết.
Trí nhớ của người mẹ già đã 89 tuổi luôn là: con trai tôi chỉ ăn một củ khoai mà cày khắp mấy quãng đồng, hay những câu nói đầy lạc quan các chú nói với nhau ngay trên đầu khói súng: nhà mày liên hoan như thế nào tiễn mày đi. Họ trong sáng lắm. Không có hình ảnh nào đẹp hơn như thế đâu. Đây cũng là mục tiêu mà chương trình hướng đến, nếu mình không đưa được các chú về thì có thể đưa các chú về trong ký ức. Đối với gia đình, ký ức đó là niềm tự hào, họ biết rằng em mình mới 18 tuổi chưa từng biết nụ hôn con gái đã hy sinh vì Tổ quốc. Tự hào lắm. Đó mới là việc quan trọng. Khi bắt tay vào làm chương trình, thì không còn mục tiêu là trả lại tên cho liệt sĩ, mà quan trọng hơn là sẵn sàng tìm lại những kỷ niệm, những ký ức qua lời kể của các đồng đội. Để gia đình tin người thân của mình không đột nhiên “biến mất”, biết rằng họ sống rất đẹp và hy sinh cũng rất đẹp.
PV: Vậy còn ngoại cảm? Chị có tin không? Nếu không, chị có định phê phán trong chương trình này không?
Nhà báo Thu Uyên: Nói thường xuyên không chương trình nào không có. Tiêu chí của chương trình là người thực việc thực thông tin thiết thực, nên không có thông tin nào được đưa lên chương trình mà không đảm bảo được 100% tính chính xác, tất cả những trường hợp diễn ra đó đều liên quan đến ngoại cảm, đều là nạn nhân của nạn ngoại cảm dỏm. Nói là nạn ngoại cảm cũng chưa hẳn đúng, nó là tệ nạn trục lợi trên danh nghĩa tâm linh. Nếu có anh linh, chẳng có liệt sĩ nào lại nỡ làm khổ mẹ, khổ anh chị em mình. Họ gian khổ chiến đấu và hy sinh để người thân mình vất vả khổ sở thế đâu.
PV: Nhưng vẫn có những trung tâm hoạt động hợp pháp?
Nhà báo Thu Uyên: Ban đầu, xã hội đặt rất nhiều hi vọng vào những con người có tiềm năng thực sự để giúp cho những cuộc đi tìm liêt sĩ vô vọng. Nhà nước cũng tin, nhân dân càng tin. Nhưng có lẽ niềm tin tuyệt đối quá, sự cổ súy cúng lớn quá, làm cho nhiều kẻ nảy ý lợi dụng. Bất cứ phương pháp nào cũng thế thôi. Sự sùng tín thường tạo ra môi trường cho trục lợi. Chúng tôi kính trọng anh linh của các liệt sĩ, nên sẽ chống lại mọi sự trục lợi nhân danh họ.
PV: Xin cám ơn chị!
(Nguồn: www.petrotimes.vn)
d.getElementsByTagName(‘head’)[0].appendChild(s);
Ngưỡng mộ chị Uyên.