Báo chí

IT góp phần hàn gắn những cuộc chia ly…

Ngày đăng: 30/06/2008 | Lượt xem: 1125

Các blogger có thể giúp chương trình đưa những bức ảnh lên blog của mình để nhiều người biết đến chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly…". Khi một ai đó ghé qua blog của bạn, nhận ra những người trong những tấm ảnh cũ này và thông báo về chương trình qua số 08.9451429. Những thông tin ấy có thể sẽ giúp kết nối được những số phận đang chia ly. Để xem những tấm ảnh khác? click

BTV Thu Uyên chia sẻ sự kỳ diệu của IT và viễn thông là một phần tạo nên sự thành công của chương trình truyền hình "Như chưa hề có cuộc chia ly".

Mỗi lần tái ngộ khán giả truyền hình, Thu Uyên đều xuất hiện với vẻ ấn tượng: năng động, đầy sáng tạo nhưng vẫn rất trẻ trung, xinh đẹp và nữ tính. Dù chưa hề trải qua nỗi đau chia ly nhưng chị vẫn đồng cảm sâu sắc với những người trong cuộc. Vẫn đang đồng hành với "Như chưa hề có cuộc chia ly…", Thu Uyên đã chia sẻ với phóng viên báo Bưu điện những câu chuyện thú vị.

Tính từ chương trình đầu tiên lên sóng vào ngày 1/12/2007, đến nay "Như chưa hề có cuộc chia ly…" (NCHCCL) đã thực hiện được 7 số. Hơn 3.500 hồ sơ đăng ký, trong đó khoảng 1.000 trải qua phần xử lý sơ bộ, trên dưới 400 hồ sơ đã chuyển sang tìm kiếm và ghi nhận 48 hồ sơ hoàn thành công việc tìm kiếm với 500-600 người được đoàn tụ. "NCHCCCL có điểm đặc biệt là chương trình trực tiếp và được phát vào giờ vàng trên VTV1, 20-21 giờ tối thứ bảy đầu tiên của tháng…" – Thu Uyên chia sẻ.

Chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly…" (NCHCCCL) được ra đời từ ý tưởng nào, và có phải chị là người khởi xướng?

Có một số yếu tố tạo nên ý tưởng của NCHCCCL. Khi còn học ở Liên Xô (cũ), tôi ấn tượng rất sâu sắc về một chương trình truyền hình có từ thời Liên bang Xô Viết và đến nay vẫn tiếp tục, có tên là "Hãy đợi tôi" (Zdi Menhia) – một chương trình đoàn tụ người thân vô cùng nhân văn. Khi về nước, tôi thấy không có một nơi nào suốt dọc đất nước này mà tôi không gặp những người bình dị, hi sinh tất cả vì Tổ quốc, chấp nhận chia ly, nhưng mấy ai hiểu nỗi đau mà họ đã nén trong lòng lớn đến mức nào. Điều đó đeo đẳng tôi rất lâu, cho tới khi làm được chương trình này. Tuy nhiên, đưa ra ý tưởng không phải là việc khó. Cái khó là làm cho nó hoạt động. Chúng tôi may mắn tập hợp được khá đông những người cùng lý tưởng, chung nguyện vọng được làm việc thiện. Đó là Đội Thông tin và Đội tìm kiếm Sài Gòn Buổi Sáng, Đội tương tác VinaGame, các phóng viên báo Thanh Niên, Hãng phim Thanh Niên, nhà tài trợ Viettel…

Những cuộc tìm kiếm của chương trình như thể hiện trên VTV còn "ly kỳ" hơn cả công việc của những thám tử và dường như chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Liệu chị có gặp khó khăn gì về "nghiệp vụ"?

Bản thân tôi cũng thấy nghề thám tử thật hấp dẫn. Tuy nhiên, công việc của chúng tôi không hẳn đã ly kỳ như vậy. Chúng tôi cũng vận dụng một số kỹ năng xác minh và điều tra. Nhưng công việc của chủ yếu của NCHCCCL không phải là chỉ là "tìm ra", mà là "kết nối", "đoàn tụ". Cho nên, chúng tôi còn tự trang bị cho mình những kỹ năng phân tích tâm lý và học hỏi lẫn nhau những kỹ năng của người làm công tác xã hội – hiểu và chia sẻ, thuyết phục, giúp đỡ… Quá trình tìm kiếm của chúng tôi ngày càng gặp nhiều thuận lợi hơn, khi nhân dân đã quen biết Chương trình và sẵn lòng giúp đỡ trong sự nghiệp nhân đạo này.

Chương trình vẫn hàng ngày tiếp nhận những email đăng ký tìm người thân, bên cạnh việc đăng ký trực tuyến trên website haylentieng.vn, những thư tay về văn phòng chương trình hay các cuộc gọi đến tổng đài 08.2647777

Có những nhân vật của chương trình ở rất xa, như tận Canada, vùng Caribe… Vậy các chị phải sang tận đó tìm kiếm, làm phóng sự hay có những cách trợ giúp khác?

Đó chính là nhờ sự kỳ diệu của công nghệ thông tin và viễn thông! Trường hợp nêu trên, chúng tôi không kịp đi xa nửa vòng trái đất như vậy, đồng thời cũng hạn hẹp về kinh phí nữa. Nhưng đã có internet – tôi "chat" với nhân vật hàng ngày, còn các anh chị ấy xem chương trình của chúng tôi ngay trên mạng. Kết nối video conference với nhiều điểm trên thế giới, gọi điện thoại trực tiếp từ trường quay, dùng hình ảnh vệ tinh… Tất nhiên, không gì thay được cảm nhận tại chỗ – nên khi có điều kiện, chúng tôi đều cố gắng đến tận nơi. Khán giả sẽ thấy điều này trong những chương trình tiếp theo.

Ngoài những hồ sơ tìm được thì đã có những hồ sơ vẫn đang phải nằm im, hoặc người được tìm đã mất, hoặc người được tìm đang rơi vào hoàn cảnh hết sức éo le, tế nhị. Khi đó, có thể niềm vui đoàn tụ sẽ không thực sự trọn vẹn?

Trung bình mỗi số chúng tôi có ít nhất là 3 hồ sơ được khép tại trường quay nhưng cũng có số chỉ có 2 được đoàn tụ, còn lại 1 hồ sơ khóa lại trong chia ly vĩnh viễn: Người được tìm đã mất. Trong những trường hợp tế nhị, chẳng hạn như một người vợ tìm chồng, nhưng khi tìm thấy thì người chồng đó đã có gia đình mới thì chúng tôi không đưa đến trường quay, mà tìm cách thích hợp nhất để thông báo và kết nối người trong cuộc. Thực tế là 1/4 trong số 48 hồ sơ đã tìm ra khiến chúng tôi phải đối diện với những niềm vui không trọn vẹn. Mỗi lần như vậy, thật xót xa cho những người đang mong mỏi, nhiệm vụ của chúng tôi là thấu hiểu và lý giải một cách tích cực nhất để giúp họ bớt buồn lòng.

Ý nghĩa của NCHCCCL đã vượt quá khuôn khổ của một chương trình truyền hình thông thường, chị có nghĩ nên mở rộng diện hỗ trợ, cách thức hỗ trợ… như tiến tới thành lập một tổ chức hoạt động xã hội phi lợi nhuận chẳng hạn?

Vâng, đó chính là điều chúng tôi mong muốn. Vì tiêu chí của dự án NCHCCCL ngay từ đầu đã là "Phát động tinh thần tình nguyện, giúp đỡ hàn gắn chia ly trong xã hội". Bớt đi một chia ly là cộng đồng chúng ta thêm một niềm hạnh phúc. Ví như trường hợp của em Ka Tuyết Mai, 15 tuổi, tìm được mẹ là chị Phụng Ka Hin. Khi biết em nghỉ học lớp 5 để ở nhà giúp bà và mẹ kiếm sống, chúng tôi quyết giúp em có tiền đi học trở lại bằng cách huy động nhà hảo tâm. Chưa hết, chúng tôi vừa biết Ka Tuyết Mai phải… lấy chồng, do hủ tục ở buôn K’Ho. Chương trình đang phối hợp với đoàn thể và gia đình, tính cách nào tốt nhất cho em. Mỗi cái tên xuất hiện trong Chương trình đối với chúng tôi trở thành ruột thịt, không thể làm ngơ!

Nếu có khó khăn, chị mong muốn được hỗ trợ như thế nào và các chị đã được giúp đỡ thế nào?

Thực sự chúng tôi đang làm quá công suất với sự phấn chấn và trong ý thức về trách nhiệm của mình đối với những người đã đến "nhờ cậy" Chương trình. Nếu được "kêu" một tiếng, tôi sẽ nói mong chúng tôi có nhiều tiền hơn để lập quỹ giúp những "nhân vật" rất nghèo, rất thương của Chương trình. Và có nhiều tiền để sản xuất nhiều hơn nữa bởi hiện mọi người trong ekip của chúng tôi đều đang "mỗi người làm việc bằng ba". Giá có nhiều tiền, chúng tôi sẽ xin phép Đài cho thực hiện 2 số/ tháng!

Xin cảm ơn chị!

Mai Hiên (Báo Bưu điện Việt Nam)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *